Khoa học Địa lý nhân văn trong thực hiện các chính sách phát triển ở Việt Nam

17:00 14/12/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập (1979-2024), sáng ngày 13/12/2024, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Khoa học Địa lý nhân văn trong thực hiện các chính sách phát triển ở Việt Nam”.

PGS.TS. Đặng Văn Bào, Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam và TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của GS.TS. Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam cùng đại diện chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội Địa lý Việt Nam, các trường Đại học và các nhà quản lý đến từ các Bộ, ban, ngành địa phương cùng các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm.

Chủ trì hội thảo: TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn và PGS.TS. Đặng Văn Bào, Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam.

TS. Bùi Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Cùng với sự phát triển của đất nước, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được xây dựng và hoàn thiện, góp phần thực hiện các mục phát triển bền vững. Trong một số lĩnh vực, chính sách luôn được bổ sung, hoàn thiện đảm bảo sự phù hợp với quá trình phát triển chung và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển như: lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực quản lý đất đai, lĩnh vực phát triển khu vực ven biển và hải đảo, lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường,…

Trong phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn nhấn mạnh, việc xây dựng, thực hiện và hoàn thiện các chính sách phát triển luôn đòi hỏi quá trình lâu dài, có thể đa mục tiêu, liên quan đến nhiều bên và trên cơ sở thực tiễn phát triển. Phó Viện trưởng cho biết, nhiều chính sách của nhà nước đã kịp thời đi vào cuộc sống, phát huy được vai trò quan trọng của chính sách trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những chính sách ban hành không bám sát với thực tiễn, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chính sách thấp. Bên cạnh đó, vẫn còn có sự chồng chéo trong thực hiện một số chính sách, các thủ tục tổ chức thực hiện chính sách còn phức tạp, các chính sách chưa được các tầng lớp nhân dân đón nhận, hiểu và áp dụng triển khai trong thực tế, nhận thức về thực hiện các chính sách chưa cao.

TS. Trần Ngọc Ngoạn, Nguyên Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn trình bày báo cáo tại Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Địa lý nhân văn là một nhánh của khoa học xã hội nghiên cứu về thế giới, con người, cộng đồng, văn hóa, hoạt động khai thác tài nguyên phục vụ cho sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội… trong đó nhấn mạnh mối liên hệ không gian và vị trí địa lý. Đối tượng nghiên cứu của địa lý nhân văn đa dạng, phong phú và liên quan đến toàn bộ hoạt động của con người. Vì vậy, việc triển khai các nghiên cứu thuộc lĩnh vực địa lý nhân văn luôn gắn liền với việc thực hiện các chính sách phát triển phục vụ cho sự phát triển của con người và cộng đồng. Có thể kể đến việc tham gia đóng góp xây dựng và thực hiện các chính sách quốc gia và tham gia đóng góp vào các hiệp ước quốc tế về phát triển bền vững; tham gia đóng góp và điều chỉnh mô hình sản xuất; tham gia đóng góp vào lĩnh vực đa dạng văn hóa truyền thống, toàn cầu hóa; các tác động của vấn đề môi trường tới sự bền vừng về văn hóa và xã hội; tham gia đóng góp vào các chính sách về sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất, nước, thủy hải sản, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; góp phần đề xuất chính sách thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…

GS.TS. Trương Quang Hải, Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo nhận được 03 báo cáo được trình bày, các diễn giả (TS. Trần Ngọc Ngoạn, TS. Trần Thị Tuyết, GS.TS. Trương Quang Hải) trình bày các vấn đề về Địa lý kinh tế trong thực hiện các chính sách phát triển ở Việt Nam; Địa lý dân cư trong thực hiện các chính sách phát triển của Việt Nam; các xu hướng nghiên cứu địa lý nhân văn. Hội thảo tập trung thảo luận về các nội dung về vai trò của Địa lý nhân văn trong thực hiện và hoạch định các chính sách phát triển; những kết quả và thành tựu nghiên cứu địa lý nhân văn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, phát triển bền vững các vùng, lĩnh vực; kết quả  và định hướng nghiên cứu lịch sử trong phát triển kinh tế- xã hội; địa lý chính trị, địa chiến lược trong thực hiện chính sách phát triển của Việt Nam; cảnh quan sinh thái trong quy hoạch tổ chức lãnh thổ các cấp; khoa học địa lý nhân văn với chuyển đổi số phục vụ phát triển bền vững. 

TS. Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng Địa lý dân cư và Văn hóa trình bày báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật quí báu góp phần khẳng định và đánh giá những đóng góp của Địa lý nhân văn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm trong hoạch định và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đây còn là cơ hội để kết nối và xây dựng mạng lưới chuyên gia, các nhà khoa học địa lý và các nhà khoa học xã hội liên ngành liên quan trong nước và quốc tế.

Nguyễn Thu Trang

 

In trang Chia sẻ

Tin khác