Thưa các nhà khoa học,
Thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý,
Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự và phát biểu khai mạc trọng thể Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về Việt Nam học với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” tổ chức tại Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng tôi. Thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, các nhà khoa học quốc tế và ViệtNam đã đến dự Hội thảo rất có ý nghĩa hôm nay.
Thưa quý vị và các bạn,
Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước; cùng với vị trí địa chính trị, địa kinh tế của mình và những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước... Việt Nam đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Nghiên cứu về đất nước, con người và văn hóa ViệtNam được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử. Ngày nay nghiên cứu về Việt Nam hay Việt Nam học đãtrở thành ngành khoa học mới, đóng góp quan trọng vào việc hình thành tư duy phát triển Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.
Thưa quý vị và các bạn,
Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng sự nỗ lực to lớn của nhân dân Việt Nam, sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử: Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao (khoảng 7%/năm); các lĩnh vực xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt quyền con người, quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng; bình đẳng giới có nhiều tiến bộ; dân chủ trong xã hội tiếp tục được tăng cườngchính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn phần lớn các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ đề ra cho năm 2015.
Trong tiến trình đổi mới, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác, hội nhập và phát triển. Việt Nam đã là thành viên của Liên hiệp quốc, thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Đến nay, đã có quan hệ ngoại giao và kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 200 tỷ USD/năm. Có trên 14.200 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 210 tỷ USD. Việt Nam cũng có 740 dự án đầu tư ra nước ngoài với số vốn trên 15 tỷ USD. Đồng thời có hơn 50 nhà tài trợ quốc tế đã cam kết cung cấp ODA trên 70 tỷ USD cho Việt Nam. Khách du lịch qua từng năm tăng khá cao. Năm 2012 có khoảng hơn 7 triệu khách quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, những thành tựu đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kinh tế phát triển chưa thật bền vững; năng suất, chất lượng,hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng; thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn đang là những điểm yếu, cản trở sự phát triển. Nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội còn hạn chế, bất cập...
Hiện nay Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững đất nước; phấn đấu xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5-2,0%/năm. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung vào cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ, cơ cấu lại đầu tư, cấu trúc lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính tín dụng, điều chỉnh chiến lược thị trường, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong tiến trình đó, chúng tôi thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Đồng thời chúng tôi tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.Trong đó, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng. Chủ động đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tiếp tục đưa các mối quan hệ đã thiết lập với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn; chủ động tham gia tích cực, đóng góp hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ARF, EAS… góp phần vào hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển cuả khu vực và trên toàn thế giới.Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững.
Việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung; khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là một nội dung quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hội thảo quốc tế về Việt Nam học là một hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Đây là dịp để các nhà khoa học nói chung và Chính phủ Việt Nam nói riêng chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm phát triển, các tri thức mới về một đất nước Việt Nam không ngừngphát triển dựa trên thế và lực mới; góp phần làm cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa nổi tiếng, có khả năng chinh phục những đỉnh cao của khoa học, mà còn là một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công. Đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng ta thấy được sự lớn mạnh của mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, tôi hoan nghênh Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành phố Hà Nội và các nhà tài trợ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về Việt Nam học với chủ đề thiết thực và rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Tôi tin tưởng rằng Hội thảo lần này với sự tham dự đông đảo của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách sẽ trao đổi cởi mở và thẳng thắn, chia sẻ các thành quả nghiên cứu cũng như đưa ra các ý tưởng, các kiến nghị; qua đó đóng góp thiết thực cho việc nâng cao nhận thức, đề xuất những giải pháp và chính sách cụ thể thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững ở Việt Nam.Thành công của Hội thảo một lần nữa sẽ khẳng định vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn cũng như những giá trị mà nó mang lại trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Tôi cũng mong rằng, tại Hội thảo này cũng như trong các hoạt động tiếp theo, các bạn quốc tế tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học Việt Nam xây dựng và phát triển bền vững ngành Việt Nam học trên thế giới, nhất là thành lập được nhiềuhơn các Trung tâm nghiên cứu Việt Nam trên đất nước của các bạn, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành Việt Nam học cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa các nước chúng ta vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn quý vị đã dành thời gian và trí tuệ tham dự Hội thảo và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức và các học giả quốc tế đối với công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam nói chung và Việt Nam học nói riêng.
Xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. Chúc quý vị đại biểu, các nhà khoa học sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc các nhà khoa học quốc tế, các vị khách quý có những ngày làm việc,tham quan bổ ích và thú vị tại Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn./.