Hội thảo “Tác động của mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của ASEAN – Kinh nghiệm cho Việt Nam trong tham gia xây dựng Cộng đồng”

17:00 24/12/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 24/12/2014, tại Hội trường tầng 8, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Tác động của mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của ASEAN – Kinh nghiệm cho Việt Nam trong tham gia xây dựng Cộng đồng”, tham dự Hội thảo có PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KX.02/11-15. PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và PGS.TS. Trần Đức Cường đồng chủ trì Hội thảo.

PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KX.02/11-15 và PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Chủ nhiệm Đề tài cấp Nhà nước KX.02.13/11-15  đồng chủ trì Hội thảo

 

Hội thảo là một trong nhiều hoạt động của Đề tài cấp Nhà nước KX.02.13/11-15 do PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - làm chủ nhiệm. Mục tiêu của Hội thảo là, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu - xem xét đánh giá tác động của mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của ASEAN và rút ra những kỉnh nghiệm cần thiết cho Việt Nam trong việc tham gia cộng đồng ASEAN nói chung, Cộng đồng văn hóa xã hội nói riêng.

Nghiên cứu phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở các nước ASEAN là một nội dung rộng lớn, phức tạp, nhất là trong bối cảnh mới của quốc tế, khu vực và các quốc gia đang biến đổi nhanh chóng và đầy bất ngờ.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng cho biết, Ban tổ chức đã nhận được 11 tham luận (05 báo cáo được chọn trình bày tại Hội thảo). Về cơ bản, cách tiếp cận và luận giải của các tác giả tập trung vào ba hướng chính: (1) Bàn luận về các vấn đề chung của phát triển và quản lý phát triển xã hội của một số nước ASEAN hướng tới việc tham gia xây dựng cộng đồng. (2) Tiếp tục đi sâu xem xét một số nội dung cụ thể về các vấn đề trên của một số nước: Thái Lan, Indonesia, Philipin, Malaisia (đi vào một vấn đề rất cụ thể góp phần vào giải quyết các vấn đề xã hội - đó là tiền từ thiện), Cămpuchia (vấn đề xóa đói giảm nghèo) và Việt Nam (an sinh xã hội). (3) Từ kết quả nghiên cứu việc thực hiện phát triển xã hội và quản lý xã hội của một số nước ASEAN, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong lĩnh vực này và gợi ý tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung, Cộng đồng văn hóa xã hội nói riêng.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Hội thảo được nghe các tham luận: “Những tương đồng trong nhận thức và hành động chiến lược của một số nước ASEAN về phát triển và quản lý phát triển xã hội” do PGS.TSKH. Trần Khánh trình bày. Báo cáo nêu lên những nét tương đồng của một số nước ASEAN với Việt Nam trong nhận thức, cách tiếp cận; trong hoạch định và thực thi chính sách; trong hệ thống tổ chức điều hành, giám sát và quản lý xã hội.

Báo cáo “Mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của Indonesia trong quá trình hướng đến Cộng đồng ASEAN và bài học kinh nghiệm” (tác giả Nguyễn Văn Hà), nêu lên bối cảnh phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Indonesia; mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của Indonesia trong quá trình hướng tới Cộng đồng ASEAN và nêu lên một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Báo cáo “Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tiến trình hướng tới Cộng đồng ASEAN: trường hợp của Philippines” (TS. Nguyễn Huy Hoàng), phân tích mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Philippines, tác động của mô hình phát triển xã hội đối với các vấn đề xã hội chủ yếu; qua đó nêu lên một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Báo cáo “Zakat và đóng góp vào phát triển xã hội ở Malaysia” (TS. Lê Thị Thanh Hương), cho biết các loại hình zakat (zakat: tiền từ thiện); thu, quản lý và phân bổ zakat ở Malaysia.

Báo cáo “An sinh trong chính sách phát triển xã hội của Việt Nam” (TS. Lê Phương Hòa), phân tích những vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội cho những người yếu thế, bảo trợ xã hội, chính sách lao động & việc làm, qua đó nêu lên một số nhận định về hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.

PGS.TS. Trần Đức Cường phát biểu kết luận Hội thảo, khẳng định: Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề:

- Phân tích rõ hơn mô hình và tác động của mô hình phát triển và quản lý phát triển xã hội ở ASEAN cả ở khía cạnh tích cực, hạn chế hiện nay và trong thời gian tới.

- Chỉ rõ những thách thức đặt ra trong bối cảnh mới đối với phát triển và quản lý phát triển xã hội ở ASEAN trong tiến trình hiện thực hóa cộng đồng, khi cộng đồng ra đời và phát triển.

- Phân tích những kinh nghiệm từ các nước ASEAN về phát triển và quản lý phát triển xã hội mà Việt Nam có thể tham khảo để tham gia xây dựng cộng đồng.

Mặc dù bàn luận về kinh nghiệm cho Việt Nam khi tham gia cộng đồng còn khá khiêm tốn, song những kết quả nghiên cứu từ thực tế của một số nước Đông Nam Á đã gợi mở nhiều ý tưởng và cách thức để Việt Namhiểu rõ và lựa chọn hội nhập có hiệu quả vào Cộng đồng ASEAN nói chung, Cộng đồng văn hóa xã hội nói riêng vào năm 2015- thời điểm sẽ hiện thực hóa cộng đồng quan trọng này./.

Nguyễn Vũ

In trang Chia sẻ

Tin khác