Tọa đàm khoa học “Chính sách công nghệ và vai trò quyết định của năng lực tổ chức”

12:00 22/08/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 22/8/2014, tại Hội trường 3D, trụ sở số 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học do GS. Mushtaq Khan thuyết trình về chủ đề “Chính sách công nghệ và vai trò quyết định của năng lực tổ chức”. Tham gia buổi Tọa đàm có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và nhiều đại biểu đến từ các đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm.

 

                               Toàn cảnh Tọa đàm                  Giáo sư Mushtaq Khan (bên phải) tại Tọa đàm

Giáo sư Mushtaq Khan được biết đến là một chuyên gia về lĩnh vực Kinh tế của Đại học London, nhưng từng giảng dạy và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Oxford. Ông  nghiên cứu về nhiều lĩnh vực như triết học, chính trị và kinh tế. Lĩnh vực quan tâm nhất của ông là quản trị nhà nước, kinh tế tổ chức, chính sách công nghiệp và cải cách quyền về tài sản ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở Nam Á và Đông Nam Á.  Là thành viên của Ủy ban các chuyên gia về hành chính công của Liên Hợp Quốc, ông tham gia hợp tác với Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc soạn thảo báo cáo về phát triển năng lực tổ chức cho khu vực công nghệ trung bình ở Việt Nam.

Tại Tọa đàm, giáo sư Mushtaq Khan cho rằng: Việt Nam cần ưu tiên tập trung xây dựng năng lực tổ chức cho các công ty công nghệ trung bình trong nước. Các chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ trung bình sẽ tạo ra nhiều việc làm phù hợp với Việt Nam hơn là chỉ chú trọng tăng trưởng phụ thuộc vào công nghệ cao vì ngành này chỉ phù hợp với một số ít lực lượng lao động, không tạo ra việc làm cho số đông. Vì vậy, các ngành công nghệ trung bình sẽ có tiềm năng lớn trong việc tạo ra việc làm trên diện rộng.

Giáo sư Mushtaq Khan khuyến nghị: Không có quốc gia nào trên thế giới có được một thị trường hoàn hảo. Bởi vậy, việc “sao chép” hoàn toàn mô hình chính sách can thiệp Nhà nước của nước khác để áp dụng cho một nước là không phù hợp. Các quốc gia cần dựa vào thực trạng của mỗi nước để đưa ra các hướng quản lý và áp dụng chính sách đúng đắn theo đúng năng lực và mục tiêu đề ra.

Giáo sư Mushtaq Khan cũng nhận định: Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều gặp thách thức trong việc tìm ra những thất bại của thị trường. Đây là bài toán luôn đặt ra trong mọi giai đoạn của sự phát triển bởi nó liên quan đến vấn đề đặc quyền, đặc lợi và năng lực quản lý của con người trong giai đoạn đó. Việc nghiên cứu, phân tích và lý giải những điều này sẽ giúp tìm ra các giải pháp chính sách và phát triển năng lực quản lý. Giáo sư cũng cho rằng năng lực tổ chức quy mô rộng hiệu quả hơn nhiều so với năng lực sản xuất của cá nhân. Đó là lý do các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc… đã thành công về công nghệ. Ở các nước này, các công ty trong nước được hỗ trợ về năng lực tổ chức và nhân rộng ra cấp độ lớn hơn.

Dẫn ví dụ về Ấn Độ, Giáo sư nhấn mạnh, ban đầu Ấn Độ là quốc gia rất kém trong sản xuất và năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất ô tô trước những năm 1980. Tuy nhiên, nhờ có được thành công vượt bậc trong việc xây dựng được hệ thống công nghệ mức trung bình cấp độ 1 và cấp độ 2, liên doanh với nước ngoài nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, cải cách công ty nhà nước của Ấn Độ, cho công ty nước ngoài các đặc quyền đặc lợi khi liên doanh, cải tổ công ty nội địa (có sự quản lý chặt chẽ của chính phủ), chỉ sau một thời gian ngắn, Ấn Độ đã dần trở thành một quốc gia nổi tiếng thế giới về xuất khẩu các dự án công nghệ…

Buổi Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm, chú ý và thảo luận của các đại biểu tham dự, nhất là về những vấn đề liên quan đến việc nâng cao năng lực quản lý và tổ chức cho khu vực công nghệ trung bình ở Việt Nam./.

                                                                                                       Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác