Hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch bền vững: Bản sắc, nguồn lực – Kinh nghiệm quốc tế và Kiến giải cho Việt Nam”

17:00 12/12/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 12/12/2024, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch và Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Phát triển du lịch bền vững: Bản sắc, nguồn lực - Kinh nghiệm quốc tế và Kiến giải cho Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, quy tụ hơn 100 nhà khoa học, các chuyên gia uy tín đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; các đại biểu là đại diện Hội LHPN Việt Nam; đại diện Hội LHPN một số tỉnh/thành; đại diện Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch một số tỉnh/thành; các Doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế; các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tấn báo chí.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển du lịch bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khai thác hợp lý các giá trị văn hóa đặc trưng, kết hợp với việc sử dụng nguồn lực hiệu quả chính là chìa khóa kiến tạo bản sắc du lịch độc đáo và phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa truyền thống và môi trường tự nhiên mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Bản sắc và nguồn lực du lịch giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch, đồng thời đóng góp vào sự thịnh vượng về kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia. Sự phong phú và độc đáo của tài nguyên tự nhiên, văn hóa và công nghệ không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn duy trì tính bền vững trong quá trình phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc phân hiệu phát biểu chào mừng hội thảo PGS. TS Vũ Tuấn Hưng phát biểu đề dẫn hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng cho biết "Để phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa một cách bền vững, cần phải gắn kết với cộng đồng cư dân địa phương. Khi văn hóa được gắn liền với sinh kế với những hoạt động thường ngày nó mới có sức sống và được bảo tồn một cách tự nhiên. Việc phát triển du lịch phải dựa trên nền tảng văn hóa kết hợp hài hòa với thiên nhiên, sinh kế, tín ngưỡng, và tôn giáo, đồng thời tạo dựng không gian văn hóa sống động. Nếu chỉ xây dựng các khu vực du lịch mới mang yếu tố cổ truyền hoặc di dời các cơ sở văn hóa đến mà không có sự hiện diện của cộng đồng cư dân bản địa - những "chủ nhân" của văn hóa - thì khu du lịch văn hóa đó khó có thể tồn tại bền vững".

Ban Tổ chức Hội thảo quốc tế đã nhận được 142 bài viết từ các nhà khoa học và lựa chọn được 82 bài đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết được chọn đăng kỷ yếu đều bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Hội thảo được tổ chức thành 3 phiên:

Các đại biểu phát biểu, trình bày tham luận

Phiên 1: Những vấn đề lý luận về phát triển du lịch bền vững. Chủ trì và điều hành phiên gồm có PGS. TS Vũ Tuấn Hưng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ; ThS. NCS. Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc phân hiệu; TS. Dương Đức Minh – Viện phó, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch.

Tham luận trình bày và thảo luận tập trung các vấn đề lý luận, phương pháp nghiên cứu và các ứng dụng lý thuyết nghiên cứu bản sắc nguồn lực trong phát triển du lịch bền vững. Những trường phái lý thuyết khác nhau sẽ được sử dụng để kiến giải và làm rõ các khía cạnh liên quan.

Phiên 2: Những vấn đề thực tiễn về phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Chủ trì và điều hành phiên gồm có PGS.TS Vũ Tuấn Hưng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ; PGS.TS Quảng Đại Tuyên – Giám đốc Chương trình Tiến sĩ Du lịch, Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành; Ông John Joshu Coward – Đại Học Simon Fraser. PGS.TS Lâm Nhân – Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh; TS. Dương Đức Minh – Viện phó, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch.

Các tham luận, thảo luận tập trung vấn đề thực tiễn về bản sắc và nguồn lực trong phát triển du lịch bền vững sẽ thảo luận về việc kiến tạo và phát triển bản sắc du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa, bao gồm quá trình hình thành và lan tỏa bản sắc của các địa phương và quốc gia, cũng như các hình thái du lịch dựa trên bản sắc văn hóa đặc thù. Đồng thời, các vấn đề về nguồn lực tự nhiên, văn hóa, con người, công nghệ và pháp lý trong phát triển du lịch bền vững sẽ được phân tích nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch, từ đó hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững cho ngành du lịch.

Phiên 3: Kinh nghiệm quốc tế và kiến giải cho Việt Nam. Chủ trì và điều hành phiên họp 3 gồm có: PGS. TS Lâm Nhân – Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh; NCS.ThS Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Học viện phụ nữ Việt Nam, Giám đốc phân hiệu; TS. Nuno F. Ribeiro – Đại học RMIT. Ông Uch Leang – Giám đốc Nghiên cứu Châu Á, Châu Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia thuộc Viện Hàn lâm Hoàng Gia Campuchia.

Nội dung tập trung thảo luận các bài học kinh nghiệm từ quốc tế về việc tích hợp nguồn lực, phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, liên kết ngành và ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó rút ra những giải pháp thiết thực cho Việt Nam. Ngoài ra hội thảo còn chia sẻ các mô hình kinh tế tuần hoàn và cách quản lý sức chứa du lịch nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Lawson Veronica Janet Lesley, Chương trình Tình nguyện viên Úc - Việt Nam nhấn mạnh rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, cộng đồng và ngành du lịch để duy trì cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Khi có một chiến lược tổng thể và hợp tác hiệu quả, du lịch bền vững mới có thể phát triển mạnh mẽ, đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Theo PGS. John Hutnyk, du lịch bền vững cần đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và văn hóa-xã hội. Vì vậy, khi đề cập đến du lịch di sản, việc đánh giá tính bền vững trở thành yếu tố bắt buộc. Việc bảo tồn di sản, từ các công trình kiến trúc cổ kính đến những giá trị văn hóa phi vật thể, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Các yếu tố như lao động, cơ sở hạ tầng và quy hoạch không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch mà còn tác động sâu sắc đến đời sống của cộng đồng địa phương. Hai nghiên cứu điển hình từ Ấn Độ (Serampore) và Việt Nam (Côn Đảo) cho thấy di sản có thể chuyển thành du lịch với những kết quả khác nhau.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, trao đồi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tập trung bàn, thảo luận về bản sắc, nguồn lực và các mô hình, chiến lươc phát triển du lịch bền vững trên toàn cầu, đồng thời tìm kiếm những giải pháp hiệu quả cho Việt Nam. Phát triển du lịch bền vững không chỉ giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, mà còn khai thác nguồn lực một cách hợp lý, góp phần vào sự phát triển toàn diện của ngành du lịch. Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển du lịch bền vững: Bản sắc, nguồn lực - Kinh nghiệm quốc tế và kiến giải cho Việt Nam” không chỉ là cơ hội để kết nối tri thức và kinh nghiệm, mà còn là bước đi quan trọng đóng góp vào hành trình xây dựng một ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hòa quyện giữa bảo tồn bản sắc văn hóa và khai thác nguồn lực một cách hiệu quả, hướng đến một tương lai thịnh vượng và bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau.

Quang cảnh hội thảo

Qua hơn 9 giờ hội thảo, với 3 phiên, 12 tham luận được chọn trình bày,  với gần 20 ý kiến chia sẻ, câu hỏi thảo luận, đặt vấn đề từ các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, tổ chức hoạt động du lịch trong và ngoài nước, hội thảo đã kết thúc tốt đẹp mở ra sự chia sẻ, kết nối đặc biệt đối với các cơ quan tham gia tổ chức Hội thảo, các cơ quan và cá nhân các chuyên gia liên quan đến du lịch ở các khía cảnh khác nhau. Hội thảo đã chắt lọc được nhiều ý kiến đóng góp hướng đến đến việc phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hoá, ổn định sinh kế tộc người với mục tiêu cuối cùng đó là phát triển du lịch bền vững rất cần quan tâm đến bản sắc, nguồn lực và các định hướng phát triển trong bối cảnh mới của dân tộc khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển năng động, sáng tạo, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.

PV (tổng hợp)

Một số báo đưa tin về Hội thảo:

- Trang Báo Nhân dân: https://nhandan.vn/ban-sac-van-hoa-la-yeu-to-cot-loi-cho-du-lich-phat-trien-ben-vung-post849990.html

- Trang báo Thanh niên: https://thanhnien.vn/nguoi-dan-thieng-lieng-ap-dao-duy-nhat-tphcm-thoat-ngheo-nho-lam-du-lich-185241212140515105.htm

- Báo văn hóa: https://baovanhoa.vn/du-lich/ban-sac-va-nguon-luc-trong-phat-trien-du-lich-ben-vung-115093.html

- Báo Phụ nữ: https://phunuvietnam.vn/chuyen-gia-quoc-te-chia-se-kinh-nghiem-de-phat-trien-du-lich-ben-vung-202412121702598.htm

- Trang tin Thành ủy TPHCM: https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/ban-sac-va-nguon-luc-dong-vai-tro-quan-trong-trong-phat-trien-du-lich-ben-vung-1491931518

 

In trang Chia sẻ

Tin khác