Lễ bế mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư

12:00 02/12/2012
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 28 tháng 11 năm 2012, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư đã bế mạc sau hơn hai ngày làm việc tích cực, nghiêm túc, sôi nổi, trách nhiệm và hiệu quả trên tinh thần học thuật cao.

Tại Phiên bế mạc, các đại biểu đã nghe đại diện của 15 Tiểu ban báo cáo kết quả thảo luận tại Tiểu ban. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 15 Tiểu ban, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Ban tổ chức hội thảo đã trình bày báo cáo tổng hợp kết quả hội thảo sau hơn hai ngày làm việc vừa qua. Giáo sư chỉ rõ, phần lớn thời gian của Hội thảo đã được dành cho phần trình bày báo cáo và thảo luận ở 15 Tiểu ban. Đã có gần 400 tham luận được trình bày và khoảng 1 nghìn ý kiến trao đổi, thảo luận tại các Tiểu ban. Việc thảo luận sôi nổi đó đã cho thấy, không những chủ đề chung của Hội thảo mà các chủ đề của các tiểu ban rất phù hợp, nên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế, phương thức tổ chức và không khí học thuật của Hội thảo nghiêm túc nhưng cởi mở, đảm bảo đúng nguyên tắc tự do học thuật, chân thành chia sẻ ý tưởng, thẳng thắn trao đổi quan điểm và sẵn sàng hợp tác cùng nghiên cứu để vươn tới những sản phẩm khoa học có ý nghĩa thiết thực. 

 

Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức đã hệ thống lại và nhấn mạnh những thành tựu của Hội thảo như sau:

Một là, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư đánh dấu một bước phát triển quan trọng về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận của ngành Việt Nam học trên toàn thế giới. Trên cơ sở nhất trí cao về cách tiếp cận liên ngành dựa trên lý thuyết khu vực học, Hội thảo đã bổ sung những tiếp cận mới về địa chính trị, nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững, nhân học văn hóa và nhân học phát triển, quản lý xã hội và quản lý quá trình phát triển, đào tạo và phát huy vai trò của nguồn nhân lực và nguồn lực trí tuệ... Những bước phát triển mới về phương pháp và cách tiếp cận đã góp phần làm cho các kết quả nghiên cứu vừa có tầm học thuật cao hơn, lại vừa thực chứng hơn.

 

Hai là, trên cơ sở những lý luận mới, phương pháp và cách tiếp cận mới, nhiều khám phá khoa học đã được ghi nhận tại Hội thảo, bao gồm những vấn đề về chiến lược phát triển, chiến lược an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế cho đến việc nhận diện rõ hơn thực trạng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; không chỉ nhiều ý tưởng học thuật mới đã được chia sẻ và cọ xát mà nhiều nguồn thông tin hữu ích, nhiều tư liệu mới phát hiện cũng được giới thiệu.

Ba là, các kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo cho thấy mối quan tâm của các nhà Việt Nam học ở Việt Nam và trên thế giới ngày càng gần hơn với thực tiễn phát triển của Việt Nam. Do vậy, các kết quả nghiên cứu đều tỏ ra có giá trị ứng dụng cao, cho thấy bên cạnh các nghiên cứu cơ bản vốn đã khẳng định được uy tín học thuật từ lâu thì giờ đây các nghiên cứu ứng dụng và thực chứng đang mang lại những diện mạo và giá trị mới. Đây là xu hướng mới của ngành Việt Nam học được thể hiện rõ nhất trong các tiểu ban về văn hóa, giáo dục, tài nguyên và môi trường, đồng thời cũng là đặc điểm nổi bật của các tiểu ban kinh tế, khu vực học và lịch sử.

Bốn là, trên nền chung của Hội thảo với phạm vi quan tâm khá rộng và các ý tưởng khoa học vô cùng phong phú, các nhà khoa học tham gia Hội thảo đã tỏ rõ sự quan tâm sâu sắc của mình đến 5 vấn đề có thể coi là cấp bách nhất, nóng bỏng nhất trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay:

Vấn đề thứ nhất là an ninh khu vực và an ninh toàn cầu: Đây là điều kiện tiên quyết nhất đảm bảo cho việc Việt Nam có hội nhập và phát triển được hay không. Trong trao đổi và tranh luận, có nhiều quan điểm, ý kiến đã được nêu ra, cũng có lúc khá gay gắt, quyết liệt, nhưng tựu trung lại, các học giả đều cho rằng cần phải đảm bảo môi trường an ninh đồng thuận, ổn định, bởi vậy các khác biệt, xung đột cần được giải quyết bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích, chủ quyền dân tộc, luật pháp quốc tế và đặc biệt là sự tin cậy, chân thành giữa các bên hữu quan.

Vấn đề thứ hai là ứng phó thông minh với các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và các tác động khác của quá trình toàn cầu hóa, sử dụng tiết kiệm, tối ưu các nguồn lực trong phát triển, bảo vệ môi trường hướng tới tăng trưởng xanh, đảm bảo công bằng, an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Vấn đề thứ ba là tìm ra và đề xuất các lời giải cho các bài toán phát triển kinh tế của Việt Nam đặt trong bối cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế toàn cầu và các khó khăn, thách thức của bản thân nền kinh tế Việt Nam dồn đọng lại từ nhiều năm qua. Đặt trên nền chung, liên ngành, liên lĩnh vực của Việt Nam học, các kịch bản và giải pháp phát triển kinh tế được trình bày tại Hội thảo rõ ràng là đã có tính toàn diện và thực tiễn hơn.

Vấn đề thứ tư là vấn đề chuyển dịch sinh kế của các cộng đồng dân cư ở nhiều khu vực, nhiều tiểu vùng khác nhau. Sức sống xã hội, tính năng động của các cộng đồng đã được xem xét trong các tương tác đa chiều của cơ chế chính sách, cơ tầng văn hóa và tri thức bản địa cùng các yếu tố tác động khác thuộc quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được phân tích sâu sắc và toàn diện, góp phần nhận diện và đề xuất các mô hình sinh kế hiệu quả và bền vững cho các cộng đồng cư dân khác nhau. Cuối cùng, nút thắt của phát triển bền vững nói chung và của chuyển dịch sinh kế nói riêng ở Việt Nam đã được chỉ ra: đó chính là yếu tố con người, hay nói chính xác là vấn đề chất lượng của nguồn nhân lực.

Vấn đề thứ năm chính là vấn đề đổi mới hệ thống pháp luật của Việt Nam, bao gồm từ nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp đến các chế tài, các hành lang pháp lý cụ thể vừa để điều tiết, vừa là bà đỡ, là bảo lãnh chính trị cho lộ trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của Việt Nam.

Thành tựu thứ năm rất đáng được ghi nhận của Hội thảo là: trình độ tiếng Việt của các học giả quốc tế và trình độ ngoại ngữ của các nhà khoa học Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều học giả quốc tế không những chỉ có thể trình bày tham luận bằng tiếng Việt mà còn nói tiếng Việt rất hay. Đồng thời, nhiều nhà khoa học Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ đã có thể trao đổi khá tự tin với các đồng nghiệp nước ngoài bằng ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, Nhật, Trung,...

Thành công cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng được ghi nhận tại Hội thảo là mối giao hảo, hợp tác trong giới nghiên cứu Việt Nam học trong nước và quốc tế ngày càng trở nên nồng hậu và hứa hẹn hiệu quả cao hơn. Các kết quả nghiên cứu tại hội thảo nhìn chung có giá trị ứng dụng cao với những diện mạo mới trong phát triển ngành Việt Nam học. Đây là xu hướng mới của ngành Việt Nam học và là điểm khác biệt quan trọng của Hội thảo lần này với 3 kỳ hội thảo trước.

Sau Phiên bế mạc, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham quan Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Dân tộc học./.

 

                                                                                                                                                                                 Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác