Tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; Bà Variya Plungwatana, Trợ lý truyền thông tại SEI Asia, thành viên SUMERNET; Ông Kyaw Nyunt Linn, Nhà nghiên cứu về Nước và Khí hậu, Đối tác SUMERNET; TS. Phạm Thị Hồng Phương, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên Viện Nghiên cứu Con người và các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Khu vực Mekong hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và nước, phá rừng, xói mòn đất, khai thác quá mức tài nguyên ven biển, hệ sinh thái và suy thoái đa dạng sinh học, ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt. Những thách thức về môi trường này cùng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang làm xói mòn tính bền vững của môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Truyền thông về các vấn đề môi trường là một cách thiết thực để nâng cao nhận thức về những mối quan tâm đang gia tăng như vậy đối với công chúng để nâng cao nhận thức và có thể dẫn đến thay đổi chính sách. Các chuyên gia trẻ tuổi có thể đưa ra những quan điểm mới mẻ và hiểu biết sáng tạo, từ đó tăng cường các nỗ lực truyền thông về môi trường.
Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Đồng thời giới thiệu sơ lược cơ cấu, chức năng của Viện Nghiên cứu Con người là viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm có chức năng nghiên cứu tập trung về con người, phát triển con người, trong đó việc nâng cao chất lượng sống choc ho con người cũng như đảm bảo con người được sống trong môi trường trong lành. SUMERNET Young Professionals (SYP): là một mạng lưới thuộc Chương trình Mạng lưới Nghiên cứu Bền vững Mekong (SUMERNET, www.sumernet.org) với Ban thư ký là Viện Môi trường Stockholm (SEI Asia) tại Bangkok, Thái Lan. Sứ mệnh của nó là thu hút các chuyên gia trẻ thuộc mọi giới tính trong Khu vực Mê Kông và hơn thế nữa tham gia vào các vấn đề quan trọng và đóng góp vào một tương lai Mê Kông bền vững hơn cho tất cả mọi người.
![TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn Viện Hàn lâm trình bày báo cáo tại Tọa đàm](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ts%20nguyen%20dinh%20dap.jpg) |
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê nhấn mạnh đến mục tiêu của Hội thảo hướng đến nhằm cung cấp một nền tảng cho các nhà nghiên cứu trẻ chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội và thách thức của họ liên quan đến truyền thông môi trường; cơ hội kết nối mạng cho các chuyên gia trẻ có quan tâm và mong muốn về truyền thông môi trường. Viện trưởng Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết, trước đây Viện đã có cơ hội thực hiện một nghiên cứu về vấn đề môi trường do Viện Môi trường Stockhom tài trợ, và nhân dịp tọa đàm, Viện trưởng đánh giá cao ý nghĩa của Tọa đàm, tạo diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Nghiên cứu Con người nói riêng và của Viện Hàn lâm nói chung, các nhà khoa học đến từ các tổ chức khác có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tiếp thu quan điểm của đồng nghiệp quốc tế để có góc nhìn toàn diện và đa chiều hơn.
![TS. Nguyễn Thị Hồng Phương, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trình bày báo cáo tại Tọa đàm.](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dien%20gia%20cuoi.jpg) |
Tọa đàm có 04 báo cáo được trình bày, Bà Variya Plungwatana, trợ lý truyền thông tại SEI Asia, thành viên SUMERNET đã khái quát hành trình làm truyền thông cho chương trình SUMERNET thông qua nền tảng truyền thông xã hội qua các kênh như Instagram hoặc Tik Tok. TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm đã nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh niên. Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp đặc biệt nhấn mạnh đến truyền thông chiến lược bao gồm xác định chính xác: thông điệp, đối tượng, thời điểm, phương thức/ công cụ để đạt được mục tiêu; vai trò của thanh niên với truyền thông môi trường bao gồm thực hiện bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin, tham vấn, giám sát, phản biện xã hội. Ông Kyaw Nyunt Linn, Nhà nghiên cứu về Nước và Khí hậu, Đối tác SUMERNET đã nêu những giải pháp toàn diện cho các vấn đề nan giải: nâng cao tiếng nói của những nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội.
![Toàn cảnh Tọa đàm](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/toan%20canh%2022-6.jpg) |
Nhấn mạnh về vai trò của thanh niên trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, Tiến sỹ Phạm Thị Hồng Phương, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, năng lượng và sự nhiệt huyết mạnh của thanh niên đã tạo động lực, cam kết để tham gia vào các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm không khí. Thanh niên sử dụng công nghệ và truyền thông xã hội thành thạo để truyền tải thông điệp về ô nhiễm không khí và tạo ra tác động lớn đến cộng đồng thông qua việc sử dụng các nền tảng trực tuyến.
Bên cạnh đó, thanh niên có cơ hội để tận dụng tăng cường nhận thức về ô nhiễm không khí; tham gia tích cực vào các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm không khí. Công nghệ và sự sáng tạo cũng được thanh niên áp dụng để phát triển các giải pháp mới và hiệu quả. Tuy nhiên, phải thừa nhận những hạn chế của thanh niên như: thiếu kinh nghiệm và kiến thức về ô nhiễm không khí, các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Việc học hỏi, nắm vững thông tin cũng là thách thức đối với một số thanh niên. Thanh niên có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các dự án, hoạt động giảm thiểu ô nhiễm không khí do tài chính hạn chế. Điều này cũng hạn chế phạm vi và hiệu quả của các hoạt động truyền thông về môi trường.
Nhằm thúc đẩy thanh niên tham gia các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm không khí, TS. Phạm Thị Hồng Phương đề xuất, thanh niên cần có những hành động cụ thể như: Truyền thông nâng cao nhận thức; sử dụng giao thông công cộng hoặc phương tiện không gây ô nhiễm; tham gia vào các hoạt động xanh (vườn ương cây xanh; vệ sinh môi trường; tham gia tích cực vào các dự án bảo vệ môi trường). Thanh niên cần tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, tạo áp lực để Chính phủ và các cơ quan có liên quan đưa ra các biện pháp hợp lý nhằm giảm ô nhiễm không khí như: Áp dụng các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải xe cộ hay tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; khuyến khích sử dụng năng lượng sạch…
![Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/591_luu%20niem%202.jpg) |
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự, các nhà nghiên cứu trẻ cũng chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội và thách thức liên quan đến truyền thông môi trường; tăng cường hiệu quả truyền thông về môi trường, khuyến khích, động viên tinh thần giới trẻ tham gia các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường; khai phóng những sáng kiến truyền thông hiệu quả; mở rộng mạng lưới cho các chuyên gia trẻ về chủ đề môi trường…
Tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp, có ý nghĩa quan trọng góp phần thắt chắt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan mà còn là tiền đề để mở ra những cơ hội hợp tác mới trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang