Nhân học du lịch

17:00 02/02/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

TS. Nguyễn Thị Thanh Bình*

 

Nhân học du lịch: khái niệm và sự phát triển

 Du lịch là hoạt động du hành của con người ở bên ngoài môi trường sống định cư, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, với mục đích tham quan, khám phá và trải nghiệm hoặc nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn (UNWTO 1995). Nhân học du lịch là một chuyên ngành của Nhân học văn hóa được phát triển vào giữa thế kỷ XX nhằm nghiên cứu hiện tượng du lịch ở tất cả các khía cạnh, trong đó tập trung vào du khách và bản chất của du lịch; tác động kinh tế, văn hóa, xã hội của du lịch đến các cộng đồng, xã hội địa phương cũng như mối quan hệ giữa chủ và khách (Graburn 1983, 10). Như vậy, nhân học du lịch nghiên cứu con người, cộng đồng địa phương, du khách và các thực thể khác liên quan đến du lịch ở các địa bàn cụ thể. Việc du khách đi đến nơi có nhiều đặc điểm khác lạ so với nơi họ sinh sống là một quá trình vận động, tương tác, học hỏi và giao lưu văn hóa, nên hiểu được những biến đổi văn hóa (từ nhận thức đến hành vi) giữa chủ nhà (cộng đồng địa phương) và du khách trong quá trình tham gia vào hoạt động du lịch là nhiệm vụ cơ bản đối với nghiên cứu nhân học du lịch. Sau những chuyến du lịch, du khách có thể bị tác động và biến đổi cả về nhận thức, thói quen và hành vi văn hóa của mình. Ngược lại, cộng đồng cư dân sinh sống tại các khu du lịch cũng có thể bị ảnh hưởng và hình thành các thói quen, hành vi văn hóa do du khách mang đến. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu các tác động tích cực và tiêu cực giữa cộng đồng địa phương và du khách là một trong những mối quan tâm của các nhà nhân học. Điều này không những có ý nghĩa lớn trong việc hiểu được nguồn gốc của các mâu thuẫn, xung đột phát sinh từ hoạt động du lịch mà còn góp phần xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng (Trần Anh Dũng 2013).

Các nhà nhân học từ lâu đã chứng kiến sự hiện diện của du khách, sự phát triển của du lịch và tác động của nó đối với các cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, Nhân học chỉ thực sự quan tâm nghiên cứu du lịch từ giữa thế kỷ XX và chuyên ngành Nhân học du lịch hiện đang phát triển (Burns 1999). Nghiên cứu của một nhà nhân học người Mỹ là Theron Nunez (1963) đã miêu tả hoạt động du lịch cuối tuần tại một ngôi làng Mexico như một cách tiếp cận mới của Nhân học về tiếp biến văn hoá (sự tiếp xúc của cộng đồng nông thôn với thành thị thông qua hình thức du lịch cuối tuần của giới thị dân trung lưu mới nổi) được xem là nghiên cứu nhân học đầu tiên về du lịch. Tuy nhiên, phải đến những năm 1970, nhân học du lịch mới được khẳng định rõ ràng là một chuyên ngành sau khi công trình do Valene Smith chủ biên tựa đề Hosts and Guests: The Anthropology of Tourism (1977) (Chủ  và khách: Nhân học về du lịch) được công bố năm 1977. Cũng vào năm này, bài báo đầu tiên có chữ “nhân học” trong tiêu đề xuất hiện trên tạp chí nghiên cứu du lịch (Burns 2001, 4).

Giải thích cho sự chậm trễ này, Dennison Nash – nhà nhân học người Mỹ (1981) cho rằng các nhà nhân học có xu hướng tự cho rằng mình là những nhà nghiên cứu điền dã dân tộc học ở các cộng đồng, và không muốn bị dính líu đến du khách. Hơn nữa, các nhà nhân học ban đầu cho rằng chủ đề du lịch có thể tạo nên một lĩnh vực nghiên cứu phù phiếm về văn hóa mà họ muốn né tránh. Du lịch còn được coi là một cái gì đó của xã hội công nghiệp hiện đại trong khi các nhà nhân học trước đây có xu hướng quan tâm nghiên cứu các xã hội nông thôn và truyền thống hơn. Cũng có thể, các nhà nhân học đơn giản là chưa ý thức hết mức độ và tác động của du lịch, nhất là tại những xã hội mà họ có ý định tiến hành nghiên cứu.

Nhân học du lịch ở phương Tây:  vấn đề nghiên cứu và tiếp cận lý thuyết

Ở thập niên 1970, những nghiên cứu nhân học về du lịch của De Kadt (1979), Farrell (chủ biên 1977), Cohen (1979), Knox và Suggs (1979) tập trung phân tích tác động của du lịch đến các cộng đồng, trong đó nhấn mạnh đến tác động tiêu cực, chẳng hạn việc người dân địa phương không được hưởng lợi kinh tế từ du lịch trong khi văn hóa của họ bị ảnh hưởng, hoặc những ảnh hưởng xấu của du lịch đối với môi trường. Các nghiên cứu nhân học cũng tranh luận về tính chân thật và sự thị trường hoá trong du lịch. Davydd Greenwood - một nhà nhân học người Mỹ (1977) cho rằng chính du lịch là nguyên nhân dẫn đến việc thị trường hoá các lĩnh vực đời sống của mỗi cộng đồng, vì văn hoá địa phương đã bị biến thành dịch vụ và hàng hoá để phục vụ du khách. Trước đó, Dean MacCannell - một giáo sư nhân học người Mỹ (1973) nhấn mạnh rằng quá trình thị trường hoá đã tàn phá tính chân thật của sản phẩm văn hoá và mối quan hệ của con người, bởi vì hàng hóa hóa văn hóa địa phương đã tạo ra một thứ “chân thật được dàn dựng” hay là một sự “bảo tàng hóa” văn hóa địa phương để cho du khách xem.

Vào những năm 1980, Erik Cohen - giáo sư nhân học của  Irasel, người đã có nhiều công trình về du lịch tộc người ở Thái Lan lại cho rằng du lịch đại chúng thành công không phải vì nó là sự lừa dối tài tình mà bởi vì du khách có khuynh hướng chấp nhận tính linh hoạt, uyển chuyển của văn hóa, khác với cái nhìn văn hóa ở trạng thái tĩnh, bất biến của các nhà bảo tàng học. Du lịch là một phương tiện hữu ích của sự tự thể hiện mà người dân địa phương có thể lựa chọn một cách chủ ý để tái tạo văn hóa của chính mình theo cách họ muốn du khách nên thấy và cảm nhận về họ và văn hóa của họ ra sao (Cohen 1988).

Trong những năm 1990, các nhà nhân học du lịch quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ giữa nhà nước và công dân trong kiến tạo và chuyển đổi bản sắc tộc người. Lý do chính là bởi du lịch có vai trò  quan trọng trong việc tạo ra và giới thiệu các hình ảnh văn hóa của quốc gia - dân tộc, các cộng đồng địa phương và các di sản. Một số nghiên cứu cho rằng nhà nước đã can thiệp trực tiếp vào sự hình thành các “làng văn hóa”, “bảo tàng sống” (Hitchcock và cộng sự 1997), hay tạo ra các “tộc người thiểu số”, “bộ tộc”, “văn hóa vùng”, và điều này tạo ra phản ứng của những cư dân bị ảnh hưởng, đồng thời làm nảy sinh những thảo luận về bản sắc quốc gia, tộc người và du lịch (Wood 1997; Adam 2006).

Một số nghiên cứu tộc người trong hai thập niên vừa qua có xu hướng nhấn mạnh đến sự tham gia chủ động của người dân địa phương trong quá trình phát triển du lịch. Các công trình nghiên cứu của Schein (2000), Oakes (1998, 2006), Adams (1997) và Stronza (2001) đã cho rằng du lịch không nhất thiết dẫn đến chỗ làm mất đi các giá trị văn hóa truyền thống hay tính chủ thể của cư dân địa phương, mà thay vào đó, người dân địa phương cũng có vai trò  chủ động, quyết định những gì diễn ra trong quá trình họ tương tác với du khách, xác định lại họ là ai, những yếu tố nào trong bản sắc tộc người mà họ muốn thay đổi, nhấn mạnh hay che bớt đi để hấp dẫn du khách. Đây cũng là lúc các thảo luận về bản chất của văn hóa và bản sắc tộc người dưới tác động của du lịch đã được các nhà nhân học đặt ra (King 2008, 50).

Nhìn lại lịch sử hơn nửa thế kỷ phát triển của nhân học du lịch chúng ta thấy ở thời kỳ đầu, các công trình nghiên cứu thường xoay quanh hai chủ đề, đó là tìm hiểu nguồn gốc của du lịch, và xem xét tác động của du lịch nhất là tác động của du lịch đến cộng đồng địa phương (Stronza 2001), nhưng trong các thập niên gần đây, các nhà nhân học đã mở rộng quan tâm nhiều chiều cạnh và các vấn đề lý thú của du lịch. Trong nghiên cứu về du lịch, các nhà nhân học đã có đóng góp lý luận đáng chú ý. Ví dụ, MacCannell (1976) đã coi du lịch là cách con người ở các xã hội hiện đại tìm cách khám phá văn hóa các tộc người nguyên thủy và tác giả cho rằng đây chính là động lực dẫn tới các chuyến đi của họ. Graburn (1989) coi du lịch là một quá trình nghi lễ phản ánh các giá trị đặc sắc của xã hội về sức khỏe, sự tự do, tự nhiên và sự tự cải tiến. Du lịch có vai trò quan trọng trong xây dựng và duy trì một nhận thức tập thể, có thể tăng cường kết nối của con người trong xã hội rộng lớn. Nash (1989) lại coi du lịch là một loại hình khác của chủ nghĩa đế quốc. Du khách ngày nay cũng giống như các thương nhân, kẻ thực dân hay nhà truyền giáo trước đây, là những người tiếp xúc với các văn hóa địa phương, và họ trực tiếp hay gián tiếp đã gây ra những biến đổi ở những địa bàn hay cộng đồng ít phát triển của thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà nhân học du lịch đang tiếp tục tìm kiếm và kiến tạo những cách phân tích mới để giải thích về con người, cộng đồng địa phương, và tác động của du lịch đối với cộng đồng địa phương, v.v.

Nhân học du lịch ở Việt Nam: nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng

Ở Việt Nam, các hoạt động du lịch dưới hình thức khám phá, nghỉ dưỡng đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX với điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng là Sa Pa ở Lào Cai. Tuy nhiên, phải đến giữa thế kỷ XX và nhất là từ khi đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế thì hoạt động du lịch mới bắt đầu phát triển mạnh. Kể từ thập niên 1990 đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu của các nhà du lịch học, kinh tế học, văn hóa học,… xoay quanh các đề tài gắn với phát triển du lịch, nguồn nhân lực du lịch, nguồn lực văn hoá - lịch sử và phát triển du lịch trên phạm vi quốc gia và ở cấp độ vùng, địa phương.

Trong bối cảnh du lịch đang không ngừng phát triển ở Việt Nam, và trên phạm vi toàn cầu, các nhà nhân học đã nghiên cứu du lịch và nhanh chóng nhận ra du lịch là một hướng nghiên cứu hứa hẹn nhiều tri thức mới mẻ, đầy triển vọng và vô cùng lý thú, mang lại không chỉ kiến thức khoa học mà còn có khả năng ứng dụng chính sách và thực tiễn rất cao. Như vậy, nhân học du lịch ở Việt Nam không dừng lại ở việc các nhà nhân học quan tâm nghiên cứu về du lịch, mà họ còn giảng dạy về nhân học du lịch, tham gia vào công tác quản lý và tư vấn cho việc phát triển du lịch ở các cấp độ và các địa bàn cụ thể.

Về nghiên cứu: Các nhà nhân học đã thực hiện những công trình nghiên cứu nhân học chuyên sâu về du lịch. Một trong số đó là luận án tiến sĩ của tác giả Dương Bích Hạnh (2006) về những trải nghiệm của các cô gái Hmông khi rời làng bản của mình để đến thị trấn Sa Pa bán hàng thổ cẩm và làm hướng dẫn viên du lịch. Kết quả cho thấy, trong khi thu nhập của các cô gái Hmông chỉ đóng góp một phần nhỏ vào kinh tế của hộ gia đình thì hành trình từ xã hội bản truyền thống ra thị trấn Sa Pa du lịch hiện đại đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và lối sống của họ. Lần đầu tiên các cô gái Hmông đã tự quyết định được nhiều vấn đề liên quan đến hôn nhân của họ. Sau khi đã kết hôn, nhiều cô tiếp tục công việc ở thị trấn, còn người chồng ở nhà làm ruộng và việc nhà. Đây là một sự thay đổi lớn nếu không muốn nói là có tính cách mạng trong phân công giới và trong cấu trúc xã hội của người Hmông. Hơn nữa, để tồn tại trong một môi trường công việc mới, các cô gái phải tự tạo dựng và thương lượng cho mình một bản sắc văn hóa mới với sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và các yếu tố hiện đại. Trong quá trình đó, họ đã trở thành những người trung gian giữa hai thế giới, đó là thế giới nhỏ của làng bản truyền thống và thế giới hiện đại của thị trấn Sa Pa.

Công trình nghiên cứu của Allan (2011) về hai bản du lịch ở Mai Châu, Hòa Bình đã miêu tả đời sống của người Thái ở các bản du lịch, xem xét các vấn đề lịch sử phát triển du lịch, đời sống sinh kế, quan hệ xã hội của người dân địa phương trong cộng đồng cũng như hiểu biết và quan hệ của họ với du khách. Nhìn du lịch và du khách bằng cách nhìn của chính người Thái ở địa bàn nghiên cứu, tác giả nhận thấy du lịch ở đây thực ra cũng chỉ là một trong các hoạt động kinh tế của cộng đồng địa phương. Người dân tham gia vào các hoạt động du lịch để cải thiện mức sống, đồng thời củng cố sự cố kết cộng đồng và khẳng định bản sắc văn hóa tộc người của chính mình. Điểm quan trọng nữa là người dân đã tham gia phát triển du lịch một cách chủ động và không ngừng thương lượng với chính quyền địa phương, các lực lượng từ bên ngoài và với chính khách du lịch trong thực hành du lịch.

Nghiên cứu của Trương Thị Thu Hằng (2012) phân tích mối tương quan giữa các thực hành tôn giáo và sự tham gia vào hoạt động du lịch của người dân tại Nhà thờ Lớn ở đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Tác giả đã vượt qua những phân tích về các tác động tích cực và tiêu cực của du lịch, bản sắc văn hóa, tính thật của sản phẩm văn hóa du lịch để cho thấy cư dân ở đảo Long Sơn đã xem du lịch như một cách để họ thực hành tôn giáo. Đối với họ, tham gia vào các hoạt động du lịch có nghĩa là họ được thực hành các nghi lễ chứa đựng ý nghĩa tôn giáo chứ không chỉ đơn thuần là phương tiện để họ kiếm tiền. Từ đó, tác giả cho rằng nghiên cứu nhân học về du lịch cần lý giải đầy đủ ý nghĩa của các thực hành du lịch của cộng đồng địa phương trong chính bối cảnh văn hóa của họ.

Achariya Choowongler (2015) cũng nghiên cứu về du lịch ở Mai Châu và quá trình người Thái nơi đây biến văn hóa địa phương thành dịch vụ du lịch trong bối cảnh thị trường du lịch toàn cầu. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả cho rằng thay vì đối phó và thương lượng với các lực lượng toàn cầu, người Thái ở Mai Châu đã chủ động khai thác du lịch bằng cách chuyển đổi vốn văn hóa và vốn xã hội của họ thành vốn kinh tế. Họ đã thị trường hóa lòng hiếu khách và tái cấu trúc bản sắc văn hóa để biến họ từ những người nông dân thành các thương nhân. Người dân đã biết khai thác các phong tục, tập quán, đạo đức và biến chúng thành dịch vụ và hàng hóa để bán cho du khách. Tuy nhiên, sự tương tác giữa họ - với tư cách là chủ và du khách theo truyền thống ứng xử hiếu khách của người Thái đã làm cho sự khác biệt giữa bản sắc tộc người truyền thống của người Thái và văn hóa hiện đại đang bị lu mờ.

Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu khác đã phân tích các thành tố hay giá trị văn hóa tộc người phục vụ phát triển du lịch (Trần Thị Mai Lan 2011; Trần Hữu Sơn 2015), hoặc tác động của du lịch đối với các thiết chế xã hội truyền thống của người Hmông (Trần Hữu Sơn 2006). Một số công trình nghiên cứu còn đề xuất phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (Phạm Thị Cẩm Vân 2019), và bàn luận về mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở một số địa phương (Nguyễn Công Thảo 2019; 2020).

Du lịch đã trở thành hoạt động mang tính quốc gia và toàn cầu và tự nó trở thành một đối tượng nghiên cứu lý thú của Nhân học. Các nhà nhân học Việt Nam đang đứng trước một hướng nghiên cứu mà bản thân nó đang ngày càng phát triển dưới các hình thức đa dạng ở nhiều địa bàn và các cộng đồng thuộc các khu vực khác nhau, từ miền núi đến nông thôn, biển đảo và đô thị, v.v. Nghiên cứu về du lịch, các nhà nhân học Việt Nam không chỉ có đóng góp đáng kể về mặt lý luận để hiểu du lịch như là một hiện tượng văn hóa và xã hội, mà còn góp phần làm rõ hơn hàng loạt vấn đề gắn với du lịch, và nghiên cứu, phân tích du lịch như một quá trình hay một chuỗi chứ không đơn thuần là một sự kiện; xem xét vai trò chiến lược của người dân địa phương, tính chủ thể, quan điểm của người dân về du lịch, ý nghĩa của du lịch đối với họ; gắn du lịch với các quá trình biến đổi rộng lớn hơn; phân tích vai trò của nhà nước, người dân và các lực lượng tham gia vào du lịch trong việc kiến tạo bản sắc tộc người và khai thác các nguồn lực văn hóa và tự nhiên cho phát triển du lịch. Hàng loạt vấn đề liên quan du lịch xuyên biên giới quốc gia cũng đang là một khoảng trống cho các nhà nhân học Việt Nam, như du lịch xuyên quốc gia, du lịch chữa bệnh, du lịch tâm linh, v.v.

Về giảng dạy: hai khoa Nhân học ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đều có môn học Nhân học du lịch dành cho sinh viên ngành Nhân học. Trong khi các khoa du lịch của các trường đại học dạy du lịch như là một nghề, trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về du lịch, văn hóa, lịch sử, địa lý và các kỹ năng để họ có thể làm việc trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn… thì Nhân học du lịch của các khoa Nhân học tìm hiểu, phân tích và lý giải về nhiều khía cạnh của du lịch từ quan điểm và phương pháp luận của Nhân học. Những tri thức và kỹ năng này giúp sinh viên nhân học có thể đánh giá được tác động của du lịch lên con người, văn hóa và môi trường, phân tích được các xu hướng phát triển của du lịch, bảo tồn và phát huy các nguồn lực văn hóa cho phát triển du lịch,… và triển khai các nghiên cứu nhân học về du lịch.

Ở góc độ ứng dụng, nghiên cứu nhân học du lịch đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển du lịch và khai thác các nguồn lực tự nhiên, văn hóa, con người vào phát triển du lịch và bảo tồn các di sản văn hóa trước tác động của du lịch ở nhiều địa bàn cụ thể. Trong một cuộc phỏng vấn, TS. Trần Hữu Sơn chia sẻ với tôi rằng khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, ông đã không ngừng khai thác và phát huy những kiến thức và kỹ năng của chính mình và các nhà nhân học để xây dựng các mô hình du lịch ở tỉnh Lào Cai. Bản thân là một nhà dân tộc học, ông còn thường xuyên được mời làm tư vấn cho chính quyền các cấp để xây dựng chính sách và các mô hình du lịch gắn với các tài nguyên văn hóa và bản sắc văn hóa tộc người ở một số địa phương.

Tài liệu trích dẫn

Adams, KM. 2006. Art as Politics: Re-crafting Identities, Tourism, and Power in Tana Toraja, Indonesia. Honolulu: University of Hawaii Press.

Adams, KM. 1997. “Ethnic Tourism and the Renegotiation of Tradition in Tana Toraja (Sulawesi, Indonesia).” Ethnology 36 (4): 309-320.

Allan, Malita. 2011. “Living in a Tourism Village: Strategies, Negotiations and Transformations among Upland Tai in Northern Vietnam.” PhD Dissertation, La Trobe University.

Burns, G. L. 2004. “Anthropology and Tourism: Past Contributions and Future Theoretical Challenges.” Anthropological Forum, trên trang: https://www.researchgate.net/publication/29456605

Burns, Peter. 1999. An Introduction to Tourism and Anthropology. London and New York: Routledge. 

Choowongler, Achariya. 2015. “Commodification of Hospitality: The Localized Process of Constructing Ethnic Tourist Market and Identity in Mai Chau, Northwest Upland of Vietnam.” Trong Việt Nam học – Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ 4: Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững. Tập 3. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.

Cohen, E. 1979. “The Impact of Tourism on the Hill-Tribes of Northern Thailand.” Internationale Assien forum 10: 5-38.

__________. 1988. “Authenticity and Commoditization in Tourism.” Annals of Tourism Research 15 (3): 371-386.

De Kadt, E. ed. 1979. Tourism: Passport to Development. Oxford: Oxford University Press.

Trần Anh Dũng. 2013. “Xu hướng phát triển nhân học du lịch trong bối cảnh hiện nay.” Trong Kỷ yếu của Tọa đàm khoa học “Nhân học trong bối cảnh toàn cầu hóa” được tổ chức ngày 26/4/2013 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Duong Bich Hanh. 2006. “The Hmong Girls of Sapa: Local Places, Global Trajectories, Hybird Identities.” PhD Dissertation, University of Washington.

Graburn, N. 1983. “Anthropology of Tourism.” Annals of Tourism Research Vol. 10: 9-33.

__________. “Tourism: The Sacred Journey.” In Hosts and Guests. The Anthropology of Tourism, edited by VL Smith, pp. 21-36. 2nd edition. Philadelphia: University of Pennsylvania Press.

Greenwood, DJ. 1977. “Culture by the Pound: An Anthropological Perspective on Tourism as Cultural Commoditization.” In Hosts and Guests. The Anthropology of Tourism, edited by VL Smith, pp. 129-38. Philadelphia:  University of Pennsylvania Press.

Trương Thị Thu Hằng. 2012. “Tôn giáo và du lịch tại đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.” Tạp chí Khoa học Xã hội, tập 6 (166): 58-69.

Hitchcock, M., N. Stanley, & SK. Chung. 1997. “The South-East Asian Living Museum and Its Antecedents.” In Tourists and Tourism: Identifying with People and Places, edited by S Abram, J Waldren & DVL Macleod,  pp. 197-222. Berg: Oxford, England.

King, Victor. 2008. “Anthropology and Tourism in Southeast Asia:

Comparative Studies, Cultural Differentiation and Agency.” In Tourism in Southeast Asia Challenges and New Directions, edited by Michael Hitchcock, Victor T. King and Michael Parnwell. Denmark: NIAS Press.

Knox, J. and C. Suggs. 1979. Tourism Research Priorities in Hawaii and the Pacific. Honolulu: University of Hawaii-Manoa. 

MacCannell, D. 1973. “Staged Authenticity: Arrangements of Social Space in Tourist Settings.” American Journal of Sociology 79 (3): 589-603.

__________. 1976. The Tourist: A New Theory of the Leisure Class. New York: Schocken Books.

Trần Thị Mai Lan. 2011. “Nghề dệt thủ công của người Thái Trắng ở Mai Châu, Hòa Bình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.” Luận án tiến sĩ Nhân học. Hà Nội: Học viện Khoa học xã hội.

Nash, D. 1981. “Tourism as an Anthropological Subject”. Current Anthropology 22 (5): 461-468.

Nash, D. 1989. ‘Tourism as a Form of Imperialism’, in VL Smith (ed.). Hosts and Guests. The Anthropology of Tourism. 2nd edition. Philadelphia: University of Pennsylvania Press.

Nunez TA. 1963. “Tourism, Tradition, and Accul-uration: Weekendismo in a Mexican Village.” Ethnology 2: 347–52.

Oakes, T. 1998. Tourism and Modernity in China. London & New York: Routledge.

Schein, L. 2000. Minority Rules. The Miao and the Feminine in China’s Cultural Politics. Durham & London: Duke University Press.

Smith, V. ed. 1977. Hosts and Guests: The Anthropology of Tourism. Philadelphia: University of Pennsylvania Press.

Sofield, Trevor H. B. 2001. “Globalization, Tourism and Culture in Southeast Asia.” In Interconnected Worlds: Tourism in Southeast Asia, edited by Peggy Teo, T. C. Chang and K. C. Ho, pp.103–120. Oxford: Elsevier Science, Pergamon.

Trần Hữu Sơn. 2006. “Ảnh hưởng của du lịch đến một số thiết chế xã hội của người Hmông ở Sa Pa.” Trong Kỷ yếu Hội nghị thông báo Dân tộc học. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.

__________. 2015. “Văn hóa người Thái với vấn đề phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc.” Trong Cộng đồng Thái-Kadai Việt Nam những vấn đề phát triển bền vững. Hà Nội: Nxb Thế giới.

Stronza, Amanda. 2001. “Anthropology of Tourism: Forging New Ground for Ecotourism and Other Alternatives.” Annual Review of Anthropology 30: 261-283.

Nguyễn Công Thảo. 2019. “Một mô hình, nhiều con đường: Bài học từ hoạt động du lịch cộng đồng ở huyện  A Lưới, tỉnh Thừa Thiên  Huế.” Tạp chí Dân tộc học, số 2: 23-34

__________. 2020. “Trở ngại hay nguồn lực: Hai cách nhìn về phát triển du lịch cộng đồng của người Chăm ở An Giang.” Tạp chí Dân tộc học, số 1, tr. 59-67

UNWTO. 1995. “UNWTO Technical Manual: Collection of Tourism Expenditure Statistics.” World Tourism Organization.

Wood, RE. 1997. “Tourism and the State: Ethnic Options and Constructions of Otherness.” In Tourism, Ethnicity, and the State in Asian and Pacific Societies, edited by M Picard & RE Wood, pp. 1-34. Honolulu:

University of Hawai’i Press.

* Về tác giả

Nguyễn Thị Thanh Bình: Tiến sĩ Nhân học tại Đại học Quốc gia Úc (2010); công tác tại Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đã công bố nhiều nghiên cứu về các chủ đề: biến đổi văn hóa xã hội ở người Việt đồng bằng Bắc Bộ và một số tộc người thiểu số, đô thị hóa, chính sách đất đai và mâu thuẫn đất đai ở một số vùng của Việt Nam; giảng dạy các học phần Nhân học đại cương, Nhân học đô thị, Văn hóa xã hội Việt Nam đương đại cho các chương trình đào tạo Nhân học bậc đại học và sau đại học.

 

Nguồn: Giáo trình Nhân học: Ngành khoa học về con người,

Nguyễn Văn Sửu (chủ biên), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020

In trang Chia sẻ

Tin khác