Tọa đàm kỹ thuật: Viết báo cáo về tăng trưởng bao trùm – xu hướng và tính toán

12:00 24/04/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 23/4/2014, tại trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Dự án nâng cao năng lực xây dựng các chính sách phát triển con người ở Việt Nam - HDPM (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Tọa đàm kỹ thuật: Viết báo cáo về tăng trưởng bao trùm – xu hướng và tính toán”. Tọa đàm do TS. Nguyễn Thắng, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Trưởng nhóm soạn thảo Báo cáo phát triển con người năm 2014 chủ trì, với sự có mặt của một số chuyên gia quốc tế thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và các nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan khác nhau trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

 

Toàn cảnh Tọa đàm   Đại diện của tổ chức Oxfam trình bày tham luận Cảm nhận về bất bình đẳng tại Tọa đàm

Tọa đàm đã được nghe nhiều tham luận liên quan đến các vấn đề như: Khung lý thuyết cho tăng trưởng bao trùm; Khung phân tích các chỉ số phát triển bao trùm (FIGI) của ADB; Khung phân tích các chỉ số phát triển bao trùm – áp dụng cho Việt Nam; Các kết quả sơ bộ từ Điều tra về cảm nhận bất bình đẳng và gắn kết xã hội; Cảm nhân bất bình đẳng; Tăng trưởng bao trùm – các xu hướng; Tăng trưởng bao trùm – quan điểm của người dân...

Các vấn đề về bất bình đẳng và dịch chuyển xã hội được Tọa đàm đặc biệt chú ý. Theo  tổ chức Oxfam, các khía cạnh bất bình đẳng gia tăng đang trở thành xu hướng và ngày càng trở thành mối quan tâm của các tầng lớp dân cư. Đa số người dân chấp nhận sự gia tăng bất bình đẳng về kết quả thu nhập, chi tiêu, tài sản... Tuy nhiên, một số bất bình đẳng về kết quả hoặc cơ hội tạo ra bởi những thách thức không chính đáng như sử dụng quyền thế hoặc ảnh hưởng cá nhân, đặc quyền và tham nhũng thường không được chấp nhận.

Trong 5-10 năm qua, tăng trưởng kinh tế trên diện rộng giúp đời sống nhân dân có nhiều cải thiện, nhất là về mặt an ninh lương thực, tiếp cận giáo dục, y tế, thông tin, nhà ở... Tuy nhiên, người dân chỉ thực sự cảm nhận sự dịch chuyển xã hội đi lên khi bản thân va gia đình họ có sự chuyển đổi nghề nghiệp.

Hầu hết nhóm thảo luận đều cho rằng trẻ em trai và trẻ em gái xuất thân từ các gia đình nghèo thiếu cơ hội ngang bằng để vươn lên trong cuộc sống so với trẻ em xuất thân từ các gia đình khá giả. Vai trò của nền tảng gia đình trong việc chuyển đổi nghề nghiệp để vươn lên được cho là rất quan trọng, gắn liền với lợi thế của các gia đình khá giả về điều kiện kinh tế, trình độ học vấn, quyền thế và quan hệ cá nhân. Một số ý kiến cho rằng, hiện nay cơ hội dịch chuyển xã hội đi lên nằm ở việc bố mẹ có “chức quyền” hoặc có “quan hệ rộng” hay không.

Các trao đổi cũng tập trung làm rõ và khuyến nghị, cần phải tăng cường công tác đo lường, phân loại đối tượng thụ hưởng và cách thức hỗ trợ hướng đến giảm nghèo và bất bình đẳng; Sử dụng các định nghĩa và cách tính của UNESCO trong việc chuẩn hóa các số liệu về giảm nghèo và bất bình đẳng; Khuyến nghị cách hiểu chung nhất về tăng trưởng bao trùm trong các hoạt động nghiên cứu, hướng nghiên cứu và hàm ý chính sách nhằm hướng tới việc sử dụng các chỉ số có tính chuẩn hóa cao nhất phục vụ Báo cáo phát triển con người năm 2014.

 

Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác