Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học; PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cùng đông đảo các nhà quản lý, nguyên quản lý của cơ quan Trung ương và địa phương và các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu chào mừng tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, Hội thảo Thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học là hoạt động khoa học hàng năm, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Viện Khảo cổ học và các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức sự kiện này. Đây là sự kiện nổi bật của Khảo cổ học nước nhà trong năm 2022.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh cho biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 400 bài báo cáo, đề cập đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học như: Khảo cổ học tiền sử, khảo cổ học sơ sử và nhà nước sớm, khảo cổ học lịch sử, khảo cổ học Champa- Óc Eo, khảo cổ học dưới nước… với rất nhiều phát hiện nghiên cứu cụ thể ở mọi miền Tổ quốc, từ đồng bằng qua trung du miền núi đến những vùng sâu xa ở Tây Nguyên và hải đảo. Những cuộc khai quật, nghiên cứu tiếp nối và mới về Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), ở Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Giang, Quảng Nam, Đồng Nai, An Giang, Đắc Lắc… Theo đó, khảo cổ học dưới nước là bộ môn mới, trong năm qua đã có những hợp tác quốc tế với Nhật Bản nghiên cứu, khảo sát vùng biển Bình Châu…
Đồng thời, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh khẳng định, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Một trong những giải pháp cần thực hiện là “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”. Nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11/2021.
Năm 2022 ngành Khảo cổ học Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Cùng với thành tựu, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng chỉ ra những việc cần phải tiếp tục quan tâm giải quyết, như bảo vệ và bảo tồn di tích khảo cổ trước và sau khai quật; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh mong muốn, năm 2023, Viện Khảo cổ học và Ngành Khảo cổ học bằng sự nỗ lực phấn đấu sẽ đạt nhiều thành tựu mới, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
![TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học phát biểu khai mạc tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ts%20ha%20van%20can.jpg) |
Thay mặt Lãnh đạo Viện Khảo cổ học, phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Phó Viện trưởng nhấn mạnh, sự kiện thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 57- năm 2022 là diễn đàn để giới thiệu nghiên cứu khảo cổ học và nhiều ngành khoa học có liên quan gặp gỡ, trao đổi thông tin về những phát hiện mới, thảo luận học thuật, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây là dịp để các cán bộ trẻ tiếp cận học hỏi các thế hệ đi trước nhằm bổ sung hoàn thiện năng lực khoa học của bản thân.
TS. Hà Văn Cẩn cho biết, kể từ Hội thảo Thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học lần thứ 56- năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, cả ngành đã cố gắng vượt qua và tiếp tục chứng kiến những hoạt động khảo cổ học sôi động trên địa bàn cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới rất đa dạng và có giá trị to lớn. Trong đó có một số hoạt động nổi bật như: Khai quật Thác Hai (Đắc Lắc); Cù Lao Rùa (Bình Dương); Giồng Cá Vồ (TP. Hồ Chí Minh); Khu vực Chính Điện Kính Thiên (Hà Nội); Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa)… Ngoài các hoạt động điều tra, thăm dò, khai quật Hội thảo năm nay đã nhận được nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu về di tích, các loại hình di vật, kết quả phân tích mẫu khảo cổ, những hợp tác nghiên cứu liên đa ngành và hợp tác quốc tế.
![PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học trình bày Hoạt động Khảo cổ học Việt Nam năm 2021-2022](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/pgs.ts.%20bui%20van%20liem.jpg) |
Kế thừa và phát huy thành tựu của các giai đoạn trước, TS. Hà Văn Cẩn nhấn mạnh, ngành khảo cổ học đã thu được những thành quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nhận thức diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị các nền văn hóa/ văn minh/ văn hiến của các cộng đồng cư dân cổ trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, PGS.TS. Bùi Văn Liêm đã thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 57 như sau: Năm 2022, Ban Tổ chức đã nhận được 390 bài, trong đó 55 bài về khảo cổ học Tiền sử, 47 bài khảo cổ học Sơ sử và nhà nước sớm, 225 bài khảo cổ học Lịch sử, 40 bài khảo cổ học Champa- Óc Eo, 15 bài khảo cổ học Dưới nước và 8 bài về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ.
1/ Tiểu ban Khảo cổ học Tiền sử:
Khảo cổ học Tiền sử có 03 cuộc khai quật đáng chú ý: Ở miền Bắc, Viện Khảo cổ học và Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên khai quật di tích Hang Thẩm Tâu có hai lớp văn hóa: Hòa Bình và tiền Đông Sơn; Ở Tây Nguyên, Viện KHXH vùng Tây Nguyên và Bảo tàng tỉnh Đắk Nông khai quật địa điểm Thôn Tám niên đại 5.000-3.500BP. Ở miền Nam, Trung tâm Khảo cổ học Nam Bộ và Bảo tàng tỉnh Bình Dương khai quật di tích Cù Lao Rùa niên đại 3.500-2.500BP.
Nhiều di tích được thăm dò khảo cổ: địa điểm Hang Dơi thuộc văn hóa Bắc Sơn do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn; địa điểm Thung Lau có niên đại khoảng 3 vạn năm BP do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Ninh Bình; Hang Chuông do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Hà Nam; Ngườm Nà Khậu thuộc văn hóa Hòa Bình do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang; Hang Thẳm Un do Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn; công xưởng chế tác đá An Biên do Trung tâm Khảo cổ học (Viện KHXH vùng Nam Bộ) và Bảo tàng tỉnh Gia Lai; Thành đất đắp Tân Hưng 3 do Trung tâm KCH Nam Bộ và Bảo tàng tỉnh Bình Phước.
Một số hoạt động tại các Tiểu ban
2/ Tiểu ban Khảo cổ học Sơ sử và nhà nước sớm: có 05 cuộc khai quật: Tiêu biểu nhất là cuộc khai quật địa điểm Thác Hai do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện. Di tích được phát hiện năm 2020 và khai quật năm 2021-2022 đã ghi nhận đây là di chỉ xưởng. Ngoài các di tích mộ táng và hiện vật trang sức thủy tinh, đồ đá, đồ gốm, ở đây đã phát hiện dấu tích của lò nấu thủy tinh và các mũi khoan đá. Niên đại di tích 3.500-2.000BP. Các nhà nghiên cứu nhận định đây là địa điểm có những bằng chứng rõ ràng của hoạt động luyện kim, chế tác trang sức bằng đá, thủy tinh tại chỗ phục vụ xuất khẩu quốc tế.
3/ Tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử: Là tiểu ban có nhiều cuộc khai quật quy mô lớn. Tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học tiếp tục hợp tác khai quật khu vực Chính Điện Kính Thiên, kết quả đã làm xuất lộ thêm những di tích kiến trúc quan trọng của Hoàng thành Thăng Long từ thời Đại La đến thời Lê Trung Hưng, góp phần tái hiện không gian Chính Điện Kính Thiên xưa. Đồng thời cũng cho thấy sự đa dạng của các công trình kiến trúc chồng lớp qua các giai đoạn lịch sử cần được nghiên cứu tiếp. Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tiếp tục khai quật quy mô lớn ở khu Đông Nam Nội Thành và đường Hoàng Gia Thành Nhà Hồ đã làm xuất lộ thêm nhiều di tích kiến trúc quan trọng như di tích kiến trúc chính ở Nền Vua, đường đi…
Tiểu ban KCH Lịch sử nhận được một số lượng lớn thông báo về các mộ cổ thời Nguyễn ở Nam Bộ; các công trình kiến trúc đình, đền, chùa, miếu, lăng, tháp, nhà thờ giáo, nhà cổ… trên địa bàn cả nước.
4/ Tiểu ban Khảo cổ học Champa- Óc Eo:
Các nghiên cứu về văn hóa Champa: Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học và Bảo tàng Bình Định trong 3 năm qua đã khai quật phế tích Châu Thành (Bình Định). Các phế tích kiến trúc và di vật đã phát hiện ghi nhận di tích có niên đại khởi dựng từ thế kỷ IV-V. Đợt khai quật đã cho biết sự chuyển biến về các loại hình kiến trúc từ sớm đến muộn ở khu phế tích tháp Châu Thành.
Các nghiên cứu về văn hóa Óc Eo: Kết quả khai quật khảo cổ đáng chú ý là cuộc khai quật khu di tich Gò Tháo năm 2021 của Viện Khảo cổ học và Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp thực hiện tại ba địa điểm Gò Mộ, phía tây Gò Tháp Mười và Đìa Phật. Kết quả đã phát hiện nhiều dạng hình kiến trúc và di vật thuộc văn hóa Óc Eo làm phong phú thêm những tư liệu về nền văn hóa này ở Nam Bộ Việt Nam.
5/ Tiểu ban Khảo cổ học dưới nước: Tiểu ban có 07 thông báo liên quan đến thương cảng Vân Đồn. Có 2 cuộc khai quật được thực hiện ở địa điểm Vụng Huyện Nhỏ và Cái Làng do Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học, Viện Bảo tàng Dân tộc và Bảo tàng Quảng Ninh. Kết quả đã phát hiện một số di tích, di vật có nên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX, chủ yếu thế kỷ XIII- XIV. Ở Vụng Huyện Nhỏ, đã phát hiện những dấu vết kiến trúc có niên đại cuối Trần đầu thời Lê và các loại đồ gốm sứ Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XIII-XIV. Từ kết quả ở trên vấn đề trung tâm của Thương cảng Vân Đồn ở đâu tiếp tục được một số nhà nghiên cứu đặt lại.
Bên cạnh đó có 03 bài viết công bố kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Viện Địa chất- Địa vật lý Biển ứng dụng phương pháp địa vật lý khảo sát ở vùng biển Dung Quất (Quảng Ngãi). Có 01 thông báo về nghiên cứu so sánh tàu Bình Châu và các tàu cùng niên đại ở vùng biển Đông Nam Á; có 01 thông báo về các tàu thuyền đắm ở vùng nước Việt Nam.
Với 390 thông báo, Hội thảo đã cho thấy hoạt động khảo cổ học Việt Nam mùa điền dã 2021-2022 diễn ra rất sôi nổi, đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả rất cao.
Nhiều báo cáo được thực hiện công phu, nghiêm túc có nội dung phong phú. Đó chính là những thông tin khoa học mới bổ sung những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, lịch sử hình thành và phát triển con người Việt Nam. Mục tiêu để bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, quảng bá và phát huy các giá trị lịch sử- văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nguyễn Thu Trang