|
Tham gia hoạt động khoa học này, về phía đại biểu Bộ KH&CN, có ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ KHXH&TN và ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Vụ trưởng, Vụ KHTH cùng một số chuyên viên; có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính. Về phía địa phương, tỉnh An Giang có ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc BQL Di tích văn hóa Óc Eo và lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, Văn phòng đăng ký đất, UBND huyện Thoại Sơn, UBND Thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn. Về phía tỉnh Kiên Giang có bà Nguyễn Thị Diệp Mai. Phó Giám đốc Sở VHTT&DL và Lãnh đạo Ban Quản lý di tích tỉnh, Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh. Về phía Viện Hàn lâm có sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện, Chủ nhiệm Đề án; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Viện, Phó Chủ nhiệm Đề án; PGS.TS. Bùi Chí Hoàng, Viện KHXH vùng Nam Bộ, Phó Chủ nhiệm Đề án; PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện khảo cổ học; PGS.TS. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành; TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng, Viện KHXH vùng Nam Bộ, PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, TS. Nguyễn Thủy Lan, Phó trưởng ban Ban Kế hoạch-Tài chính. Về phía các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tư vấn khoa học, có sự tham gia của PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia; và các thành viên của Ban chủ nhiệm Đề án, các thành viên của Hội đồng khoa học Đề án, các nhà khảo cổ học công tác tại Viện KHXH vùng Nam Bộ và Đại học KHXH&NV, ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh - những người đã có nhiều năm cống hiến sức lực và trí tuệ cho việc khai quật khảo cổ học và nghiên cứu các di chỉ văn hóa Óc Eo. Buổi tọa đàm còn có sự tham dự của các phóng viên báo chí đến từ: Báo An Giang, Đài Phát thanh và truyền hình An Giang, Thông tấn xã Việt Nam – Phân xã An Giang.
Sự hình thành nền văn hóa Óc Eo - cách nay hai thiên niên kỷ - trên vùng đất Tây Nam Bộ đã đánh dấu một bước phát triển của văn minh nhân loại ở khu vực Đông Nam Á. Từ bấy đến nay, lịch sử và thế sự biết bao thăng trầm dâu bể khiến cho việc nhận diện đặc điểm, giá trị của nền văn hóa được tiếp tục trong nhiều thế kỷ quả thật không dễ dàng. So với tuổi đời của nền văn hóa này, lịch sử nghiên cứu về nó qua các hiện vật còn lại ở Việt Nam chỉ mới ngót nghét 100 năm, và chỉ mới được bắt đầu sau khi nền văn hóa này bị rơi vào quên lãng hàng nghìn năm. Điều này lại càng gây khó khăn cho việc khẳng định các giá trị đích thực của nó.
Trong thời gian qua, nhờ có sự nỗ lực của nhiều thế hệ các nhà khảo cổ học nói riêng, các nhà nghiên cứu KHXH nói chung, và sự phối hợp của các nhà quản lý di tích tại An Giang, Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các vấn đề quy hoạch, bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu giá trị nền văn hóa này đã được đặt ra một cách bài bản và đồng bộ. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và của người dân trên vùng đất có di tích này; đặc biệt là việc nhận diện tổng thể và đánh giá giá trị lịch sử-văn hóa của di tích. Chính vì vậy, Chính phủ đã quyết định giao Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Viện Hàn lâm) chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành và 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang triển khai Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa nhằm cung cấp những cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đồng thời, để mọi người Việt Nam nói chung, người dân Tây Nam Bộ nói riêng, ý thức được giá trị lịch sử-văn hóa của nền văn hóa Óc Eo đã được ông cha dựng xây trong nhiều thế kỷ cách đây hàng nghìn năm để tự hào và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị.
|
|
|
Trong buổi khảo sát di tích và tọa đàm khởi động, PGS.TS. Bùi Chí Hoàng và nhóm thực hiện đề án thuộc Trung tâm Khảo cổ học, Viện KHXH vùng Nam Bộ đã trình bày thuyết minh tổng thể về đề án và các địa điểm sẽ tiến hành khai quật trong khuôn khổ Đề án. Trong phần tọa đàm, các nhà khoa học của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Bộ Văn hóa và 3 đơn vị sẽ trực tiếp tham gia thực hiện đề án là Viện Khảo cổ học, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành và Trung tâm Khảo cổ học đã phát biểu bày tỏ niềm vui của giới khảo cổ học về việc đề án quan trọng và có quy mô lớn nghiên cứu văn hóa Óc Eo đã chính thức được khởi động, đòng thời, cũng đã chỉ ra những thuận lợi cũng như những thách thức đối với nhóm thực hiện đề án. Lãnh đạo tỉnh An Giang và đại diện tỉnh Kiên Giang đã bày tỏ sự đồng thuận cao và cam kết phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà nghiên cứu thực hiện Đề án. Thay mặt các cơ quan quản lý có mặt tại buổi tọa đàm, ông Lê Quang Thành (Vụ trưởng Vụ KHXH&TN, Bộ KHCN) đánh giá cao sự triển khai bài bản của Viện Hàn lâm trong việc thực hiện quyết định của Bộ KHCN, góp ý về một số bước triển khai tiếp theo và bày tỏ sự tin tưởng về sự thành công của Đề án.
|
Kết thúc buổi tọa đàm, GS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu cám ơn các nhà khoa học, các nhà quản lý đã tham gia và có nhiều ý kiến bổ ích để Viện Hàn lâm triển khai Đề án một cách kịp thời. Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng đã bày tỏ quyết tâm thực hiện Đề án đúng tiến độ và đạt chất lượng; đồng thời giao Trung tâm Khảo cổ học, Viện KHXH vùng Nam Bộ làm đầu mối để tổ chức thực hiện đề án, thảo luận kỹ với các đơn vị thực hiện để xác định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện ngay, thống nhất về phương pháp và lộ trình thực hiện; phối hợp chặt chẽ với địa phương, tập hợp đội ngũ các nhà khoa học để triển khai đề án một cách kịp thời, linh hoạt và đạt chất lượng cao nhất./.
PGS.TS. Trần Thị An