Tham dự Hội thảo có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Viện Hàn lâm; Ngài Lee Kyoung Dock, Công Sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, TS. Kim Seong Beom, Viện trưởng Viện Văn minh hải dương, Quỹ Asia nhân văn, Gwang-ju, Hàn Quốc; TS. Jeong Miran, Khoa Tiếng Hàn, Đại học Phenika.
Về phía Việt Nam có Ông Dương Chính Chức, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao; Bà Nghiêm Việt Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Trung Quốc- Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương. Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc; Ông Phạm Tiến Vân, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc; Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Về phía VASS, có TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng phụ trách INAS; PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học cùng đại diện Ban Tổ chức- Cán bộ, các viện nghiên cứu chuyên ngành và đông đủ các cán bộ nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc vào ngày 22/12/1992, cho đến nay, hai bên đã ba lần nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21”. Đặc biệt, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc theo lời mời của Tổng thống Yoon Suk Yeol (từ ngày 04 đến ngày 06/12/2022), hai vị nguyên thủ quốc gia đã ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính bước ngoặt, mở ra những cơ hội to lớn đưa quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam – Hàn Quốc sang trang mới, phát triển mạnh mẽ ở tầm cao hơn.
|
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Phó Chủ tịch VASS trân trọng những thành tựu trong quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc trong thời gian qua, cùng với sự quyết tâm xây dựng, vun đắp của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc không ngừng phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: chính trị- ngoại giao; kinh tế- thương mại. Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, trên cơ sở lòng tin chính trị cao, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, sự tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên, tính tương hỗ của hai nền kinh tế chính là “động lực” quan trọng thúc đẩy quan hệ hai quốc gia phát triển một cách thực chất, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
|
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ngài Lee Kyoung Dock, Công Sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự, bày tỏ niềm vui được tham dự hội thảo; trân trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Hàn Quốc trong thời gian qua. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này có ý nghĩa rất quan trọng vào thời điểm thế giới và khu vực đang có nhiều biến động (xung đột thương mại Mỹ- Trung; chiến tranh Nga- Ukranie; khủng hoảng toàn cầu do Covid-19…).
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước trên thế giới, chuyến thăm của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc là dịp quan trọng để đưa mối quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc vượt ra khỏi tầm nhìn hiện tại và tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới cho quan hệ hai nước. Ngài Lee Kyoung Dock cho rằng, đây sẽ thời điểm quan trọng để hai nước tiếp tục hợp tác và phát triển hơn nữa. Theo đó, Hàn Quốc sẽ là đối tác tin cậy của Việt Nam và trong thời gian tới Hàn Quốc sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, tiếp tục mở rộng hợp tác chiến lược với Việt Nam trong các lĩnh vực mới như: an ninh kinh tế, kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, y tế và sinh học. Ngài Công sứ cũng cho rằng, đây là thời điểm hai nước cần hiểu nhau một cách sâu sắc hơn nữa để mối quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc vươn lên tầm cao mới.
|
Trong không khí trang trọng và ấm áp, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học xã hội cho TS. Kim Seong Beom vì đã có nhiều thành tích xuất sắc góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp khoa học xã hội và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Theo đó, TS. Kim Seong Beom đã có những đóng góp to lớn vào việc nâng cao hình ảnh và sức ảnh hưởng của Việt Nam tại Hàn Quốc. Ông là học giả có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu tư tưởng của Việt Nam tại Hàn Quốc.
Ngay sau lễ trao tặng Kỷ niệm chương, Hội thảo đã tiến hành thảo luận các nội dung liên quan đến chủ đề “30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc”. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, thay mặt lãnh đạo INAS, TS. Trần Hoàng Long nhấn mạnh, hội thảo là một kênh đối thoại quan trọng giữa những nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng nhau: trao đổi ý kiến, thảo luận những vấn đề sau:
Thứ nhất, những thành tựu và hạn chế quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc 30 năm qua trên các lĩnh vực: chính trị- ngoại giao, an ninh- quốc phòng, kinh tế (đầu tư trực tiếp, thương mại, ODA)…
Thứ hai, đánh giá những thuận lợi, thách thức, triển vọng quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc trong thời gian tiếp theo.
Thứ ba là đưa ra những kiến nghị cụ thể để thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc phát triển một cách toàn diện, hiệu quả và sâu sắc hơn.
Hội thảo nhận được 02 báo cáo của PGS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Viện trưởng INAS và TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên, INAS đã trình bày nội dung 30 năm quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc trên lĩnh vực chính trị- an ninh; thành quả và những triển vọng trong hợp tác kinh tế.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Những ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự sẽ được tổng hợp và chắt lọc thành Báo cáo kiến nghị nhằm tham mưu và kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc phát triển lên tầm cao mới.
Nguyễn Thu Trang