Tin Hội thảo “Biến đổi và xu thế tôn giáo ở khu vực miền Trung Việt Nam hiện nay: định hướng chính sách”

03:24 03/07/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng, đời sống tôn giáo trên phạm vi toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng, đang có nhiều biến đổi mạnh mẽ. Để nhận diện thực trạng và xu thế biến đổi tôn giáo ở Việt Nam hiện nay nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật tôn giáo, ngày 30/6/2017, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Biến đổi và xu thế tôn giáo ở khu vực miền Trung Việt Nam hiện nay: định hướng chính sách”.
PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo<br>phát biểu khai mạc tại Hội thảo   Chủ tọa Hội thảo (từ trái sang phải): PGS.TS. Chu Văn Tuấn,<br>TS. Nguyễn Quốc Tuấn và Ông Nguyễn Hữu Dinh

Đến dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm có: PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; PGS,TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học; và các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Về phía tỉnh Khánh Hòa có: ông Nguyễn Hữu Dinh, Phó trưởng ban Ban Tôn giáo, ông Bùi Hữu Thành, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên trưởng ban Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa cùng các cán bộ của Ban Tôn giáo.

Về phía khách mời có: ông Ngô Khôi, Phó giám đốc  Sở Nội vụ, trưởng ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng; ông Lê Kim Dũng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Tường, Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận; đại diện Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa. Một số cơ quan báo chí, truyền hình tại Khánh Hòa đã đến đưa tin về Hội thảo. 

Các báo cáo tại Hội thảo cũng như các ý kiến thảo luận tập trung vào sự biến đổi tôn giáo trong đời sống tôn giáo hiện nay, cụ thể trên 3 phương diện: biến đổi của niềm tin tôn giáo, biến đổi của thực hành tôn giáo và biến đổi của cộng đồng tôn giáo. Theo đó, nhiều vấn đề đặt ra hiện nay đã được trao đổi, thảo luận như: tính phức tạp của niềm tin tôn giáo hiện nay, sự suy giảm tính thiêng do sự gia tăng tính thế tục trong bối cảnh kinh tế thị trường; sự đan xen, pha trộn các thực hành tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa; sự gia tăng áp lực đối với các cấp quản lý trước sự gia tăng số lượng tín đồ, yêu cầu về việc ứng xử một cách bình đẳng của Nhà nước đối với các tôn giáo và tổ chức tôn giáo; vấn đề công nhận pháp nhân tôn giáo và tài sản tôn giáo; việc đáp ứng yêu cầu của các cộng đồng tôn giáo về việc cho phép các tôn giáo tham gia nhiều hơn vào giáo dục, y tế và an sinh xã hội; cảnh báo tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số chức sắc tôn giáo và sự ảnh hưởng sâu sắc đến tín đồ; sự phân biệt khiên cưỡng giữa tôn giáo và tín ngưỡng mà chưa dựa vào vấn đề quan trọng là niềm tin khiến cho các nghiên cứu cũng như công tác quản lý Nhà nước đang ở trong tình trạng chồng chéo và lúng túng; vấn đề Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và những vấn đề đặt ra…

Toàn cảnh Hội thảo   Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Trong phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng, các tham luận đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng để lượng hóa vấn đề biến đổi tôn giáo để có thể nhận diện vấn đề này một cách minh bạch hơn. TS. Nguyễn Quốc Tuấn cũng cho rằng, Hội thảo đã bước đầu xới lên các phương diện trong biến đổi tôn giáo hiện nay, đồng thời, bước đầu đã có những đánh giá và nhận diện tương đối thống nhất. Chẳng hạn, trong các lĩnh vực nhận thức mà nghiên cứu tôn giáo đã đề cập đến như: nhận thức khoa học về tôn giáo, nhận thức của chính cộng đồng tôn giáo về tôn giáo của mình, và nhất là cần đổi mới một cách cơ bản nhận thức quan phương về tôn giáo (chẳng hạn, việc đạt được sự bình đẳng tôn giáo phải được coi là sự biến đổi về quản lý); cần đề xuất để các cấp tạo điều kiện thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về tôn giáo (số tín đồ, số cơ sở thờ tự, số chức sắc…) để có đủ cơ sở xác thực, đáng tin cậy trong nghiên cứu tôn giáo nói chung, biến đổi tôn giáo nói riêng./.

PV

In trang Chia sẻ

Tin khác