Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Đặng Nguyên Anh và các nhà khoa học, các đại diện lãnh đạo và các nhà nghiên cứu đến từ các Viện chuyên ngành và các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức khoa học tại Hà Nội.
|
|
|
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, trong bài phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự tham gia đông đảo của các đại biểu quốc tế và trong nước, khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo nhằm nghiên cứu, tìm hiểu những chiều cạnh tương đồng về phúc lợi xã hội ở các quốc gia ASEAN, đặt trong bối cảnh hội nhập và kết nối của khu vực này; đồng thời Phó Chủ tịch đánh giá vai trò quan trọng của mạng lưới hợp tác nghiên cứu giữa Đại học Senshu và các trường đại học, viện nghiên cứu tại Đông Á và Đông Nam Á. Tại Hội thảo này, các bài trình bày sử dụng phương pháp phân tích sâu định lượng để bước đầu nhận diện mô hình và các hợp phần phúc lợi xã hội mà các nước ASEAN cần nghiên cứu đề xuất và chung tay xây dựng. Phó Chủ tịch Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh đây chính là một trong những định hướng mà Viện Hàn lâm chú trọng trong nhiều năm qua nhằm kết hợp tốt giữa mục tiêu công bằng xã hội,đảm bảo an sinh xã hội, và an ninh con người, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng thế giới đang chung tay thực hiện.
Hội thảo có 9 bài trình bày, chia thành 3 phiên:
Phiên thứ nhất: Hội nhập khu vực và Phúc lợi xã hội khu vực ASEAN với các diễn giả: GS.TS. Surichai Wun’gaeo và TS. Surangrut Jumnianpol, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan (Các yếu tố quyết định phúc lợi xã hội: Nghiên cứu trường hợp Thái Lan); GS.TS. Iwan Gardono Sudjatmik, Indera Ratna Irawati Pattinasarany, Lidya Triana Aly, Roy Ferdy, Gunawan, Tiara Wahyuningtyas và Rangga Ardan Rahim, Đại học Tổng hợp Indonesia (Phúc lợi và phát triển kinh tế - xã hội ở ASEAN: Phân tích so sánh các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philipin và Việt Nam); PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm (Tăng cường chính sách phúc lợi xã hội để phát triển ở các nước ASEAN). Nội dung các tham luận đã cung cấp bức tranh khá rõ nét về thực trạng tình hình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề phúc lợi xã hội ở khu vực ASEAN.
|
|
|
Phiên thứ hai:Các mô hình phát triển và hội nhập khu vực ASEAN với sự tham gia của các diễn giả gồm GS.TS. Juichi Inada, Đaihọc Senshu, Nhật Bản(Tác động của viện trợ Trung Quốc đến mô hình phát triển: Trường hợp Campuchia và hàm ý cho ASEAN); TS. Lê Kim Sa, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm (Phát triển và Hội nhập ASEAN với sự trỗi dạy của Trung Quốc); TS.Takeko Linuma, Đại học Senshu, Nhật Bản(Hợp tác phát triển CLMV: Hội nhập khu vực và nỗ lực phát triển công bằng) đã tập trung nhận diện và phân tích vai trò đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc và những ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển và hội nhập của các nước ASEAN.
Phiên thứ ba: Biến đổi xã hội ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á có sự tham gia của các diễn giả gồm GS. Shusuke Murakami, Đại học Senshu, Nhật Bản (Thay đổi quan điểm về phát triển của Việt Nam trong xã hội Nhật Bản); GS. Francisia SSE Seda, Đại học Tổng hợp Indonesia (Chính sách xã hội, loại trừ xã hội và phúc lợi xã hội ở Đông Nam Á: Nghiên cứu trường hợp Indonesia); GS. Katsumi Shimane và GS. Masayuki Kanai, Đại học Senshu, Nhật Bản (Thờ cúng tổ tiên và phúc lợi từ đánh giá: So sánh giữa các nước Đông Á và Đông Nam Á). Nội dung các bài trình bàyđã xem xét vấn đề về phúc lợi xã hội từ góc nhìn tâm linh và các hoạt động mang tính văn hóa truyền thống.
Cùng với các bài tham luận được trình bày, Hội thảo được nghe rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận. Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm tới “đồng thuận Bắc Kinh” trong mối quan hệ hợp tác ASEAN – Trung Quốc và khẳng định các nước cần phải xây dựng tầm nhìn xa hơn trong quan hệ hợp tác này, vượt trên lợi ích từng quốc gia nếu muốn có được sự đồng thuận giữa các nước ASEAN về vấn đề Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đưa ra một vài vấn đề để thảo luận như mức độ tự chủ của một quốc gia trong mối quan hệ viện trợ - nhận viện trợ; tái phân phối thu nhập trong khu vực ASEAN cần có những chính sách nào…
|
Sự phân tích và đánh giá của các nhà khoa học đã giúp nhận diện một cách toàn diện hơn về những khó khăn, thách thức của ASEAN trong tiến trình xây dựng mô hình phúc lợi xã hội chung. ASEAN cần chuyển đổi mô hình tiếp cận, xây dựng xã hội theo nguyên tắc lấy “người dân làm trung tâm”, phát triển do con người và vì con người. Phó Chủ tịch Đặng Nguyên Anh khẳng định, để xây dựng được mô hình phúc lợi chung ASEAN, các nhà khoa học ở mỗi nước không thể bỏ qua việc xây dựng bộ chỉ số “social-wellbeing”. Đây là bộ chỉ số cần thiết nhằm lượng hóa được mức độ phát triển phúc lợi xã hội và quá trình phát triển xã hội, có thể áp dụng được cho toàn khối ASEAN.
Hội thảo “Phúc lợi xã hội trong bối cảnh hội nhập khu vực: Khảo cứu mô hình chung ASEAN” đã thành công tốt đẹp. Hội thảo là diễn đàn khoa học hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học chia sẻ những thông tin, tư liệu, những quan điểm, góc nhìn đa chiều về phúc lợi xã hội tại ASEAN trong bối cảnh mới; đồng thời đề xuất những ý tưởng, giải pháp hữu ích cho chương trình hội thảo tiếp theo sẽ được tổ chức tại Yogyakarta, Indonesia vào đầu năm 2018.
Hồng Nhung