GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch VASS và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia đến từ WB và các nhà khoa học, các chuyên gia của VASS.
Trong phần đầu của buổi Tọa đàm, Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam đã trình bày báo cáo chuyên đề, đề xuất các mục tiêu, khát vọng của Việt Nam, tôn chỉ phát triển, những thách thức và các giải pháp để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển vào năm 2035 thông qua sự phân tích sâu sắc “Ba trụ cột”:
(1) Hiệu suất và tăng trưởng, tập trung tăng trưởng năng suất lao động tại Việt Nam dựa trên các yếu tố (tăng trưởng TFP, tăng trưởng vốn, tăng trưởng nguồn vốn con người). Qua đó, đề ra chương trình cải cách: từ ngắn đến trung hạn về tăng cường thể chế thị trường, tăng cường tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hiện đại hóa nông nghiệp và chương trình từ trung đến dài hạn, hướng tới 4 nền tảng của hệ thống đổi mới Quốc gia (NIS) theo các nhân tố phía cầu và cung tương ứng: (i) Nhu cầu đổi mới của Doanh nghiệp; (ii) Khả năng hấp thụ của doanh nghiệp; (iii) Hệ thống Nghiên cứu và Phát triển (R&D); (iv) Lực lượng lao động có tay nghề cao.
(2) Thách thức trong đảm bảo công bằng bao gồm các định hướng chính sách (Giáo dục; Y tế; Các thể chế và qui định về lao động; Hưu trí) nhằm thực hiện bình đẳng cơ hội cho các đối tượng là ngườidân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động di cư tại các thành phố đồng thời giảm tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Từ đó, đề ra chương trình sắp tới: Hỗ trợ tầng lớp trung lưu mới nổi trong nền kinh tế thị trường hiện đại với những thách thức về dân số biến động nhanh, kỳ vọng tăng và những rủi ro mới về cá nhân, xã hội, tài khóa giai đoạn từ nay đến năm 2035.
(3) Trụ cột Quản trị và Trách nhiệm giải trình, thể hiện sự tương quan mạnh mẽ giữa quản trị Nhà nước và thành công về kinh tế thông qua Chương trình nghị sự 3 phần về Quản trị và Trách nhiệm giải trình từ nay đến năm 2035: (i) Đổi mới nhà nước; (ii) Tăng cường thị trường và mối tương tác Nhà nước - Thị trường; (iii) Tăng cường xã hội dân sự và mối quan hệ Nhà nước – Xã hội dân sự.
Phần thứ hai, Tọa đàm tiếp tục được nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ VASS (PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học; PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Như Phát, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước & Pháp luật…) vào bản Tóm tắt “Báo cáo phát triển Việt Nam 2035”. Các ý kiến tập trung bình luận các vấn đề xoay quanh “Ba trụ cột” nêu trên đồng thời đề cập đến một số nội dung quan trọng mà Báo cáo nên bổ sung và làm rõ như: những bất cập trong quá trình đô thị hóa liên quan đến biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ tầng lớp trung lưu; các vấn đề bình đẳng trong dịch vụ y tế, giáo dục và trợ cấp xã hội; nâng cao năng lực tiếp cận và xử lý thông tin trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh hiện nay; đổi mới mô hình tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo kinh tế xã hội; nhận thức về vai trò, quyền lực của Nhà nước pháp quyền đối với phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN…
Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cảm ơn WB đã tin tưởng VASS trong việc đóng góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện Báo cáo. Với tư cách nhà khoa học và trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ VASS và trao đổi của đại diện WB, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, các ý kiến thảo luận, phân tích của các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ VASS dưới nhiều góc độ sẽ là những đóng góp cho WB trong việc xây dựng “Báo cáo phát triển Việt Nam 2035”. Theo đó, "Báo cáo phát triển Việt Nam 2035" cần dựa trên lịch sử phát triển, những thành tựu đã đạt được của Việt Nam và cả thực tế những gì Việt Nam chưa thể thực hiện; Báo cáo cần phải có cái nhìn xuyên suốt và tư duy phát triển cho tương lai dựa trên các giá trị nền tảng để đưa ra các kiến nghị về mặt định hướng chính sách một cách rõ ràng. Giáo sư Chủ tịch cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế và thách thức Việt Nam phải đối mặt mà Báo cáo cần đề cập như: phát triển cùng thời đại, theo kịp dòng chảy chung của thế giới; vượt qua tụt hậu để phát triển; hội nhập nhưng cần tự chủ, không lệ thuộc; phát triển trên cơ sở đảm bảo dân chủ và giữ vững độc lập, chủ quyền… Phát triển không đồng nghĩa với việc chạy theo thành tích, sản lượng mà cần chú ý đến năng suất, chất lượng, dựa vào công nghệ và lực lượng lao động được đào tạo, có kỹ năng.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cám ơn các ý kiến đóng góp từ Giáo sư Chủ tịch Nguyễn Xuân Thắng và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ VASS và cho rằng, đây là những thông tin thiết thực và hữu ích giúp cho WB tham khảo trong quá trình xây dựng mô hình tăng trưởng phù hợp nhằm đạt các mục tiêu, tầm nhìn góp phần hoàn thiện "Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2035 - Ba trụ cột của khát vọng Việt Nam".
Nguyễn Thu Trang