Xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới: Thực trạng và giải pháp

17:00 01/12/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02/12/1953-02/12/2024); nhằm hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực, xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu ngang tầm các nước tiên tiến khu vực và trên thế giới (Đề án), chiều ngày 02/12/2024, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo “Xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới: thực trạng và giải pháp”.

TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm, các thành viên Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Đức Cường, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, cùng các nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, có sự hiện diện của các đại biểu: TS. Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Lê Thị Ngân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Nguyễn Lê Minh, Phó Trưởng ban, Ban Kế hoạch - Tài chính, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; TS. Trần Thanh Long, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; khẳng định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược trong phát triển đất nước. Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm phát triển, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn. Điều này đã được nêu rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 45, ngày 09/7/2024 Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 107 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó giao Viện Hàn lâm xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2024.

Các đại biểu tham dự tại Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch Phan Chí Hiếu nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự và cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện Hàn lâm đã khẩn trương, xây dựng kế hoạch, thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Đề án. Trong quá trình xây dựng Đề án đã nghiên cứu kĩ lưỡng, đến nay, đề án cơ bản hoàn chỉnh.

Hội thảo này là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chiến lược, chính sách; các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để góp phần hoàn thiện dự thảo Đề án.

Chủ tịch gợi mở các báo cáo trình bày tập trung trọng tâm, trọng điểm đi thẳng vào vấn đề cần trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến nhất là các vấn đề lớn, vấn đề mới, đề xuất kiến nghị mang tính đột phá…

Đặc biệt, Chủ tịch nhấn mạnh, Đề án được hoàn thiện và trình trong bối cảnh Đảng ta đang quyết liệt thực hiện Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới việc sắp xếp bộ máy tổ chức hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó nghiên cứu, định hướng và đề xuất sắp xếp 02 Viện Hàn lâm và 02 Đại học quốc gia tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ đặt ra những vấn đề mới trong cách tiếp cận mô hình tổ chức tổng thể của Viện Hàn lâm cũng như việc tinh gọn các đơn vị trong Viện Hàn lâm trong thời gian tới.

GS.TS. Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn khẳng định vị trí, vai trò của khoa học xã hội và Nhân văn đối với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như đối với công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trải qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm đã có những đóng góp quan trong cho nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời Phó Chủ tịch đã giới thiệu khái quát kết cấu của Đề án bao gồm 04 phần (Phần I: Sự cần thiết xây dựng Đề án; Phần II: Quan điểm, Phần II: Quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp: Phần III: Tổ chức thực hiện; Phần IV: Kiến nghị).

Theo đó, Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh Viện Hàn lâm cần chủ động đề xuất các giải pháp sắp xếp theo đúng tinh thần Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã diễn ra vào sáng 01/12/2024 vừa qua. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý để hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời gian quy định.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nhận được hơn 10 lượt ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý (Giáo sư Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Trần Đức Cường, GS.TS. Võ Khánh Vinh và TS. Đặng Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội và PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội) đã có những ý kiến đầy tâm huyết, ghi nhận những thành tựu và đóng góp của Viện Hàn lâm trong thời gian qua song cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại  trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo như các vấn đề về thể chế; cần đề xuất những giải pháp mới, đột phá và khả thi; tập trung vào nghiên cứu cơ bản; giao cho Viện Hàn lâm chủ trì và thực hiện điều tra cơ bản khoa học xã hội về các vấn đề (môi trường, lao động, dân tộc, tôn giáo, việc làm…) nhằm đưa ra phân tích xu hướng, dự báo phục vụ hiệu quả công tác tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Đồng thời, các đại biểu đã phân tích những khó khăn và thách thức lớn đối với Viện Hàn lâm trước bối cảnh Đảng tiến hành tổng kết Nghị quyết số 18, do đó, Viện Hàn lâm cần bám sát những chủ trương của Trung ương, chỉ đạo sát sao những điều chỉnh của Đề án bám sát với thực tiễn.

TS. Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo cũng được lắng nghe những ý kiến thảo luận của các đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, các đại biểu đều đánh giá cao những đóng góp to lớn của Viện Hàn lâm trong lĩnh vực KHXH & NV đối với nước nhà. Ngoài ra, Đề án cần nêu bật cơ sở lý luận và thực tiễn cho những chính sách đột phá đã đề xuất, đẩy mạnh công tác truyền thông về những kết quả nghiên cứu của Viện.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, đóng góp và xây dựng của các đại biểu. Những trao đổi và thảo luận của các đại biểu đã chỉ ra khó khăn, những “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đối với hoạt động khoa học cùng với đó là phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan tác động. Qua đó, Viện Hàn lâm cần thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả theo đúng Nghị quyết 18. Bên cạnh đó cũng cần khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp của Viện Hàn lâm đối với xã hội; cần tập trung đào tạo các cán bộ kế cận có trình độ cao góp phần hình thành chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực; đẩy mạnh vai trò nghiên cứu cơ bản cùng với đó là nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, xây dựng mạng lưới cộng tác viên trong và ngoài nước; tăng cường điều tra khảo sát, giao cho Viện Hàn lâm thực hiện chương trình, dự án lớn, thiết lập lại diễn đàn khoa học chuyên nghiệp; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học.

Viện Hàn lâm cần tập trung đề xuất giải pháp mang tính đột phá, trọng điểm; nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Chủ tịch nhấn mạnh, Tổ biên tập cần tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm thành lập Viện Hàn lâm, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến với các đồng chí cán bộ lão thành, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã và đang công tác tại Viện Hàn lâm; các chuyên gia, nhà khoa học. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc Viện Hàn lâm ngày càng phát triển bền vững, có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho sự phát triển của nền khoa học xã hội nước nhà.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác