Khu đền tháp Mỹ Sơn và các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung

17:00 30/11/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
“Khu đền tháp Mỹ Sơn và các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung: Trữ lượng và viễn cảnh” là chủ đề hội thảo khoa học đã được Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Uỷ ban nhân dân huyện Duy Xuyên phối hợp tổ chức ngày 29/11/2024, tại Khu di sản Văn hóa Mỹ Sơn. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 25 năm ngày Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (04/12/1999 – 04/12/2024).

Ban chủ tọa điều hành hội thảo

Hội thảo được vinh dự đón tiếp sự hiện diện của các vị khách quý: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; Ông Nguyễn Phi Thạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam; TS. Lê Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam; TS. Nguyễn Viết Vy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi; PGS.TS. Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam; Ông Hồ Xuân Rin, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam; Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định; Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Về phía Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ có: TS. Hoàng Hồng Hiệp, UVBCH Đảng bộ Viện Hàn lâm, Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; TS. Trần Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; cùng toàn thể cán bộ, viên chức Viện.

Về phía UBND huyện Duy Xuyên có: Ông Đặng Hữu Phúc,  Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên; Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn; cùng lãnh đạo các phòng, ban thộc UBND huyện Duy Xuyên.

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, trong những năm qua, các tỉnh vùng Trung Bộ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa thế giới. Những di sản văn hóa thế giới như Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Quần thể di tích Cố đô Huế và các di sản văn hóa khác được UNESCO ghi danh không chỉ được gìn giữ một cách thận trọng mà còn trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế - xã hội ở các địa phương nội vùng. Các di sản miền Trung đã và đang góp phần bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, từ kiến trúc, điêu khắc đến nghệ thuật dân gian. Các di sản miền Trung đã góp phần thu hút hàng triệu lượt du khách đến với miền Trung mỗi năm. Đặc biệt, Phố cổ Hội An thường xuyên nằm trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, trong khi Mỹ Sơn ngày càng được biết đến như là một trung tâm di sản văn hóa thế giới của miền Trung; Hệ thống di sản miền Trung được tích hợp trong các tuyến du lịch văn hóa - sinh thái, mang đến trải nghiệm đa dạng cho du khách và gia tăng thời gian lưu trú tại địa phương. Đặc biệt, các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong xây dựng và khai thác các tuyến du lịch gắn với con đường di sản miền Trung.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn nói riêng và các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung nói chung đang đứng trước nhiều thách thức to lớn, từ tác động của biến đổi khí hậu, áp lực phát triển du lịch, đến những vấn đề trong quản lý, liên kết vùng, quy hoạch, bảo vệ và phát huy di sản trong bối cảnh hiện nay, nhất là bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Điều đó đặt ra nhiều yêu cầu mới trong công tác phát triển di sản văn hóa thế giới miền Trung theo xu thế bền vững. TS.Hoàng Hồng Hiệp nhấn mạnh, bảo vệ và phát huy giá trị khu đền tháp Mỹ Sơn và các di sản văn thế giới ở khu vực miền Trung phục vụ phát triển bền vững không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa của nhân loại, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương và cộng đồng mà còn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng cư dân địa phương, du khách và các bên liên quan. Sự phát triển hài hòa giữa bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững, tôn trọng giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, cùng với bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên sẽ tạo ra cơ hội liên kết phát triển văn hóa và sinh thái, hình thành con đường di sản miền Trung kết nối các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu bảo tồn và làm gia tăng giá trị di sản. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Khu Đền tháp Mỹ Sơn và các di sản văn hóa thế giới trong phát triển bền vững vùng và địa phương.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên mong muốn các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đóng góp ý kiến một cách cởi mở các quan điểm khoa học về tiềm năng, giá trị của Khu đền tháp MỸ Sơn cũng như những khó khăn, thách thức và gợi mở những biện pháp giải quyết phù hợp, đảm bảo di sản được bảo vệ theo đúng cam kết với UNESCO. Đồng thời tạo ra ảnh hưởng tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý đã trao đổi, nêu bật nhiều quan điểm khoa học về tiềm năng, giá trị của Khu Đền tháp Mỹ Sơn và các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung. Theo các ý kiến, Khu Đền tháp Mỹ Sơn và các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung không chỉ là bản sắc văn hóa của một số cộng đồng cư dân nhất định hoặc phản ánh sắc thái vùng miền mà còn đại diện cho truyền thống văn hóa và lịch sử của các dân tộc trong tính thống nhất và đa dạng ở miền Trung, đồng thời cũng là nguồn lực quan trọng trong phát triển bền vững. Các bài tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo tập trug vào (1) Đánh giá tiềm năng, thực trạng hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới ở miền Trung và bài học kinh nghiệm dành cho Mỹ Sơn; (2) Thực trạng hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới khu đền tháp Mỹ Sơn trong bối cảnh hiện nay; (3) Các giải pháp mang tính thực tiễn cao nhằm phát triển bền vững Khu đền tháp Mỹ Sơn và hệ thống các di sản văn hóa thế giới khu vực miền Trung trong bối cảnh đương đại.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ quan điểm và ý kiến của các nhà khoa học, các vị lãnh đạo, đại diện các cơ quan ban ngành, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp nhằm mang lại những đóng góp thiết thực cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới ở miền Trung nói chung và Khu Đền tháp Mỹ Sơn nói riêng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

PV (tổng hợp)

In trang Chia sẻ

Tin khác