|
|
|
Đồng chủ trì Lễ Công bố: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, GS.TS. Võ Khánh Vinh, TS. Pratibha Mehta
và TS. Michaela Krokop |
|
Toàn cảnh Lễ Công bố Báo cáo
Phát triển con người toàn cầu 2014 |
Đồng chủ trì Lễ Công bố có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú UNDP, Đại diện thường trú Chương trình phát triển của UNDP tại Việt Nam; TS. Michaela Krokop, Cố vấn chính sách của UNDP. Tham dự có các đại biểu đến từ các đại sứ quán ở Hà Nội, đại diện các tổ chức phát triển, các tổ chức phi chính phủ và nhiều nhà nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc, TS. Pratibha Mehta cho biết: Đây là lần đầu tiên báo cáo Phát triển con người toàn cầu xem xét nguy cơ tổn thương và khả năng chống chịu, phục hồi qua lăng kính phát triển con người. Báo cáo cho thấy xu hướng diễn biến chủ đạo trên thế giới tiếp diễn tích cực và tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những người đã mất đi sinh mạng, sinh kế do những khủng hoảng và thảm họa thiên nhiên hoặc con người gây ra. Những vấn đề này, về bản chất là không thể tránh khỏi, tuy xã hội nào cũng đều có khả năng dễ bị tổn thương, nhưng khi tai họa xảy ra, một số xã hội lại có thể giảm thiểu thiệt hại và phục hồi nhanh chóng hơn. Trong những năm gần đây, tốc độ tiến bộ đã chậm lại, đặc biệt chỉ số phát triển con người giảm xuống còn 1,5 % bắt đầu từ 2008. Biến đổi khí hậu, xung đột gia tăng là những yếu tố đáng kể có thể đảo ngược lại sự phát triển của con người. Báo cáo cũng ghi nhận những rủi ro, được chia thành hai nhóm ở cấp hệ thống và cấp độ cá nhân.
|
|
|
TS. Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú UNDP,
Đại diện thường trú Chương trình phát triển của UNDP
tại Việt Nam, phát biểu khai mạc |
|
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu khai mạc |
Trên thế giới hiện nay còn thường trực tồn tại những lo lắng về tình trạng bất ổn trong sinh kế, an sinh ở cấp độ cá nhân, môi trường và tình hình chính trị toàn cầu. Hơn 15% dân số thế giới vẫn trong tình trạng dễ bị tổn thương trước tình trạng nghèo đa chiều. Gần 80% dân số toàn cầu không được hưởng bảo trợ xã hội toàn diện. Nhiều quốc gia có chỉ số Phát triển con người ở nhóm thấp đang nổi lên sau những giai đoạn xung đột kéo dài hoặc vẫn đang phải đương đầu với tình trạng bạo lực vũ trang. Tình trạng bất ổn chính trị gần đây đã gây ra tổn thất to lớn về con người… Báo cáo ghi nhận dù các chính sách giảm thiểu nguy cơ tổn thương cố hữu có hiệu quả đến mấy, khủng hoảng vẫn sẽ tiếp tục xảy ra mang theo hậu quả tàn phá tiềm tàng. Xây dựng năng lực chuẩn bị và phục hồi sau thảm họa sẽ là thiết yếu, cho phép cộng đồng thích nghi tốt hơn và phục hồi từ các cú sốc. Ở mức độ toàn cầu, Báo cáo nhận thấy các nguy cơ này có tính chất xuyên biên giới, đòi hỏi hành động tập thể. Do đó, Báo cáo kêu gọi một cam kết toàn cầu và quản trị quốc tế mạnh mẽ hơn.
Trong phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, lễ công bố Báo cáo Phát triển con người toàn cầu 2014 là một sự kiện hết sức có ý nghĩa và quan trọng, đây là nỗ lực rất lớn của UNDP trong thế giới đầy những thay đổi bất định, với mục tiêu hướng về con người, vì con người, Báo cáo đã đưa ra thông điệp chủ yếu vừa có tính chất khuyến nghị vừa mang tính cảnh báo và những gợi suy hữu ích đối với tất cả các quốc gia, nhất là với những quốc gia đang đứng trước những thách thức cả về chính trị, an ninh, biến đổi toàn toàn cầu… Báo cáo rất hữu ích cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặt ra hướng tiếp cận mới đối với việc duy trì phát triển con người, trong đó lưu ý đến nguy cơ tổn thương, đặc biệt là năng lực kiểm soát, nhất là về thể chế. Gợi ý của Báo cáo cũng sẽ giúp Viện Hàn lâm hoàn thành báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2014.
Trình bày Báo cáo Phát triển Con người 2014, Tiến sĩ Michaela Prokop đã công bố kết quả nghiên cứu và nhấn mạnh đến 4 nguyên tắc trong việc xây dựng và thực hiện chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi:
(1) Áp dụng thuyết phổ quát: Phổ cập các dịch vụ xã hội cơ bản như: Giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, an ninh công cộng… đảm bảo cơ hội sống bình đẳng.
(2) Đặt con người lên hàng đầu: Giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương (theo vòng đời, cấu trúc)
(3) Cam kết hành động tập thể: Thể hiện sự đoàn kết xã hội thông qua việc xây dựng thể chế linh hoạt để nâng cao khả năng chống chịu của con người và cung cấp nguồn lực (công ăn việc làm đầy đủ, cơ hội về chăm sóc sức khỏe và giáo dục, nhất là nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương).
(4) Phối hợp giữa các quốc gia, và thể chế xã hội trong việc ứng phó với các thảm họa thiên nhiên , hợp tác khu vực về cảnh báo sớm thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Báo cáo Phát triển con người toàn cầu 2014 đề cập tới các vấn đề chủ yếu như:
1) Tiến bộ về con người;
2) Con người dễ bị tổn thương, thế giới dễ bị tổn thương;
3) Xây dựng khả năng chống chịu phục hồi;
4) Đẩy mạnh các bước tiến và hành động tập thể.
Lễ Công bố đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bình luận, trao đổi góp ý cho Báo cáo của các đại biểu tham dự. Trong đó khẳng định, Báo cáo cho thấy đã giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và tạo dựng khả năng chống chịu của con người nhằm duy trì tiến bộ về con người. Báo cáo đã tiếp cận vấn đề liên quan đến các rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương dưới lăng kính phát triển con người và nhờ đó có những phân tích toàn diện hơn về tình trạng này. Báo cáo cũng giới thiệu ý tưởng về tình trạng dễ bị tổn thương theo vòng đời, xem xét dưới góc độ các nguy cơ/rủi ro mà các cá nhân gặp phải trong suốt các thời kỳ khác nhau của cuộc đời họ; đề cập đến tình trạng dễ bị tổn thương cấu trúc, tác động lên những nhóm yếu thế trong xã hội. Cả hai loại dễ bị tổn thương này là nguyên nhân chính dẫn đến nghèo kinh niên và cản trở tiến bộ xã hội và phát triển con người. Báo cáo cũng đề cập tới sự cần thiết phải xây dựng các thể chế và chính sách nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương theo vòng đời và tình trạng dễ bị tổn thương theo cấu trúc. Đặc biệt, chỉ ra rằng, không chỉ có các nước giàu mới có đủ khả năng chi trả cho việc phổ cập các dịch vụ xã hội, mà các nước nghèo cũng có đủ khả năng phổ cập các dịch vụ xã hội cơ bản.
Về những vấn đề liên quan từ triển vọng phát triển của Việt Nam, Báo cáo đưa ra gợi mở hữu ích cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện việc đánh giá 30 năm Đổi mới cũng như xây dựng tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dài hạn cho giai đoạn tới. Nhờ công cuộc Đổi mới thực hiện những thay đổi to lớn về thể chế cùng với sự phân bổ nguồn lực ban đầu tương đối công bằng cũng như các chương trình và chính sách xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục và giảm nghèo được thực hiện một cách kiên định trong suốt gần 30 năm qua đã giúp mở rộng cơ hội cũng như nâng cao năng lực nắm bắt cơ hội cho mọi người dân ở Việt Nam. Tuy nhiên, những động lực giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm mà công cuộc Đổi mới tạo ra đang gần tiến đến ngưỡng giới hạn, hệ quả là tăng trưởng có xu hướng chậm lại trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng suy giảm cũng có những tác động bất lợi đến tạo việc làm đầy đủ và có chất lượng trên thị trường lao động – trụ cột chính của tăng trưởng bao trùm. Thách thức này đã được đề cập đến trong Báo cáo với thông điệp về việc làm toàn dụng. Ở Việt Nam, thách thức chính là tạo được việc làm có chất lượng thông qua qua việc thúc đẩy 4 sự chuyển dịch trong cơ cấu việc làm. Việt Nam cũng đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội – một trụ cột khác giúp tăng cường khả năng chống chịu các cú sốc như Báo cáo đã đề cập. Để giảm thiểu các cú sốc liên quan đến biến đổi khí hậu, Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh để giảm bớt hiệu ứng nhà kính cũng như tạo thêm nhiều việc làm.
Chính phủ Việt Nam hiện nay đang hết sức kiên định với các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều này đóng góp đáng kể vào việc giảm bớt những rủi ro và khả năng bị tổn thương của toàn bộ nền kinh tế nói chung và của từng doanh nghiệp, người dân nói riêng.
Tất cả những giải pháp nhằm giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả nămg chống chịu các cú sốc như đã nêu trên là những nội dung quan trọng của mô hình tăng trưởng mới mà Việt Nam đang hướng tới thông qua việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
TS. Pratibha Mehta thì cho rằng: Báo cáo đặt ra những tư duy mới, công cụ chính sách mới, trong đó xác định mức độ ưu tiên để chiến đấu chống lại những khả năng dễ bị tổn thương của con người, chi tiết ở cấp độ toàn cầu, và ở cấp độ Việt Nam.
Ở mức độ toàn cầu, Báo cáo Phát triển con người toàn cầu 2014 cho thấy các nguy cơ có tính chất xuyên biên giới, đòi hỏi hành động tập thể, do đó, Báo cáo kêu gọi một cam kết toàn cầu và quản trị quốc tế mạnh mẽ hơn. Tiến sĩ Mehta nhấn mạnh 6 khuyến nghị chính sách cho các quốc gia. Chính sách ứng phó với nguy cơ tổn thương cần ngăn chặn các mối đe dọa, phát huy năng lực, và bảo vệ con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Xây dựng khả năng chống chịu phục hồi, cần tập trung vào 5 giải pháp gồm phổ cập các dịch vụ xã hội cơ bản, giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương theo vòng đời, củng cố hệ thống bảo trợ xã hội, thúc đẩy trạng thái toàn dụng xã hội, các thể chế đáp ứng linh hoạt và các xã hội gắn kết. Các chính phủ cần cam kết mạnh mẽ đối với việc cung cấp dịch vụ cơ bản, nhất là trong y tế và giáo dục - nền tảng để phục hồi trong gia đình và cho chính mình. Về thay đổi vòng đời, chính phủ cần áp dụng phương pháp tiếp cận từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, vào những giai đoạn dễ bị rủi ro nhất như 1000 ngày đầu đời của một trẻ em, chuyển đổi từ đi học sang đi làm, đi làm tới nghỉ hưu. Hệ thống trợ giúp xã hội cần được ghi nhận là ưu tiên trong đầu tư công.
Đối với Việt Nam, một quốc gia có thu nhập trung bình mới nổi, các thành tựu rất đáng ghi nhận, nhưng những rủi ro mới cũng xuất hiện bởi những tác động của di cư, đô thị hóa, già hóa dân số, thay đổi xã hội… Các sức ép tăng thêm do quá trình tiếp xúc, giao dịch nhiều hơn với nền kinh tế thế giới, những cải cách không theo kịp sự thay đổi trong lĩnh vực kinh tế. Vị trí địa lý mang lại thuận lợi song cũng mang lại sức ép trong vấn đề địa chính trị như trong vấn đề Biển Đông. Tiến sĩ cũng đưa ra 4 vấn đề liên quan đến giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, phát triển vốn con người và thị trường lao động. Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cho người nghèo và người dễ bị tổn thương khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản, thúc đẩy kỹ năng và quá trình tham gia các công việc có thu nhập thực tế. Sự cần thiết phải có hệ thống bảo trợ xã hội rộng rãi đảm bảo sinh kế và năng lực cơ bản, mức sống toàn diện. Đây là yếu tố cơ bản để chống lại khả năng dễ bị tổn thương. Nhà nước cần đầu tư cải cách thể chế từ hệ thống hành chính công, quản trị, thích ứng tốt hơn, giảm rủi ro và khả năng chống chịu tổn thương. Khả năng ứng phó với thiên tai do thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thành công nhưng vẫn cần phải ưu tiên, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu kết luận, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, khẳng định, Báo cáo Phát triển con người toàn cầu 2014 vừa thể hiện sự báo động trên các nội dung hết sức phổ quát, toàn diện trên toàn cầu, các nội dung đó hàm ý trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá của từng nhóm nước, từng các quốc gia và cả những vấn đề rất nhỏ ở các nước cũng như những vấn đề lớn đang có chiều hướng trở thành vấn đề toàn cầu, Báo cáo đã đặt ra nhiều nhóm thông điệp, nhiều kiến nghị chính sách có tính chất hình thành các khung để xem xét. Những vấn đề này sẽ cần phải tiếp tục được thảo luận sâu hơn trong những lần sau./.
Nguyễn Thu Hà