Quy định, quy trình và tổ chức bộ máy biên tập đối với bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam

17:00 11/12/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Biên tập công trình Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm các công tác như biên tập khoa học, biên tập kênh hình và biên tập kỹ thuật là công đoạn giữ vai trò quyết định chất lượng của các mục từ. Khác với việc biên tập các loại sách khác, biên tập công trình Bách khoa toàn thư có những đặc điểm riêng cần lưu ý là gì?

Đây cũng chính là mục tiêu tìm hiểu và làm rõ của Hội thảo khoa học “Quy định, quy trình và tổ chức bộ máy biên tập đối với bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam” do Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 10/12/2020 tại Hà Nội.

 TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) nêu rõ: Mục đích chính của Hội thảo là lắng nghe một số tham luận tập trung vào các nội dung cơ bản như: Kinh nghiệm biên tập Từ điển Bách khoa Việt Nam, tiêu chí biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam, tính đặc thù của các quyển chuyên ngành và dự thảo quy định biên tập, quy trình biên tập cũng như định hướng xây dựng bộ máy biên tập của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam. Bên cạnh đó, TS. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe nhiều hơn các ý kiến đóng góp, trao đổi của các nhà khoa học, các vị đại biểu tham dự Hội thảo về những vấn đề cụ thể, sát sườn hơn vào những nội dung chính, đặc biệt là các trao đổi nhằm hoàn thiện được dự thảo cũng như sớm đưa ra được các quy định, quy trình biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam và việc tổ chức bộ máy biên tập của Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam vào triển khai thực tiễn trong thời gian sớm nhất.

Các tham luận cho thấy biên tập công trình Bách khoa toàn thư Việt Nam (BKTTVN) là công việc kiểm tra phát hiện những sai sót của bản thảo bách khoa toàn thư về mặt nội dung, kỹ thuật, hình ảnh, tu chỉnh, sửa chữa, nâng cao chất lượng trên cơ sở những tri thức đã được công nhận rộng rãi và những quy định của bộ BKTTVN, hoàn chỉnh bản thảo để có thể xuất bản thành xuất bản phẩm, đáp ứng các nhu cầu văn hóa tinh thần của xã hội.

Biên tập khoa học cần căn cứ vào những tri thức cơ bản nhất của một chuyên ngành. Nội dung những mục từ gắn với thế giới phải là những tri thức cơ bản, phổ biến, quan trọng của nhân loại. Nội dung nhữn mục từ của Việt Nam phải là những tri thức cơ bản, mang đặc trưng riêng của Việt Nam…

Các tham luận cũng cho thấy việc biên tập công trình BKTT không chỉ đơn thuần là việc hoàn thiện bản thảo sau khi biên soạn mà cần phải được tổ chức song song với quá trình biên soạn bởi một bộ máy biên tập được tổ chức khoa học và chất lượng để trực tiếp đảm nhận công tác biên tập một cách thống nhất theo đúng các quy định, quy tình biên tập của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Đây là một công đoạn khó khăn, phức tạp và là một vấn đề mới, liên quan chặt chẽ đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đến nay, vẫn chưa có quy định cũng như quy trình nào về công tác biên tập này của Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Về thực chất, đây là công việc mang tính nghiệp vụ, nhưng lại đòi hỏi một trình độ hiểu biết cao về nhiều mặt như có kiến thức về chuyên ngành, liên ngành, kiến thức chung về từ điển học và bách khoa thư học, đặc thù của Bách khoa toàn thư Việt Nam; về cấu trúc vĩ mô và vi mô của mục từ Bách khoa toàn thư Việt Nam. Đồng thời, người tham gia biên tập cần có trách nhiệm cao, nắm vững nguyên tắc, nội dung biên soạn và biên tập trong “Tài liệu hướng dẫn biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam”, “Cẩm nang biên soạn các quyển theo ngành Bách khoa toàn thư Việt Nam” cũng như hiểu “Quy định biên tập bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam”…

Các nhà khoa học nhận định, ở Việt Nam hiện nay, việc xuất bản các loại công trình bách hoa với chất lượng khác nhau đang có chiều hướng gia tăng. Vấn đề biên tập loại sách này vẫn chưa được quan tâm đúng mực, dù đến nay nước ta đã có một số công trình, bài viết có liên quan đến vấn đề này nhưng các hạn chế về nội dung vẫn là những vấn đề thời sự nổi bật, hầu hết các bài viết đều mới chỉ tập trung vào phương pháp luận, về công tác biên soạn nhưng chưa đạt được tính liên quan trực tiếp và giải quyết thấu đáo về lĩnh vực này. Do đó, rất cần có thêm các diễn đàn trao đổi, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn, tọa đàm, nhằm tập trung nhiều hơ các tham luận có tính nghiên cứu chuyên sâu, góp phần trao đổi, làm rõ và nâng cao chất lượng nội dung cốt lõi, tư tưởng và tính chất học thật của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác