Hội thảo quốc tế: “Vai trò và chức năng của nhà nước trong các mô hình kinh tế thị trường: một số hàm ý về cải cách khung khổ thể chế cho Việt Nam”

12:00 07/03/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 06 tháng 3 năm 2013, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Kondrad Adenauer Stiftung (KAS) Cộng hòa Liên bang Đức đồng chủ trì tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Vai trò và chức năng của nhà nước trong các mô hình kinh tế thị trường: một số hàm ý về cải cách khung khổ thể chế cho Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo, về phía quốc tế có các đại biểu đến từ Cộng hòa Liên bang Đức; các đại sứ quán: Singapor, Malaysia… và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, như: UNDP, IMF… Về phía Việt Nam có GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học của các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên đến từ các Bộ, Ngành, viện nghiên cứu và các trường đại học tại Hà Nội.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và bà Rabea Brauer, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS tại Hà Nội đã phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo.

Trong phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường Nhà nước có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thông qua xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường hoạt động hiệu quả, hình thành nền tảng vật chất chung cho phát triển như cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, bên cạnh đó tăng cường vai trò điều tiết thị trường nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường như ổn định vĩ mô, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống độc quyền… Tuy nhiên, mức độ can thiệp của Nhà nước đối với các chức năng trên không giống nhau giữa các mô hình kinh tế thị trường. Nếu như mô hình thị trường tự do hướng tới “nhà nước tối thiểu” như Hoa Kỳ, Anh, Ôxtrâylia, thì mô hình thị trường xã hội lại nhấn mạnh chức năng công bằng xã hội như Đức và các nước Bắc Âu, trong khi đó mô hình nhà nước phát triển tiêu biểu là Pháp và Nhật Bản tăng cường vai trò can thiệp trực tiếp của nhà nước trong phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, khoa học và hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược.

Là một nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cùng một lúc phải thực hiện hai chức năng trong vai trò của Nhà nước; xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, đồng thời tăng cường điều tiết, khắc phục các khuyết tật của thị trường. Sau hơn hai thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã thực hiện những cải cách thể chế tích cực theo hướng giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế và gia tăng vai trò của nhà nước trong việc xây dựng khung khổ pháp lý cho các thị trường nhân tố sản xuất, điều tiết thị trường thông qua các quy định về tăng cường cạnh tranh, chống độc quyền, bảo hộ sở hữu trí tuệ và đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên những cải cách trên là chưa đủ, hiện vẫn còn nhiều tồn tại cần phải tiếp tục giải quyết như thể chế thị trường chưa đồng bộ, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả, việc thực thi pháp luật về cạnh tranh và bảo hộ sở hữu trí tuệ còn yếu, thiếu thể chế liên kết vùng hiệu quả trong bối cảnh gia tăng phân cấp cho địa phương… 

Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất: “Vai trò và chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường – các mô hình và kinh nghiệm quốc tế: Những gợi ý cho Việt Nam” do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng chủ tọa. Phiên thứ hai: “Chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam và sự thay đổi vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế” do GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và GS.TS. Raph Michael Wrobel, Đại học West Saxon, Cộng hòa Liên bang Đức, đồng chủ tọa.

Trong tham luận của mình, GS.TS. Raph Michael Wrobel đưa ra 3 mô hình cơ bản của nền kinh tế thị trường được thỏa mãn: Nhà nước phúc lợi, kinh tế thị trường xã hội và kinh tế thị trường tự do. Trong mô hình nền kinh tế thị trường xã hội, nhà nước vừa là người bảo vệ, vừa là trọng tài trong quá trình cạnh tranh. Do đó, một nền kinh tế thị trường xã hội tạo lập các quy tắc và quy định đầy đủ cho cạnh tranh kinh tế, đồng thời không bỏ qua các khía cạnh xã hội của cuộc sống.

Việt Nam đặc trưng bởi sự phát triển kinh tế nhanh chóng song vẫn là một nước mới nổi, đòi hỏi phải tập trung vào cải cách khuôn khổ thể chế sang mô hình của một nền kinh tế thị trường toàn diện để tăng trưởng và phát triển bền vững. Mô hình nền kinh tế thị trường xã hội dường như là lợi thế nhất cho Việt Nam khi xác định các quy tắc của trò chơi kinh tế trong khi nhà nước cần hạn chế việc tự mình chơi các trò chơi mà nên đóng vai trò là “trọng tài” trong quá trình cạnh tranh. GS.TS. Raph Michael Wrobel cũng khuyến cáo, thị trường của Việt Nam và cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân cần phải cải thiện. Bên cạnh đó, cần xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm, khuyến khích các hoạt động đầu tư vào khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Hơn hết, Việt Nam phải cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội cũng như hệ thống giáo dục, nhờ đó, Việt Nam có thể đạt được thứ hạng cao hơn và sớm trở thành một quốc gia công nghiệp.

Theo PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): kinh tế Việt Nam đang trong thời điểm chuyển đổi cùng lúc bốn quá trình song hành. Đó là, một: chuyển từ kinh tế chậm phát triển sang phát triển, nội dung chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khi so với các nước, Việt Nam là một nước nghèo và cận nghèo; nằm trong số rất ít nước có dân số lớn hơn 20 triệu người, có mức phát triển thấp. Hai: chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, nội dung chính là cải cách thể chế kinh tế; trong lúc hầu hết các nước trước kia cũng là kế hoạch hóa tập trung nhưng đã phát triển hơn và chuyển sang kinh tế thị trường. Ba: chuyển từ kinh tế mở sang mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Nội dung chính mở cửa hội nhập, trong lúc thế giới đã trở nên “phẳng” hơn trước đây rất nhiều. Bốn: chuyển từ nền kinh tế và cung cách quản lý kinh tế và xã hội từ thời chiến sang thời bình. Sau thế kỷ 20, ít có trường hợp nào chịu ảnh hưởng của chiến tranh với mức độ khốc liệt kéo dài như Việt Nam.

PGS.TS. Bùi Tất Thắng nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế là hiển nhiên. Nhưng trong bối cảnh của một nền kinh tế chuyển đổi, ngoài chức năng cung ứng cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo và dẫn dắt quá trình chuyển đổi. Điều quan trọng là tập trung tạo “vốn xã hội”, tức là kết hợp giữa các chủ thể cho phát triển và tổ chức khu vực kinh tế nhà nước, trước hết là các tập đoàn nhà nước, ngoài chức năng kinh tế - xã hội thông thường, còn có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy quá trình chuyển sang kinh tế thị trường chứ không phải chủ yếu “giữ lại” tính chất phi thị trường để điều tiết thị trường bằng những cách thức phi thị trường.Vai trò của nhà nước trong việc quản lý nền kinh tế đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay cần được định hình trong khung khổ chung như vậy.

Phát biểu tham luận, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chỉ rõ trong mô hình kinh tế nào thì Nhà nước vẫn phải xuất hiện và có vai trò quan trọng, mức độ và nội dung quyền lực của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường phải được thể hiện để Nhà nước đủ sức điều tiết kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp tự do hoạt động. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Như Phát nhấn mạnh Nhà nước – chủ nhân của quyền lực công, không phải là người đi tìm lợi nhuận mà là người làm chính sách đảm bảo cho thị trường vận hành và phát triển bền vững. Nhà nước phải đảm bảo tự do cạnh tranh, kiểm soát độc quyền và tác động vào những hoạt động mang tính dịch vụ, như xây dựng cơ chế, chính sách, phân phối và phân phối lại, phúc lợi xã hội, công bằng xã hội… PGS.TS. Nguyễn Như Phát đặc biệt lưu ý về vai trò tối cao của hiến pháp, đảm bảo chất lượng của pháp luật theo hướng nhất quán, công khai, tin cậy và dự đoán được, công bằng xã hội và hàm ý cho Việt Nam về kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.

Theo TS. Lê Đăng Doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phát triển và tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay đã trở nên không bền vững về mặt kinh tế. Về mặt sinh thái, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tiếp tục nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn không bền vững. Môi trường thiên nhiên bị tàn phá, tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các làng nghề đã trở nên trầm trọng. Thêm vào đó, nạn tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội, làn sóng văn hóa ngoại lai... đang tạo nên những bất lợi trong quá trình tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Đổi mới tư duy và cải cách thể chế đã trở thành nút thắt quan trọng cần phải vượt qua trong giai đoạn khó khăn hiện nay... Đặc trưng của mô hình tăng trưởng hiện nay là tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào đầu tư, khai thác tài nguyên theo hướng công nghiệp hóa đối với tất cả 63 tỉnh thành phố mà không tính đến điều kiện cụ thể của từng địa phương, tỉnh nào cũng đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng một nền kinh tế có đủ bến cảng, sân bay, khu công nghiệp... Không chỉ có vậy, phân cấp quản lý và quan hệ giữa trung ương - địa phương ở Việt Nam hiện đang có tình trạng thiếu sự phối hợp, thiếu tính thống nhất của một nền kinh tế quốc dân trong một chỉnh thể. Do đó, trong điều kiện chưa thể thay đổi tư duy kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải cách thể chế sâu rộng thì cần tăng cường các liên kết vùng để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải suốt thời gian, đồng thời, tận dụng các sân bay, bến cảng, khu công nghiệp hiện có để kết nối, đưa ra một chuỗi cung ứng dịch vụ đa dạng.

TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị: để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần từ bỏ cách đề ra chỉ tiêu tăng trưởng hiện nay mà chuyển sang một tập hợp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó, đề cao các chỉ tiêu về hiệu quả như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên.

Tham luận của TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đề cập tới liên kết vùng tại Việt Nam và một số gợi ý từ kinh nghiệm quốc tế. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy để hỗ trợ cho liên kết vùng có một số công cụ, thể chế hiệu quả như quy hoạch phát triển vùng (thể chế mềm), các thể chế hành chính (thể chế cứng) như mô hình phân quyền với Hội đồng vùng do dân cử hoặc mô hình tản quyền với chính quyền đại diện cho Chính phủ trung ương. Ngoài hai công cụ chủ yếu này còn có một số hình thức khác như thành lập hiệp hội với sự tham gia của các địa phương (Hiệp hội quy hoạch ở Đức), hay mô hình liên kết xã giải quyết các vấn đề trong phạm vi liên kết xã của Pháp.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định: Hội thảo “Vai trò và chức năng của nhà nước trong các mô hình kinh tế thị trường: một số hàm ý về cải cách khung khổ thể chế cho Việt Nam” thực sự có ý nghĩa khi các tham luận được trình bày đã tập trung vào phân tích vai trò của Nhà nước trong các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế chuyển đổi, cải cách thể chế nhằm tăng trưởng bền vững và tạo lập thể chế liên kết vùng trong bối cảnh tăng cường phân cấp Trung ương – địa phương.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp với hàng chục ý kiến phát biểu tranh luận, thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự./.

                                                                                                                                                                                         Nguyễn Vũ

 

In trang Chia sẻ

Tin khác