Hội thảo tăng trưởng xanh lần thứ 6 “Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tiểu vùng sông Mê Kông: cách tiếp cận lồng ghép để đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và quản lý nguồn nước”

17:00 23/10/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 19 tháng 10 năm 2017, tại thành phố Xiêm Riệp, Vương quốc Campuchia, đã diễn ra Hội thảo Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tiểu vùng sông Mê Kông: cách tiếp cận lồng ghép để đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và quản lý nguồn nước. Đây là lần thứ 6 hội thảo nâng cao năng lực về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS), Viện KHXH Quốc gia Lào (LASS) và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI) tổ chức.

Tham dự hội thảo có hơn 100 các nhà khoa học của ba Viện Hàn lâm ba nước, lãnh đạo và các nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu môi trường Hàn Quốc (KEI) cùng các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu Việt Nam, Lào, Campuchia. Đoàn của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam gồm có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện; đại diện lãnh đạo một số viện chuyên ngành, các ban chức năng và một số chuyên gia khoa học của Viện Hàn lâm.

Trong phiên khai mạc, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS. Soukkongseng Saingaleuth, Ủy viên BCH Trung ương Đảng NDCM Lào, Chủ tịch Viện KHXH Quốc gia Lào; Viện sĩ, TS. Sok Touch, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; TS. Hoon Chang, Viện Môi trường Hàn Quốc đã có các bài phát biểu khai mạc, chào mừng và đề dẫn Hội thảo.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm đọc bài phát biểu tại Hội thảo  

Trong phát biểu của mình, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh, các vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và quản lý hiệu quả nguồn nước trong Hội thảo lần này chính là các thách thức an ninh phi truyền thống, có tầm quan trọng đặc biệt đối với 3 quốc gia Campuchia, Lào và Việt Nam - các quốc gia đang chia sẻ cùng nguồn nước của dòng sông Mê Kông. GS. cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước, tích cực thực hiện các cam kết với quốc tế về SDG 2030, trong đó có cam kết Đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡngquản lý hiệu quả nguồn nước - hai trong các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra cho giai đoạn 2015-2030 (cụ thể là các mục tiêu SDG số 2, SDG số 6 và SDG số 12 trong 17 mục tiêu SDG 2030); đồng thời, đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Luật Tài nguyên nước (2012) và Chiến lược quốc gia về Tài nguyên nước (2006); không ngừng đẩy mạnh chất lượng hoạt động quản lý nguồn nước thông qua các tổ chức như Uỷ ban sông Mê Kông và các cơ quan các cấp Trung ương và địa phương ở Việt Nam. Tuy nhiên, GS. Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh rằng, việc giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, giảm nghèo gắn với quản lý bền vững nguồn nước đòi hỏi phải có những nỗ lực hợp tác ở mức độ cao cấp khu vực và phải được dựa trên nền tảng sự tin cậy và quyết tâm chính trị cao trong hợp tác giữa Campuchia, Lào và Việt Nam. Cụ thể, ba nước phải cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm tốt, các mô hình quản lý nước gắn với an ninh lương thực bền vững, các mô hình sinh kế và thoát nghèo bền vững, cải thiện dinh dưỡng cho con người cũng như xây dựng thể chế quản trị tốt và thiết lập các cơ chế hợp tác hiệu quả trong khu vực.

  Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã nghe 11 tham luận và các ý kiến trao đổi ở 4 phiên: 1) Cách tiếp cận lồng ghép để thực hiện kế hoạch phát triển bền vững 2030 do GS. Cae-One Kim (nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế, Khoa học xã hội và Nhân văn Hàn Quốc) chủ trì với các diễn giả: TS. Sang In Kang (KEI), TS. Taeyoon Kim (Đại học Tổng hợp Seoul); 2) Hướng tới an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng từ nông nghiệp bền vững do TS. Check Sotha (Viện Khoa học và Công nghệ Campuchia) chủ trì với 03 diễn giả: TS. Lampheuy Kaensombath (LASS), TS. Mark Soeun (Đại học Hoàng gia Campuchia về Nông nghiệp và Môi trường), TS. Nguyễn Trung Kiên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam); 3) Cách tiếp cận lồng ghép để quản lý nguồn nước ở khu vực tiểu vùng Mê Kông do PGS.TS. Đặng Nguyên Anh (VASS) chủ trì với các diễn giả: TS. Iep Keovongsa (LASS), Ông Mao Hak (Bộ Nguồn nước và Khí tượng học, Campuchia), TS. Nguyễn Bình Giang (VASS); 4) Cách tiếp cận lồng ghép để đạt dược an ninh lương thực và quản lý nguồn nước – trường hợp của CHDCND Lào do PGS. TS. Somchith Souksavath (LASS) chủ trì với các diễn giả TS. Myeong-Cheol Cho (Dự án nông nghiệp quốc tế của Hàn Quốc tại Lào), TS. Chanseng Phongpachith (Viện Nghiên cứu nông lâm nghiệp quốc gia Lào) và TS. Phetmanyseng Xangsayasane (Viện Nghiên cứu nông lâm nghiệp quốc gia Lào). Các diễn giả và các đại biểu đã thảo luận sâu những vấn đề thực tiễn và sáng kiến của các quốc gia nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực.

Đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn Chủ tịch tại Hội thảo  

Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã điểm lại các kết quả thu được qua Hội thảo lần thứ 6, cụ thể là: (i) Nhận diện các cơ hội và thách thức, các hạn chế và nguyên nhân của hạn chế của quản lý bền vững nguồn nước và đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng cho người dân trong sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh phát triển mới của quốc tế và khu vực; (ii) Chia sẻ các chính sách tốt, kinh nghiệm tốt đã mang lại thành công của các nước, chia sẻ các kinh nghiệm tốt, các mô hình tốt và thành công trong các lĩnh vực này; (iii) Đề xuất giải pháp chính sách và các kiến nghị cụ thể để có thể góp phần giải quyết được các điểm nghẽn và hạn chế, vượt qua được các thách thức hiện nay; (iv) Gợi mở các ý tưởng nhằm hướng tới một thể chế quản trị chung về nguồn nước một cách công bằng, hiệu quả trong khu vực. GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn khẳng định kết quả của Hội thảo đã góp phần cho việc nâng cao năng lực và nhận thức của các bên liên quan và người dân, cũng như góp phần định hướng cho việc nghiên cứu và hoạch định chính sách của từng nước và sự phối hợp đồng bộ của 3 nước nhằm thực hiện thành công các mục tiêu SDG nói chung và quản lý bền vững nguồn nước, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng cho người dân ở cả ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam nói riêng. GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn chúc mừng Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đã tổ chức thành công Hội thảo VASS-LASS-RAC-KEI lần thứ 6, cám ơn Vương quốc Campuchia và tỉnh Xiêm Riệp đã tạo mọi điều kiện để Hội thảo được diễn ra trong  điều kiện thuận lợi nhất, cám ơn sự tham gia tích cực, thái độ nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học đã thể hiện trong Hội thảo. GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn khẳng định đây là những cơ sở quan trọng nhằm tạo nên sự thông hiểu, chia sẻ giữa các nhà khoa học, đánh dấu một mốc quan trọng trong hợp tác nghiên cứu giữa 3 Viện Hàn lâm.

Thay mặt Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cơ quan chủ trì Hội thảo tăng trưởng xanh lần thứ 7 sẽ tổ chức ở Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn đã tuyên bố Hội thảo tăng trưởng xanh lần thứ 7 sẽ thảo luận về chủ đề An ninh năng lượng và an ninh nguồn nước tại tiểu vùng sông Mê Kông được tổ chức vào tháng 9/2018 tại thành phố biển bên vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. GS. cũng bày tỏ mong muốn các nhà khoa học 3 nước sẽ tham gia tích cực, tiếp tục phát huy tinh thần khoa học nghiêm túc, thể hiện sự thẳng thắn, cởi mở, tin cậy và cộng đồng trách nhiệm đối với sự phát triển của từng nước và khu vực trong hội thảo tăng trưởng xanh lần thứ 7 năm 2018.

Bên lề của Hội thảo VASS-LASS-RAC-KEI lần thứ 6, Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã có cuộc làm việc song phương với Lãnh đạo Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia. Hai bên đã nhất trí tăng cường giao lưu và hợp tác nghiên cứu, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển và tình hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa hai nước./.

PV

In trang Chia sẻ

Tin khác