Tác động của các dự án phát triển tới môi trường và cảnh quan các di sản thiên nhiên tại Việt Nam

17:00 17/09/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp môi trường hằng năm của Viện Địa lý nhân văn “Truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người lao động Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Năm 2024 chủ đề: Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên)” do TS. Phạm Thị Trầm làm Chủ nhiệm Nhiệm vụ; được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) và nhận được sự phối hợp của cơ quan trong và ngoài Viện Hàn lâm, chiều ngày 18/9/2024, tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Viện Địa lý nhân văn (IHGEO) tổ chức Hội thảo “Tác động của các dự án phát triển tới môi trường và cảnh quan các di sản thiên nhiên tại Việt Nam”.

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của Bà Nguyễn Huyền Trang, đại diện Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Sở Du lịch Ninh Bình; đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình. Về phía Viện Hàn lâm có  TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng IHGEO; TS. Bùi Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng IHGEO; PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm; đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; các nhà khoa học, người lao động đơn vị tổ chức thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm.

Quần thể Danh thắng Tràng An được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Đây là một trong 39 Di sản hỗn hợp của thế giới và là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đáp ứng tổng hòa các nội dung cốt lõi của hệ sinh thái di sản thiên nhiên kỷ, đủ nền tảng và giá trị khoa học để phát triển tiếp nối hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ Tràng an vào tổ chức đô thị và đời sống đương đại. Quần thể danh thắng Tràng An đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Huyền Trang, đại diện Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An trình bày tham luận đầu tiên tại Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo Viện Địa lý nhân văn, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. TS. Nguyễn Song Tùng nhấn mạnh đến mục tiêu của Hội thảo đó là nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên cho người lao động Viện Hàn lâm, góp phần khẳng định vai trò và trách nhiệm của Viện Hàn lâm trong công tác bảo vệ môi trường hướng tới việc cụ thể hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững của đất nước. Viện trưởng IHGEO cho hay, việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người lao động Viện Hàn lâm trong thay đổi nhận thức, hành vi, tạo sức lan tỏa xã hội về bảo vệ môi trường mà còn cung cấp khối lượng lớn kiến thức cơ bản về di sản thiên nhiên, các thách thức đặt ra và những giải pháp, yêu cầu đối với bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Qua đó, người lao động trong Viện sẽ được làm giàu thêm kiến thức, thực hiện tốt hơn vai trò tư vấn chính sách và thực hiện chức năng tham mưu, phản biện, đóng góp cơ sở khoa học trong phát triển chung của đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà, Học viện Khoa học xã hội trình bày tham luận thứ hai về công tác bảo vệ môi trường cảnh quan tại khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An

Bàn luân về công tác bảo vệ môi trường cảnh quan tại khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An, Bà Nguyễn Huyền Trang, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã thực hiện 1.348 lượt tuần tra, qua công tác tuần tra đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành có liên quan trong khu Di sản kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm để kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự, bảo vệ môi trường (BVMT) du lịch trong khu Di sản được tăng cường đảm bảo yêu cầu phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó đại diện Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cũng đề xuất một số giải pháp BVMT như là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng BVMT; định kỳ đánh giá tác động môi trường trong khu di sản; phát huy vai trò của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp; xã hội hóa các nguồn lực cho công tác BVMT; tăng cường trao đổi, hợp tác phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong công tác BVMT.

Đồng chí Bùi Thị Thúy Nga, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới trình bày tham luận thứ ba về BVMT di sản thiên nhiên vùng hải đảo: Kinh nghiệm từ đảo Phú Quốc (Việt Nam) và đảo Đài Loan

Bàn luận về vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quần thể danh thắng Tràng an nhằm phát triển bền vững và kết nối di sản, PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà, Học viện Khoa học xã hội nhấn mạnh, Ủy ban Quốc gia UNESCO sẽ tiếp tục hợp tác với Ninh Bình trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản UNESCO và thực hiện “mô hình đô thị di sản” trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt; áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đảm bảo nguyên tắc ngũ giác trong phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh liên kết vùng và sự tham gia của các bên liên quan, trong đó các địa phương và doanh nghiệp lữ hành cần có những biện pháp kích cầu, tạo ra sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch…

Toàn cảnh Hội thảo

Đại diện cho thanh niên Viện Hàn lâm, đồng chí Bùi Thị Thúy Nga khẳng định, bảo vệ di sản thiên niên là một trong những hoạt động có ý nghĩa, nhất là đối với thế hệ trẻ. Gìn giữ những giá trị của các di sản thiên nhiên thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục cũng là gìn giữ những giá trị nhân văn cho các thế hệ người dân Việt Nam. Bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các di sản thiên nhiên là hoạt động hết sức ý nghĩa và mang đầy tính nhân văn. Thông qua các hoạt động này, những di sản thiên nhiên nói chung và di sản thiên nhiên vùng biển đảo nói riêng sẽ ngày được quan tâm và sự phát triển của đất nước một lần nữa không tách rời với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Trong những năm qua, người lao động Viện Hàn lâm đã có nhiều cơ hội tiếp cận với các nội dung tuyên truyền về BVMT với các chủ đề về tiêu dùng bền vững, đa dạng sinh học, văn phòng xanh, chất thải nhựa, 3R, hành động vì thiên nhiên, tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn. Thông qua các hoạt động truyền thông, người lao động của Viện Hàn lâm đã được nâng cao nhận thức và thay đổi hành động về BVMT một cách tích cực và hiệu quả.

Ngay sau Hội thảo, các đại biểu sẽ được tham quan tìm hiểu trực tiếp công tác BVMT cảnh quan tại khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An. Qua các hoạt động thực tế này, các đại biểu và toàn thể viên chức, người lao động Viện Hàn lâm sẽ có những thay đổi về nhận thức, hành vi trong cuộc sống hàng ngày, góp phần vào công cuộc BVMT và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác