Thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam - Ấn Độ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

17:00 31/07/2012
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 31 tháng 7 năm 2012, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam - Ấn Độ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương", Tọa đàm diễn ra là một trong những hoạt động chào mừng một năm thành lập và ra mắt Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.

Tọa đàm đã vinh dự được đón tiếp Ngài Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, các giáo sư, các học giả đến từ Viện Nghiên cứu Châu Á - Maulana Abul Kalam Azad (Makaias, Kolkata) và một số cán bộ nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ.

Tọa đàm được thuyết trình bởi GS. Sreeradha Datta, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á (gọi tắt là Makaias). Với nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ, giáo sư cho rằng mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn là một mối quan hệ đặc biệt chân thành và thắm thiết kể từ khi Thủ tướng Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên từ hơn 50 năm về trước. Mối quan hệ truyền thống gắn bó thân thiết bắt nguồn từ lịch sử cuộc đấu tranh để giải phóng khỏi ách ngoại xâm và giành độc lập dân tộc của Việt Nam - Ấn Độ. Người Cha của cuộc đấu tranh vì tự do ở Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã từng có mối liên lạc với những chiến sĩ đấu tranh cho tự do Ấn Độ, trong đó có cả Jawaharlal Nehru – khi hai người gặp nhau ở Hội nghị chống chủ nghĩa thực dân ở Brucxen năm 1927 (theo ghi chép). Pandit Jawaharlal Nehru cũng chính là một trong những vị khách đầu tiên thăm Việt Nam sau chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ năm 1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm Ấn Độ tháng 2 năm 1958. Năm sau, Tổng thống Rajendra Prasad đã đến thăm Việt Nam. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào mùng 7 tháng 1 năm 1972. Bằng việc điểm lại những sự kiện của mối quan hệ song phương qua trình chiếu các đoạn phim tư liệu ngắn, giáo sư đã làm rõ mối quan hệ tốt đẹp, đối tác chiến lược, hai bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Trao đổi về định hướng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Giáo sư cho rằng việc tích cực tổ chức các cuộc tọa đàm như thế này là rất hữu ích cho việc xác định các hướng nghiên cứu trong thời gian tới. Mặc dù việc nghiên cứu về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Ấn Độ là rất phức tạp, các hướng tiếp cận đa chiều, có sự chồng chéo nhưng không vì thế mà các phân lớp nghiên cứu không thể tách biệt được, ngược lại chính đặc điểm này lại là những tác nhân hỗ trợ tích cực cho các đề án nghiên cứu khi được đem ra xem xét dưới lăng kính nghiên cứu của khoa học xã hội. Giáo sư khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia có vị trí địa lý quan trọng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vì thế nếu chúng ta nắm rõ và nghiên cứu được tất cả các vấn đề thuộc về văn hóa – xã hội, lịch sử - chính trị nảy sinh trong bối cảnh mới thì các nghiên cứu chắc chắn sẽ góp phần làm cho mối quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ và các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng phát triển.

Tọa đàm đã kết thúc thành công với sự tham gia thảo luận của các đại biểu tham dự.

                                                           Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác