Tăng trưởng xanh ở Tiểu vùng Mêkông

17:00 26/07/2012
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tiếp nối Hội thảo thường niên lần thứ nhất ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia về khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Viện Nghiên cứu Môi trường Hàn Quốc (KEI), Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề "Tăng trưởng xanh ở Tiểu vùng Mêkông" vào ngày 24 tháng 7 năm 2012 tại Đà Nẵng.

Tham dự Hội thảo có Ban Lãnh đạo và các nhà khoa học đến từ Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI), Viện Nghiên cứu Môi trường Hàn Quốc (KEI); Viện Nghiên cứu Kinh tế nông thôn Hàn Quốc (KREI); Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI); Đại học Quốc gia Seoul; Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng. 

TS. Cae One Kim, Tư vấn viên cao cấp, Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu và GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo. Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đây là một trong những sáng kiến tiên phong của cộng đồng các nhà khoa học Hàn Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia nhằm thúc đẩy sự liên kết và hợp tác tiểu vùng Mêkông trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Đây cũng là hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu sắc giữa Viện Môi trường Hàn Quốc, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu với Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia và Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách về tăng trưởng xanh.

Sự phát triển hiện nay của tiểu vùng Mêkông đòi hỏi cơ sở hạ tầng sinh thái phải được cải thiện và quản lý hiệu quả hơn để đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như các nhu cầu mới về lương thực, nước, môi trường và năng lượng. Đây là các nền tảng đối với sự phát triển bền vững và sự thịnh vượng của khu vực trong tương lai. Một nền kinh tế xanh đòi hỏi việc đảm bảo phát triển kinh tế hài hòa với môi trường, bảo vệ tài nguyên, nguồn nước, an ninh lương thực. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tại lưu vực sông Mêkông cần được tiến hành từng bước và đồng bộ trên cả ba phương diện. Thứ nhất, đổi mới các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào chiến lược phát triển phát thải thấp, giảm hàm lượng thải khí các-bon từ các hoạt động kinh tế thông qua việc chuyển sang phát triển các ngành công nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng sạch, thay đổi cơ cấu đầu tư, xuất khẩu, đa dạng sinh học…Thứ hai, thiết lập các thể chế, chính sách cho nền kinh tế xanh, tập trung vào việc xây dựng và thực thi các quy định về phát thải, thành lập các cơ chế giám sát và kiểm soát, ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh, thay đổi hình thức kết nối vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu…Thứ ba, thay đổi nhận thức xã hội, tập trung vào việc nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ môi trường, đầu tư tạo các việc làm xanh, hình thành các chuẩn mực xanh trong xã hội và tăng cường trách nhiệm môi trường của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của tiểu vùng. Đây cũng là các giải pháp cơ bản để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và sự biến đổi môi trường mang tính toàn cầu hiện nay, trong đó có biến đổi khí hậu. Sự chuyển đổi này cũng là thử thách lớn nhất trong thập kỷ tới đối với các quốc gia trong Tiểu vùng.

Trong 25 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, song sự phát triển chưa thực sự bền vững. Chất lượng tăng trưởng, hiệu suất, hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bởi vậy, điều chỉnh chiến lược tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh qua đó tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, giảm khí thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu là con đường mà Việt Nam phải hướng tới. Một trong những mục tiêu hàng đầu đặt ra là hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó đáp ứng cả ba trụ cột quan trọng của phát triển là: Phát triển kinh tế, Bền vững môi trường và An sinh xã hội. Có thể nói, việc lựa chọn chiến lược phát triển xanh là rất thích hợp - phản ánh xu hướng của thời đại. Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Dự thảo "Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050" hiện đang được các bộ ngành đang tích cực đóng góp ý kiến trước khi triển khai thực hiện.

Hội thảo được chia làm 3 phiên. Phiên thứ nhất “Phát triển bền vững khu vực Tiểu vùng sông Mêkông và hợp tác quốc tế” do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng và TS. Cae One Kim đồng chủ tọa.

Phiên thứ hai: “Chia sẻ các chính sách phát triển khu vực nông nghiệp” do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Viện KHXH Việt Nam và GS. Ji Soon Lee, Đại học Quốc gia Seoul đồng chủ tọa.

Phiên thứ ba: “Chia sẻ các chính sách phát triển Khu vực môi trường” do GS.TS. Võ Khánh Vinh,  Phó chủ tịch Viện KHXH Việt Nam  và TS. Sang In Kang, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Môi trường Hàn Quốc đồng chủ tọa.

Hội thảo được nghe 12 báo cáo và hàng chục ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận của các đại biểu. Những kết quả được trình bày và thảo luận tại Hội thảo sẽ là đóng góp quan trọng cho quá trình hoạch định, thực thi chính sách nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của Tiểu vùng Mêkông.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh đến những thách thức tăng trưởng xanh của các quốc gia trong Tiểu vùng Mêkông - một trong những khu vực đang và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu, môi trường ngày càng suy thoái, nguồn lực ngày càng cạn kiệt, sự tăng trưởng của các quốc gia còn dựa nhiều vào chiều rộng, trình độ công nghệ chưa cao, lượng phát thải còn rất lớn… Tăng trưởng xanh còn là vấn đề mới, chưa được nói đến nhiều, chưa được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trong Tiểu vùng. Trong khi đó, Hàn Quốc là một trong những nước đi tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa nền kinh tế, với một nền kinh tế sạch, dựa trên công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Những ưu tiên, bước đi, kinh nghiệm của Hàn Quốc trong lộ trình chuyển đổi mang tính phổ quát cao, gợi mở cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đi sau có thể áp dụng, làm thế nào để tổ chức lại nền kinh tế, hướng tới du lịch xanh, đầu tư xanh, tín dụng xanh, tiêu dùng xanh, đa dạng hóa sản phẩm hướng vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội…

 

                                                           Nguyễn Thu Hà

 

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác