HỒ SĨ QUÝ *
Đặt vấn đề
Những năm gần đây, trong khi nền kinh tế đất nước đạt tới mức tăng trưởng khá cao so với khu vực, đời sống kinh tế - xã hội khắp các vùng miền đã có những chuyển biến tích cực; nhiều học giả và chính khách bên ngoài đã không tiếc lời khen ngợi Việt Nam, thì ở trong nước, vấn đề lòng dân, vai trò của dân, niềm tin của dân,… vẫn thường bị đánh giá nghiêng về phía tiêu cực. Niềm tin của dân đối với Đảng, đối với chế độ và đối với tương lai đất nước gần đây đã được lấy lại và phục hồi một phần sau những động thái quyết liệt của công cuộc chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít hiện tượng kinh tế - xã hội gây phân tâm do nhiều nguyên nhân phức tạp, trong đó có những nguyên nhân thuộc về thái độ và hành vi của một số cấp chính quyền. “Đẩy thuyền là dân và lật thuyền cũng là dân” - hình tượng này vẫn không quên được nhắc lại một cách ấn tượng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển thịnh vượng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước, lòng dân với tính cách là một trong những nhân tố nền tảng cho sự phát triển, trên thực tế vẫn đang là vấn đề không kém phần bức thiết.
Thực ra vấn đề không mới. Cha ông ta ngay từ những ngày đầu dựng nước và trong toàn bộ lịch sử giữ nước, đã liên tục phải giải quyết vấn đề này. Nhiều bài học điển hình đã được truyền tụng trong văn hóa và được ghi lại trong sử sách. Có những bài học thành công đầy tự hào. Nhưng cũng có những bài học đắt giá phải trả bằng xương máu. Và, chắc không bao giờ thừa khi suy ngẫm lại bài học mà các thế hệ tiền bối đã kinh qua.
Với bài viết này, tác giả muốn điểm lại những tư tưởng và những bài học điển hình của cha ông trong lịch sử Việt Nam.
Từ khóa: lòng dân, sức dân, thân dân, dân là gốc.
1. “Dân quyền được đề cao thì dân được tôn trọng, nước mạnh; dân quyền bị xem nhẹ thì dân bị coi khinh, nước yếu” (Phan Bội Châu)
Trong số các dân tộc Bách Việt miền nam sông Dương Tử, chỉ có Việt Nam là không bị đồng hóa bởi văn minh Hán, dù phải trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc tính từ khi Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc của An Dương Vương (năm 207 TrCN hoặc năm 179 TrCN) cho đến khi Khúc Thừa Dụ giành lại quyền tự chủ từ tay nhà Đường (năm 905). Không có ngoại lệ, trong tất cả các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đều chiến thắng, dù đó là Tần, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh hay Pháp, Mĩ (Xem: Trần Văn Giàu, 2002; R. Mc Namara 1995)1. Trong khi cả châu Á không có truyền thống thám hiểm biển cả, thì từ rất sớm, người Việt (gốc Champa) đã chinh phục được Biển Đông, làm chủ được Hoàng Sa (Adam Bray, 2014). Giữ vị trí giao điểm của các luồng văn minh, Việt Nam xưa nay luôn là mảnh đất dừng chân, lập nghiệp và hội tụ của nhiều tôn giáo, nhiều phương thức sống, nhiều dạng văn minh. Văn minh Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn minh Đại Việt từ Đinh, Lê đến tận thế kỉ XX, trong tương quan với các nền văn minh - văn hóa bên ngoài đương thời, đều không hề thua kém nhiều về trình độ phát triển.
Nhìn lại lịch sử có thể thấy, đằng sau sức mạnh của các triều đại, bao giờ cũng là sức mạnh của dân. Không phải mọi triều đại đều đạt tới trình độ cao về tính chính đáng (Legitimacy, theo tiêu chuẩn mà John Loke đề ra cho phương Tây. Xem: Political Legitimacy, “Encyclopedia of Philosophy”), tức là không phải mọi triều đại đều sáng suốt, hợp lòng dân hay không mắc phải sai lầm. Nhưng ở mọi triều đại, sức dân đều là một đại lượng đủ vững mạnh tạo nên sức sống trường tồn của dân tộc.
Về tư tưởng này, Chí sĩ Phan Bội Châu, lãnh tụ của phong trào Đông Du những năm đầu thế kỉ XX đã viết trong Việt Nam quốc sử khảo: “Theo công pháp vạn quốc đã định, được gọi là một nước thì phải có nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách làm một nước. Trong ba cái đó thì nhân dân là quan trọng nhất. Không có nhân dân thì đất đai không thể còn, chủ quyền không thể lập; nhân dân còn thì nước còn; nhân dân mất thì nước mất. Muốn biết nhân dân còn mất thế nào thì xem cái quyền của nhân dân còn mất thế nào. Dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng, mà nước cũng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ, thì dân bị coi khinh, mà nước yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất mà nước cũng mất. Dân mất tức là có dân cũng như không có dân vậy” (Phan Bội Châu, 1990, tr. 386)2. Cụ Phan Bội Châu viết Việt Nam quốc sử khảo với mục đích thức tỉnh thanh niên Việt Nam về tinh thần yêu nước, ý chí dân tộc. Với cụ, sự tồn tại của nước, của dân trong một nước trực tiếp gắn với dân quyền. Dân quyền bị xem nhẹ, bị coi khinh thì có dân, có nước cũng như không vậy.
2. “Khoan sức dân là kế dài lâu, là thượng sách giữ nước” (Trần Hưng Đạo)
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, Quyển VIII (1884) viết về lời di huấn thiêng liêng của Trần Hưng Đạo lúc cuối đời: “Quốc Tuấn bị bệnh (1230), nhà vua (Trần Anh Tông) đến nhà riêng thăm và hỏi rằng: “Nếu có sự không lành xảy ra (ý nói Quốc Tuấn mất), mà quân nhà Nguyên lại sang xâm lấn, thì chống cự lại bằng cách gì?”. Quốc Tuấn thưa: “Ngày trước Triệu Võ (Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán sai quân sang đánh, lúc ấy, về phần tiểu dân thì phá hết hoa mầu ở đồng nội; về phần quân lính thì đại binh kéo sang châu Khâm, châu Liêm, đánh quận Trường Sa, dùng đoản binh đánh tập hậu, đấy là một thời kì. Đến đời nhà Đinh, nhà Lê dùng được người hiền tài, lúc ấy phương Nam đương mạnh, phương Bắc đương suy, trên dưới một lòng, dân không có lòng li tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân nhà Tống, đấy lại là một thời kì. Nhà Lý dựng cơ nghiệp, người nhà Tống sang xâm lấn; lúc ấy dùng Lý Thường Kiệt đánh châu Khâm, châu Liêm, nhiều lần tiến quân đến Mai Lĩnh (thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), đấy là có thế lực mạnh. Mới rồi (năm 1285 và 1288), Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt đánh phá bao vây; lúc ấy vua tôi cùng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức chiến đấu, nên giặc phải bó tay, đấy là lòng giời xui khiến. Đại khái quân giặc cậy vào trường trận, quân ta cậy vào đoản binh, đem đoản binh đánh lại trường trận là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải xét: nếu thấy quân giặc tràn sang như gió, như lửa, thì thế giặc có thể dễ chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần, như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay, thì mình phải dùng tướng giỏi, phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà chế biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà, mới có thể dùng để chiến thắng được. Vả lại, phải bớt dùng sức dân để làm cái kế thâm căn cố đế, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn” (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, 1998, tr. 248). “Phải bớt dùng sức dân để làm cái kế thâm căn cố đế, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn”. Chúng tôi nhắc lại lời di huấn của Trần Hưng Đạo để nhấn mạnh. Và lưu ý rằng, Khâm định Việt sử thông giám cương mục là một trong những sách chính sử của Quốc sử quán triều Nguyễn do chính Vua Tự Đức chỉ đạo biên soạn năm 1856, hoàn thành năm 1859, được khắc in và ban hành năm 1884, từ lúc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đáp lời Vua Trần Anh Tông năm 1230 đến lúc cuốn chính sử này được xuất bản, lịch sử Việt Nam đã trải qua 654 năm với biết bao sự kiện trọng đại, hiển hách và cũng thăng trầm. Thời gian 7 thế kỉ rõ ràng là đủ dài để chính Vua Tự Đức và các nhà sử học của Quốc sử quán Triều Nguyễn cũng phải bình luận ngay trong sách này: “Nhà vua rất phục lời trình bày của Quốc Tuấn là đúng” (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, 1998, tr. 248).
Cũng cần nói thêm rằng, trong gần 200 năm trị vì, nhà Trần được coi là tương đối điển hình cho các triều đại Phong kiến Việt Nam biết chăm lo cho dân chúng. Các Hoàng đế thường sớm nhường ngôi tránh được tranh giành quyền lực. Tam giáo đồng nguyên tạo nên sự đa dạng văn hóa. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cùng các danh nhân còn nổi tiếng đến ngày nay như Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Chu Văn An,... đã ghi dấu ấn hưng thịnh văn hóa của thời đại nhà Trần. Hầu hết các chính thể triều Trần đều được lòng dân. Đó chính là nguyên nhân đã làm nên điều vĩ đại có một không hai trong lịch sử thế giới - 3 lần chiến thắng Nguyên Mông, vó ngựa tham tàn bậc nhất của lịch sử thế giới; kẻ đã chinh phục hầu hết các quốc gia từ châu Á sang châu Âu đến tận Trung Cận Đông. Mặc dù là được lòng dân, nhưng vào năm 1284, khi 50 vạn quân Nguyên lăm le đánh Đại Việt, nhà Trần vẫn tổ chức hội nghị Diên Hồng, cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trong sử Việt, nhằm đánh thức sức dân, dùng sức dân làm gốc rễ, nhờ đó mà thắng giặc.
3. “Chỉ sợ lòng dân không theo” (Hồ Nguyên Trừng)
Trước và sau khi lên ngôi năm 1400, Hồ Quý Ly đã tiến hành những cải cách hành chính, kinh tế, quân sự vào loại mạnh bạo và triệt để nhất trong lịch sử Phong kiến Việt Nam. Ông đặt tên nước là “Đại Ngu” (大虞), phát hành tiền giấy “Thông Bảo hội sao”, thực hiện chính sách “hạn điền, hạn nô”, chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, phát binh thảo phạt Chiêm Thành… Là bậc quân vương tài ba, biết nhìn xa trông rộng, nhưng Hồ Quý Ly gây thù chuốc oán do thanh trừng nhiều người tài thuộc giới quý tộc nhà Trần, mặc dù trong số họ có những người tham gia mưu phản Hồ Quý Ly. Giới quý tộc phẫn uất. Đông đảo dân phu và binh lính bị lao dịch khổ sở, binh sĩ bất mãn,... Các chính sách làm mất lòng dân của Hồ Quý Ly sau này đều bị phê phán nặng nề trong các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử Thông giám cương mục. Ông bị quy tội nặng nề ở thái độ đối với dân: sẵn sàng xuống tay khi dân, binh sĩ, quan lại không thần phục. “Nhân tâm oán, phản” (心之怨叛) là nhận định chung mà Nguyễn Trãi hai mươi năm sau đã đánh giá trong “Đại cáo bình Ngô” (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1976, tr. 77).
Nhìn thấy họa xâm lăng từ phương Bắc, nhà Hồ chuẩn bị phòng thủ rất chu đáo. Thành lũy được xây dựng hùng hậu, nhiều tuyến phòng thủ kéo dài. Thành nhà Hồ đến nay vẫn còn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá là vững chắc và bề thế nhất Đông Nam Á. Với quân đội, Hồ Quý Ly chủ trương xây dựng đội quân “trăm vạn”. Quân đội thời nhà Hồ đông và được trang bị thuộc loại tốt nhất trong sử Việt. Hồ Nguyên Trừng đã chế tác súng Thần cơ thương pháo và cổ lâu thuyền, hai loại vũ khí chiến lược được coi là hiện đại so với thế giới lúc bấy giờ. Thần cơ thương pháo đã được Nhà Minh gọi là “vũ khí đệ nhất thiên hạ” và về sau được quân Minh sử dụng rất hữu hiệu trong các trận chiến với Mông Cổ. Còn Cổ lâu thuyền, theo Sử thần Ngô Sĩ Liên mô tả thì đây là loại tàu chiến lớn có hai tầng: “Thuyền đinh sắt này có hiệu là Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương, chỉ mượn tiếng chở lương thôi, nhưng bên trên có đường sàn đi lại để tiện việc chiến đấu. Bên dưới thì hai người chèo một mái chèo” (Viện Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, 1998, tr. 207).
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, năm 1405, sau khi Hồ Hán Thương cho đóng cọc ở cửa sông Bạch Hạc để ngăn giặc từ Tuyên Quang tràn xuống, Hồ Quý Ly đã phải triệu quan lại các sứ lộ về triều họp với các quan ở kinh nên đánh hay nên hòa. “Có người khuyên nên đánh, chớ để làm mối lo ngày sau. Trấn thủ Bắc Giang Nguyễn Quân cho là nên tạm hòa, chiều theo những điều chúng (Giặc Minh) muốn để hoãn binh thì hơn. Tả tướng quốc Trừng nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!” (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, 1998, tr. 211).
“Chỉ sợ lòng dân không theo” - lời Hồ Nguyên Trừng phản ánh điểm yếu chết người của nhà Hồ lúc đó, đã trở thành lời cảnh tỉnh bất hủ trong lịch sử về thái độ vương triều đối với dân. Sau này, sử thần Ngô Sĩ Liên khen rằng “Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó. Không thể vì cớ họ Hồ mà bỏ câu nói của Trừng được” (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, 1998, tr. 211). Nhà sử học Trần Trọng Kim, một chính khách lớn trước năm 1945 cũng đánh giá về Hồ Quý Ly tương tự: “Cũng vì cái cớ (cướp ngôi Vua) ấy, cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy, bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục ở đất nước người! Nhưng đấy là cái tội làm hại riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam thì ai gánh vác cho Hồ Quý Ly?” (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, 1998, tr. 211). Thực ra, quy tội để mất nước Nam năm 1406 - 1407 cho Hồ Quý Ly cũng là vấn đề cần phải được nghiên cứu đánh giá sâu sắc hơn.
Mặc dù thành cao hào sâu, lương đủ, vũ khí hiện đại, quân đông và khá tinh nhuệ, binh sĩ anh dũng chống xâm lăng, nhất là giai đoạn đầu cuộc chiến, nhưng do “lòng dân oán hận”, lòng tin bị mai một, rình rập nỗi lo phản trắc, nên cuối cùng, vua tôi nhà Hồ bị bại trận, đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Minh, Triều Hồ đại bại chỉ sau 9 tháng, giặc Minh cướp được giang sơn, “thui dân đen trên lò bạo ngược; hãm con đỏ dưới hố tai ương” (Ủy ban Khoa học xã hội, 1976, tr. 77). Trong lịch sử Việt Nam, chưa có thời nào bi đát đến nỗi, giặc Minh ngang nhiên quất roi vào mặt lính gác cổng thành; rồi sau đó truy đuổi, bắt sống gần như toàn bộ nội các triều đình ở Kỳ La và Cao Vọng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay), giải về hành tội ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
4. “Lật thuyền mới biết sức dân như nước” (Nguyễn Trãi)
Năm 1407, Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi với chức Đại lý tự khanh kiêm Trung thư thị lang, cũng bị giặc Minh bắt và giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi theo cha đến ải Nam Quan, rồi vâng lời cha quay về nuôi chí đuổi giặc Minh “làm tròn chữ Đại Hiếu” - không chỉ hiếu với Cha mà còn hiếu với non sông đất nước. Khi về ngang qua cửa Bạch Đằng, nơi vẫn còn dấu tích trận bại chiến của Hồ Quý Ly chống giặc Minh, cũng là nơi Đại Việt từng ba lần đánh bại quân xâm lược, Nguyễn Trãi cảm thán viết bài thơ Quan hải (關海) nổi tiếng, ngậm ngùi suy ngẫm về vận nước, về mối hận nghìn năm của Hồ Quý Ly và đặc biệt, về sức mạnh của lòng dân. Trong bài thơ có những tư tưởng đã trở thành lời cảnh báo máu xương đối với tất cả các triều đại về sau: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (覆舟始信民猶水) - Lật thuyền mới biết sức dân như nước; “Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật/Anh hùng di hận kỉ thiên niên” (禍福有媒非一日,英雄遺恨幾千年) - Chuyện họa phúc không phải là chuyện của một ngày/Di hận của người anh hùng để lại đến hàng nghìn năm sau (Xem: Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1976, tr. 280 - 281). Nguyễn Trãi viết bài thơ này cách đây gần 700 năm. Nỗi đau của người anh hùng quả thực đến nay vẫn tưởng như còn nóng hổi.
Sau sự kiện này, năm 1420, Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn với sách Bình Ngô. Năm 1427, sau chiến thắng vĩ đại Chi Lăng - Xương Giang, giặc Minh đầu hàng, rút tàn quân về nước. Khởi nghĩa Lam Sơn đại thắng. Mùa xuân năm 1428, Nguyễn Trãi viết Đại cáo bình Ngô, bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam. Trước quốc dân, tư tưởng “An Dân”, “Nhân nghĩa”, một lần nữa được Nguyễn Trãi nhắc lại: “Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân” (仁義之舉,要在安民) - Việc nhân nghĩa cốt để an dân. “Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn, Dĩ chí nhân nhi dị cường bạo (以大義而勝兇殘,以至仁而易彊暴) - Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1976, tr. 77, 79).
Những năm cuối đời, số phận Nguyễn Trãi là một bi kịch, bi kịch không chỉ của riêng ông mà là bi kịch của cả dân tộc. Nhưng chính bi kịch này lại khiến tư tưởng thân dân, nhân nghĩa của Nguyễn Trãi càng thêm tỏa sáng và trở thành bài học xương máu cho muôn đời sau. Năm 1978, tổ chức UNESCO đã ghi nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hóa và được kỉ niệm trên toàn thế giới.
5. “Biết nghe tiếng nói oan khiên của người dân” (Lê Thánh Tông)
Tháng 10 âm lịch năm Tân Hợi 1491, vua Lê Thánh Tông cho xây dựng đình Quảng Văn ở cửa Đại Hưng (cửa Nam thành Thăng Long, nay là vườn hoa Cửa Nam) làm nơi để triều đình “rộng nghe” ý kiến của dân. Đình này treo một cái trống lớn, người dân nếu có oan khiên thì đánh một hồi trống kêu oan. Một vị quan sẽ nhận đơn thỉnh cầu rồi từ đó có thể trình báo giải quyết nỗi oan của họ. Quảng Văn đình cũng là nơi quan Câu Kê, đại diện cho triều đình, đến giảng pháp lệnh, những điều răn của nhà vua vào ngày mồng một đầu tháng cho dân chúng. Có sử gia về sau bình rằng “giá như thời hậu Trần hay Lê mạt mà đặt trống Đăng Văn ở đây thì dân chúng quanh vùng sẽ phải đinh tai nhức óc” (Nguyễn Vinh Phúc, 2009, tr. 259).
Nghĩa là, trong con mắt các nhà sử học, Lê Thánh Tông là một trong số không nhiều vị vua biết nghe tiếng nói oan khiên của người dân, biết chú ý đến lòng dân. Là người đứng đầu Hội Tao Đàn, Vua Lê Thánh Tông cũng là người có công lớn trong việc phát triển nền giáo dục - khoa cử nho học, một nền giáo dục mà dân thường cũng có khả năng đỗ đạt, làm quan. Ông là người tổ chức biên soạn bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức), một bộ luật mà ngày nay nhìn lại có thể thấy tiến bộ hơn rất nhiều so với luật pháp đương thời ở khu vực. Với tinh thần của bộ luật này, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền thời Hậu Lê thuộc loại hùng mạnh. Nhưng điều quan trọng là rất nhiều điều khoản của Luật Hồng Đức thể hiện rất rõ, chi tiết, cụ thể thái độ tôn trọng sức dân, lòng dân, của cải của người dân và trách nhiệm của nhà nước đối với dân, với đời sống bình thường của người dân. Quốc triều hình luật quy định, nhà vua, nhà nước phải quan tâm đến đời sống vật chất của người dân, phải làm cho dân có tài sản, coi nghề nông là gốc. Trong bộ luật này, để cho dân no đủ, yên ổn với nghề nông, có nhiều điều quy định trừng trị các tội bán ruộng đất, trâu bò, mắm muối cho người nước ngoài, hay trừng trị quan lại lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt ruộng đất, của cải của dân, sai khiến dân trái thời vụ,… (Viện Sử học Việt Nam, 2005).
Năm 1464, Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng tước Tán Trù Bá. Con trai Nguyễn Trãi là Nguyễn Anh Vũ, người duy nhất sống sót trong vụ án Lệ Chi Viên, được ban chức huyện quan. Lê Thánh Tông cũng ban lệnh sưu tầm di cảo Nguyễn Trãi, nhờ đó mà một phần di sản thư văn của Nguyễn Trãi mới có điều kiện để đến được với hậu thế ngày nay. Với 38 năm Lê Thánh Tông trị vì cũng là giai đoạn đất nước cực thịnh, nhiều oan khiên thời trước được cởi bỏ, nông nghiệp phát triển, dân trí chấn hưng, pháp luật công minh, nhân đạo,… Điều này có liên quan mật thiết đến thái độ đối với dân của Lê Thánh Tông.
6. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân” (Hồ Chí Minh)
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Lãnh tụ Hồ Chí Minh có rất nhiều phát biểu, tuyên bố, nhận định, bình luận,… đạt tới tầm những tư tưởng bất hủ về dân, về vị thế “làm dân, làm người”, về vai trò của dân và về trách nhiệm của nhà cầm quyền đối với dân. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số tư tưởng đáng chú ý của Người trong khuôn khổ chủ đề nhân tố dân, lòng dân và sức mạnh của dân.
Trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 trường Đại học nhân dân Việt Nam ngày 8/12/1956, khi giải thích những tư tưởng trong Tam tự kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm của mình về dân, về sức mạnh của nhân dân, Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 10, tr. 453). Bài nói chuyện này được thực hiện cuối năm 1956, khi cải cách ruộng đất đã bị đình chỉ do mắc phải những sai lầm nặng nề. Trong không khí rút kinh nghiệm sâu sắc từ những oan sai, tư tưởng này là sự chiêm nghiệm và sự nhắc nhở của Người đối với cán bộ về vị thế của người dân trong xã hội.
Năm 1947, giữa lúc phải tập trung chuẩn bị Chiến dịch Thu Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”. Cuốn sách nhằm chỉ dẫn, động viên cán bộ, đảng viên chấn chỉnh thái độ, tác phong trong công tác để tạo thêm sức mạnh đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi. Trong cuốn sách, về quan điểm và thái độ đối với dân, Người viết: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lí này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hi sinh mấy họ cũng không sợ” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 5, tr. 286).
Sau này, cuốn sách gần như trở thành giáo khoa về giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng và Nhà nước. Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ phải nhận ra phẩm chất tự nhiên của người dân là “Dân rất tốt”. Người gọi đây là “chân lí” và nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “ghi tạc vào đầu cái chân lí này”.
Với quan điểm sáng suốt của một vĩ nhân về vị thế của dân, về phẩm chất của dân trong tương quan với nước, bằng sự trải nghiệm lịch sử sâu sắc của mình, Hồ Chí Minh đã không ngần ngại cải biến quan điểm của Nho giáo từ “Trung quân, ái quốc” thành “Trung với nước, hiếu với dân”. Trong bài nói chuyện tại Trường cán bộ tự vệ ngày 7/1/1946, sau đó được đăng trên báo Cứu quốc số 136 ngày 8/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 4, tr. 170). Tư tưởng này sau đó đã được khẳng định lại và nhấn mạnh thêm tại Lễ khai giảng Trường võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946, khi Người phát biểu trước cán bộ, học viên nhà trường. Chính tại đây, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trao tặng nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”.
Trung với nước, hiếu với dân là tư tưởng nguyên thủy của Hồ Chí Minh khi tiếp thu đạo đức Nho giáo để xây dựng nền đạo đức cách mạng. Tư tưởng này có tầm cao và chiều sâu của một minh triết về sự hưng vong của Dân tộc và Tổ quốc.
7. “Muốn được dân yêu, trước hết phải yêu dân” (Hồ Chí Minh)
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, khi theo dõi hoạt động của các Ủy ban nhân dân xuất hiện tình trạng bị “dân phàn nàn, oán thán nhiều hơn lời khen”, trên báo Cứu quốc số 65 ra ngày 12/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý. Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 4, tr. 51).
Quan niệm này được Hồ Chí Minh nói tới nhiều lần, nhất là thời kì đầu lập nước. Nghĩa là, yêu dân, đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, không phải chỉ là một giải pháp chính trị, mà là tư tưởng sâu sắc thường trực trong tư duy chính trị Hồ Chí Minh. Trong nền chính trị hiện đại, ít thấy ai nói “yêu dân”. Có thể có những lí do thuộc về văn hóa chính trị ngày nay quy định điều này, tuy vậy, bản chất vấn đề vẫn là ở chỗ thái độ đối với dân - yêu dân, mưu cầu quyền lợi cho dân - chứ dân không đơn thuần là đối tượng thụ động của hoạt động chính trị.
Khi được hỏi về thân thế cá nhân sau thắng lợi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo nước ngoài trên báo Cứu quốc số ra ngày 21/1/1946. Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 4, tr. 161).
Ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh - nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, trên thực tế là mục tiêu dài lâu cũng đồng thời là mục tiêu trước mắt của sự phát triển đất nước. Dù Việt Nam phát triển theo khuynh hướng nào, hướng tới một xã hội có những đặc trưng gì đi nữa, thì dân tộc thực sự độc lập, người dân được hưởng quyền tự do, không còn người đói khổ, không còn người thất học,… chính là lí tưởng thiêng liêng, cao cả và thực tế của sự phát triển.
Trong tư tưởng này của Hồ Chí Minh, dân ta được hoàn toàn tự do là một nội dung đặc biệt cao cả mà theo chúng tôi, không nhiều lãnh tụ của các quốc gia khác dám nhấn mạnh thành một tuyên ngôn hàm súc đến thế. Hơn thế nữa, trên báo Cứu quốc số 69 ra ngày 17/10/1945, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kì, tỉnh, huyện và làng”, Hồ Chí Minh với tư cách là người đứng đầu nhà nước, đã chỉ ra 6 “lầm lỗi rất nặng nề” của một số cán bộ chính phủ mới. Người viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 4, tr. 65).
Đã một thời kì, tư tưởng này của Hồ Chí Minh không được nhắc tới. Không thể phủ nhận, cũng một thời gian dài, hạnh phúc và tự do mà người dân được hưởng chẳng những còn rất xa so với mong đợi, mà còn có quá nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là để cho dân có hạnh phúc và tự do. Tất nhiên, nền chính trị nào cũng có những tuyên bố tương tự. Nhưng tuyên bố như Hồ Chí Minh độc lập cũng chẳng có nghĩa lí gì nếu dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì hầu như không lãnh tụ nào nói thế. Độc lập dân tộc là điều kiện của hạnh phúc, tự do, là mục tiêu nền tảng để người dân đạt tới hạnh phúc, tự do.
Tư tưởng vĩ đại, sâu sắc, yêu dân và tuyệt đối nhân đạo này của Hồ Chí Minh, theo chúng tôi rất cần thiết phải được nhấn mạnh và phổ biến nhiều hơn nữa trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam.
Kết luận
Nghiên cứu nguyên nhân thịnh suy của các triều đại trong lịch sử Việt Nam, người ta có thể thấy một thực tế khá hiển nhiên rằng, sức mạnh của các triều đại, bao giờ cũng gắn liền với sức mạnh của dân. Vì thế, ngay từ rất sớm, sức dân, lòng dân đã được cha ông ta coi là một nhân tố nền tảng, tạo nên sự vững mạnh của đất nước. Không có ngoại lệ, những trang sử rạng rỡ trong chiến thắng ngoại xâm, dựng xây xã tắc thanh bình… đều là những giai đoạn lòng dân thuận hòa, sức dân được khoan thư, dân quyền được tôn trọng, tiếng dân được lắng nghe; mọi bất an, lo lắng, oan trái,… của dân, đều có phương thức để được giải quyết.
Vấn đề Lòng dân thực chất là vấn đề về sự hài lòng của người dân đối với các quyết sách của chính quyền. Trình độ cao nhất của sự hài lòng là người dân có tự do và hạnh phúc trong một quốc gia độc lập, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa. Trình độ thấp nhất là đời sống người dân bị bất an, lo lắng vì những oan ức, sai trái có thể xảy ra,… Do vậy, “Muốn được dân yêu, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy” - Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chính quyền, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính cấp thiết.
Tài liệu tham khảo
1. Bray, Adam. 2014. “The Cham: Descendants of Ancient Rulers of South China Sea Watch Maritime Dispute From Sidelines”, (https://www.nationalgeographic.com/news/2014/6/140616-south-china-sea-vietnam-china-cambodia-champa/).
2. Phan Bội Châu. 1990. Toàn tập, tập 2. (Chương Thâu sưu tầm và biên soạn). Nxb. Thuận Hóa. Huế.
3. Trần Văn Giàu. 2002. “Con người Việt Nam: một số vấn đề cần nghiên cứu”. Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 2.
4. Trần Trọng Kim. 2015. Việt Nam sử lược. Nxb. Nhã Nam.
5. Mc Namara, Robert. 1995. Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và bài học Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh. 2011. Toàn tập, tập 4, 5, 10. Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật. Hà Nội.
7. Minh thực lục: quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII. (Hồ Bạch Thảo dịch, Phạm Hoàng Quân hiệu đính, 2019). Tập I, II và III. Nxb Hà Nội. Hà Nội.
8. Nguyễn Vinh Phúc. 2009. 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nxb. Trẻ. Hà Nội.
9. “Political Legitimacy”, in Stanford Encyclopedia of Philosophy, (https://plato.stanford.edu/entries/legitimacy/).
10. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. 1976. Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội.
11. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học. 1998. Quốc sử quán Triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên. Quyển VIII). Nxb. Giáo dục. Hà Nội.
12. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học. 1998. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội.
13. Viện Sử học Việt Nam. 2005. Quốc triều hình luật. Luật hình Triều Lê. Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật. Hà Nội.
* GS.TS.; Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tạp chí “Nghiên cứu Con người” số 4/2020
1 Trần Văn Giàu viết: “Cần phải gắng mà nghiên cứu con người Việt Nam, cắt nghĩa nguyên nhân vì sao mà người Việt Nam lại thắng Pháp rồi lại tiếp tục thắng Mĩ. Khó lắm, đề tài này rất khó. Bởi vì, tôi cũng đồng ý với Mc Namara, Mĩ là cường quốc bậc nhất trên thế giới, là nước giàu nhất thế giới, khôn nhất thế giới. Đừng ngây thơ mà nói Mĩ dại; Mĩ không hề dại, ngược lại, rất khôn, khôn lắm. Khôn thế, giỏi thế mà lại dành những 20 năm tiến hành chiến tranh với Việt Nam; rồi thua. Thua con người Việt Nam, thua văn hóa Việt Nam, thua cái “chất Việt Nam”... Vấn đề là ở chỗ, trên thế giới này hay gần hơn là các nước quanh ta, ai chỉ ra được, hay ai trả lời được câu hỏi: có dân tộc nào nhiều lần phải đương đầu nhất với một nước lân cận lớn mạnh hơn gấp 10 lần, 20 lần, 30 lần... và rốt cuộc đều đứng vững, không bị đồng hoá, giữ được bản sắc của mình và nếu phải tiến hành chiến tranh thì đều kết thúc bằng những chiến thắng oanh liệt? Hãy thử tìm một nước, một dân tộc, không phải một lần, mà hai lần trong lịch sử hiện đại đánh bại hai cường quốc mạnh nhất thế giới. Lần thứ nhất là chiến thắng Pháp, lần thứ hai là chiến thắng Mĩ”. Trần Văn Giàu, 2002. Con người Việt Nam: một số vấn đề cần nghiên cứu. Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 2.
2 Tác phẩm này được Phan Bội Châu viết bằng chữ Hán tại Nhật Bản năm 1906, hoàn thành năm 1909, Nxb. Shoransha-Tokyo in năm 1909).
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), số 4/2020