Toạ đàm với các chuyên gia quốc tế về khảo cổ học dưới nước

17:00 26/06/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 26/6/2015, tại Hội An (Quảng Nam), Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sau đây gọi tắt là Viện Hàn lâm) đã tổ chức Tọa đàm với các chuyên gia quốc tế về khảo cổ học dưới nước để góp ý hoàn thiện Đề án Xây dựng Trung tâm Khảo cổ học dưới nước. Đây là nhiệm vụ Chủ tịch Viện Hàn lâm giao cho Viện Khảo cổ học thực hiện.

Chủ tịch Viện Hàn lâm GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng <br>phát biểu tại Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm, về phía Viện Hàn lâm có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Vũ Hùng Cường, Trưởng ban Ban Kế hoạch – Tài chính Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, các cán bộ Phòng Khảo cổ học dưới nước và một số cán bộ Viện Khảo cổ học.

Về phía các chuyên gia quốc tế có: GS. Mark Staniforth (Đại học Flinders, Úc; Thành viên Ủy ban Di sản văn hóa dưới nước của UNESCO; Giám đốc Chương trình đào tạo khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam năm 2015); TS. Sally Rita May (Bảo tàng Tây Úc); TS. Jun Kimura (Đại học Tokai, Nhật Bản); TS. Noel Hidalgo Tan (Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN; SEAMEO SPAFA); Ông Rasika Muthucumarana (Trung tâm Khảo cổ học biển, Srilanka); Ông Sheldon Slyde B Jago-on (Bảo tàng Quốc gia Philippines); Ông Erbprem Vatcharrangkul (Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học dưới nước, Thái Lan). Đây là các chuyên gia trong nhóm gần 30 chuyên gia quốc tế về khảo cổ học dưới nước đang tham gia Chương trình tập huấn về khảo cổ học dưới nước tổ chức từ ngày 24/6/2015 đến ngày 12/7/2015 tại Hội An do SEAMEO SPAFA, RCI của Hà Lan, CEEVN thuộc Hội đồng các Tổ chức học thuật Hoa Kỳ tài trợ tổ chức, lần đầu tiên Chương trình được UNESCO cho phép sử dụng logo cũng như các tài liệu của tổ chức này trong các hoạt động của Chương trình. Viện Khảo cổ học là đơn vị chủ trì tổ chức tại Việt Nam, Viện cử 4 cán bộ Phòng Khảo cổ học dưới nước tham gia Chương trình tập huấn này.

  Chuyên gia quốc tế phát biểu <br>chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Khảo cổ học dưới nước

Các chuyên gia quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với việc hình thành Trung tâm Khảo cổ học dưới nước thuộc Viện Khảo cổ học, đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Trung tâm trong tương lai. GS. Mark Staniforth khẳng định, hai vấn đề quan trọng nhất quyết định thành công của Trung tâm Khảo cổ học dưới nước là nhân sự và tài chính. Các chuyên gia đã có những bình luận, gợi mở, chia sẻ kinh nghiệm hết sức có giá trị đối với việc xây dựng và phát triển Trung tâm Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam, liên quan đến qui mô tổ chức, chất lượng nguồn nhân lực, định hướng đào tạo và kết nối với UNESCO và các trường đại học ở nước ngoài để có học bổng đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành khảo cổ học dưới nước cho các cán bộ Trung tâm Khảo cổ học dưới nước, tìm kiếm nguồn tài chính trong và ngoài ngân sách nhà nước, vấn đề cân đối đầu tư và phát triển giữa mua sắm trang thiết bị, tài chính và trình độ nguồn nhân lực theo từng giai đoạn phát triển.

Chủ tịch Viện Hàn lâm chụp ảnh lưu niệm <br>với các chuyên gia quốc tế

Phát biểu tại Tọa đàm, Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam là công việc cần làm từ lâu, Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển ngành khảo cổ học dưới nước. Khảo cổ học dưới nước phát triển sẽ góp phần phát triển ngành du lịch và kinh tế biển. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đặc biệt lưu ý Viện Khảo cổ học cần chú ý đến một số vấn đề quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Đề án: i) Một là vấn đề con người, mặc dù các cán bộ Phòng Khảo cổ học dưới nước đã được tham gia khóa tập huấn lần này ở Hội An nhưng nhìn chung chưa được đào tạo bài bản về khảo cổ học dưới nước. Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển của Trung tâm. Viện Khảo cổ học cần tranh thủ ý kiến của các chuyên gia quốc tế về qui mô bộ máy, xây dựng lộ trình đào tạo, tập huấn. Hai hình thức đào tạo chính cần xác định rõ là cử cán bộ đi đào tạo tập trung trình độ tiến sĩ chuyên ngành khảo cổ học dưới nước ở nước ngoài, đồng thời cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn tổ chức tại Việt Nam cho kỹ thuật viên do các chuyên gia quốc tế tham gia; ii) Hai là vấn đề tài chính, cần xác định nguồn tài chính ổn định và dài hạn là từ ngân sách nhà nước, bên cạnh đó cần tìm kiếm các nguồn kinh phí bổ sung từ xã hội hóa, từ tài trợ quốc tế. Để tìm kiếm nguồn tài chính hiệu quả, trong xây dựng Đề án cần xác định rõ qui mô tổ chức, xác định loại thiết bị cần thiết theo từng giai đoạn phát triển để có giải pháp cân đối tài chính phù hợp; iii) Ba là vấn đề cơ chế hợp tác, cần làm rõ cơ chế hợp tác với các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là cần có cơ chế mời các chuyên gia quốc tế về khảo cổ học dưới nước làm việc dài hạn tại Việt Nam.

Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm đề nghị Viện Khảo cổ học khẩn trương bổ sung, nâng cấp Đề án chi tiết Xây dựng Trung tâm Khảo cổ học dưới nước, xin ý kiến các chuyên gia quốc tế lần cuối trong thời gian tham gia tập huấn tại Hội An để sớm hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đưa vào kế hoạch ngân sách năm 2016 và kế hoạch trung hạn 2016-2020.

Nhân dịp này, Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng bày tỏ cám ơn các chuyên gia quốc tế đã luôn đồng hành với ngành khảo cổ học của Việt Nam nói chung và ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam trong tương lai, và hy vọng Việt Nam sẽ nhanh chóng xây dựng được đội ngũ chuyên gia khảo cổ học dưới nước mạnh cả về số lượng và chất lượng./.

                                                                                       TS. Vũ Hùng Cường

In trang Chia sẻ

Tin khác