Ngày 12/6/2013, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 2011 – 2015 và tác động đến tình hình phát triển con người ở Việt Nam”. Đây là hoạt động thuộc Dự án Nâng cao năng lực xây dựng các chính sách phát triển con người ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
|
|
Tham dự Tọa đàm có các đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UNDP. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Khởi động dự án nghiên cứu đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 và tác động đến tình hình phát triển con người Việt Nam là công việc đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, khách quan và phức tạp, là tiền đề quan trọng cho chiến lược phát triển đến năm 2015, dài hạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Giáo sư chủ tịch Viện Hàn lâm cho rằng, để báo cáo giữa kỳ được thực hiện thành công, việc bám sát vào mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở thực tiễn triển khai đã thực hiện (tính đến hết quý II năm 2013) được coi là một cách tiếp cận hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của việc đánh giá giữa kỳ. Nhưng theo cách tiếp cận này để tìm ra được những tư duy mới, những đột phá mới cho sự thay đổi vì con người là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Giáo sư đã gợi ý một số điểm quan trọng Tọa đàm cần thảo luận kỹ, đó là các nghiên cứu cần xác định được các nhiệm vụ chiến lược đã triển khai về kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 đã đúng và phù hợp chưa? Hệ lụy của khủng hoảng 2008-2009 dẫn đến những vấn đề gì cho giai đoạn hiện nay, cần được đánh giá và làm rõ? Vấn đề bối cảnh và hội nhập, vai trò của thị trường trong nước và các chính sách điều phối của Đảng và Nhà nước… bám vào nhiệm vụ trọng tâm lấy phát triển con người Việt Nam làm mục tiêu tổng thể, làm thế nào để tạo nền tảng cho sự ổn định xã hội chặn đà suy giảm kinh tế, đồng thời là tạo ra những cơ sở cho sự phát triển của 5 năm tiếp theo?
Trên cơ sở thống nhất các nội dung cần bàn luận, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng kế hoạch, thảo luận đề cương và xác định đề tài nghiên cứu. Hầu hết các ý kiến trao đổi đều cho rằng nội dung nghiên cứu cần bám sát kế hoạch, có đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội nói chung, theo từng ngành cụ thể, trên cơ sở đánh giá thể chế chính sách, đánh giá nguồn nhân lực và các chỉ số kinh tế - xã hội vĩ mô có liên quan để tìm ra đòn bẩy cho sự phát triển, vì con người. Nhiều đại biểu cũng tỏ ra quan ngại về nhiều vấn đề liên quan đến thực thi chính sách, quản lý chính sách và các tiêu chuẩn để thực hiện các thiết chế xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây và cho rằng, hầu hết các vấn đề khó khăn mới chỉ được tháo gỡ trên cơ sở xử lý các biện pháp hành chính mà chưa có những động thái về thể chế, hiến pháp và chính sách pháp luật. Đây là kẽ hở tạo đà cho nhiều hệ lụy xã hội và kinh tế nảy sinh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế. Các đánh giá nhìn chung chưa thật khách quan và trung thực. Vì vậy trong thời gian tới muốn hướng đến sự phát triển vì con người Việt Nam bền vững, có được nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập ổn định, phù hợp với tình hình trong nước thì vấn đề thay đổi tư duy của các nhà quản lý trong hoạch định chính sách phát triển nói riêng, thay đổi tư duy của nhân dân nói chung là việc mà các nghiên cứu cần tập trung hướng tới, nhằm đưa ra được một báo cáo giữa kỳ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015, hướng tác động đến tình hình phát triển con người Việt Nam đúng, trúng và hiệu quả.
Phạm Vĩnh Hà