Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu khai mạc hội thảo. Đến tham dự hội thảo còn có nhiều đồng chí đang và nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành, và trên 1.000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hội thảo quốc tế Việt Nam học được tổ chức định kỳ 4 năm một lần, là diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam trên toàn thế giới. Tại đây, các nhà khoa học gặp gỡ và chia sẻ những kết quả nghiên cứu, phát hiện khoa học mới và các tư liệu quý về Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử, luật pháp đến quan hệ quốc tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cùng các nhà tài trợ tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư với chủ đề thiết thực, ý nghĩa đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay. Việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là một nội dung quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây là dịp để các nhà khoa học nói chung và Chính phủ Việt Nam nói riêng chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm phát triển, các tri thức mới về một đất nước Việt Nam không ngừng phát triển dựa trên thế và lực mới, góp phần làm cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa nổi tiếng, có khả năng chinh phục những đỉnh cao của khoa học, mà còn là một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thấy được sự lớn mạnh của mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới.
Thủ tướng đã khái quát về những thành tựu nổi bật, to lớn với ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đạt được sau hơn 25 năm đổi mới, đồng thời nêu rõ cơ hội, chủ trương và biện pháp chủ yếu để Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình thực hiện chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng tin tưởng, với sự tham dự đông đảo của các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách hội thảo sẽ góp phần nâng cao nhận thức, đề xuất những giải pháp và chính sách cụ thể thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững cho Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học quốc tế tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học Việt Nam xây dựng, phát triển bền vững ngành Việt Nam học trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành Việt Nam học cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa các nước vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng sự nỗ lực to lớn của nhân dân, sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, các lĩnh vực xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, cùng với thời gian, đã và đang xuất hiện những nhân tố không bền vững, cả khách quan và chủ quan, trong nước và quốc tế, gây tác động làm bất ổn vĩ mô, cản trở, thậm chí đe dọa tiến trình phát triển đi lên của Việt Nam. Bởi vậy, Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư này thực sự là cơ hội giúp các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam học cũng như các lĩnh vực khác nhận diện đúng những nhân tố không bền vững, phân tích làm rõ nguyên nhân và tác động của chúng tới nền kinh tế - xã hội Việt Nam, từ đó đưa ra các hướng giải pháp phù hợp.
Giáo sư Chủ tịch Viện nhận định, Việt Nam hiện đang tiến vào một giai đoạn phát triển then chốt với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng phát triển theo chiều sâu, bảo vệ và cải thiện môi trường đồng thời mở rộng dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội, vừa tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đó, những bài học lịch sử của Việt Nam cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới có ý nghĩa gợi mở rất quý báu. Hội thảo là cơ hội để các học giả trong nước và quốc tế chia sẻ những tư liệu lịch sử mới tìm thấy, những tìm tòi phát hiện mới trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đánh giá tác động của các thành tựu mới về khoa học và công nghệ, cùng nhau tìm ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả để đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng kinh tế, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường, tụt hậu về phát triển… Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư này sẽ phát huy tối đa thế mạnh của ngành Việt Nam học với tư cách là một ngành khoa học, kết hợp giữa chuyên ngành và liên ngành, giữa phân tích vi mô và vĩ mô, giữa cách tiếp cận đất nước học và khu vực học từ đó có cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá vừa cụ thể, chuyên sâu, vừa tổng thể, toàn diện về các vấn đề phát triển bền vững của Việt Nam. Việt Nam đang tích cực chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Thành công của tiến trình Đổi mới của Việt Nam không tách rời thành công của tiến trình hội nhập.
GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, các học giả và nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo cần đánh giá sâu sắc tác động nhiều mặt của quá trình hội nhập quốc tế đối với các biến chuyển đa chiều của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong đó lưu ý rằng, giai đoạn tới, Việt Nam sẽ tiến vào những cấp độ hội nhập sâu hơn như hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, hội nhập về văn hóa - xã hội… Đây là những lĩnh vực hội nhập có mức độ nhạy cảm lớn, phức tạp, với những cơ hội và thách thức mới đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ càng về định hướng, chiến lược, lộ trình, bước đi và các giải pháp cụ thể.
Trong phát biểu tham luận tại phiên Khai mạc, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chỉ rõ, Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện trong việc tiến hành đàm phán với một loạt nước về Khu vực mậu dịch tự do (FTA) như cuộc đàm phán về Đối tác thương mại Thái Bình Dương (TPP), thiết lập FTA với Liên minh Châu Âu (EU). Ông nhấn mạnh vị thế của Việt Nam hiện nay trên trường quốc tế, Việt Nam đang chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện chứ không chỉ hội nhập về kinh tế, phát huy vai trò một thành viên tích cực của tất cả các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Sau phiên khai mạc, Hội thảo chia ra thảo luận ở 15 tiểu ban chuyên môn với những chủ đề cụ thể, như Lịch sử Việt Nam: truyền thống và hiện đại; Văn hóa và giao lưu văn hóa trong hội nhập và phát triển bền vững; Kinh tế Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững…
Trên tinh thần trao đổi học thuật đầy tính xây dựng, cởi mở giữa các học giả trong nước và quốc tế, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư là cầu nối để những ý tưởng, kiến nghị hữu ích, luận cứ khoa học quý báu đến được với công chúng yêu thích và tìm hiểu ngành Việt Nam học cũng như các nhà quản lý chính sách Việt Nam, từ đó đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước và con người Việt Nam./.
Nguyễn Vũ