Tham dự hội thảo, về phía Nhật Bản có sự hiện diện của Ngài Doi Katsuma, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; GS. Shimane Katsumi, Đại học Senshu, Nhật Bản; GS. Ito Tetsuji, Đại học Ibaraki; các cán bộ đến từ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện JICA tại Việt Nam và các giáo sư đến từ Trung tâm quốc tế nghiên cứu Nhật Bản (Nichibunken), Đại học Kyoto, Đại học Ritsumeikan, Đại học Senshu, Đại học Ibarakim Đại học quốc gia Chonnan (Hàn Quốc) và Đại học quốc gia Chengchi (Đài Loan).
Về phía Việt Nam, có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng phụ trách INAS; TS. Ngô Hương Lan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, INAS; TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TS. Phạm Quý Long và PGS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Viện trưởng INAS; TS. Bùi Hải Đăng, Chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Dương Quang Hiệp, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế; TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như, Trưởng khoa Đông Phương học, Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh… cùng sự góp mặt của các cán bộ nghiên cứu của các viện nghiên cứu khối quốc tế trực thuộc Viện Hàn lâm và các học giả nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các trường đại học tại Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Hai năm qua, thế giới đã trải qua một đại dịch nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử đó là đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới. Đến nay về cơ bản đại dịch này đã được kiểm soát nhưng vẫn có nhiều nguy cơ bùng phát trở lại với những biến chủng mới. Tuy nhiên, giờ đây thay vì nỗ lực quét sạch Covid-19, các nước bắt đầu điều chỉnh sang mô hình “sống chung an toàn”, vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường. Hiện nay, cả thế giới đang bắt đầu một trạng thái “bình thường mới” giai đoạn hậu Covid-19.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự. Phó Chủ tịch VASS trân trọng cảm ơn sự ủng hộ, hợp tác của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản và Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản. Đồng thời Phó Chủ tịch VASS cũng đánh giá cao chủ đề hội thảo có ý nghĩa quan trọng, là diễn đàn để các nhà khoa học cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm sống chung với Covid-19 của Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan. Qua đó những bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công của mối nước sẽ được chắt lọc thành những kiến nghị cho Chính phủ các nước trong việc hoạch định, thực thi chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 an toàn và hiệu quả nhất.
|
Trong phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ngài Doi Katsuma trân trọng cảm ơn sự nỗ lực tổ chức hội thảo của hai bên. Nhằm nâng cao sự hiểu biết của các nước về Nhật Bản và thúc đẩy quá trình hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia cũng như đóng góp cho mối quan hệ giao lưu giữa các nước trong khu vực và thế giới, Ngài Doi Katsuma nhấn mạnh, hiện nay Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản đang triển khai hỗ trợ cho nhiều dự án trong 03 lĩnh vực: (1) Giao lưu văn hóa (giảng dạy tiếng Nhật tại nước ngoài); (2) Nghiên cứu Nhật Bản; (3) Đối thoại quốc tế. Qua đó, chủ đề hội thảo có ý nghĩa thiết thực, gắn liền với dự án quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu Nhật Bản.
Thông qua những trao đổi, thảo luận về ảnh hưởng đại dịch Covid-19; ứng phó với đại dịch Covia-19 và triển vọng trong thời gian tới, Ngài Doi Katsuma mong muốn, các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản cũng như các quốc gia khác sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu, tiến hành các hoạt động phối hợp nghiên cứu giữa các quốc gia, lãnh thổ trong ngắn hạn và dài hạn để cùng giải quyết những mối quan tâm chung của khu vực.
|
Hội thảo nhận được 16 tham luận, được chia làm 04 phiên thảo luận. Các diễn giả (GS.TS. Kim Yongui, Đại học Chonnan, Hàn Quốc; GS. Mizobata Satoshi, Đại học Kyoto; GS.TS. Oyane Jun, Đại học Senshu; TS. Phí Hồng Minh, INAS; GS.TS. Fu-Kuo Liu, Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan; PGS.TS. Satoh Kochichiroh, Đại học Senshu, Nhật Bản; GS. Ito Tetsuji, Đại học Ibaraki; TS. Lý Hoàng Mai, Viện Kinh tế Việt Nam, VASS; GS.TS. Hayashi Hiroaki, Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản; TS. Hoàng Văn Cương, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương; TS. Dương Quang Hiệp, Đại học Huế; TS. Phan Cao Nhật Anh, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; GS.TS. Araki Hiroshi, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Quốc tế; TS. Bùi Hải Đăng, Đại học Quốc gia TP.HCM; GS. Shimane Katsumi, Đại học Senshu, Nhật Bản; TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như, Đại học Văn Lang, TP.HCM) đã trình bày các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, trên cơ sở khái quát bối cảnh đại dịch Covid-19, các tác giả đã đi sâu phân tích tình hình sống chung với Covid-19 của các quốc gia và vùng lãnh thổ theo các khía cạnh về nghi lễ Phật giáo; “Đại tái thiết” tại Nhật Bản trong đại dịch Covid-19 xoay quanh hệ thống kinh tế tư bản mới; hướng tới trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh đại dịch Covid-19, góc nhìn từ nghiên cứu trường hợp tái thiết cuộc sống sau thảm họa động đất sóng thần miền Đông; kinh nghiệm ứng phó Covid-19 và tiềm năng hợp tác Nhật- Việt trong ngăn ngừa, kiểm soát các dịch bệnh mới nổi trong tương lai.
Thứ hai, các tác giả phân tích tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng đối với thị trường toàn cầu trong kỷ nguyên Covid-19; việc mở rộng thị trường thương mại điện tử do sự lây lan của đại dịch Covid-19- tập trung nghiên cứu sự phát triển của siêu thị trực tuyến; những vấn đề xã hội dân sự tại Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch Covid-19; thực trạng phản ứng chính sách và triển vọng kinh tế Việt Nam trong đại dịch Covid-19.
Thứ ba, trên cơ sở phân tích các vấn đề về an sinh xã hội, lao động du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc, các diễn giả đã đề xuất giải pháp đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam trước những cú sốc bên ngoài, phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh bình thường mới.
Thứ tư, dựa vào việc phân tích các vấn đề văn hóa, xã hội, hợp tác quốc tế, các diễn giả đã trình bày nghiên cứu văn học cổ điển Nhật Bản trong thời đại sống chung với Covid-19; những bài học từ kinh nghiệm ứng phó với Covid-19 của vùng lãnh thổ Đài Loan; tác động của Covid-19 đến tang lễ của người Nhật: thích ứng đại chúng hóa thơ haiku toàn cầu trong tình hình mới.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Theo đó, trong thời kỳ đại dịch, Nhật Bản có đóng góp tích cực cho y tế toàn cầu đặc biệt là các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống dịch bệnh, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam hết sức kịp thời và có ý nghĩa lớn đối với thành quả chống dịch của Việt Nam. Đây chính là nền tảng hợp tác tiền đề cho sự phối hợp toàn diện và sâu rộng hơn giữa hai nước trong thời gian tới nhằm ứng phó các nguy cơ y tế hậu đại dịch và chuẩn bị tốt hơn cho các dịch bệnh tiềm ẩn trong tương lai.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản, chủ đề hội thảo có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hơn nữa mối giao lưu học thuật, trao đổi và hợp tác khoa học, góp phần củng cố mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang