Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

17:00 20/04/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong hai ngày 21 và 23 tháng 4 năm 2015, tại trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” với sự tham dự của các đại biểu đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư...

TS. Nguyễn Song Tùng  chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Tọa đàm

Tọa đàm là một trong những hoạt động của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do TS. Nguyễn Song Tùng làm chủ nhiệm, nhằm thu nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học để các thành viên tham gia đề tài bổ sung, hoàn thiện các đề tài nhánh trước khi Ban chủ nhiệm đề tài viết Báo cáo tổng hợp trong thời gian tới. Nằm trong Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Đề tài tập trung đánh giá những biểu hiện và tác động của biến đổi khí hậu đến các vùng của Việt Nam; đánh giá thực trạng cơ chế chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam; qua đó đề xuất các quan điểm, giải pháp, cơ chế chính sách nhằm tăng cường liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Tọa đàm được nghe các tham luận: “Thực trạng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội” do TS. Đào Hoàng Tuấn- Viện Địa lý nhân văn trình bày. Báo cáo nêu lên các nội dung cơ bản và các hình thức liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội; tổng quan các cơ chế, chính sách về liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất các cơ chế, chính sách liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

ThS. Trần Thị Tuyết - Viện Địa lý nhân văn, trong tham luận “Thực trạng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường” – đã phân tích những ưu điểm và hạn chế trong cơ chế, chính sách liên kết vùng trong sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay, từ đó đề xuất một số quan điểm, giải pháp về cơ chế, chính sách để thúc đẩy liên kết vùng trong sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

  Toàn cảnh Tọa đàm

Tham luận “Bối cảnh mới thách thức và triển vọng hợp tác liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ở Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày. Báo cáo đã chỉ ra bối cảnh mới quốc tế và khu vực hiện nay đã tác động đến liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam như thế nào; phân tích nhu cầu, triển vọng, tiềm năng hợp tác liên kết vùng ở Việt Nam trong giai đoạn tới dựa trên cơ sở phân tích lợi thế so sánh vùng; qua đó đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Tham luận: “Kinh nghiệm quốc tế trong liên kết vùng ứng phó với BĐKH do ThS. Nguyễn Thị Kim Dung - Viện Địa lí nhân văn trình bày - Tổng quan được kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc, Philipin, Hà Lan, Đức…; phân tích những thành công và thất bại của các mô hình liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Từ những phân tích đó, báo cáo đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

ThS. Bùi Thị Cẩm Tú - Viện Địa lí nhân văn với tham luận “Đánh giá biểu hiện và tác động của BĐKH đến các vùng ở Việt Nam” -  đã nhận diện các biểu hiện của biến đổi khí hậu tại 6 vùng kinh tế-xã hội (Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long) và tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế, xã hội và tài nguyên môi trường của 6 vùng kinh tế- xã hội.  

NCS. Lại Văn Mạnh - Viện Chính sách Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận “Thực trạng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”. Tác giả đã tập trung vào tổng quan các cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam; nêu lên những vấn đề đặt ra trong thực tiễn hiện nay; từ đó đề xuất các giải pháp về cơ chế và chính sách liên kết vùng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay./.

 

Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác