Mô hình sắp xếp nơi ở của người cao tuổi hiện nay và những yếu tố ảnh hưởng

17:00 05/06/2018
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

 

Trần Thị Minh Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Giới thiệu

Mô hình sắp xếp nơi ở của NCT là một nội dung nghiên cứu quan trọng vì nó phản ánh khá rõ đặc điểm văn hóa và những chuyển biến về cơ cấu gia đình cũng như đặt ra những vấn đề về chăm sóc và an sinh xã hội. Có nhiều chủ thể tham gia vào chăm sóc NCT, bao gôm nhà nước, gia đình, dòng họ/cộng đồng và các dịch vụ từ thị trường. Chăm sóc từ những chủ thể này ảnh hưởng như thế nào đến việc lựa chọn mô hình nơi ở của NCT hiện nay trong trong bối cảnh hội nhập và những giá trị truyền thống đang thay đổi nhanh chóng, khi Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn già hóa dân số? Bài viết này phân tích đặc điểm về sắp xếp nơi ở của NCT hiện nay, ai và người quyết định mô hình nơi ở đó và các yếu tố ảnh hưởng đến sắp xếp nơi ở của NCT.

 

Số liệu và phương pháp

Bài viết sử dụng số liệu khảo sát 480 NCT từ 60 tuổi trở lên ở một xã nông thôn và một phường đô thị của tỉnh Nình Bình và tỉnh Tiền Giang. Kỹ thuật phân tích chính là mô tả theo tần suất, tương quan, và hồi quy đa biến logistic để tìm hiểu những yếu tố tác động đến mô hình sắp xếp nơi ở của NCT.  

Biến phụ thuộc tìm hiểu vai trò của gia đình cũng như mức độ tự chủ của NCT được đo qua mô hình sắp xếp nơi ở của NCT, bao gồm các phương án: Sống một mình; Sống với bạn đời; và Sống với con cháu. Mỗi phương án sinh sống của NCT sau đó được mã hóa thành biến nhị phân để phục vụ cho mô hình hồi quy.

Nhóm biến độc lập thứ nhất liên quan đến những đặc điểm nhân khẩu xã hội của NCT. Ví dụ, địa bàn cư trú bao gồm hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất tìm hiểu địa bàn cư trú theo vùng miền, theo đó, Tiền Giang đại diện cho tỉnh phía Nam và Ninh Bình đại diện cho tỉnh phía Bắc Việt Nam. Câu hỏi thứ hai chia theo nông thôn và đô thị. Mỗi biến số này được tổ chức thành biến nhị phân, nhận giá trị 1=Có (ở nông thôn hoặc đô thị) và 0=Không (ở nông thôn hoặc đô thị).

Giới tính gồm hai phương án, là nam và nữ, được mã hóa thành biến nhị phân, nhận giá trị 1=Có và 0=Không (là nam hoặc là nữ).

Tuổi NCT được chia làm khoảng 10 năm, bao gồm NCT<69 tuổi, từ 70-79, và trên 80 tuổi.

Học vấn của NCT đa số là mức trung bình và ảnh hưởng của biến số này đến đời sống của NCT là không nhiểu khi tuổi đã cao và các giá trị, thành tựu liên quan đến học vấn đã được hoàn thành nhiều năm trước đây,  là mốc thời gian khá xa so với tuổi hiện nay của NCT. Mối quan hệ của biến học vấn, nếu có, là với nhóm có học vấn từ cao đẳng trở lên vì nhóm này có thể có nghề nghiệp trong khu vực chính thức và có lương hưu. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã có một câu hỏi về nguồn thu nhập chính của NCT, trong đó có phương án lương hưu nên trong phân tích, nghiên cứu chỉ sử dụng một biến số là nguồn thu nhập chính của NCT để thay thế cho biến số học vấn để đảm bảo ý nghĩa của tương quan.

Nguồn thu nhập của NCT được chia thành các nguồn Sản xuất Nông lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Buôn bán kinh doanh; Con cái hỗ trợ (bao gồm cả con sống riêng và sống chung); Tiền công từ làm thuê; Lương hưu và Trợ cấp xã hội (bao gồm trợ cấp cho NCT, trợ cấp thương bình, gia đình liệt sĩ, gia đình có công; trợ cấp hộ nghèo, vv). Mỗi phương án viêc làm được mã hóa thành biến nhị phân nhận giá trị 1=Có và 0=Không.

Số con của NCT là biến liên tục, sau đó được chia thành biến khoảng, với các phương án không có con, có 1-2 con, có 3-4 con, và 5 con trở lên. Mỗi phương án trên lại được tiếp tục mã hóa thành biến nhị phân nhận giá trị 1=Có và 0=Không.

Việc làm của NCT từ khi 60 tuổi được phân chia thành một số loại hình, bao gồm làm cho bản thân, làm thuê, hoạt động xã hội và cộng đồng, làm việc nhà, nghỉ hưu và không làm gì.

Mức sống của NCT do NCT tự đánh giá theo 3 mức, khá giả trở lên, trung bình, và nghèo.

Tình trạng sức khỏe của NCT được chia theo ba phương án: nhìn chung là khỏe mạnh, bị khuyết tật và bị bệnh mãn tính/đau ốm, và cũng được mã hóa thành biến nhị phân nhận giá trị 1=Có và 0=Không.

Bảo hiểm y tế của NCT được chia thành biến nhị phân, nhận giá trị 1=Có BHYT và 0=Không có BHYT.

Nhóm biến thứ hai đo lường những hỗ trợ của gia đình cho NCT, cụ thể là hỗ trợ của con cái về tài chính, sức khỏe, tinh thần, việc nhà, chăm sóc chính hàng ngày, vv. Các biến số này được sắp xếp theo hai giá trị, 1=Có và 0=Không.

Nhóm biến thứ ba liên quan đến mức độ hỗ trợ của nhà nước trong chăm sóc NCT với một số chỉ báo như có được chính quyền, đoàn thể hỗ trợ khi gặp khó khăn về tài chính, sức khỏe, tinh thần, với hai giá trị 1=Có và 0=Không. Nguồn thu nhập từ lương và trợ cấp các loại cũng được coi là một chỉ báo về vai trò của nhà nước trong CSNCT.

Nhóm biến thứ tư liên quan đến vai trò của cộng đồng trong cuộc sống của NCT. Mức độ tham gia vào các hoạt động cộng đồng có thể làm NCT cảm nhận cuộc sống lạc quan hơn, sức khỏe tốt hơn, vv. Những hoạt động cộng đồng chính mà nghiên cứu này tìm hiểu là có hay không tham gia vào hội NCT, các CLB cho NCT, các hội đoàn tôn giáo, vv.

 

Truyền thống văn hóa và hiện đại hóa

Nền văn hóa coi trọng chữ hiếu là trụ cột tư tưởng quan trọng của hỗ trợ gia đình cho NCT: đó là nghĩa vụ đạo đức cho con cái trưởng thành trong chăm sóc cha mẹ già theo Nho giáo. Trong rất nhiều những chuẩn mực xã hội về đạo hiếu, việc cha mẹ già sống với con cái trưởng thành là một trong những quy tắc quan trọng. Có thể không nhất thiết cha mẹ già và con cái sống cùng nhau, nhưng sống gần con cái phòng khi cha mẹ cần hỗ trợ là rất quan trọng (Carreiro, 2012). Vai trò của chữ hiếu trong mô hình hỗ trợ của gia đình được thể hiện qua cách thức người ta cảm nhận, suy nghĩ và thực hành chăm sóc cha mẹ già của mình. Biểu hiện của chúng không đơn thuần là những quan hệ liên thế hệ trong hỗ trợ NCT trên bề mặt xã hội, mà nó có những thay đổi sâu hơn trong nhận thức và tư tưởng.

Những cá nhân phá vỡ những quy tắc đạo đức có thể đối mặt với những trả giá hay hình phạt. Ví dụ, con cái có thể sống với cha mẹ không chỉ bởi vì họ cảm thấy bắt buộc phải làm như vậy như là một biểu hiện của một đứa con ngoan, mà cũng vì chi phí hành vi này cao hơn hơn chi phí tiềm năng khác, chẳng hạn như mất sự riêng tư hoặc căng thẳng trong hôn nhân của con cái do sống chung.

Trong bối cảnh chuyển đổi xã hội nhanh chóng và hiện đại hóa, tầm quan trọng của hỗ trợ gia đình như vậy đang bị thách thức. Con cái có xu hướng sống xa cha mẹ do nhu cầu di cư và việc làm, để lại cha mẹ đằng sau. Tốc độ cuộc sống nhanh và áp lực hơn cũng làm giảm mức độ chăm sóc cha mẹ của con cái. Hệ thống giá trị về chữ hiếu cũng đang thay đổi nhiều về tính chất và cách biểu hiện. Dường như đang có xu hướng giảm dần tầm quan trọng của đạo hiếu truyền thống trong xã hội hiện đại dù người ta vẫn tiếp tục cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ và chăm sóc cha mẹ già (Chow, 2006).

Trong quá khứ, sống một mình khi về già thường được đánh đồng với sự cô lập xã hội hoặc bị gia đình xao lãng. Tuy nhiên, nghiên cứu ở nhiều môi trường văn hóa cho thấy rằng những người lớn tuổi thích được tại nhà và cộng đồng của họ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là sống một mình. Sự ưa thích này được hình thành do nhiều lí do, như tuổi thọ cao hơn, lợi ích xã hội và mở rộng các dịch vụ xã hội, quyền sở hữu nhà, nhà ở tiện nghi và chăm sóc cộng đồng.

Tuy nhiên, những NCT sống một mình ít có khả năng được hưởng lợi từ việc chia sẻ đo dùng sẵn có trong gia đình lớn và có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo trong độ tuổi cao hơn khi quy mô gia đình giảm đi. Mặt khác những người lớn tuổi cũng là một nguồn lực cho thế hệ trẻ và không có họ chung sống có thể tạo ra gánh nặng thêm cho các thành viên gia đình trẻ.

Cần lưu ý rằng, cảm giác cô đơn là một khác biệt trong sắp xếp nơi ở. Một số nghiên cứu cho thấy hầu hết NCT sống một mình đều cảm thấy cô đơn, trong khi người lớn tuổi sống chung với một đối tác nói chung ít nhất cô đơn. Sống chung với con cái mang đến mạng lưới tình cảm chống lại sự cô đơn (Gierveld, 2011).

Các nghiên cứu về chung sống với bạn đời khi về già không có nhiều như trong độ tuổi trẻ hay trung niên.  Các cặp vợ chồng già ít gắn bó với nhau về kinh tế hơn, và cũng ít là người chăm sóc nhau nếu một người bị khuyết tật hoặc quá ốm yếu (Manning và Brown, 2011). Sống chung với người khác là một cách để chia sẻ chi phí và duy trì hộ gia đình. Đối với những người không có vợ hoặc chồng hoặc đối tác, sống với con cái trưởng thành cũng giúp giảm nguy cơ nghèo vì các thành viên trong hộ cùng tích lũy thu nhập và chia sẻ chi phí. Ví dụ, con cái trưởng thành nếu khó kiếm việc làm có thể trở về nhà cha mẹ để tiết kiệm tiền thuê nhà (Qian, 2012).

Sống cùng cha mẹ có thể tạo điều kiện hỗ trợ giữa các thế hệ trong nhiều chiều, ví dụ như con cái có thể thừa hưởng nhà ở của cha mẹ có sẵn, và đặc biệt giá trị về sự chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Ví dụ, con cái chăm sóc cha mẹ già, cha mẹ già lại trông nom cháu. Sống chung cũng giúp mối quan hệ tình cảm, hỗ trợ tinh thần giữa các thành viên trong gia đình bền chặt và gắn bó hơn hoặc ngược lại, cũng có thể làm căng thẳng quan hệ gia đình do mất mát riêng tư và tự chủ (Bianchi et al., 2007). Trong thực tế, một số cặp vợ chồng trẻ quyết định nơi ở dựa một phần vào sự gần gũi với người bà, người có thể chăm sóc con cái cho vợ chồng. Những NCT sống với con hoặc cháu ít khi làm việc hơn những người sống một mình hoặc với những người phụ thuộc (Compton và Pollak, 2011).

Sống chung thường phổ biến hơn ở các gia đình có thu nhập thấp, cho thấy tình hình tài chính đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt được những tác động của thu nhập với các yếu tố khác liên quan với quyết định về nơi ở. Sự tự do cá nhân có thể là một lựa chọn. Cá nhân có nhiều nguồn lực thường lựa chọn sống một mình. Các yếu tố khác có thể quyết định khả năng sống độc lập của người cao tuổi, chẳng hạn như thay đổi tkhả năng sinh sản và chuẩn mực xã hội (Bianchi et al., 2007).

 

Kết quả chính

Về đặc điểm sắp xếp nơi ở của NCT

Trong nghiên cứu này, có 10,8% NCT hiện sống một mình, 37,8%  sống với bạn đời, 38,2% sống với gia đình con trai và khoảng 8,8% sống với gia đình con gái. Số lượng NCT hiện sống với cháu hay với họ hàng người quen là thấp. Có thể nói, việc sống với con cái là mô hình phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là sống với gia đình con trai. Tỷ lệ NCT sống với bạn đời cũng khá cao (Hình 1).

Theo các nhóm nhân khẩu xã hội, người cao tuổi thành thị có tỷ lệ cao nhất là sống với bạn đời, thứ hai là sống với con cái. Với NCT nông thôn, tỷ lệ sống với con cái là ca nhất, thứ hai là sống với bạn đời. So sánh giữa hai địa bàn cư trú, tỷ lệ NCT sống một mình ở nông thôn là cao hơn so với đô thị, hàm ý thực tế NCT ở lại đằng sau như trên phân tích.

Theo tuổi, tuổi càng cao thì tỷ lệ ở với bạn đời càng thấp, ở với con cái hoặc một mình tăng lên do hai lý do. Một là khi tuổi cao hơn bạn đời có thể đã qua đời. Tuổi cao hơn thì sức  khỏe cũng yếu hơn  và phải dựa vào con cái nhiều hơn.

Theo mức sống, những người nghèo nhất có tỷ lệ ở một mình cao nhất (24,4%) so với nhóm trung bình (5,3%) và khá giả (3.6%). Ngược lại, càng có mức sống cao hơn, tỷ lệ NCT chung sống với bạn đời càng cao hơn. Tỷ lệ chung sống với con cái của nhóm khá giả cũng là thấp nhất. Những người có mức sống khá giả có độc lập và tự chủ hơn về kinh tế, và cũng có thể có những quan điểm hiện đại hơn về chung sống nên họ không muốn ở cùng con cái. Những người nghèo thì có thể con cái cũng nghèo, nên phải tự chủ cuộc sống nhiều hơn.

Về khía cạnh giới, NCT là nam giới có tỷ lệ sống với bạn đời  cao hơn so với NCT nữ giới.  Tỷ lệ sống một mình của phụ nữ là 16,8% trong khi của nam giới chỉ là 3,3%. Điều này là do tuổi thọ bình quân của phụ nữ cao hơn nam giới, nên đến độ tuổi già hơn thì số phụ nữ đơn thân/góa cao hơn. Do chiến tranh trong hơn ¾ thế kỷ 20, rất nhiều nam giới ra trận và hi sinh, khiến nhiều phụ nữ góa chồng hoặc không lấy được chồng do thiếu nam giới, nên số phụ nữ cao tuổi ở một mình là cao hơn (Hình 1).

Hình 1. Sắp xếp nơi ở của NCT với địa bàn cư trú, giới tính, tuổi, mức sống

 

Với mô hình sắp xếp nơi ở như vậy, ai là người có tiếng nói quyết định nhất? Số liệu cho thấy, đại đa số NCT tự quyết định nơi ở cũng mình, hoặc bản thân quyết định và có sự trao đổi với con cái. Tiếng nói quyết định này mang tính phổ biến cho mọi nhóm xã hội thuộc địa bàn cư trú, tuổi, giới tính, và mức sống khác nhau, chứng tỏ vai trò tự chủ nhất định trong cuộc sống của NCT, cũng như mối quan hệ khá dân chủ giữa NCT và con cháu (Hình 2).

Hình 2. Ai quyết định về nơi ở

 

Các yếu tố tác động đến việc sắp xếp nơi ở của NCT

Mô hình hồi quy dưới đây sẽ phân tích sâu sắc hơn những yếu tố nào ảnh hưởng mang ý nghĩa thống kê đến mô hình sắp xếp nơi ở của NCT. Có ba mô hình hồi quy logistic, mô hình thứ nhất tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến việc NCT sống một mình. Mô hình thứ hai tìm hiểu yếu tố ảnh hưởng đến việc NCT sống với bạn đời. Mô hình thứ ba tìm hiểu những yếu tố tác động đến việc NCT sống với con cháu (Bảng 1).

Về tình trạng hôn nhân của NTL, 62,2% NCT đang có vợ/chồng, 33% góa. Số NCT ly thân, ly hôn hay chưa từng kết hôn là thấp. Sự khác biệt giữa nam và nữ là rất rõ ràng. Gần một nửa NCT nữ là góa, chiếm 49.6%, hàm ý đặc điểm lịch sử và xã hội rất rõ ở nhóm NCT hiện nay (Hình 3). Về lịch sử, rất  nhiều phụ nữ có chồng hi sinh trong chiến tranh ở vậy không tái hôn, một phần do định kiến xã hội, một phần do đặc điểm dân số thừa nữ do do tác động của chiến tranh và di tản sau chiến tranh đa số là nam giới. Về xã hội, nữ giới có tuổi thọ cao hơn nam giới nên nhiều cụ ông qua đời rất sớm trước các cụ bà. Trong các mô hình, biến số này không có ý nghĩa thống kê đến mô hình nơi ở của NCT.

Hình 3. Tương quan tình trạng hôn nhân với địa bàn cư trú, giới tính và tuổi của NCT

 

Sức khỏe là một trong những mối quan tâm hàng đầu của NCT và cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của NCT. Việc phân tích sức khỏe của NCT không những cho chúng ta biết chất lượng sống của NCT, nhu cầu về y tế và các dịch vụ liên quan đối với hệ thống y tế nói chung mà còn cho biết vai trò của gia đình trong chăm sóc sức khỏe NCT. Trong nghiên cứu này, sức khỏe không phải là biến số có ảnh hưởng mang ý nghĩa thống kê đến mô hình sắp xếp nơi ở của NCT.

 

Yếu tố ảnh hưởng đến việc NCT sống một mình

Trong mô hình đầu tiên về NCT sống một mình, nam giới là biến số có quan hệ mang ý nghĩa thống kê so với xác suất của những NCT là nữ, có nghĩa là giới tính là biến số có ảnh hưởng đến việc NCT sống một mình hay không. Số liệu cho thấy, hệ số tương quan (coeficient) của NCT là nam giới là  -4.172, có nghĩa là NCT là nam giới ít sống một mình hơn NCT là phụ nữ. Kết quả này thống nhất với số liệu tương quan hai chiều bên trên.

Mức sống cũng là biến số mang ý nghĩa thống kê đối với việc NCT sống một mình hay không. Hệ số tương quan của NCT có mức sống khá giả là -4.562 và của NCT có mức sống trung bình là -2.006, cho thấy người có mức sống khá giả hơn thì ít sống một mình hơn so với những người có mức sống thấp hơn.

Nhưng NCT ở nhóm tuổi 70-79 có khả năng ở một mình cao nhất với hệ số tương quan là 1.893 so với các nhóm tuổi già hơn hay trẻ hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ tương quan này không quá mạnh.

Những người có BHYT có quan hệ mang ý nghĩa thống kê so với xác suất odds của những người không có BHYT. Cụ thể, nếu có BHYT, NCT ít khi sống một mình hơn với hệ số tương quan là  -1.673. Trong khi đó, những người có tiền tiết kiệm thì lại có xác suất ở một mình lớn hơn, với hệ số tương quan là 1.872. Có thể có tiền tiết kiệm thì NCT có khả năng tự chủ cao hơn trong cuộc sống nên sẵn sàng sống một mình hơn.

Hệ số tương quan của người cao tuổi hiện đang làm việc cho bản thân trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là --1.745, hàm ý nhóm NCT này ít có xác suất sống một mình nhất so với các nhóm có việc làm khác.

Người chăm sóc chính hàng ngày cho NCT là con cháu có hệ số tương quan là -2.455 và có ý nghĩa thống kê khá mạnh với người chăm sóc chính là bạn đời, hay bản thân. Những NCT có con cháu chăm sóc có xác suất sống một mình thấp hơn so với nhóm NCT khác. Khi đã cần có sự chăm sóc của con cháu ở cùng, sức khỏe của NCT có thể đã yếu hơn nên khả năng sống một mình là thấp hơn.

Mạng lưới hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ nhà nước, gia đình, cộng đồng cũng là yếu tố được giả định là có ảnh hưởng đển việc NCT lựa chọn mô hình sống như thế nào. Với NCT sống một mình, nguồn giúp đỡ về tài chính khi có khó khăn từ họ hàng có ảnh hưởng mang ý nghĩa thống kê đến lựa chọn mô hình sống này. Những người có họ hàng hỗ trợ tài chính khi khó khăn có xác suất sống một mình cao hơn những người không có giúp đỡ, với hệ số tương quan là 1,731. Những người có hỗ trợ tinh thần từ bạn bè lại ít sống một mình hơn so với những người không có hỗ trợ, với hệ số tương quan là -1.472.

 

Yếu tố ảnh hưởng đến việc NCT sống với bạn đời

Mô hình thứ hai tìm hiểu những yếu tố tác động đến việc NCT có sống với bạn đời hay không.

Về địa bàn cư trú, người cao tuổi sống ở đô thị có xác suất sống với bạn đời cao hơn so vói NCT sống ở nông thôn. Một trong những đặc điểm của lối sống hiện đại là ít thể hệ và ít người. Khu vực đô thị hiện đại hơn so với khu vực nông thôn nên mang những đặc trưng này. Ở đô thị, đa số NCT là cán bộ nghỉ hưu, có lương hưu và tiết kiệm, nên họ cũng có khả năng tự chủ cuộc sống và cho các con sống riêng, không phải sống chung. Sự gắn kết của những cặp vợ chống ở những khu vực hiện đại cũng gần gũi hơn, tình cảm hơn, nên khi về già, họ thường muốn sống với bạn đời của mình.

Theo vùng miền, những người cao tuổi ở khu vực miền Nam (Tiền Giang) hay sống với bạn đời hơn NCT khu vực miền Bắc.

Theo giới tính, nam giới có xác suất chung sống với bạn đời cao hơn nữ giới, với hệ số tương quan là .697.

Đặc điểm số con của NCT khá điển hình cho xu hướng sinh của Việt Nam theo từng giai đoạn lịch sử. Càng những người cao tuổi (hơn 80 tuổi), số con đông càng cao. Nhóm NCT này đại đa số có 5 con. Thế hệ này sinh trước năm 1935 và bắt đầu bước vào giai đoạn lập gia đình và sinh con vào khoảng 1955-1960. Hôn nhân thời kỳ này vẫn mang những đặc trưng đông con của hôn nhân thời phong kiến. Nhóm 70-79 tuổi (sinh từ 1935-1945) vẫn có số con đông nhưng số lượng có 5 con trở lên đã ít hơn so với thế hệ cách đó 10 năm, tuy số người có từ 3-4 con vẫn rất cao. Số người có nhiều con (5 con trở lên) của nhóm NCT từ 60-69 tuổi (sinh 1945-1955) lại giảm hơn so với các thế hệ trước, trong khi số người có ít con hơn là nhiều hơn. Với nhóm NCT ít tuổi nhất (55-60 tuổi) tương đương với nhóm sinh năm 1955-1960 hầu như không còn gia đình có quá đông con như các thế hệ trước. Đại đa số nhóm nay có 3-4 con, và số lượng có 2 con là cao nhất so với các nhóm tuổi già hơn.

Biến số những người không có con có hệ số tương quan là -2.205, có mối quan hệ ngược chiều với xác suất chung sống với bạn đời của NCT. Nếu NCT không có con, khả năng họ chung sống với bạn đời là thấp hơn so với những nhóm có con. Điều này hàm ý con cái vẫn có những giá trị quan trọng trong đời sống của NCT, vì khi có con thì tình cảm vợ chồng gắn bó và chia sẻ hơn. Điều này cũng hàm ý khi không có con, NCT có thể sẽ ly thân hay sống với con riêng của mình.

Với nhóm NCT tự làm việc cho bản thân, mối quan hệ giữa việc làm này với việc chung sống với bạn đời là cùng chiều, có nghĩa là họ nhiều khả năng chung sống với bạn đời hơn so với NCT thuộc nhóm không làm gì. Hệ số tương quan của biến số tự làm việc cho bản thân là  1.067, và có ý nghĩa thống kê. NCT có việc chính là làm việc nhà cũng có khả năng chung sống với bạn đời cao hơn với hệ số tương quan .436, trong khi các nhóm việc làm khác không có sự khác biệt nào mang ý nghĩa thống kê đến khả năng chung sống với bạn đời so với nhóm không làm gì cả.

Điều thú vị là nhóm NCT có nguồn thu nhập chính là buôn bán dịch vụ và lương hưu có mối quan hệ ngược chiều với khả năng chung sống với bạn đời. Có nghĩa là, nếu nguồn thu chính của NCT là từ kinh doanh buôn bán, hay lương hưu, họ ít có khả năng chung sống với bạn đời hơn, với hệ số tương quan lần lượt là -1.683 và -1.333. Các nhóm có nguồn thu nhập từ nông lâm nghiệp, làm thuê, trợ cấp hay con cái hỗ trợ có xác suất chung sống với bạn đời như nhau vì chúng không có mối quan hệ mang ý nghĩa thống kê với biến phụ thuộc.

Sự hỗ trợ của mạng lưới an sinh xã hội từ nhà nước, gia đình và cộng đồng ảnh hưởng khá mạnh đến việc NCT chung sống với bạn đời hay không. Mô hình hai cho thấy, nếu NCT có sự giúp đỡ về tài chính từ chính quyền, khả năng họ chung sống với bạn đời là cao hơn nhóm không có sự giúp đỡ. Hệ số tương quan của việc có hỗ trợ tài chính từ chính quyền là 1.414 và có mối quan hệ cùng chiều với biến phụ thuộc.

Hỗ trợ của con cái cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu NCT có con cái hỗ trợ tài chính khi gặp khó khăn, xác suất chung sống với bạn đời là cao hơn nhóm không có con hỗ trợ. Hệ số tương quan của biến số này là 1.1.37 và có mối quan hệ cùng chiều với mức độ ảnh hưởng mạnh nhất trong số các biến số có quan hệ mang ý nghĩa thống kê.

Họ hàng cũng là một nguồn hỗ trợ tài chính khi NCT gặp khó khăn để họ có thể chung sống tự chủ với bạn đời, so với nhóm không có họ hàng hỗ trợ. Hệ số tương quan của biến số này là .862 và là biến số có ảnh hưởng mang ý nghĩa thống kê đến khả năng NCT chung sống với bạn đời hay không.

 

Yếu tố ảnh hưởng đến việc NCT sống với con cháu

Mô hình thứ ba tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng NCT sống với con cháu.

Về địa bàn cư trú, NCT ở đô thị ít sống với con cháu hơn NCT ở nông thôn, như đã phân tích ở trên. Hệ số tương quan của NCT ở đô thị là -.557 và là biến số có quan hệ mang ý nghĩa thống kê khá mạnh. NCT ở miền Nam Việt Nam cũng ít ở với con cháu hơn NCT miền Bắc. Họ muốn sống với bạn đời nhiều hơn có thể do cuộc sống kinh tế ở các tỉnh phía Nam dễ dàng, điều kiện thời tiết thuận hòa hơn, nên NCT có thể tự chăm sóc cho nhau và tận hưởng đời sống tình cảm gắn bó khi về già.

Hệ số tương quan của biến số NCT có BHYT là .670, có mối quan hệ cùng chiều mang ý nghĩa thống kê đối với biến phụ thuộc. Như vậy, nhóm NCT có BHYT thì hay sống cùng con cháu hơn. Như trên phân tích, nhóm có BHYT này cho thấy xác suất sống một mình thấp hơn và không có sự khác biệt với nhóm sống với bạn đời.

Hệ số tương quan của nhóm NCT có nguồn thu nhập chính là lương hưu là 1.526 và là biến số có mối quan hệ thuận chiều mang ý nghĩa thống kê đến khả năng NCT sống với con cháu. Như vậy, so với nhóm không có lương hưu, nhóm có lương hưu hay chọn mô hình sống với con cháu hơn.

Người chăm sóc chính hàng ngày là biến số có mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc chọn lựa mô hình sống của NCT. Khi người chăm sóc chính là bạn đời, xác suất NCT chung sống với con cháu là thấp hơn, với hệ số tương quan là -1.423. Bên cạnh đó, việc có con cháu là người chăm sóc chính hàng ngày làm tăng khả năng NCT sống cùng với con cháu, với hệ số tương quan là 1.953 với mức ảnh hưởng rất rõ ràng. Như vậy, ai là người chăm sóc chính hàng ngày sẽ quyết định việc NCT ở với ai.

Về vai trò của mạng lưới an sinh xã hội, số liệu từ mô hình 3 cho thấy, NCT có sự hỗ trợ tài chính từ chính quyền khi gặp khó khăn có mối quan hệ ngược chiều và có ý nghĩa thống kê đến khả năng họ có sồng cùng con cháu không (B=-1.416). Có nghĩa là những NCT có sự hỗ trợ của chình quyền về tài chính thường cho thấy ít có khả năng chung sống với con cái. Với những người có hỗ trợ tài chính từ con cái, họ cũng ít khi sống cùng con cái (B=-.720), có thể do khi sống cùng, con cái đã chi trả và chăm lo các mặt đời sống cho NCT nên không cần hỗ trợ tài chính riêng. Tương tự, những NCT có họ hàng giúp đỡ tài chính khi gặp khó khăn cũng ít khi sống cùng con cái (B=-.728).

Bảng 1. Mô hình hồi quy logistic về các yếu tố tác động đến mô hình sắp xếp nơi ở của NCT hiện nay

 

Mô hình 1: Người cao tuối sống một mình (N=46)

Mô hình 2:

NCT sống với bạnđời (N=173)

Mô hình:

NCT sống với con cháu (N=224)

Intercept

-39.240

-26.468

3.177

Cox&Snell R square

.330

.327

.314

Địa bàn cư trú (Nông thôn là BĐC)

 

 

 

Đô thị

-.734

.756**

-.557**

Vùng miền (Miền bắc là biến đối chứng)

 

 

 

Miền Nam

.223

.720**

-.720**

Giới tính ( Nữ là BĐC)

 

 

 

Nam

-4.172***

.697**

-.069

Mức sống (Nghèo là BĐC)

 

 

 

Trung bình

-2.006***

.266

.266

Khá giả

-4.562**

.378

.095

Số con (Có 1-2 con là BĐC)

 

 

 

Không con

.434

-2.205**

-1.478

Có 3-4 con

-.895

.322

-.171

Có 5 con trở lên

-1.065

.145

.117

Tuổi (<69 là BĐC)

 

 

 

70-79

1.893*

-.406

.091

80 trở lên

1.835

-.665

.245

Tình trạng sức khỏe (Bị bệnh là BĐC)

 

 

 

Khỏe mạnh

-.100

-.288

.288

Bị khuyết tật

2.338

-.128

.601

Có BHYT

-1.673**

-.359

.670**

Có tiền tiết kiệm

1.872**

-.014

-.226

Nghề nghiệp hiện nay (Không làm gì là BĐC)

 

 

 

Tự làm

-1.745*

1.067*

-.130

Làm thuê

1.812

.215

-.228

Hoạt động xã hội

.048

.315

.186

Việc nhà

-33.794

.436**

.859

Nghỉ hưu

.356

1.035

-.384

Nguồn thu nhập (Con cái hỗ trợ là BĐC)

 

 

 

SX NLN, TTCN

.262

-.768

.445

BB/ DV

.847

-1.683**

.644

Làm thuê

-3.366

-.894

.652

Lương hưu

-1.927

-1.333**

1.526***

Trợ cấp NCT

.499

-.206

-.493

Tham gia cộng đồng

 

 

 

Có tham gia Hội NCT

.061

.174

-.387

Có tham gia các CLB cho NCT

-.572

.568

-.335

Có tham gia hội đoàn tôn giáo

-1.501

.219

-.175

Người chăm sóc chính hàng ngày

 

 

 

Tự chăm sóc

17.308

.040

-.457

Bạn đời

-22.376

1.933***

-1.423***

Con cháu ở cùng

-2.455***

-1.808***

1.956***

Con gái, con dâu

.178

-.589

.283

Nguồn giúp đỡ khi có khó khăn tài chính

 

 

 

Chính quyền

-2.138

1.414*

-1.416**

Đoàn thể

21.940

.001

-.760

Con cái

-.161

1.137***

-1.068***

Bạn bè 

.894

.668

-.578

Họ hàng

1.731**

.862**

-.720*

Nguồn giúp đỡ khi có khó khăn về sức khỏe

 

 

 

Chính quyền

-18.218

18.934

2.029

Đoàn thể

11.004

.856

-1.575

Con cái

1.788

.449

-.728**

Bạn bè

-1.134

-.227

.892

Ho hàng

-1.375

-.269

.447

Nguồn giúp đỡ khi có khó khăn tinh thần

 

 

 

Chính quyền

-3.686

.988

.163

Đoàn thể 

16.015

1.672

-1.816

Con cái

2.162**

-.286

-.107

Bạn bè 

-1.472**

-.242

.348

Họ hàng 

-.390

-.175

.297

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

***       Significant at p<0.001 level  ** Significant at p<0.05 level  * Significant at p<0.01 level 

BĐC: Biến số đối chứng

 

Kết luận

Theo truyền thống gia đình Việt Nam, NCT sống chung với con cháu trong gia đình nhiều thế hệ. Truyền thống này hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì. Mô hình chung sống phổ biến nhất là ở với gia đình con, nhất là con trai, chứng tỏ vai trò quan trọng của gia đình trong chăm sóc NCT. Mô hình sống phổ biến thứ hai là ở với bạn đời.

Có những khác biệt về đặc điểm nhân khẩu xã hội trong mô hình nơi ở của NCT. Những người mang đặc điểm hiện đại hơn, thì hay chọn lựa sống với bạn đời. Đó là những người ở phía Nam, khu vực đô thị, có mức sống khá giả, có bảo hiểm y tế, mức sống khá, là nam giới, và có người chăm sóc chính là bạn đời. Về hệ thống hỗ trợ, những người sống với bạn đời thường khẳng định có sự giúp đỡ về tài chính từ chính quyền, họ hàng và con cái khi gặp khó khăn. Có thể nói, tự chủ, có điều kiện và có mạng lưới hỗ trợ tài chính  là một đặc điểm nổi bật của nhóm NCT sống với bạn đời. Có thể chủ nghĩa cá nhân ở những khu vực này phát triển mạnh hơn và các cặp vợ chồng thích không gian riêng tư nhiều hơn.

Những NCT sống với con có những đặc điểm như sống chủ yếu ở nông thôn, miền Bắc, tuổi cao và có BHYT. Điều này gợi lên thực tiễn những NCT chung sống với con cháu được con cháu mua cho BHYT để chăm sóc sức khỏe. Nhóm này cũng có thể có mức sống khá hơn nên có thể mua BHYT, trong khi nhóm không có BHYT sống một mình nhiều hơn có thể do điều kiện kinh tế không cho phép. Những kết quả này cũng gợi lên hàm ý mô hình chung sống truyền thống rõ nét hơn ở các khu vực được cho là còn tồn tại nhiều đặc điểm truyền thống (chẳng hạn như nông thôn).

Nhóm NCT sống một mình thường ở khu vực nông thôn, tuổi cao, mức sống nghèo, là nữ giới, có tiết kiệm, ít làm việc trong khu vực nông nghiệp, không có con cháu chăm sóc hàng ngày, và có họ hàng giúp đỡ khi gặp khó khăn. Những kết quả này gợi ra thực tiễn là con cái đóng vai trò thay thế rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền và họ hàng, bạn bè trong chăm sóc đời sống cho NCT sống cùng con cái. Nói cách khác, khi NCT đã sống cùng con cái, họ ít cần tới sự giúp đỡ của những mạng lưới an sinh xã hội bên ngoài gia đình như chính quyền, đoàn thể hay họ hàng.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Carreiro, Stefanie. 2012. Gender Differences and Perspectives on Elderly Care in China. National Conference on Undergraduate Research (NCUR) 2012 Presenter
  2. Bianchi, Suzanne M. et al., 2007. Intergenerational Ties: Alternative Theories, Empirical Findings and Trends, and Remaining Challenges http://www.soc.duke.edu/~efc/Docs/pubs/IntergenerationalTies_tociruclate17March2007.pdf
  3. Chow,N.(2006). The practice of filial piety and its impact on long-term care policies for elderly people in Asian Chinese communities. Asian Journal of Gerontology & Geriatrics,1(1),31-35.
  4. Gierveld, J. J., Dykstra, P. A., Schenk, N. (2011). Living arrangements, intergenerational support types and older adult loneliness in Eastern and Western Europe
  5. Qian, Zhenchao. 2012. "During the Great Recession, More Young Adults Lived with Parents." In John R. Logan (ed.), Changing Times: America in a New Century.  New York: Russell Sage Foundation
  6. Compton, Janice, and Robert. A. Pollak. 2011. “Proximity, Childcare, and Women’s Labor Force Attachment.”  National Bureau of Economic Research, NBER Working Paper Series, Working Paper 17678. Cambridge, MA.

 

Nguồn:  Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới. Số 5, Quyển 26, 2016. ISSN 1859-1361

 

In trang Chia sẻ

Tin khác