GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc và đồng chủ trì hội thảo cùng PGS.TS. Phạm Hùng Việt, Viện trưởng và PGS.TS. Lại Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
Bách khoa toàn thư là một công trình khoa học lớn cấp quốc gia, phản ánh trình độ khoa học, nền văn hóa và trí tuệ của một dân tộc ở một hay nhiều giai đoạn lịch sử nhất định.
Theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, sau khi hoàn thành biên soạn và xuất bản trọn bộ 4 tập Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam. Ngay từ tháng 10 năm 2003, Hội đồng đã chuẩn bị Dự án biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam và sau đó là triển khai các công việc để hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, Hội đồng đã kết thúc hoạt động theo Quyết định số 921/QĐ-TTg ngày 24.7.2007 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: “Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất phương án tổ chức công tác biên soạn, xuất bản các loại Từ điển Bách khoa và Bách khoa thư Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 8 năm 2008, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã thành lập Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Đây là một viện nghiên cứu có nhiệm vụ nghiên cứu lí thuyết về từ điển học và bách khoa thư cũng như tổ chức biên soạn các loại từ điển và bách khoa thư. Sau khi ổn định về tổ chức và thực hiện một số nhiệm vụ chuẩn bị về cơ sở lí thuyết, từ tháng 9 năm 2011, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã giao cho Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trọng điểm cấp bộ Xây dựng Đề án và cơ sở biên soạn Bách khoa thư Việt Nam.
Sau một thời gian nỗ lực triển khai nhiệm vụ, tiếp thu một số kết quả bước đầu của dự thảo Dự án biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam do Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam thực hiện, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã chỉnh sửa, bổ sung và triển khai mới một số nội dung để xây dựng Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Việc biên soạn Bách khoa toàn thư đòi hỏi phải được chuẩn bị hết sức chu đáo và kỹ càng về mọi mặt (từ nội dung, nhân lực, vật lực, tài chính và phương pháp tiến hành, thời gian, tiến độ và bộ máy điều hành...). Vì vậy, sau khi Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam chuẩn bị bản dự thảo Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo này để xin ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực từ điển và bách khoa thư cho bản dự thảo Đề án.
Hội thảo cũng là dịp để tập hợp lực lượng, xây dựng mạng lưới các chuyên gia và nhà khoa học của tất cả các ngành và lĩnh vực khoa học và văn hóa, nghệ thuật - những người có thể tham gia biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, để sau khi Đề án được phê duyệt, có thể tiến hành ngay công việc tổ chức và biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Hội thảo là một hoạt động quan trọng để hoàn thiện Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Qua hội thảo, cơ quan chủ quản và các cơ quan hữu quan được trực tiếp nghe các ý kiến của các chuyên gia và các nhà khoa học góp ý cho bản Đề án và phát biểu các vấn đề liên quan đến cơ sở khoa học, những luận cứ thuyết phục cho việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Thông qua hội thảo, những vấn đề khó khăn, vướng mắc cũng sẽ được đặt ra, đồng thời được nghe các ý tưởng, sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề này. Trên cơ sở này chọn ra được các giải pháp tối ưu để có thể nhanh chóng tiến hành công tác tổ chức, biên soạn và xuất bản Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề, như: Cơ sở lí luận và thực tiễn của việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Xác định loại hình bách khoa toàn thư được dự kiến biên soạn ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Quy mô của Bách khoa toàn thư Việt Nam dự kiến biên soạn trong giai đoạn hiện nay; Cấu trúc của Bách khoa toàn thư Việt Nam; Xây dựng đội ngũ và mạng lưới chuyên gia để biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Bộ máy và tổ chức công tác biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Quy trình, thời gian và tiến độ biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Một số vấn đề khác có liên quan đến nội dung của Đề án.
Hướng đến một công trình trí tuệ mang tầm cỡ quốc gia, bằng tri thức sâu sắc và trách nhiệm cao cả của mình các vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà văn hóa đã sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để góp phần hoàn thiện bản Đề án. Sau Hội thảo, Viện Khoa học xã hội Việt Nam sẽ chỉ đạo tổ chức sửa chữa, hoàn chỉnh Đề án, dự thảo Tờ trình gửi lên Chính phủ phê duyệt.
Nguyễn Vũ