Hội thảo quốc tế “Việt Nam- Liên bang Nga: Quá khứ- Hiện tại- Tương lai”

16:00 24/04/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong không khí hào hùng, thiêng liêng của hai dân tộc kỷ niệm những ngày lễ lớn: 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của Việt Nam (30/4/1975-30/4/2025) và 80 năm ngày Chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên bang Nga (09/5/1945-09/5/2025); Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga (30/01/1950-30/01/2025), ngày 24/4/2025, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS) phối hợp với Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam- Liên bang Nga: Quá khứ- Hiện tại- Tương lai” nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hai nước 75 năm qua; đồng thời đề xuất các bài học và giải pháp phát triển quan hệ song phương hai nước. Hội thảo được vinh dự đón tiếp Ngài Gennadiy Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam.
Ngài Gennadiy Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga; Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục văn thư và lưu trữ, Bộ Nội vụ; PGS.TS. Đỗ Hương Lan, Viện trưởng Viện Chính sách và quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm cùng đại biểu của các bộ, ban, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam.

Về phía đại biểu Nga có sự hiện diện của GS.TS. Andrey Margolin, Phó Giám đốc RANEPA; Ông Vyacheslav Kharinov, Tham tán thương mại Liên Bang Nga tại Việt Nam; Ngài I.A. Jenin, Giám đốc Trường Nghiên cứu Nhân văn Đương đại, Viện Khoa học xã hội, RANEPA; TS. Andrey Kuznetsov, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Nga- Việt; TS. Roman Konchakov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử và Ngữ văn, RANEPA; TS. Evegeny Kanaey, Phó Vụ trưởng nghiên cứu khu vực nước ngoài, Khoa Kinh tế Thế giới và Chính trị Thế giới, Trường Kinh tế Cao cấp; PGS.TS. Nina Grigorieva và TS. Ekaterina Starikova, Khoa Nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á và Nam Á, Viện Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi; PGS.TS. Maxim Shunnerberg, Viện Nghiên cứu Á – Phi, Đại Học Tổng Hợp Moscow; GS. TS. Alexander Sokolovsky, Khoa Châu Á - Thái Bình Dương, Viện Phương Đông, Trường Nghiên cứu Khu vực và quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông cùng đại diện các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học Liên Bang Nga.

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Trên hành trình đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, Liên Xô là quốc gia đầu tiên chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 30 tháng 1 năm 1950. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Xô đối với nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam về độc lập, tự do và chủ quyền. Liên Xô đã ra sức giúp đỡ Việt Nam về vật chất, kỹ thuật, đào tạo nhân lực, đồng thời tích cực hỗ trợ Việt Nam trên bình diện ngoại giao quốc tế. Sự đồng hành của Liên Xô đã góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Trải qua hơn bảy thập kỷ, quan hệ Việt Nam - Liên Xô và sau này là quan hệ Việt Nam - Liên Bang Nga đã không ngừng được vun đắp và phát triển, từ quan hệ đồng minh trong đấu tranh cách mạng tới quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trên nền tảng tin cậy chính trị, tình hữu nghị chân thành, ủng hộ lẫn nhau, 02 quốc gia không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tới kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, các hoạt động giao lưu nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố tình hữu nghị giữa hai nước, đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Hai bên duy trì các cơ chế đối thoại chiến lược thường niên, thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Gần đây nhất, trong chuyến thăm lần thứ năm tới Việt Nam của Tổng thống Nga V. Putin (năm 2024), hai nước đã thông qua Tuyên bố chung và ký kết 11 văn kiện hợp tác giữa Chinh phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước; chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Liên bang Nga vào tháng 9/2024; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan vào tháng 10/2024. Đây là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo hai nước trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước cũng luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, Đối thoại ASEAN- Nga và trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á- Âu (EAEU).

GS.TS. Andrey Margolin, Phó Giám đốc RANEPA, phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đã nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Chủ tịch nhấn mạnh sự trân trọng đối với mối quan hệ ngoại giao truyền thống, hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam - Liên bang Nga. Chủ tịch cho biết, hai quốc gia tiếp tục duy trì hợp tác chiến lược hiệu quả trên tất cả các mặt, bao gồm chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với cả Việt Nam và Liên bang Nga, Chủ tịch Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi sâu vào thực chất có ý nghĩa đặc biệt cấp thiết, nhằm đáp ứng với yêu cầu mới của thời đại. Bên cạnh đó, những nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo cần trình bày có trọng tâm, tập trung phân tích và làm rõ những cơ hội và thách thức đặt ra đối với hai quốc gia trong phát triển, kinh nghiệm hợp tác của Liên bang Nga đối với tiến trình phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Qua đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennadiy Bezdetko đã đánh giá cao thành tựu trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Liên Bang Nga trong thời gian qua. Qua đó mong muốn hai bên sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ, đề xuất vấn đề hợp tác chung về nghiên cứu khoa học giữa các viện nghiên cứu, trường đại học của hai nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, cơ hội phát triển của mỗi nước. Đại sứ Gennadiy Bezdetko bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đối với VASS và RANEPA đã tổ chức hội thảo có ý nghĩa thiết thực, cùng với đó là những trao đổi tại Phiên bàn tròn, các chuyên gia, nhà khoa học hai nước cùng nhìn nhận sự biến đổi của thế giới để từ đó đưa ra những dự báo, khuyến nghị kịp thời cho những thách thức đang diễn ra trên toàn cầu. Theo đó, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ VASS và RANEPA trong quá trình triển khai nội dung hợp tác khoa học trong thời gian tới.

Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, phát biểu tại Hội thảo

Trong phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc RANEPA, GS. TS. Andrey Margolin bày tỏ niềm tin sâu sắc vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam- Liên bang Nga cũng như tiềm năng hợp tác giữa VASS và RANEPA. Ông Andrey Margolin đánh giá cao vị trí, vai trò của VASS là cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu tại Việt Nam. Qua đó, hội thảo hôm nay chính là sự khởi đầu tốt đẹp, góp phần đưa ra những kiến nghị có giá trị thực tiễn cao; đồng thời mở ra những triển vọng hợp tác khoa học giữa hai bên trong thời gian tới. Trên cơ sở sự tương đồng quan điểm về những vấn đề đang diễn ra trên toàn cầu, các chuyên gia, nhà khoa học VASS và RANEPA sẽ tìm ra những cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực mới, đặc biệt là về giáo dục, đào tạo. RANEPA sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ VASS trong việc tìm kiếm định hướng hợp tác khoa học, góp phần tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Ngài Vyacheslav Kharinov, Tham tán Thương mại Liên bang Nga phát biểu tại Hội thảo

Đại diện đại biểu hai nước phát biểu chào mừng Hội thảo, Thiếu tướng Đặng Hồng Triển và ông Vyacheslav Kharinov nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực ASEAN, là cầu nối hợp tác kinh tế, thương mại quan trọng của khu vực. Đồng thời đánh giá cao chủ đề hội thảo sẽ góp phần giúp các nhà quản lý, hoạch định chiến lược, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ cùng nhau thảo luận nội dung khoa học cần thiết để đưa ra giải pháp thúc đẩy cơ hội, tiềm năng phát triển hai nước thông qua việc gia tăng tiếp cận thị trường, tiềm năng hợp tác về ngành công nghiệp ô tô, y tế, dược phẩm và năng lượng. Trong đó hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khoa học xã hội sẽ là chìa khóa để mở ra những cơ hội mới cho cả hai bên.

Chủ trì Phiên toàn thể (từ trái sang phải): Ông Vyacheslav Kharinov, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Ngài Andrey Margolin và TS. Phí Vĩnh Tường

Hội thảo có sự tham gia của hơn 120 đại biểu, bao gồm 90 đại biểu Việt Nam và 30 đại biểu quốc tế, bao gồm Phiên khai mạc, Phiên toàn thể và 02 Phiên chuyên đề cùng với một Phiên bàn tròn đặc biệt. Theo đó, Phiên toàn thể tập trung vào chủ đề “Quan hệ Việt Nam- Liên Bang Nga trong bối cảnh các thách thức địa chính trị”. Qua đó tạo điều kiện cho các nhà quản lý và học giả hai nước trao đổi ý kiến về bối cảnh địa chính trị toàn cầu và khu vực, quan hệ hợp tác song phương, định hướng phát triển quan hệ hai nước, các rủi ro và thách thức, đề xuất các biện pháp ứng phó, đề xuất hướng nghiên cứu nhằm thu hút đầu tư doanh nghiệp của Nga cũng như giải quyết những rào cản trong quan hệ hai nước.

Toàn cảnh Phiên toàn thể

Phiên thứ nhất Hội thảo có chủ đề “Cơ hội hợp tác Việt- Nga trong thời đại số”, các diễn giả cùng các chuyên gia, nhà khoa học đi sâu thảo luận các cơ hội hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực của thời đại số như kinh tế số, y tế, nông nghiệp, vận tải, năng lượng và môi trường. Bàn luận về triển vọng hợp tác Việt- Nga trong phát triển kinh tế số, các diễn giả cho rằng, hai nước có nhiều điều kiện bổ trợ để thúc đẩy hợp tác số, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược về chuyển đổi số; tăng cường kết nối doanh nghiệp, học thuật và nhà nước trong hệ sinh thái số và cần có dự án tiên phong và cơ chế đột phá; hợp tác phát triển chuỗi giá trị công nghệ khu vực.

Toàn cảnh Phiên thứ nhất

Phiên thứ hai mang tên “Quan hệ Việt- Nga theo quan điểm lịch sử”, các chuyên gia, nhà khoa học phân tích tiến trình lịch sử quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa, các thành tựu và bài học kinh nghiệm. Nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam- Liên bang Nga trong thời gian tới, các diễn giả cần thống nhất về mặt nhận thức trong các tầng lớp nhân dân hai nước về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, xây dựng lòng tin chiến lược; thúc đẩy các cơ chế mới nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống; mở rộng hợp tác về kinh tế số, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…Bên cạnh đó cần đẩy mạnh giao lưu văn hoá, giao lưu nhân dân; cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Nga, hợp tác giữa các trường Đại học.

Toàn cảnh Phiên thứ hai

Phiên bàn tròn đặc biệt với chủ đề “Thực hành bảo tàng và nghề thủ công truyền thống trong đời sống đương đại tại Việt Nam và Liên Bang Nga” sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm nghề thủ công truyền thống của một số dân tộc Việt Nam.

Đại sứ Gennadiy Bezdetko, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch VASS, Ông Andrey Margolin Phó Giám đốc RANEPA cùng các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam- Liên bang Nga chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Phát biểu bế mạc, Ngài I.A. Jenin, Giám đốc Trường Nghiên cứu Nhân văn Đương đại, Viện Khoa học xã hội, RANEPA và TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch VASS đánh giá cao các báo cáo của các chuyên gia, học giả hai nước cùng với phần trao đổi, thảo luận có giá trị tại mỗi phiên. Theo đó Ngài I.A.Jenin và TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh rằng, Nga và các thành viên BRICS, Việt Nam và các quốc gia ASEAN có vai trò quan trọng cùng hướng tới một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng hơn, phát triển toàn diện và bền vững. Bên cạnh đó, những thành tựu quan hệ hợp tác truyền thống Việt Nam và Liên Xô là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam- Liên bang Nga ngày nay. Qua đó, thành công của hội thảo là minh chứng rõ nét cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, những thông tin trao đổi tại Hội thảo góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mà còn đưa ra những gợi ý quan trọng cho việc hoạch định chính sách đối ngoại, chiến lược hợp tác song phương trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp.

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh nhằm tổng kết chặng đường 75 năm phát triển quan hệ Việt- Nga. Các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn của hai nước cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp góp phần phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vươn lên tầm cao mới.

Ngài I.A. Jenin, Giám đốc Trường Nghiên cứu Nhân văn Đương đại, Viện Khoa học xã hội, RANEPA phát biểu bế mạc tại Hội thảo
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu bế mạc tại Hội thảo

Kết quả Hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc thành Báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền của hai nước, góp phần cung cấp luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn trong khai thác tiềm năng, dư địa hợp tác mới trên các mặt, các lĩnh vực, đóng góp vào sự ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới./.

Một số cơ quan báo chí cùng đưa tin về Hội thảo:

1. Kết nối tri thức và tình hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga

https://baochinhphu.vn/ket-noi-tri-thuc-va-tinh-huu-nghi-viet-nam-lien-bang-nga-102250424140653702.htm?gidzl=PyjF4XoKGIvZr4OH7Oz48M_OIXiBZqWZUT4S6W6BI2LxqazE2TeQSN2354u3sHD-ADGM5pDARZO87vHEBm

2. Bảo đảm tính liên tục và hiệu quả cho quan hệ song phương Việt Nam - Liên bang Nga

https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/bao-dam-tinh-lien-tuc-va-hieu-qua-cho-quan-he-song-phuong-viet-nam-lien-bang-nga/59772.html

3. Duy trì, phát triển các mối quan hệ, hợp tác trong cộng đồng khoa học Việt Nam-Liên bang Nga

https://nhandan.vn/duy-tri-phat-trien-cac-moi-quan-he-hop-tac-trong-cong-dong-khoa-hoc-viet-nam-lien-bang-nga-post874945.html?gidzl=f4wgDSEcZXAWKQCsmhsB7QrLfZ_LlziVkrUbE8YvsXZg0_y_Z-FL7Rm9_stViuP6w5siPpXMsHmJmAQ14

4. Hội thảo quốc tế "Việt Nam và Liên bang Nga: Quá khứ - hiện tại - tương lai"

https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/hoi-thao-quoc-te-viet-nam-va-lien-bang-nga-qua-khu-hien-tai-tuong-lai-825439

5. Thời sự Hà Nội 15h ngày 24/04/2025

https://www.youtube.com/watch?v=EUnX9hGm6Ug

Tác Giả: Nguyễn Thu Trang; Ảnh: Minh Hồng

In trang Chia sẻ

Tin khác