Tham dự Hội thảo, về phía Brazil, có: Ngài Marco Brandao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Brazil tại Việt Nam cùng toàn thể các cán bộ Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil; Ông Nguyễn Văn Kiền, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brazil cùng các Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil là Ông Nguyễn Thạc Dĩnh và Nguyễn Văn Huỳnh; Ông Dương Nguyên Tường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brazil; PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Brazil…cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành Viện Hàn lâm.
Hiện nay, nền kinh tế của Brazil đứng thứ 7 trên thế giới và là nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ- La tinh với GDP đạt 2.353 tỷ USD trong năm 2014. Brazil có thị trường nội địa tiềm năng với dân số lớn khoảng 203 triệu người và nguồn tài nguyên phong phú như gỗ, quặng sắt, dầu, nguồn nước để sản xuất nông nghiệp và thủy điện... Ngoài ra, với vị trí địa lý tiếp giáp Đại Tây Dương ở phía Đông, Brazil có những thuận lợi thương mại với hai đối tác lớn là Mỹ và Châu Âu. Những năm gần đây, Brazil đang hướng mạnh đến khu vực Châu Á.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1989 và quan hệ hợp tác toàn diện vào năm 2007, Brazil đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Mỹ La-tinh. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Brazil đã có bước phát triển mạnh mẽ thông qua đối thoại chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương, đặc biệt là trong hoạt động giao thương và hợp tác thương mại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, chủ đề của hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quan hệ Việt Nam – Brazil, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy khó khăn và thách thức, đặt ra yêu cầu về mở rộng, đa dạng hóa cũng như khai thác tiềm năng các thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là việc tiếp cận các thị trường mới. Giáo sư Chủ tịch đánh giá cao thị trường Brazil cũng như tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam – Brazil về thương mại, đầu tư và khoa học công nghệ trên cơ sở tương xứng tiềm năng và lợi thế mỗi bên. Bên cạnh cơ hội và tiềm năng, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn… Do đó, Hội thảo cần đặt ra và làm rõ những khó khăn, thách thức, cùng nhau đưa ra những sáng kiến, từ đó có những hành động thực tiễn và giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Việt Nam – Brazil lên tầm cao mới.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Lạng và Ngài Marco Brandao nhấn mạnh, quan hệ hai nước đã có bước tiến dài trong vòng 26 năm qua, trong đó quan hệ về kinh tế, ngoại giao, văn hóa - xã hội, chính trị đã đạt đến mức độ cao… Ngài Marco Brandao cho rằng, hai bên cần có nhiều cuộc đối thoại không chỉ giữa Chính phủ mà còn có doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, hướng tới phát triển toàn diện quan hệ giữa hai nước.
Hội thảo chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào hai nội dung chính như sau:
Phiên 1: Các diễn giả (PGS.TS. Cù Chí Lợi, Ông Nguyễn Thạc Dĩnh và Ông Joãn Ernesto Christófolo, Trưởng bộ phận chính trị, Đại sứ quán Brazil) trình bày bức tranh tổng quan về quan hệ Việt Nam – Brazil; nhấn mạnh ưu tiên hợp tác Nam – Nam (*) trong chính sách đối ngoại của Brazil, đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư trở thành nguyên tắc định hướng trong chính sách ngoại giao kinh tế và quan hệ với Việt Nam. Các tham luận đều đánh giá chung về tiềm năng và triển vọng quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Brazil, đồng thời gợi ý những cơ chế và giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư hai nước, đó là: (1) Cần xây dựng Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai quốc gia; (2) Thiết lập các cơ chế thương mại và đầu tư (liên minh cà phê, liên minh nông sản…), phối hợp phát triển các mặt hàng cùng có lợi thế ở hai nước; (3) Gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư… thúc đẩy xây dựng các ngân hàng và cơ chế thanh toán thuận lợi giữa hai bên; (4) Mở rộng ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân và doanh nghiệp hai nước, góp phần hỗ trợ cho việc phát triển quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – Brazil…
Phiên 2: Dựa vào phân tích những điểm tương đồng giữa Việt Nam – Brazil như: Dân số đông; Tầng lớp trung lưu tăng; Nền nông nghiệp có tính cạnh tranh; Khí hậu nhiệt đới… các diễn giả đã tập trung trình bày những cơ hội trong quan hệ kinh tế và hợp tác thương mại Brazil – Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Brazil; Hoạt động doanh nghiệp Brazil tại Việt Nam; Đề xuất một số hướng hợp tác ngành cà phê Việt Nam – Brazil, đó là: (1) Xây dựng Hiệp định hoặc Nghị định thư về Hợp tác phát triển ngành cà phê của Việt Nam – Brazil; (2) Tổ chức thường xuyên, định kỳ các hoạt động cho ngành cà phê; (3) Đảm bảo giá xuất khẩu cà phê của mối nước; (4) Quảng bá hình ảnh Cà phê của hai quốc gia… (Diễn giả Cláudia Ishitani Christófolo, Trưởng Bộ phận Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Brazil; Ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ, Bộ Công Thương; Ông Maurício Alves, Lãnh sự danh dự Brazil tại Tp. Hồ Chí Minh, Sáng lập viên công ty Gema Architecture & Interior Design và TS. Nguyễn Văn Lạng).
Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích cho các học giả và doanh nghiệp hai nước chia sẻ nhận thức chung và hiểu biết sâu sắc hơn về đặc điểm, tình hình, lợi thế và tiềm năng của mỗi bên nhằm tìm kiếm cơ hội và giải pháp hợp tác thương mại của hai quốc gia, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác Việt Nam- Brazil trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang
Chú thích:
(*) Hợp tác Nam-Nam về mặt lịch sử đó là một thuật ngữ được dùng bởi các học giả và các nhà hoạch định chính sách để mô tả việc trao đổi tài nguyên, kỹ thuật và tri thức giữa các nước đang phát triển, được biết đến là các nước ở nam bán cầu.