![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/đáp%205.7.2024-1.png)
Tham dự có đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác môi trường các cơ quan, đơn vị huyện Cát hải: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, Trung tâm văn hóa thông tin huyện Cát Hải, đại diện các Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, công chức Địa chính - Xây dựng Môi trường, các Trưởng thôn, cơ quan, trường học, các khu dân cư và nhân dân địa phương.
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức
Tại Hội nghị, các đại biểu được báo cáo viên đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt nam, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giới thiệu tổng quan các văn bản quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chỉ đạo thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn (CTRTN); nhiệm vụ, lộ trình thực hiện; hướng dẫn lỹ thuật phân loại CTRTN, cùng các quy trình xử lý rác thải và mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đang triển khai tại Hải Phòng. Các đại biểu cùng tham gia thảo luận, thông tin, giải đáp những vướng mắc qua thực tế tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đối với các Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
Giới thiệu về những quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), TS. Nguyễn Đình Đáp cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 6 điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của luật quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng phân loại CTRTN bắt đầu từ ngày 01/01/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.
Chia sẻ tại buổi Hội nghị, Ths. Đào Thu Huyền - Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT thành phố Hải Phòng) cho biết, ngay sau khi Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành năm 2022, Sở TN&MT đã phối hợp cùng các địa phương và đơn vị liên quan triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn thục hiện phân loại CTRTN; đồng thời triển khai thực hiện mô hình điểm phân loại CTRTN ở 57 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Sau phân loại, trung bình hàng ngày có từ 70 đến 100 tấn chất thải hữu cơ trên địa bàn các quân, huyện được thu gom, vận chuyển, xử lý.
![Ths. Đào Thu Huyền chia sẻ tại Hội nghị - Tập huấn](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/đáp%205.7.2024-2.png)
Chia sẻ kinh nghiệm trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, Ths. Đào Thu Huyền nhấn mạnh: với niềm tin phân loại rác tại nguồn là tốt, là điều cần làm, phải làm thì chắc chắn phân loại rác tại nguồn sẽ thành công, đặc biệt phải kiên trì và nếu không phân loại tại nguồn thì bị từ chối tiếp nhận. Hải Phòng cũng ưu tiên ở vùng tập trung hữu cơ cao, tập trung đầu tư thực hiện vào “mô hình điểm” (chính quyền, người dân quan tâm…); phổ biến cho chính quyền, tổ dân phố, người dân thấy hiệu quả rõ rõ rệt của phân loại rác tại nguồn tại các mô hình điểm. Đưa cán bộ các phường, xã, các đại diện tổ dân phố tham quan nhà máy phân mùn compost để cảm nhận được ý nghĩa, giá trị của phân loại rác tại nguồn…
Hải Phòng đã vừa làm, vừa tìm tòi ra cách làm hay, làm hiệu quả hơn, tài liệu tuyên truyền (trực quan, dễ hiểu….); phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt (bí thư, tổ dân phố, phụ nữ...) nên đã thực hiện khá tốt và hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Đây cũng là mô hình điểm, nhiều kinh nghiệm phong phú đối với các tỉnh, thành có đặc điểm tương tự khi triển khai thu gom, xử lý, phân loại rác tại nguồn.
Tăng cường năng lực, đồng bộ các giải pháp quản lý chất thải sinh hoạt tại Cát Hải
Trong khuôn khổ các hoạt động Nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2024 tại Cát Hải, đoàn công tác của Viện Địa lý nhân văn đã tiến hành khảo sát một số mô hình, làm việc với với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn của huyện Cát Hải về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Theo báo cáo của huyện Cát Hải, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện trung bình 90 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại đảo Cát Hải được thu gom, vận chuyển về xử lý tại bãi rác Đình Vũ. Rác thải phát sinh tại các xã khu vực đảo Cát Bà được thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi rác Áng Chà Chà (tại xã Trân Châu), bãi rác được xây dựng theo phương pháp xử lý bán hiếu khí Fukuoka - Nhật Bản... Chất thải rắn phát sinh tại xã Việt Hải được thu gom, vận chuyển và xử lý bằng hình thức chôn lấp tại bãi rác của xã.
Huyện Cát Hải đã xây dựng các mô hình hay, sáng tạo và bước đầu đã có những hiệu quả nhất định, điển hình như: Mô hình “Trường học không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phát động; mô hình “Biến rác thành tiền” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động; mô hình “Xã đảo không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần” tại xã Việt Hải do Phòng TN&MT phối hợp với UBND xã Việt Hải phát động; mô hình “Chợ Cát Bà nói không với túi ni lông khó phân hủy” do Ban Quản lý chợ Cát Bà phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai; mô hình “Ngôi nhà xanh hạn chế rác thải nhựa” do Ban Thường vụ Huyện đoàn - Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Cát Hải thực hiện…
Tuy nhiên, công tác quản ý chất thải sinh hoạt tại Cát Hải cũng còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn huyện đạt thấp. Đoàn giám sát đề nghị huyện tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông, tuyên truyền, để người dân hiểu rõ lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn. Phấn đấu trong năm 2024, ít nhất 60% số xã, thị trấn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bảo đảm đến hết năm 2024, 100% số hộ gia đình trên địa bàn huyện thực hiện.
Các đơn vị nêu ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay; khó khăn về thiết bị, hạ tầng cơ sở, các điểm tập kết cũng như nguồn kinh phí bố trí cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đi vào thực tiễn.
TS. Nguyễn Đình Đáp
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam