Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội: kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

17:00 27/09/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 27/9/2022, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội: kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Sự kiện là hoạt động khoa học thuộc đề tài độc lập cấp Quốc gia “Tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam: thực trạng, những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách” mã số ĐTĐL.XH-09/21. Tham dự hội thảo có nhiều đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học trong và ngoài Viện Hàn lâm, cùng sự có mặt đưa tin của một số cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Bà Trần Thị Lan Hương phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn, bà Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban, Ban Quản lý khoa học, chủ nhiệm Đề tài cho biết: Các tác động từ đại dịch Covid-19 có tính bao trùm khi tác động tới mọi lĩnh vực ngành nghề từ kinh tế, tới văn hóa xã hội và nhiều lĩnh vực khác.

Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF - International Monetary Fund) đến cuối tháng 6/2020, thay vì tăng 3% GDP sẽ giảm khoảng 5% , mức giảm lớn nhất kể từ sau Thế chiến II, lần đầu tiên trong ít nhất 60 năm, 89 triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, tăng 15%, nợ công tăng vọt, IMF dự báo tỷ lệ tổng nợ công trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến sẽ tăng từ 105% vào năm 2019 lên 132% vào năm 2021.

GS.TS. Nguyễn Hồng Quân báo cáo tham luận tại Hội thảo

Trong năm 2021, 2022, kinh tế thế giới gặp nhiều rủi ro và tiếp tục suy yếu bởi đại dịch do lạm phát toàn cầu cao hơn dự kiến, các vấn đề như lạm phát, đứt gẫy cung ứng, khủng hoảng giá năng lượng, thương mại toàn cầu đình trệ khiến bức tranh kinh tế toàn cầu phục hồi không đồng đều giữa các khu vực và giữa các quốc gia, và tồn tại rất nhiều bất định khó đoán…

PGS.TS. Trần Thị Lan Hương đề nghị các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cần tập trung làm rõ, nêu ra những vấn đề nổi trội, thảo luận sâu vào những vấn đề có tính thời sự cũng như đưa ra được các quan điểm dự báo về xu hướng tác động tiếp theo, góp phần xây dựng và bổ sung vào hệ thống lý luận của Đề tài.

TS. Hà Thị Hồng Vân trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra theo 2 phiên với 6 tham luận được trình bày về những vấn đề sau: Đan Mạch trong tác động của đại dịch Covid-19: biện pháp ứng phó của chính phủ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (do GS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng trình bày); Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, hàm ý đối với Việt Nam (PGS.TS. Hà Văn Hội, trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày); Cách ứng phó của Ấn Độ đối với Covid-19 và bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam (TS. Phạm Cao Cường, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á trình bày); Kinh nghiệm của Trung Quốc trong ứng phó với đại dịch Covid-19 (TS. Hà Thị Hồng Vân, Trung tâm Phân tích và Dự báo trình bày); Tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế và phản ứng chính sách của Thái Lan (TS. Lê Lan Anh, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ trình bày); Tổng quan kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 và các chính sách kinh tế hậu Covid-19 (TS. Ngô Quốc Việt, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội trình bày).

Qua các báo cáo có thể thấy, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, thế giới phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kép, trong đó, mạnh mẽ nhất phải kể đến khủng hoảng đối với ngành y tế, xã hội và kinh tế. Cuộc khủng hoảng này chưa từng xảy ra trong lịch sử và được đánh giá là cuộc khủng hoảng kép tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Với hình thức phong tỏa và cách ly xã hội, khủng hoảng y tế toàn cầu đã trở thành cuộc khủng hoảng xã hội có quy mô trên toàn thế giới.

Toàn cảnh Hội thảo

Tổ chức y tế thế giới gọi Covid-19 là chu kỳ “hoảng loạn - lãng quên” khi nhiều nước đột ngột nhiễm phải căn bệnh chết người khiến chính phủ và ngành y tế nhiều quốc gia lúng túng hoàn toàn trong việc ban hành các chính sách kiểm soát dịch bệnh, nhiều quốc gia “thất thủ” với số người chết cùng một thời điểm diễn ra quá lớn, bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh, thiếu oxy, khẩu trang và các thiết bị y tế khác… khiến các quốc gia buộc phải nghiêm ngặt cách ly, phong tỏa cục bộ hoặc toàn quốc, các hoạt động kinh tế tạm dừng, giáo dục, giao thông… bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên với sự nỗ lực của các chính phủ phương thức kiểm soát dịch bệnh toàn cầu đã có sự thay đổi, chiến dịch tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh với độ phủ cao là điều kiện để nhiều quốc gia gỡ bỏ dần các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trước đó, từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch để phát triển kinh tế và phục hồi trong điều kiện “bình thường mới”.

Qua trao đổi về kinh nghiệm của các quốc gia, các ý kiến đều cho rằng; Mặc dù các quốc gia hiện nay đều ở trạng thái đối diện chủ động với dịch nhưng vẫn cần có ưu tiên cao nhất cho hoạt động chống dịch. Cho đến nay, vẫn chưa có dự báo khả quan nào về sự chấm dứt của dịch bênh Covid-19. Bên cạnh đó, cũng cần phải chú ý tới những biến thể mới của virus Corona và bệnh đậu mùa khỉ đang tiếp tục xuất hiện và có nhiều diễn biến phức tạp, có dấu hiện ngày một gia tăng ở một số quốc gia thuộc châu Âu, châu Á… trong thời gian gần đây.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Các báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần tái cấu trúc nền kinh tế, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 và phát triển kinh tế số, cải thiện môi trường thể chế, nhất là cơ chế chính sách giúp phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện tại. Cần sẵn sàng có các kịch bản ứng phó với nguy cơ suy thoái của nền kinh tế thế giới và nguy cơ bùng dịch trở lại. Điều này đòi hỏi các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách phải luôn bám sát vào tình hình thực tiễn góp phần đưa ra cơ sở khoa học và các giải pháp giúp chính phủ chủ động ứng phó kịp thời và hiệu quả với đại dịch.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác