Sáng ngày 13/11/2014, tại hội trường tầng 10, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Vai trò của một số nhóm xã hội đặc thù của các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên” với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ Chương trình Tây Nguyên 3, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc, Đại học Quốc gia Hà Nội và các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
PGS.TS. Bùi Văn Đạo - chủ nhiệm Đề tài, báo cáo kết quả nghiên cứu tại Tọa đàm
|
|
Tọa đàm là một trong nhiều hoạt động của đề tài cấp Nhà nước TN3/X18 “Vai trò của một số nhóm xã hội đặc thù của các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên” do PGS.TS. Bùi Văn Đạo - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên - làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ năm 2012-2014. Đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015” (Chương trình Tây Nguyên 3).
Thay mặt nhóm thực hiện, PGS.TS. Bùi Văn Đạo chủ nhiệm Đề tài, báo cáo những nội dung cơ bản mà Đề tài đã thực hiện: tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò của các nhóm xã hội đặc thù (già làng, trí thức và phụ nữ) ở các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên trong bối cảnh phát triển bền vững; nêu lên thực trạng vai trò của các nhóm xã hội đặc thù các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh chính trị vùng Tây Nguyên giai đoạn 25 năm đổi mới dưới giác độ phát triển bền vững, phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến bất cập của vai trò các nhóm xã hội đặc thù (tập trung vào việc thực hiện chính sách và tác động của các thế lực thù địch bên ngoài). Qua đó tập thể tác giả đã kiến nghị giải pháp cho các nhóm xã hội đặc thù ở các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên.
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận xác đáng. Những góp ý, nhận xét của các đại biểu tham dự sẽ được Chủ nhiệm đề tài lựa chọn để đưa vào báo cáo tổng hợp Đề tài.
Các biểu tham dự đều cho rằng, nhìn chung đề tài TN3/X18 có nhiều đóng góp mới đối với việc hoạch định chính sách để phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên trong thời gian tới./.
Nguyễn Vũ