Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học mà Chi đoàn thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong đoàn viên, thanh niên; đồng thời, tạo môi trường giao lưu khoa học mang tính học thuật cao để các đoàn viên, thanh niên – những nhà nghiên cứu trẻ của Viện Triết học có cơ hội thông báo, trình bày và trao đổi những kết quả nghiên cứu mới của mình trong một năm qua.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ThS. Vũ Thị Thu Hằng – Bí thư Chi đoàn cho biết: Về mặt nội dung, Ban tổ chức Hội thảo đã tiến hành rà soát các bài viết gửi về cho các đoàn viên đọc chéo và phản biện lẫn nhau. Nội dung phản biện cũng được in ngay trong kỷ yếu nhằm tạo ra môi trường tranh luận công khai, góp phần nâng cao chất lượng của mỗi báo cáo. Bên cạnh đó, công tác tổ chức của Hội thảo năm nay cũng được chú trọng hơn vào số lượng chủ tọa, phiên làm việc, thư ký… để các đoàn viên trong Chi đoàn có cơ hội tập dượt các kỹ năng tổ chức, tham gia và điều hành hội thảo.
Theo sát với chủ đề Hội thảo, 17 báo cáo nhận được là những bài viết gắn liền với những nghiên cứu thuộc đề tài cấp cơ sở được thực hiện năm 2014 theo các chuyên đề độc lập hoặc là các nghiên cứu từ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đang thực hiện của cán bộ trẻ thuộc Chi đoàn. Các phiên làm việc tại Hội thảo được chia thành 4 nhóm nội dung cụ thể như sau:
Phiên thứ nhất: Những vấn đề triết học phương Đông (do ThS. Vũ Thị Thu Hằng và ThS Nguyễn Thị Hảo đồng chủ trì) có 4 tham luận được trình bày: (1). Một số vấn đề về dân chủ trong quan điểm của Mahatma Gandhi (TS. Nguyễn Thị Phương Mai); (2). Tư tưởng của Tôn Trung Sơn về quyền tự do và bình đẳng (ThS. Trịnh Thị Hằng); (3). Phong trào khai hóa và tư tưởng khai hóa của Yu Gil Jun (1856-1914) (ThS. Đào Vũ Vũ); (4). Quan niệm của vua Minh Mệnh (1791-1841) về phương Tây (ThS. Phan Thị Thu Hằng).
Phiên thứ hai: Những vấn đề triết học Việt Nam: Lịch sử và hiện đại (do TS. Nguyễn Thị Phương Mai và ThS. Nguyễn Văn Huấn đồng chủ trì) có 4 tham luận được trình bày: (1). Bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVI và những vấn đề đặt ra đối với trí thức nho học đương thời (ThS. Vũ Thị Thảo); (2). Vai trò của giáo dục gia đình đối với việc giáo dục đạo đức con người ở Việt Nam hiện nay (ThS. Nguyễn Thị Vân Anh); (3). Phương hướng và giải pháp cho giáo dục đạo đức ở Việt Nam hiện nay (ThS. Trần Thị Tuyết); (4). Một số vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển (ThS. Nguyễn Thị Hảo).
|
|
|
Đại biểu và Chi đoàn Viện Triết học chụp ảnh lưu niệm
tại Hội thảo |
|
ThS. Trần Thị Tuyết trình bày tham luận tại Hội thảo |
Phiên thứ ba: Những vấn đề triết học phương Tây (do ThS. Trần Thị Tuyết và ThS. Lê Thúy Hạnh đồng chủ trì) có 4 tham luận được trình bày: (1). Tiền đề tư tưởng cho sự ra đời quan niệm của John Dewey về dân chủ trong giáo dục (Hoàng Thị Thúy An); (2). Vấn đề khai sáng và quan điểm triết học về lịch sử: trường hợp Kant và Foucault (ThS. Ngô Hương Giang); (3). Quan niệm về con người trong Kinh Thánh (ThS. Hoàng Thị Mỹ Quỳnh); (4). Quan điểm Công giáo về giá trị làm người của phôi thai (ThS. Nguyễn Hồng Đức).
Phiên thứ tư: Những vấn đề triết học Chính trị - Xã hội (do ThS. Phan Thị Thu Hằng và ThS. Ngô Hương Giang đồng chủ trì) có 4 tham luận được trình bày: (1). Một số vấn đề về con người trong thời đại kinh tế tri thức (ThS. Nguyễn Tuấn Anh); (2). Một số tác động cơ bản của xã hội dân sự đối với việc thực hiện quyền con người (ThS. Vũ Thị Thu Hằng); (3). Quan niệm của C.Mác về xã hội công dân (qua việc khảo cứu một số tác phẩm tiêu biểu) (ThS. Nguyễn Văn Huấn); (4). Khái niệm bản sắc văn hóa và sự khủng hoảng bản sắc văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa (ThS. Lê Thúy Hạnh).
Sau mỗi phiên làm việc là phần thảo luận của toàn thể Hội thảo đối với các báo cáo được trình bày, nhiều câu hỏi và trao đổi thẳng thắn đã được các báo cáo viên tiếp nhận trả lời với tinh thần cầu thị, học hỏi.
Đánh giá chất lượng học thuật của Hội thảo, nhiều đại diện đoàn viên, đến từ các chi đoàn cơ sở khác như chi đoàn Viện Sử học, Chi đoàn Viện Nghiên cứu Hán Nôm… đã dành nhiều trao đổi và khen ngợi đối với hình thức tổ chức và chất lượng của các báo cáo. Qua đó, nhiều ý kiến cũng đã gợi ra các hình thức kết nối nhằm mở rộng cơ hội hợp tác và nghiên cứu cho đoàn viên, thanh niên Viện Triết học với các chi đoàn bạn trong thời gian tới.
Phạm Vĩnh Hà