Hội thảo quốc tế “Tăng cường sự tham gia xã hội trong chăm sóc người cao tuổi: Đối thoại chính sách & trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các cộng đồng địa phương ở Việt Nam, Nhật Bản và Vương quốc Anh”

17:00 03/05/2018
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ hoạt động của đề tài, nhằm phân tích và chia sẻ các bài học kinh nghiệm về hệ thống chính sách, phúc lợi xã hội, và thực tiễn chăm sóc người cao tuổi ở cấp gia đình, cộng đồng từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, người hoạt động thực tiễn về người cao tuổi thuộc các nền kinh tế, văn hóa xã hội như Nhật Bản, Vương quốc Anh và Việt Nam, cũng như chia sẻ kết quả nghiên cứu so sánh về chăm sóc người cao tuổi giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong hai ngày từ 2 - 3/5/2018, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Tăng cường sự tham gia xã hội trong chăm sóc người cao tuổi: Đối thoại chính sách & trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các cộng đồng địa phương ở Việt Nam, Nhật Bản và Vương quốc Anh”.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới; Bà Michiru Sasagawa, đại diện quỹ Toyota Foudation; GS.TS. Hugh McLaughlin, Đại học Manchester Metropolitan, Vương quốc Anh; đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, tổ chức JICA (cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tại Việt Nam; đại diện các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước cùng các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực gia đình và giới ở Việt Nam, các nhà khoa học đến từ Đại học Manchester Metropolitan (Vương quốc Anh), Đại học Kumamoto Gakuen, Đại học Kyoto Sangyo (Nhật Bản).

Trải qua những giai đoạn phát triển và cải cách khác nhau, mức độ già hóa dân số khác nhau, Nhật Bản, Việt Nam và Vương quốc Anh có nhiều tương đồng cũng như đặc thù trong mô hình chăm sóc người cao tuổi (NCT).

Xã hội Nhật Bản xây dựng chương trình bảo hiểm suốt đời trong chăm sóc NCT với nỗ lực có sự tham gia cân bằng giữa gia đình, cộng đồng và thị trường nhằm cung cấp các gói chăm sóc đa dạng cho nhóm dân số này. Ở Việt Nam, cộng đồng vẫn giữ vai trò quan trọng trong chăm sóc tinh thần cho NCT. Đồng thời, với cấu trúc gia đình truyền thống chịu ảnh hưởng của Nho giáo-đạo hiếu, hoạt động chăm sóc NCT hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu liên quan đến vai trò của gia đình. Việt Nam cũng đang nỗ lực trong xây dựng và hoàn thiện khung thế chế và dịch vụ chăm sóc NCT trên cơ sở sự phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể và tư nhân. Ở Anh, tốc độ già hóa nhanh và dân số cao tuổi chiếm 21% dân số vào năm 2016. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng và chi phí liên quan đến chăm sóc người cao tuổi đã trở thành động lực quan trọng nhất cho việc thay đổi nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc ở Anh hiện đại. Số liệu thống kê đã nhấn mạnh rằng sự phức tạp ngày càng tăng của nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi từ góc nhìn dài hạn và tình trạng sức khỏe yếu đi của nhóm này là động lực chính cho nhu cầu chăm sóc xã hội cho người già.

Trong bối cảnh già hóa dân số tăng nhanh và nhiều vấn đề chính sách, xã hội đang đặt ra trong chăm sóc NCT, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới triển khai đề tài "Tăng cường sự tham gia của xã hội vào việc chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh chuyển đổi cấu trúc kinh tế và gia đình ở Châu Á: chính sách và đối thoại thực tiễn giữa các cộng đồng địa phương ở Việt Nam và Nhật Bản", thời gian 2016 – 2018 với sự tài trợ của Quỹ Toyota, Nhật Bản, do TS. Trần Thị Minh Thi là chủ nhiệm.

Chủ trì phiên khai mạc (từ trái sang phải)<br>GS. TS. Hugh McLaughlin, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và Bà Michiru Sasagawa   <br><br>PGS.TS. Trần Thị Minh Thi trình bày tham luận tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo các đại biểu tham dự; đồng thời khẳng định, chăm sóc NCT là chủ đề nhận được sự quan tâm ngày càng cao cả về phương diện lý thuyết và thực tiễn, nhất là trong bối cảnh nảy sinh ở các xã hội Châu Á hiện nay như vấn đề di cư, áp lực công việc, xu hướng cá nhân hóa và biến đổi cấu trúc chức năng gia đình đang đặt ra những thách thức trong mối quan hệ chăm sóc và đạo hiếu truyền thống. Bên cạnh đó vấn đề già hóa dân số với tỷ lệ nhanh cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam nói riêng và các nước nói chung về hệ thống chăm sóc và an sinh xã hội cũng như các lĩnh vực khác (kinh tế, lao động, cơ sở hạ tầng, chính sách, quan hệ gia đình, đời sống tinh thần...).

Trước những biến đổi về kinh tế, xã hội, văn hóa, đổi mới và hội nhập quốc tế, nhiều câu hỏi nghiên cứu khoa học và thực tiễn đặt ra như: sự thích nghi, tự thay đổi, hội nhập với quá trình hiện đại hóa và nền kinh tế thị trường của NCT; sự chuyển đổi vai trò của từng chủ thể trong chăm sóc hiện nay; những yếu tố thể chế và cấu trúc cần đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Theo đó, GS Chủ tịch nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết nối các kết quả nghiên cứu khoa học với quá trình quản lý và xây dựng chính sách, nhằm đảm bảo các chính sách xã hội nói chung và chính sách đối với NCT nói riêng được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học, đảm bảo sự phù hợp và xác thực; mong muốn các nhà khoa học tích cực lắng nghe, trao đổi, bình luận từ các nhà quản lý nhiều kinh nghiệm thực tế từ trung ương đến địa phương để kiểm chứng tin cậy các kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách bám sát thực tiễn. Qua đó GS Chủ tịch bày tỏ hi vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác từ cộng đồng các nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạch định chính sách nhằm phát triển hơn nữa các nghiên cứu lý luận và thực tiễn về NCT trong thời gian tới. 

    Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được 16 báo cáo, được chia làm 03 phiên thảo luận của các diễn giả tập trung phân tích từ nhiều góc độ lý thuyết và hướng áp dụng các mô hình chăm sóc NCT trong bối cảnh già hóa dân số; cơ hội và thách thức từ việc già hóa dân số ở Việt Nam và những vấn đề chính sách được (vai trò bảo hiểm y tế) đặt ra để thích ứng với tốc độ già hóa dân số cao và đặc điểm văn hóa – xã hội Việt Nam khi cộng đồng vẫn giữ vai trò quan trọng trong chăm sóc tinh thần cho NCT. Một số tham luận cũng chỉ ra những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện khung thể chế và dịch vụ chăm sóc NCT trên cơ sở sự phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể và tư nhân.

Các tham luận tại Hội thảo cũng đề cập đến thực trạng và đề xuất một số giải pháp cải tiến các hoạt động chăm sóc NCT do công ty tư nhân được thực hiện ở Việt Nam (so sánh và học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản); một số mô hình chăm sóc NCT ở nông thôn Việt Nam (thực hiện từ câu lạc bộ chăm sóc NCT ở lại khi con cái đi làm ăn xa và vai trò của chính quyền địa phương tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh); tiếp cận an sinh xã hội của NCT ở khu vực nông thôn.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích nhằm tạo cầu nối, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn giữa các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và xây dựng chính sách, các nhà hoạt động, thực hành xã hội trong lĩnh vực chăm sóc NCT trong và ngoài nước. Thông qua hội thảo, những kết quả nghiên cứu cũng như quá trình hoạch định chính sách và thực hành xã hội liên quan đến chăm sóc NCT sẽ được gắn kết chặt chẽ, góp phần đưa thành quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống, đóng góp hơn nữa vào quá trình xây dựng phát triển xã hội ở Việt Nam trong tương lai.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác