Tọa đàm “Việt Nam - Ấn Độ: Triển vọng cho sự thịnh vượng và quan hệ đối tác nhân kỷ niệm 70 năm Ngày độc lập Cộng hòa Ấn Độ”

17:00 21/09/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược và 01 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ; hòa trong không khí thiêng liêng của hoạt động kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Ấn Độ, sáng ngày 21/09/2017, tại Khách sạn Melia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam long trọng tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Việt Nam - Ấn Độ: Triển vọng cho sự thịnh vượng và quan hệ đối tác”.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam – Ngài Parvathaneni Harish phát biểu tại Tọa đàm

Tọa đàm vinh dự được đón tiếp Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; Bà Nina Tshering La, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam. Tham dự tọa đàm có sự hiện diện của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á cùng các đại biểu đến từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại New Delhi và các Bộ, Ban ngành, các trường Đại học và các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm.

Cách đây 70 năm, thế giới được chứng kiến một sự kiện trọng đại trong thế kỷ XX, đó là chiến thắng của phong trào đấu tranh giành độc lập kiên trì theo đường lối bất bạo động khởi xướng bởi Lãnh tụ Mahatma Gandhi, đem lại độc lập cho Ấn Độ và là nguồn cảm hứng, sự khích lệ cho phong trào vì độc lập, tự do của nhân dân khắp nơi trên thế giới (từ Châu Á đến Châu Phi và Mỹ La –tinh), trong đó có phong trào đấu tranh vì tự do của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 2017 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, khi hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm đối tác chiến lược, 25 quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN... Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống lâu đời và có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa. Đồng thời, việc hai nước nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam năm 2016 là cột mốc quan trọng thể hiện nỗ lực lớn trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.

    Chủ tịch Viện Hàn lâm - GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn<br>phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ các đại biểu tham dự; đồng thời trân trọng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian vừa qua và những công lao to lớn của các vị lãnh tụ kiệt xuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru- những người đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước. Đồng thời, GS Chủ tịch nhấn mạnh, hiện nay, Ấn Độ là một trong ba đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và Việt Nam được coi là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách “hành động phía Đông”. Qua đó, GS Chủ tịch mong muốn hai bên sẽ tiếp tục phát triển quan hệ, hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội cùng tâm huyết vun đắp hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ trong tương lai.

Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Parvathaneni Harish đã chia sẻ những khó khăn, thách thức của Ấn Độ cùng với sự vực dậy thần kì và những thành tựu đạt được trong 70 năm qua. Ngài Đại sứ nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ trong việc đề ra những chính sách thiết thực nhằm phát triển nền kinh tế, đặc biệt là sáng kiến Ấn Độ Số (không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc Cách mạng Ấn Độ số).

Bên cạnh đó, Ngài Parvathaneni Harish trân trọng mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước và hiện nay, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai bên đang phát triển toàn diện bao trùm trên các lĩnh vực, quốc phòng - an ninh, hợp tác kinh tế; tập trung vào thương mại, đầu tư và tăng cường giao lưu văn hóa và nhân dân. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đặc biệt đánh giá cao khu vực ASEAN – “trái tim” của chính sách hướng Đông và mong muốn hai bên sẽ triển khai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm tại New Delhi vào đầu năm tới. Đây không chỉ thể hiện thành tựu chung của hai bên mà còn vạch ra lộ trình trong quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và ASEAN ở giai đoạn tới. Qua đó Ngài Đại sứ bày tỏ niềm tin sâu sắc vào cơ hội cũng như triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong tương lai.

Chủ trì Tọa đàm (từ trái sang phải): TS. Lê Thị Hằng Nga, Ngài Parvathaneni Harish; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và<br>PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung   <br><br>Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm được lắng nghe 02 báo cáo, tập trung vào các vấn đề như sau:

Tham luận thứ nhất về Quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Một số đặc điểm và rào cản (PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung trình bày). Qua đó tác giả cũng đề xuất các định hướng giải pháp: (1) Tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua việc tăng cường quảng bá, giới thiệu về bản thân của mỗi bên và coi trọng vai trò của ngoại giao nhân dân; (2) Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại ở cả hai bên; (3) Nên học ngôn ngữ của  nhau. Ngoài tiếng Anh, Việt Nam nên có nhiều người biết tiếng Hindi để dễ dàng tiếp cận hơn đến các doanh nghiệp Ấn Độ, đặc biệt ở các địa phương; (4) Đề xuất hai nước ký kết FTA song phương của riêng hai nước.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm

 

Tham luận thứ hai của TS. Lê Thị Hằng Nga trình bày về Quan điểm của M.K. Gandhi về Chân lý - Sự thật và Bất Bạo động. Đối với M. Gandhiji, không có một Thượng đế nào khác hơn là Chân lý - Sự thật và phương tiện duy nhất để đạt tới Chân lý chính là Bất bạo động…Tác giả nhấn mạnh quan điểm riêng của bản thân, đó là Ấn Độ vĩ đại vì đây là nơi sinh ra những con người vĩ đại như Mahatma Gandhi.

Những ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự tại Tọa đàm liên quan đến các chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên; giải quyết bất bình đẳng xã hội; hành động của Ấn Độ trong triển khai chính sách hướng Đông; hợp tác hai nước trong các lĩnh vực; đánh giá quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN cũng như quan hệ ba bên giữa Việt Nam - Trung Quốc - Ấn Độ. Theo đó các đại biểu cũng nhấn mạnh, sự khác biệt giữa các nước không nên là những rào cản, cần phải hợp tác, giải quyết vấn đề bất đồng và cần cam kết vì sự phát triển chung.

Tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp, đồng thời là diễn đàn trao đổi khoa học hữu ích, góp phần đưa ra những đề xuất thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và tô thắm tình đoàn kết hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển bền vững.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác