Hội thảo được đón tiếp 7 diễn giả người Áo gồm: GS.TS. Peter Kampits, Eva Horvatic và Reinhard Ellensohn (Đại học Vienna), GS.TS. Josef Quitterer và GS.TS. Winfried Loffler (Đại học Innsbruck), TS. Harald Stelzer (Đại học Graz) và GS Kurt Leube (Đại học Stanford - Mỹ). Tham dự còn có GS. Trần Văn Đoàn đến từ Đại học Quốc gia Đài Loan cùng với 14 diễn giả của Việt Nam.
Hội thảo đã thảo luận về triết học của Franz Brentano, Edmund Husserl, Ernst Mach, Otto Neurath, Martin Buber, Rudolf Steiner và Günther Anders. Đặc biệt là các quan điểm Triết học của Ludwig Wittgenstein và Karl Popper. Bên cạnh đó còn có hai bài phát biểu về tư tưởng triết học của Friedrich August von Hayek nhìn từ quan điểm của triết học xã hội.
Ở Việt Nam những năm vừa qua với sự mở rộng liên tục trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, triết học phương Tây cũng ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Trong số rất nhiều triết gia lớn của Áo hiện các tác phẩm của Wittgenstein, Popper và Hayek đã được dịch sang tiếng Việt.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ngài Đại sứ Áo tại Việt Nam, TS. Georg Heindl nhấn mạnh: "Tất cả các nhà tư tưởng lớn thuộc về toàn thể nhân loại. Điều này rất đúng với trường hợp của các triết gia xuất chúng của Áo. Trong bối cảnh chính trị ở Áo và Trung Âu trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến, nhiều người trong số họ đã di cư đến các trung tâm quốc tế lớn của Hoa Kỳ và Anh Quốc và đã tạo nên những ảnh hưởng rộng khắp. Việc chúng ta đang gặp gỡ và nói chuyện về họ ngày hôm nay tại Việt Nam là một minh chứng cho sức mạnh tư tưởng của họ, điều này cũng là một biểu hiện theo ý nghĩa tốt nhất của toàn cầu hóa."
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn,Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh: Bước vào hội nhập quốc tế, xét về phương diện văn hóa, giống như nhiều nước khác, Việt Nam mở rộng cửa đón nhận những luồng văn hóa trên toàn thế giới để học hỏi lẫn nhau. Song, điều này cũng đặt ra bài toán về việc giữ gìn và phát huy bản sác văn hóa dân tộc. Nếu du nhập những tư tưởng, những phong cách văn hóa khác nhau mà thiếu sự lựa chọn cần thiết hoặc cải biến cho phù hợp thì đó sẽ là một nguy cơ đối với các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết triết học ở mỗi dân tộc cần có những đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn, phát huy và quốc tế hóa bản sắc của dân tộc mình. Giáo sư cũng hy vọng với tinh thần cởi mở và thực sự cầu thị Hội thảo sẽ nhận được nhiều đóng góp chân thành và quý báu của toàn thể đại biểu trong việc chia sẻ sự thông thái của triết học.
Hội thảo đã nhận được 29 bài tham luận của các học giả của Việt Nam và Áo. Hội thảo đã tạo nên một diễn đàn trao đổi trực tiếp, hấp dẫn và thu hút nhiều diễn giả và đại biểu cùng thảo luận.
Phạm Vĩnh Hà