Tham dự Tọa đàm, có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đại diện lãnh đạo các ban chức năng giúp việc Chủ tịch Viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị; phụ trách công tác quản lý khoa học và hợp tác quốc tế các đơn vị cùng toàn bộ cán bộ chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý khoa học.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự và khẳng định chương trình Tọa đàm thực sự cần thiết trong tình hình hiện nay, qua đó có thể trao đổi, thảo luận về các quy định, những quy chế mới nhất của Chính phủ, Viện Hàn lâm và các bộ, ngành liên quan. Trong 3 ngày diễn ra Tọa đàm sẽ đề cập với tới 5 nhóm vấn đề chính: (i) Công tác Quản lý khoa học; (ii) Công tác Hợp tác quốc tế; (iii) Công tác Tổ chức- cán bộ; (iv) Công tác Kế hoạch - Tài chính; (v) Công tác Văn thư – Lưu trữ. Phó Chủ tịch Đặng Nguyên Anh mong muốn, các báo cáo viên tập trung trình bày những nội dung chính, đặc biệt là những điểm mới khiến các đơn vị còn vướng mắc trong việc triển khai và áp dụng tại đơn vị mình.
|
Quán triệt nội dung về công tác Quản lý khoa học, TS. Đặng Xuân Thanh khái quát lại quá trình xây dựng, ý nghĩa cũng như mục tiêu của việc xây dựng chỉ số KPI và khẳng định việc áp dụng chỉ số này để đánh giá hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu trong toàn Viện Hàn lâm sẽ được triển khai trong năm 2020 theo kế hoạch. Theo Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh, Viện Hàn lâm là đơn vị đi sau so với một số trường đại học và viện nghiên cứu trong việc áp dụng chỉ số KPI, do đó sẽ có những thuận lợi từ việc học hỏi kinh nghiệm, tránh được những sai lầm của những đơn vị đi trước. Hy vọng rằng sau buổi tọa đàm này, các lãnh đạo đơn vị và cán bộ có tránh nhiệm liên quan chắc chắc sẽ được giải đáp những vướng mắc từ đó tiến hành áp dụng tại đơn vị mình một cách minh bạch và hiệu quả.
Trong buổi làm việc đầu tiên của chương trình, các đại biểu được nghe phần trình bày về hai nhóm vấn đề: Công tác Quản lý khoa học và Công tác Hợp tác quốc tế.
1. Về công tác Quản lý khoa học (TS. Nguyễn Cao Đức, thành viên nhóm tư vấn xây dựng Chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động KPI của Viện Hàn lâm): trình bày những điểm chính về nội dung hướng dẫn thực hiện tính toán KPI trên cơ sở khắc phục những điểm yếu của năm trước, giúp cho việc đánh giá hoạt động của đơn vị minh bạch, khách quan, chính xác và hiệu quả hơn; Giới thiệu cuốn sổ tay hướng dẫn sử dụng KPI của Viện Hàn lâm, trong đó nhấn mạnh đến việc cần thiết phải cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác và đúng thời gian.
2. Về công tác Hợp tác quốc tế (Th. Văn Thị Thanh Bình- Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế): trình bày những điểm mới trong công tác Hợp tác quốc tế:(i) Giới thiệu các văn bản mới của Đảng và Nhà nước về công tác Hợp tác quốc tế; (ii) Lưu ý một số quy định liên quan đến công tác đối ngoại của Viện Hàn lâm và các đơn vị, quy định đối với Đảng viên; (iii) Công tác đối ngoại của Viện Hàn lâm năm 2020 và kế hoạch năm 2021.
Các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi, trong đó tập trung vào các vấn đề sau: (i) Tiêu chí để xác định chương sách và bài viết trong sách, phân loại sách; (ii) Căn cứ và cách tính điểm đối với một số tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động; (iii) Quy định cụ thể đối với hoạt động Hội nghị, Hội thảo và Tọa đàm quốc tế đặc biệt xác định rõ khái niệm “Seminar”, “Workshop” và “Conference” để từ đó có căn cứ triển khai và thanh toán hoạt động; (iv) Những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý của lãnh đạo đơn vị khi cấp dưới tham gia học tập dài hạn ở nước ngoài...
Kết thúc buổi làm việc đầu tiên, GS.TS. Đặng Nguyên Anh đánh giá cao những chia sẻ của các báo cáo viên và khẳng định: Đối với công tác quản lý khoa học, việc triển khai hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) tại Viện Hàn lâm cần khẩn trương hoàn thiện trong thời gian sớm nhất, đặc biệt cần giải đáp tất cả những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị còn lúng túng để sớm triển khai trong năm 2020 theo kế hoạch đề ra; Đối với công tác Hợp tác quốc tế, các đơn vị cần nắm rõ các quy định, những văn bản mới của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế, đặc biệt, việc tăng quyền cho các đơn vị đồng nghĩa với tăng trách nhiệm do đó cần nắm rõ và thực hiện đúng các quy định đã đề ra. Bước sang năm 2021, mặc dù có những khó khăn bởi dịch bệnh nhưng chắc chắn sẽ có những hoạt động đón tiếp đoàn ra, đoàn vào, hội thảo và hội nghị quốc tế, do đó các Viện phải có giải pháp để triển khai các hoạt động này một cách hiệu quả trong bối cảnh “bình thường mới”. Bên cạnh đó, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa lãnh đạo đơn vị và các chuyên quản, các cán bộ phụ trách công tác hợp tác quốc tế./.
Minh Hồng