Tham dự Tọa đàm có các đại biểu khách mời: GS.TS. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và GS.TS. Hồ Sỹ Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, VASS.
Về phía Viện Hàn lâm có các đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc và các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm.
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm và TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm chủ trì Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định, trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, Viện Hàn lâm đã có bề dày về thành tựu nghiên cứu khoa học quan trọng trong các lĩnh vực về khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có các công trình, cụm công trình khoa học nổi bật, và giải thưởng Hồ Chính.
Quang cảnh Tọa đàm
Tuy nhiên đứng trước tình hình mới, với bối cảnh trong nước và thế giới có những thay đổi mạnh mẽ, mọi ngành, mọi lĩnh vực đòi hỏi phải có bước chuyển mình trong đó có ngành khoa học xã hội và nhân văn. Do đó, Tọa đàm ngày hôm nay nhằm mục tiêu đánh giá tổng quan tình hình phát triển của khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) trên thế giới, rút ra những bài học kinh nghiệm giá trị cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và chuyển đổi số mạnh mẽ.
TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương trình bày tham luận tại Tọa đàm
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận và thảo luận về tình hình KHXH&NV ở một số nước (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Singapore). Báo cáo về Trung Quốc nhấn mạnh vai trò trọng yếu của KHXH&NV trong chiến lược phát triển quốc gia, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng kinh nghiệm xây dựng hệ thống think tank trọng điểm, thu hút nhân tài, thúc đẩy quốc tế hóa và định hướng nghiên cứu phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.
Về Hoa Kỳ, các tham luận đã chỉ rõ tính linh hoạt và liên ngành cao của hệ thống nghiên cứu, sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản tại các đại học lớn và nghiên cứu ứng dụng tại các think tank uy tín. Hoa Kỳ cũng nổi bật trong cách huy động đa dạng nguồn tài trợ và đẩy mạnh chuyển giao tri thức cho cộng đồng và chính sách công.
GS.TS. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu thảo luận tại Tọa đàm
Từ thực tiễn này, các diễn giả đề xuất Việt Nam cần nâng cao vai trò quan trọng của KHXH&NV, từ đó tập trung đầu tư nguồn lực phát triển KHXH&NV, cả về kinh phí, phát triển các tổ chức nghiên cứu và đội ngũ các nhà nghiên cứu, xây dựng môi trường học thuật khai phóng và hội nhập.
Bên cạnh đó, thực trạng nghiên cứu KHXH tại Nga, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc và Singapore cũng được phân tích toàn diện. Các nước này đều khẳng định vai trò quan trọng của KHXH&NV trong việc cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách phát triển, quản trị quốc gia, xây dựng các giá trị văn hóa, phát triển con người.
Một điểm nhấn quan trọng của Tọa đàm là báo cáo tổng hợp về các xu hướng nghiên cứu KHXH&NV trên thế giới hiện nay, như: đẩy mạnh liên ngành, số hóa nghiên cứu (digital humanities), tăng cường tính thực chứng, phục vụ các yêu cầu quản trị toàn cầu, và sự trỗi dậy của các trào lưu tư tưởng mới định hình phương pháp luận và nội dung nghiên cứu.
GS.TS. Hồ Sỹ Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH phát biểu tại Tọa đàm
Từ thực tiễn quốc tế, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm đánh giá cao các tham luận bởi sự công phu, tinh thần trách nhiệm của các nhà nghiên cứu cũng như các ý kiến trao đổi, thảo luận sâu sắc của các đại biểu tham dự, đồng thời nhấn mạnh một số kinh nghiệm của các nước có thể áp dụng cho Việt Nam như: các nước được nghiên cứu đều đề cao vai trò của KHXH&NV trong phát triển đất nước, từ đó đầu tư mạnh cho KHXH&NV; có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển các tổ chức nghiên cứu, trong đó đề cao vai trò của các tổ chức nghiên cứu trọng điểm, có vai trò định hướng, dẫn dắt hoạt động nghiên cứu KHXH&NV (như: Viện Hàn lâm Khoa học Nga; Hội đồng Nghiên cứu khoa học xã hội Singapore - SSRC); Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động nghiên cứu KHXH&NV; có nhiều chính sách ưu đãi, trọng dụng các nhà khoa học (Trung Quốc, Hàn Quốc ); gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy – nghiên cứu – tư vấn chính sách; tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, trong đó chú trọng tự do học thuật...
Tọa đàm khép lại trong không khí trao đổi sôi nổi, thống nhất cao về nhiệm vụ tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hướng tới đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước trong thời đại mới./.