![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01694.jpg) |
GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo |
Hội thảo vinh dự được đón tiếp GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đến dự và chỉ đạo Hội thảo; đồng chí Phạm Văn Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Công đoàn viên chức Việt Nam; TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, chủ nhiệm nhiệm vụ cùng sự có mặt của nhiều đại biểu đến từ các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; các tổ chức chính trị xã hội như Công Đoàn, Đoàn TN thuộc Viện Hàn lâm và một số đại biểu đến từ Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, giáo sư Đặng Nguyên Anh đã nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong việc thay đổi hành vi, thói quen dùng sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống con người và những tác hại nghiêm trọng của nó đối với môi trường. Ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon gây ra chính là thảm họa do chính con người tự gây nên cho chính bản thân mình, cho đồng loại và giờ đây đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần. Có nghĩa rằng, trong hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm quá nửa trong số đó chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác tiện ích trong ít phút như cốc nhựa, ống hút, túi ni lông…Sau đó, những thứ này bị vứt ra môi trường và trở thành những thứ đồ nhựa vô dụng. Nó tồn tại trong môi trường tự nhiên và trở nên vô cùng nguy hại.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01816.jpg) |
TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, chủ nhiệm nhiệm vụ phát biểu khai mạc Hội thảo |
Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn. Giáo sư, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm hy vọng với những vấn đề thời sự cần nhiều kiến giải như vậy, Hội thảo sẽ là diễn đàn học thuật quan trọng để các nhà khoa học cùng nhau trao đổi, tìm ra những giải pháp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hiểm họa khôn lường của rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu sống xanh, sạch, đẹp và bảo vệ môi trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn cho biết: Trong 4 năm gần đây, Viện Địa lí nhân văn đã được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao thực hiện nhiệm vụ: “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về bảo vệ môi trường”. Đây là nhiệm vụ môi trường cấp Bộ, kinh phí từ nguồn Sự nghiệp bảo vệ môi trường.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01758.jpg) |
ThS. Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên môi trường – Bộ Tài Nguyên Môi trường trình bày tham luận tại Hội thảo |
Dựa theo những vấn đề môi trường đang bức xúc, mỗi năm Viện Địa lí nhân văn đã lựa chọn 01 chủ đề về bảo vệ môi trường để thực hiện các hoạt động tuyên truyền. Chủ đề năm 2020 được lựa chọn là Vấn đề chất thải nhựa. Ngoài mặt khẳng định: Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. TS. Nguyễn Song Tùng cũng cho biết: Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất.
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01779.jpg) |
TS. Phạm Thị Trầm, Viện Địa lý Nhân văn trình bày tham luận tại Hội thảo |
Thống kê của Bộ TN&MT cũng cho thấy, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7 - 8%, chỉ tính riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi ni lông của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".Vì vậy, đã đến lúc cần phải thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người.
Thông qua 3 tham luận được trình bày về những vấn đề cụ thể như: (1). Thực hiện phòng chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ phát động (ThS. Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên môi trường – Bộ TNMT); (2). Kinh nghiệm và mô hình quản lý chất thải nhựa trên thế giới (TS. Phạm Thị Trầm, Viện Địa lý Nhân văn); (3). Giải pháp giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa (TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý Nhân văn) các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận sâu vào những vấn đề liên quan.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01782.jpg) |
TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý Nhân văn trình bày tham luận tại Hội thảo |
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính đã có hơn 100 triệu động vật biển đã chết do rác thải nhựa; đã có hơn 260 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải rác thải nhựa, thậm chí những sinh vật to lớn như cá voi. (trường hợp chú cá voi mõm khoằm Cuvier khi chết đã dạt vào bờ biển Philippines với hơn 40 kg rác thải nhựa trong bụng) đã cho thấy mức độ nguy hại của rác thải nhựa đến với tự nhiên, sức khỏe của con người đang ngày càng trở lên nghiêm trọng.
Ô nhiễm nguồn nước và đất do các loại hóa chất, chất lỏng cũng là một trong những nguy cơ rất cần được khuyến cáo: Khi rác thải nhựa phân hủy, chúng sẽ đi vào cơ thể của các loài sinh vật gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người; Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ luỵ khác cho sức khoẻ con người… ví dụ như chất Bisphenol-A (BPA) là một hoá chất nhân tạo được dùng trong sản xuất các sản phẩm làm bằng chất dẻo polycarbonate như hộp đựng thức ăn, bình sữa trẻ em, đồ chơi,… Theo Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học và Cơ quan Quốc tế nghiên cứu về ung thư cho thấy, BPA là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao, ngoài ra BPA còn có tác động làm não chậm phát triển, gây rối loạn nội tiết, vô sinh…
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01698.jpg) |
Toàn cảnh Hội thảo |
Hiện nay trên thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Chất thải nhựa ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, chất dinh dưỡng, ngăn cản ooxxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng… Bên cạnh đó, chất thải nhựa đã đổ ra đại dương còn là nguyên nhân gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động vật, thực vật biển, ước tính đã có khoảng 1,5 triệu động vật biển chết vì ngộ độc chất thải nhựa mỗi năm.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, tại Việt Nam, hàng tháng mỗi gia đình có thể sử dụng đến 1kg túi nion; Từ năm 1990-2015 lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam tăng từ 3,8kg lên tới 41kg/người/năm; Mỗi năm Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường…Có thể thấy những thông tin tổng quan về tính chất của chất thải nhựa, những ảnh hưởng của nó đến môi trường và sức khỏe con người, kinh nghiệm và mô hình quản lý chất thải nhựa của một số nước trên thế giới đặc biệt đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa đã cho thấy vai trò quan trọng của các nghiên cứu khoa học có liên quan nhất là đối với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam là một cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành về khoa học xã hội, có vai trò quan trọng trong đề xuất, tư vấn chính sách, với lực lượng đông đảo là người lao động có trình độ, việc nhận thức đầy đủ về giảm thiểu sử dụng nhựa đặc biệt các sản phẩm nhựa dùng một lần để tiếp tục lan tỏa những những giá trị nhằm thay đổi hành vi bảo vệ môi trường là rất quan trọng.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01749.jpg) |
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Phát biểu bế mạc, TS. Nguyễn Song Tùng đã đánh giá cao các tham luận và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo và cho rằng các tham luận tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản nhất về rác thải nhựa trên thế giới và Việt Nam. Từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, hạn chế xả thải chất thải nhựa ra môi trường. TS. Phó Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn tin rằng với những thông tin từ Hội thảo, các cán bộ của Viện Hàn lâm sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực hành động hơn trong việc bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng sống.
Phạm Vĩnh Hà