Vai trò của Ấn Độ và Việt Nam trong hợp tác phát triển Nam Bán Cầu

17:16 19/03/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong những năm gần đây, hợp tác phát triển giữa các quốc gia thuộc khu vực Nam Bán Cầu, hợp tác Nam – Nam đã trở thành một chủ đề nóng thu hút sự quan tâm quốc tế và tất cả quốc gia đều đang xây dựng các kế hoạch và chiến lược xoay quanh vấn đề này, Ấn Độ và Việt Nam đã nổi lên như những bên ủng hộ hàng đầu của hợp tác phát triển Nam Bán Cầu; Ngày 19/3/2024, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWWAS) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Vai trò của Ấn Độ và Việt Nam trong hợp tác phát triển Nam Bán Cầu”. Hội thảo vinh dự được đón tiếp Ngài Sandeep Arya, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam.
Ngài Sandeep Arya, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Về phía Đại sứ quán tại Việt Nam, có sự tham dự của ông Bun Heng, tham tán Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam; Bà Geeta Daya, Bí thư thứ nhất, Chính trị Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam; Ông Phonethavy Thammasack, Bí thư Thứ hai, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; Ông Mahesh Prematilake, Bộ trưởng, Trưởng phòng Đại sứ, Đại sứ quán Srilanka tại Việt Nam; các đại biểu Việt Nam có Bà Phan Lan Tú, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ Thành phố Hà Nội; Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ Thành phố Hà Nội; Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng; Đại sứ Hoàng Giang, Nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ Trung Đông- Châu Phi, Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mozambique; Đại sứ Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại UAE; Đại sứ Tôn Sinh Thành, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Đại sứ Phạm Sỹ Tam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.

Về phía Viện Hàn lâm có ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Quyền Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội; PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Về phía ISAWWAS có PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng cùng các Phó Viện trưởng là TS. Kiều Thanh Nga và TS. Phan Cao Nhật Anh. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt của nhiều học giả và chuyên gia hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học của Ấn Độ và Việt Nam như TS. Nar Bahadur, Trung tá Trivedi Parag Kumar, TS. Pratnashree Basu, TS. Rajeev Ranjan Chaturvedy, PGS.TS. Đào Thế Anh… cùng nhiều chuyên gia khác. Những phát biểu quan trọng của lãnh đạo và các tham luận chuyên sâu của các học giả góp phần làm sáng tỏ những vấn đề cốt lõi của hội thảo, tạo tiền đề cho các thảo luận học thuật có giá trị.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng ISAWWAS phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ngài Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Ngài Đại sứ đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực Nam bán cầu. Ngài Đại sứ đề cập đến Tuyên bố chung của Ấn Độ và Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ cách đây 6 tháng. Trong đó, hai Thủ tướng đều nhất trí rằng tình hình địa chính trị hiện nay đòi hỏi hợp tác chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hai nhà Lãnh đạo cũng ghi nhận nhiều điểm tương đồng về tầm nhìn thế giới, bày tỏ ủng hộ tiếng nói và vai trò lớn hơn cho các nước phương Nam trong quan hệ quốc tế. 

Theo Đại sứ Sandeep Arya cho biết, Ấn Độ đã triển khai nhiều sáng kiến hợp tác, hỗ trợ các nước Nam bán cầu. Ấn Độ đã sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công như một công cụ mạnh mẽ để chuyển đổi kỹ thuật số rộng rãi từ các chương trình phúc lợi xã hội đến tài chính bao trùm, chính phủ điện tử và nhiều dịch vụ kỹ thuật số khác. Hiện nay, Ấn Độ đang mở rộng những kinh nghiệm này sang một số quốc gia khu vực Nam bán cầu như: Campuchia, Philippines...

Một lĩnh vực khác mà Ấn Độ đã chủ động thực hiện đó là việc thiết lập các khuôn khổ hợp tác giữa các quốc gia, cụ thể là việc thành lập Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI); Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) và Liên minh Nhiên liệu sinh học toàn cầu (GBA). Ngoài ra, giáo dục và nâng cao kỹ năng cũng là một lĩnh vực được các nước Nam bán cầu quan tâm và có tiềm năng hợp tác sâu rộng.

Đại sứ Sandeep Arya cho biết Ấn Độ hướng tới tầm nhìn về một Ấn Độ phát triển năm 2047 (India@2047) trong khi Việt Nam hướng tới Tầm nhìn 2045, đây là hai dấu mốc phát triển quan trọng của hai quốc gia. Trong hành trình đó, hợp tác Nam bán cầu sẽ tiếp tục là một trọng tâm chiến lược, giúp hai nước khẳng định vị thế quốc tế và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới.

Thừa ủy quyền Chủ tịch Viện Hàn lâm, ThS. Nguyễn Thanh Hà đã gửi lời chào mừng tốt đẹp đến với các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học Ấn Độ và Việt Nam. Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế VASS bày tỏ sự trân trọng vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Ấn Độ trên các lĩnh vực, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển giao lưu nhân dân… Ông nhấn mạnh tầm quan trọng chủ đề Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác của những đối tác tin cậy như Ấn Độ và các nước phương nam về phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ vầ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo… để Việt Nam vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Qua đó mong muốn, các chuyên gia và học giả hai nước sẽ chia sẻ nhiều ý kiến, quan điểm về tiềm năng hợp tác như: xu hướng phát triển hợp tác Nam Bán cầu trong bối cảnh mới; vai trò của Nam Bán cầu trong việc định hình trật tự thế giới công bằng; đề xuất các sáng kiến, giải pháp mới trong khuôn khổ hợp tác Nam- Nam phù hợp với bối cảnh thời đại, khát vọng vươn lên tầm cao đối với sự phát triển mỗi quốc gia.

Thừa ủy quyền Chủ tịch Viện Hàn lâm, ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Trong phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội thảo, đây không chỉ là một chủ đề mang tính học thuật và còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia đang phát triển trong đó có Ấn Độ và Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung cho biết, hợp tác Nam Bán Cầu xuất phát từ nhu cầu của các nước đang phát triển để đóng góp và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề phát triển toàn cầu. Các nước Nam Bán cầu đang đối mặt với những thách thức chung, từ khoảng cách phát triển kinh tế, tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, đến các vấn đề an ninh lương thực và môi trường. Việc hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia Nam Bán Cầu không chỉ giúp nâng cao vị thế quốc tế mà còn tạo ra động lực để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, không phụ thuộc quá nhiều vào các cường quốc kinh tế.

Đại sứ Sandeep Arya chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và Ấn Độ

Theo đó, Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa ASEAN và các nền kinh tế lớn, có chính sách đối ngoại linh hoạt và khả năng hội nhập kinh tế sâu rộng. Sự phát triển của Việt Nam sẽ góp phần làm tăng cường sức mạnh của các quốc gia đang phát triển trong thương mại toàn cầu. Trong khi đó, Ấn Độ có tiềm lực công nghệ và tài chính mạnh mẽ có thể cung cấp giải pháp công nghệ và tài chính cho các nước Nam Bán cầu trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững. Cả hai nước đều có chính sách đối ngoại đa phương và cam kết ủng hộ hợp tác Nam-Nam, điều này giúp tăng cường sức mạnh đàm phán của các quốc gia đang phát triển trong các tổ chức quốc tế như WTO, G20, Liên Hợp Quốc và BRICS.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được 12 báo cáo được chia làm 03 phiên thảo luận, tập trung phân tích các vấn đề trọng tâm, bao gồm: Tầm quan trọng của Nam Toàn cầu trong bối cảnh mới, phân tích sự chuyển dịch quyền lực và tác động của các quốc gia đang phát triển trong nền kinh tế toàn cầu; Vai trò của Ấn Độ và Việt Nam trong hợp tác phát triển Nam bán cầu, đánh giá các sáng kiến và chính sách đối ngoại của hai quốc gia trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương; Cơ hội và thách thức trong hợp tác Việt Nam- Ấn Độ, thảo luận về hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ, môi trường, an ninh và phát triển bền vững; Tiềm năng và giải pháp hợp tác Ấn Độ- Việt Nam trong phát triển Nam bán cầu, đề xuất các sáng kiến và chiến lược để tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước trong tương lai.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Có thể nói rằng, sự hợp tác giữa các quốc gia Nam Bán cầu không chỉ là nhu cầu, mà còn là một xu thế tất yếu. Việt Nam và Ấn Độ, với những thế mạnh và cam kết hợp tác, hai bên cần biến những cam kết thành hành động thực tiễn, tạo ra những liên kết mạnh mẽ hơn, đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của khu vực và thế giới. Những thảo luận và trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học Ấn Độ và Việt Nam tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin hữu ích góp phần đưa hợp tác phát triển Nam Bán cầu ngày càng vững mạnh, hướng tới nền hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Tác Giả: Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác