Tọa đàm trân trọng đón nhận sự tham gia của Đại sứ Franz Jessen Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; GS.TS. Võ Khánh Vinh – Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Lê Minh Thông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội; GS.TS. Rainer Grote, Viện Max Planck về Luật công so sánh và Luật quốc tế (Cộng hòa Liên bang Đức); ông Andrea Rossi, Trưởng Ban Chính trị, phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, các Trường: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh…
Mở đầu Hội thảo là bài tham luận của PGS.TS. Lê Minh Thông với chủ đề "Mục đích, yêu cầu và quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992”. Ông cho biết, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 trong đó xác định rõ các mục tiêu, yêu cầu sau:
- Thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH
- Ghi nhận những thành quả cách mạng và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 25 năm đổi mới đất nước của nhân dân ta, do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN.
- Thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
- Ghi nhận những thành quả cách mạng và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 25 năm đổi mới đất nước của nhân dân ta, do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN.
- Thể hiện lại một số nội dung và kỹ thuật trình bày, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
Hội thảo cũng lắng nghe bài tham luận của GS.TS. Rainer Grote – Viện Max Planck (CHLB Đức). Ông chỉ ra những thách thức chính và kinh nghiệm của các nước ở Châu Âu trong việc soạn thảo Hiến chương quốc gia về quyền. Vấn đề quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp của các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc cũng được các nhà khoa học nêu ra tại Hội thảo. Đây là những nghiên cứu có ích, là tài liệu mang tính tham khảo cho chúng ta hình thành bản Hiến pháp mới.
Tiếp theo, các nhà khoa học cùng thảo luận, trao đổi về tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 và định hướng sửa đổi, bổ sung trong các nội dung chính sau: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp 1992; Chế độ kinh tế theo Hiến pháp 1992; Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; Tài phán Hiến pháp và cải cách tư pháp;
Bàn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, GS.TS. Trần Ngọc Đường đưa ra một số đề xuất để Quốc hội có thể hoạt động hiệu quả hơn: Phân định rõ quyền lập hiến thông qua việc trưng cầu dân ý để người dân được tham gia vào hoạt động lập pháp; Thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp; Tăng cường tính độc lập, bản lĩnh và chất lượng của đại biểu Quốc hội. Họ phải ý thức rõ trách nhiệm của mình mỗi khi đưa ra ý kiến.
Sửa đổi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đổi mới và tăng quyền hạn cho các ủy ban của Quốc hội để hoạt động hiệu quả hơn.
Về Chính phủ, PGS.TS. Kiều Đình Thụ - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khẳng định Chính phủ là cơ quan tổ chức thực hiện hành pháp. Trong việc hoạch định chính sách, Chính phủ phải có quyền quyết định những vấn đề chính sách quốc gia như Quốc hội. Hiến pháp mới cần xác định rõ mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ với Chính phủ và HĐND các cấp.
Trao đổi tại Hội thảo, GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, cho rằng, cách thức điều hành nền kinh tế của Chính phủ chưa làm cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cảm thấy yên tâm. Họ không thể tiên liệu những rủi ro có thể xảy ra mỗi khi Chính phủ đưa ra các chủ trương, chính sách mới. Nền kinh tế thị trường hiện nay do Nhà nước quản lý một phần nào đó vẫn còn mang dấu ấn của cơ chế cũ.
Tổng kết những trao đổi khoa học tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, các nhà khoa học cùng đồng thuận khi khẳng định Hiến pháp 1992 đóng vai trò to lớn và quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần vào việc đạt được các thành tựu của công cuộc đổi mới trong thời gian qua. Hội thảo cũng đã thảo luận về quyền con người, một lĩnh vực quan trọng trong Hiến pháp. Để thực hiện và bảo vệ quyền con người, chúng ta không thể không nhắc đến những lĩnh vực khác, đó là Quốc hội với quyền lập pháp, Chính phủ với quyền hành pháp, vấn đề cải cách tư pháp và chế độ kinh tế trên cơ sở của Hiến pháp.