Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng bộ chỉ số bình đẳng giới

17:00 02/04/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 2/4/2021, tại trụ sở 1A Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng bộ chỉ số bình đẳng giới’, đây là hoạt động khoa học thuộc nhiệm vụ cấp Bộ “Xây dựng Bộ chỉ số về Bình đẳng Giới” do Viện Hàn lâm chủ trì thực hiện. Hội thảo do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) và PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh (Viện Xã hội học) đồng chủ trì.
GS.TS. Nguyễn Hữu Minh và PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của các nhà khoa về  việc xây dựng Bộ chỉ số bình đẳng giới phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của xã hội Việt Nam, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và đáp ứng mục tiêu an sinh quốc gia, giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Hội thảo đã được lắng nghe 4 tham luận bàn về số vấn đề về phương pháp luận xây dựng bộ chỉ số về bình đẳng giới; các phương pháp xây dựng bộ chỉ số thống kê về bình đẳng giới; thực tiễn xây dựng bộ chỉ số bình đẳng giới ở Liên minh Châu Âu, xếp hạng quốc tế về bình đẳng giới ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020.

TS. Trần Thị Hồng (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) trình bày tham luận tại Hội thảo

Qua những vấn đề thực tiễn liên quan và những vấn đề về cơ sở pháp lý các nhà khoa học đã có nhiều thảo luận sâu vào nhiều chiều cạnh tiếp cận như: chỉ số đo lường trong kinh tế, việc làm, y tế, giáo dục, bạo lực giới, bảo trợ xã hội, phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu, nghèo đa chiều ở các nhóm xã hội theo giới tính…làm cơ sở để xây dựng các chỉ số thành phần, chỉ số tổng hợp về bình đẳng giới.

Nhiều ý kiến cho rằng việc xác định đúng, chuẩn các chỉ số thành phần sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng thành công chỉ số tổng hợp về bình đẳng giới. Do đó cần có sự thảo luận cách thức tính toán các chỉ số, nhất là nguồn thông tin để tính trọng số cho các chỉ số tổng hợp ở mức chuyên gia. Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu, đánh giá hiện trạng,thu thập thông tin qua bảng hỏi, hướng dẫn đối với các chỉ số không có trong dữ liệu thống kê, đặc biệt là các chỉ báo định tính…được coi là vô cùng quan trọng để đánh giá hiện trạng đáp ứng các yêu cầu về tính toán các chỉ số tổng hợp.

Toàn cảnh Hội thảo

Nguyên tắc để xây dựng bộ chỉ số được các nhà khoa học đề xuất là cần đảm bảo các yêu cầu như: phản ánh đầy đủ các nội dung về bình đẳng giới, đảm bảo tính khả thi, thống nhất với các bộ chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam và đảm bảo tính so sánh quốc tế bởi lẽ mục đích hướng đến của các chỉ số tổng hợp chính là nhằm đảm bảo được: (1). Chỉ số phát triển giới (GDI): Chỉ tiêu đo lường thành tựu trung bình của một quốc gia hay vùng theo các yếu tố cơ bản về phát triển con người nhưng quan tâm đến sự bât bình đẳng trong việc đạt được giữa nam và nữ. Đây là 1 trong 5 chỉ tiêu được UNDP sử dụng trong báo cáo phát triển con người hàng năm; (2). Chỉ số vai trò phụ nữ (GEM): đánh giá mức độ trao quyền cho phụ nữ trong đời sống, chính trị, kinh tế và xã hội; (3). Chỉ số khoảng cách giới (GGI): đo lường một cách tổng hợp mức độ khác biệt về giới của dân cư một quốc gia trên khía cạnh sức khỏe, giáo dục, hoạt động kinh tế và quyền lực, giúp đề ra những mục tiêu cụ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá hiệu quả các chính sách liên quan đến bình đẳng giới nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác