Triệu Thanh Quang*, Nguyễn Đức Vinh**, Hoàng Thị Vượng***, Nguyễn Thị Lợi****
Tóm tắt: Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Người dân tộc thiếu số vốn được xem là đối tượng dễ bị tổn thương cũng là một trong những tác nhân ngày càng tham gia một cách sâu sắc hơn vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, đặc biệt trong du lịch văn hóa trải nghiệm. Nghiên cứu định tính trên địa bàn thị xã Sa Pa đối với đồng bào dân tộc HMông chỉ ra rằng mặc dù dịch Covid-19 khiến cho người dân tộc thiểu số phải điều chỉnh sinh kế và thói quen sinh hoạt. Nhưng mô hình sinh kế của họ trong lĩnh vực du lịch có khả năng chống chịu các cú sốc kinh tế. Đây có thể là những gợi ý quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội ở vùng yếu thế.
Từ khóa: Covid-19; sinh kế bền vững; du lịch bền vững.
1. Đặt vấn đề
Bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2019, dịch Covid-19 đã nhanh chóng lây nhiễm trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước nỗ lực tìm các biện pháp chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Một loạt các chính sách được thực hiện như: hạn chế việc đi lại, cách ly trên diện rộng, giãn cách xã hội và thậm chí đóng cửa biên giới. Cùng với dịch bệnh, hàng hoạt chính sách này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia đặc biệt tới ngành du lịch vốn được xem là một trong những ngành kinh tế có quy mô đóng góp và sinh lợi lớn cho thế giới. Ở Việt Nam, ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch. Là một ngành với tổng doanh thu chiếm gần 10% GDP của cả nước (Phạm, Trần, & Ngô, 2020), nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đã giảm đến trên 50% so với năm 2019 (Thanh Giang, 2020). Điều này đã tác động lớn đến việc làm, cuộc sống của những người tham gia vào các chuỗi cung ứng các sản phẩm dịch vụ du lịch, đăc biệt là những người dân tộc thiểu số, vốn được coi là những người dễ bị tổn thương trong các cú sốc kinh tế.
Sa Pa, một thị xã miền núi của tỉnh Lào Cai, là một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới của Việt Nam. Phong cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa và nền văn hóa đa dạng của các dân tộc địa phương như H’Mông, Dao là nhân tố chính thu hút du lịch. Tuy nhiên, các nhóm dân tộc này tham gia khác nhau vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch khác nhau, trị giá 4.000 tỷ đồng, tương đương 166 triệu USD năm 2018. Người dân tộc Kinh, sinh sống chủ yếu ở thị trấn Sa Pa chiếm ưu thế về dịch vụ lưu trú, ăn uống dịch vụ (quán bar, nhà hàng), dịch vụ bán lẻ, điều hành tour du lịch. Người dân tộc HMông và Dao sống trong các làng bản xung quanh thị trấn nhiều thế kỷ trước tham gia trong chuỗi giá trị du lịch này khá thấp. Gần đây, một số các hộ gia đình người dân tộc thiểu số từng bước cải thiện năng lực của mình tham gia vào cung cấp dịch vụ lưu trú tại gia (homestay) và một số các dịch vụ kèm theo khác. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã, năm 2019, Sa Pa đón gần 3,3 triệu lượt khách, với 314 cơ sở lưu trú homestay, 66 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 75 cửa hàng lưu niệm, 39 cơ sở xoa bóp thảo dược của người dân tộc Dao và 213 dịch vụ khác dựa vào các điểm du lịch cộng đồng.
Sự bùng phát của Covid-19 xảy ra đột ngột, ngăn chặn dòng chảy của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến Sa Pa. Tất cả 709 cơ sở du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ trong các cộng đồng khác nhau đã phải đóng cửa và gần 10.000 người không có việc làm và thu nhập. Các mặt hàng thủ công truyền thống, nông sản, ẩm thực vốn chủ yếu để phục vụ du khách không thể tiêu thụ được. Trong bối cảnh đó, việc làm rõ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Sa Pa là thực sự cần thiết, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách phòng chống dịch mà còn là cơ sở cho việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu dựa trên phân tích khung sinh kế bền vững của DFID (1999) để làm rõ những tác động của dịch Covid-19 đối với người dân tộc thiểu số làm việc trong lĩnh vực du lịch. Nghiên cứu hướng tới hai mục tiêu chính: (1) làm rõ tác động của dịch Covid-19 đến những nhóm dân tộc thiểu số khác nhau, tập trung vào trường hợp người H’Mông, Dao trong ngành du lịch tại thị xã Sa Pa; (2) tìm kiếm những phương án giải pháp nhằm đối phó với khủng hoảng, như dịch Covid-19, đối với người dân tộc thiểu số để từ đó hướng tới mục tiêu phát triển sinh kế bền vững.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau để trả lời cho các câu hỏi đặt ra. Trước hết, phương pháp nghiên cứu tổng quan được sử đụng để thu thập và phân tích được những thông tin cơ bản về du lịch tại Sa Pa, người dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm dân tộc H’Mông và Dao. Nhằm đạt được hai mục tiêu cơ bản là nghiên cứu sự tác động của Covid-19 và nhận thức của người dân và chính quyền cơ sở trong việc tìm các giải pháp ứng phó, nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá có sự tham gia được sử dụng trong quá trình khảo sát thực địa. Việc thảo luận nhóm được tiến hành tại UBND 2 xã ở Sa Pa là Mường Hoa và Tả Phìn. Với mỗi xã, thảo luận nhóm được thực hiện tại 2 bản tập trung đông người dân tộc thiểu số, sinh kế chủ yếu liên quan đến du lịch. Theo đó, cán bộ cấp huyện tham gia thảo luận là 8, cấp xã là 20, và đại diện các hộ làm du lịch ở các bản là 42. Trong đó, nữ chiếm 57%, nam 43%; dân tộc Dao chiếm 42%, dân tộc H’Mông chiếm 38%, dân tộc Kinh (15%) Tày, Nùng chiếm 5%. Theo địa bàn khảo sát thì đối tượng được khảo sát ở xã Tà Phìn chiếm 50%, xã Mường Hoa chiếm 37%, và thị xã Sa Pa là 13%.
Dựa trên quá trình tham vấn và kết quả thảo luận nhóm, phương pháp phỏng vấn sâu được thực hiện đối với 3 cá nhân trong mỗi bản tham gia vào các khâu khác nhau trong chuỗi dịch vụ du lịch để tập trung làm rõ những nội dung và trường hợp cụ thể nhằm tìm ra những lý giải tốt hơn cho những tác động của dịch Covid-19 cũng những những ảnh hưởng từ những can thiệp đã thực hiện. Phỏng vấn sâu cũng được thực hiện đối với 3 cán bộ chính quyền địa phương và các chuyên gia để có được những nhìn nhận đẩy đủ hơn về chính sách và tính hiệu quả của nó từ phía quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước.
4. Kết quả nghiên cứu
Mục tiêu chính của nghiên cứu là tìm hiểu những tác động của Covid-19 đến những người dân tộc thiểu số làm du lịch tại Sa Pa, lý giải cho những tác động và tìm kiếm định hướng, giải pháp cho việc phát triển du lịch bền vững của người dân tộc thiểu số.
4.1. Sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch
Theo báo cáo của Phòng Văn hoá và Thông tin thị xã, người dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch trên địa bàn chủ yếu là cung cấp dịch vụ homestay, làm các đồ thủ công mỹ nghệ, lưu niệm bán cho khách du lịch, cung cấp các hoạt động hướng dẫn du lịch, trải nghiệm và một số lĩnh vực khác như xe ôm, cung cấp các sản phẩm nông sản cho hệ thống nhà hàng. Số liệu cho thấy, đến tháng 5 năm 2020 thị xã Sa Pa có 607 cơ sở đăng ký cung cấp dịch vụ lưu trú với 6710 phòng và 13191 giường. Trong đó, tỷ lệ lớn các khách sạn, nhà nghỉ tập trung ở các phường trung tâm thị xã Sa Pa, như phường Phan Xi Păng (17.58%) và phường Sa Pa (74.55%). Các có sở lưu trú tại gia chủ yếu tập trung ở các xã, với 247/277 cơ sở. Trong đó, xã Tả Van là xã có nhiều cơ sở lưu trú tại gia nhất, với 96 cở sở (34.66%), tiếp đó là các xã Mường Hoa, 43 cơ sở (15.52%), Tả Phìn 34 cơ sở (12.27%), Bản Hồ 30 cơ sở (10.83%). Tất cả các xã còn lại đều có các cơ sở lưu trú tại gia với số lượng ít hơn 10%. Các cơ sở lưu trú tại gia chủ yếu được vận hành bởi người dân tộc thiểu số địa phương. Số cơ sở lưu trú tại gia do người dân tộc thiểu số vận hành chiếm khoảng 70% tại Tả Van và chủ yếu là người H’Mông và Giáy, 88% tại Mường Hoa chủ yếu là người H’Mông và 89% tại Tả Phìn chủ yếu là người Dao.
Đối với dịch vụ ăn uống và, kinh doanh hàng lưu niệm, các cơ sở cung cấp được đăng ký chủ yếu nằm tại các phương trung tâm thị xã và được vận hành bởi người Kinh. Dịch vụ ăn uống tại các xã gắn liền với các dịch vụ lưu trú tại gia và các cơ sở dịch vụ phi chính thức. Ngoài ra, tắm lá thuốc cũng là một trong những dịch vụ phổ biến tại Sa Pa được vận hành chủ yếu bởi người Dao, trong đó tập trung tại xã Tả Phìn. Người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người H’Mông và Dao cũng tham gia vào việc cung cấp dịch vụ hướng dẫn viên du lịch, hoạt động vận chuyển (xe ôm). Tuy nhiên, hầu hết là họ làm việc bán thời gian, phi chính thức và không có con số chính thức về lực lượng tham gia vào hoạt động này trên địa bàn thị xã.
4.2. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thu nhập của người dân tộc thiểu số làm du lịch tại Sa Pa
Số liệu (Hình 1) cho thấy, sau gần 10 năm tăng trường cao, du lịch Sa Pa đã chịu những tổn thất lớn. Lượng khách du lịch đến Sa Pa sụt giảm nghiêm trọng. Sau khi đạt trên 1 triệu khách du lịch từ năm 2015, đặc biệt hơn 5.1 triệu khách năm 2019, trong 9 tháng đầu năm 2020, Sa Pa mới chỉ đón hơn 700 khách du lịch, giảm tới 70% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu được khắc phục triệt để và chỉ còn hơn 3 tháng đến hết năm, lượng du khách đến Sa Pa có thể không vượt quá con số 1 triệu. (năm 2020).
Đi cùng với những sụt giảm về lượng du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch cũng giảm lớn đối với Sa Pa. Nếu như năm 2019 được coi là một năm bội thu, với doanh thu đạt trên 9.000 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2020 con số này chỉ là 2.300 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc gần 10.000 lao động liên quan đến du lịch và dịch vụ mất việc làm. Đây là thực trạng chung của các các hoạt động du lịch và dịch vụ có sự tham gia của người dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Sa Pa.
Hình 1: Hiện trạng khách du lịch đến Sa Pa giai đoạn 2010 - 2020
Nguồn: Lã Thị Bích Quang (2018); Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa (2020).
Dữ liệu khảo sát của Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa thu thập đến tháng 9 năm 2020 cho thấy, dịch Covid-2019 đã khiến 270 các cơ sở kinh doanh các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên địa bàn thị xã phải đóng cửa. Trong đó, cơ sở lưu trú tại gia phải đóng cửa hoàn toàn là 136 cơ sở chủ yếu nằm ở 3 địa phương: phường Cầu Mây (27), xã Bản Hồ (30), xã Hoàng Liên (17) chiếm 50% tổng số cơ sở phải đóng cửa. Tại các xã Tả Phìn và Mường Hoa, mặc dù không hoàn toàn đóng cửa, nhưng công suất phục vụ chỉ dưới 10%. Số khách sạn và nhà nghỉ phải đóng cửa là 43, chiếm 16%, cơ sở nhà hàng ăn uống đóng của là 36, chiếm 13% và các dịch vụ còn lại như bán hàng lưu niệm, tắm thảo dược, vận chuyển có 55 trường hợp, chiếm 20%.
Kết quả thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu cho thấy, dịch bệnh và các chương trình chống dịch của chính phủ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân tham gia hoạt động du lịch là rõ ràng. Theo như các hộ dân tại xã Mường Hoa và Tả Phìn, các hộ cung ứng dịch vụ lưu trú tại gia vốn hướng tới du khách nước ngoài mất 100% thu nhập, đối với dịch vụ lưu trú tại gia thường đón khách nội địa cũng chỉ đạt khoảng 10% so với năm trước. Các dịch vụ khác như xe ôm đưa khác du lịch, hướng dẫn viên cũng hoàn toàn không có khách từ khi có dịch. Các dịch vụ trải nghiệm du lịch và các nghề truyền thống, dịch vụ cung cấp các sản phẩm nông sản phục vụ nhu cầu ăn uống của thực khách cũng giảm đến 90%.
Theo số liệu của Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa, đối với các cơ sở lưu trú phải đóng cửa cơ sở của người H’Mông chiếm tỉ lệ cao (45%), tiếp đó là của người Tày (28%), người Kinh (19%) và người Dao (8%). Trong khi đó toàn bộ 43 khách sạn, nhà nghỉ của người Kinh cũng đóng cửa hoàn toàn.
Sự khác biệt này đến từ đặc điểm địa bàn cư trú và loại hình dịch vụ mà các nhóm dân tộc tham gia trong chuỗi du lịch hơn là bản thân đặc tính của dân tộc. Ví dụ: trong khi những người Kinh chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lữ hành, tổ chức tour – tập trung tại trung tâm thị xã thì những nhóm dân tộc thiểu số như H’Mông, Dao, Tày chủ yếu tận dụng địa bàn cư trú và cơ sở gia đình để cung cấp dịch vụ cộng đồng, đặc biệt là dịch vụ lưu trú tại gia. Tại xã Mường Hoa, sản phẩm du lịch chủ yếu là sự trải nghiệm văn hóa dân tộc thiếu số tại các cơ sở lưu trú tại gia và chủ yếu đón du khách nước ngoài, thu nhập từ hoạt động du lịch gần như bằng không. Đối với xã Tả Phìn, bên cạnh những sản phẩm du lịch cộng đồng với điểm nhấn là văn hóa đồng bào người Dao, sản phẩm trải nghiệm tắm lá thuốc của người Dao Đỏ phần nào đó vẫn được duy trì dù ở mức thấp nhờ lượng khách nội địa ít ỏi còn lại.
Bên cạnh đó, mức độ tổn thương do tác động của dịch còn bị điều tiết bởi mức độ sử dụng nguồn lực sẵn có trong mỗi cơ sở cung cấp các dịch vụ du lịch. Nghiên cứu cho thấy, người dân tộc thiểu số chủ yếu cung cấp sản phẩm lưu trú tại gia – tận dụng cơ sở vật chất, nhà cửa của gia đình để cung cấp cơ sở lưu trú kết hợp với cung cấp dịch vụ ăn uống vốn sử dụng nguồn lực gia đình là chính vì vậy khi lượng khách suy giảm hoặc mất toàn bộ về cơ bản họ bị mất thu nhập, nhưng vẫn có thể duy trì hoặc khôi phục được dịch vụ nếu cân do chi phí để duy trì dịch vụ gần như tối thiểu. Trong khi đó, những nhà đầu tư bên ngoài hoặc địa phương sử dụng vốn vay để đầu tư xây dựng cơ sở mới hoàn toàn chỉ phục vụ mục tiêu kinh doanh là những người bị tổn thương nặng nề khi lượng khách suy giảm, không sử dụng đủ công suất để duy trì chi phí tối thiểu.
Anh Nguyễn Văn A, một nhà đầu tư cơ sở lưu trú tại xã Mường Hoa cho biết: “Đúng là tất cả chúng tôi đều bị ảnh hưởng của Covid-19. Nhưng nếu như không có khách du lịch, bà con ở địa phương còn có ruộng vườn để làm, còn có cái để ăn vì bà con chủ yếu dùng cở sở của gia đình mình kinh doanh homestay. Còn chúng tôi phải vay mượn rất nhiều để đầu tư, không có khách du lịch chúng tôi chết. Chúng tôi mới là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất”. Trong quá trình khảo sát, nhiều ý kiến kể cả nhà quản lý và người dân đồng tình với phát biểu này. Anh Lý Láo B, một cán bộ địa phương ở xã Mường Hoa cho rằng: “Đúng là Covid-19 có ảnh hưởng làm chúng tôi có thu nhập ít đi, nhưng về cơ bản cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường, không có khách chúng tôi làm ruộng, trồng rau, nuôi gà…”.
Vì vậy có thể nói, mặc dù dịch Covid-19 làm giảm lượng khách du lịch và quan đó làm giảm thu nhập của tất cả các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, tham gia cung ứng sản phẩm du lịch. Nhưng những ảnh hướng này khác nhau phụ thuộc chủ yếu vào loại hình sản phẩm, đối tượng khách hàng, và mức độ tự sử dụng nguồn lực sẵn có trong việc vận hành cơ sở cung ứng sản phẩm du lịch của mỗi hộ dân.
4.3. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến chiến lược sinh kế của người dân tộc thiểu số làm du lịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt sau 2 lần Việt Nam phải áp dụng giãn cách xã hội và hạn chế việc đi lại ở một số địa phương và đóng cửa việc đi lại đối với hầu hết các nước, người dân tộc thiểu số tham gia trong lĩnh vực du lịch tại Sa Pa đã có những điều chỉnh chiến lược sinh kế quan trọng.
Thứ nhất, điều chỉnh cách kinh doanh để bám trụ với nghề du lịch. Kết quả thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu cho thấy, nhóm người dân ở cả hai xã Mường Hoa và Tả Phìn tiếp tục theo đuổi việc tham gia cung cấp sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch bằng việc lựa chọn chiến lược giảm thiểu chi phí, tìm kiếm những khách hàng mới.
Việc cắt giảm chi phí để duy trì cơ sở được thực hiện ở hầu hết các cơ sở lưu trú tại gia ở Mường Hoa và Tả Phìn. Đó là việc giảm nhân công, người làm trong các cơ sở, thay đó bằng sử dụng, tận dụng lao động của gia đình.
Anh Vàng A C, một chủ có sở cung cấp dịch vụ lưu trú ở xã Mường Hoa cho biết: “Trước đây chúng tôi có thuê người dọn dẹp và người nấu ăn phục vụ thực khách. Từ khi có dịch bệnh, không có khách, chúng tôi đã cho họ nghỉ. Khi may mắn có một số khách đến nghỉ, chúng tôi tự làm việc dọn dẹp và đôi lúc phải từ chối phục vụ dịch vụ ăn uống”. Chị Lý Mẩy D, chủ có sở tắm lá thuốc tại Tả Phìn, vừa cùng chồng cắt thuốc ngoài sân vừa cho biết: “Trước đây, những việc như này chúng tôi có thuê 2 người để làm, giờ thì hai vợ chống tự làm lấy. Trước bà con đến bán lá, chúng tôi thường nhận cả vì thấy bà con vất vả quá, nhưng giờ không được, chúng tôi phải tuyển chọn để loại bớt những dược liệu chất lượng kém nhằm giảm bớt chi phí đầu vào”.
Giảm chi phí còn được thực hiện qua việc các cơ sở tạm dừng hoặc bỏ hẳn một số hoạt động đầu tư mới, hoặc nâng cấp cơ sở. Chị Lý Mẫy E, chủ cơ sở lưu trú tại gia tại Tả Phìn cho biết: Chúng tôi đã có kế hoạch đầu tư thêm hạng mục tắm lá thuốc và nâng cấp cơ sở để có thể đón thêm khách đoàn. Tuy nhiên, bây giờ thì đành thôi, dừng tất cả lại để đủ chi phí duy trì hiện tại đã”.
Tìm kiếm những khách hàng mới cũng là một chiến lược được người dân làm du lịch ở cả hai xã Mường Hoa và Tả Phìn đang thực hiện. Đặc biệt đối với xã Mường Hoa, khi khách hàng chủ yếu là khách nước ngoài – lượng khách mà chưa thể xác định được lúc nào sẽ có thể quay trở lại như thời gian trước.
Giảm giá các dịch vụ cũng là cách các cơ sở sở thực hiện để có thể thu hút thêm lượng khách ít ỏi sau khi tình trạng giãn cách xã hội được bãi bỏ và bắt đầu có khách du lịch trở lại. Đối với một số cơ sở, việc vắng khách du lịch do dịch bệnh cũng là một cơ hội để xem lại cơ sở của mình, từng bước nâng cấp, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Đây là việc mà thông thường khi cơ sở có khách đông rất khó thực hiện.
Chị Lý Mẩy E cho biết: Gia đình chúng tôi có kế hoạch xây dựng thêm công trình phụ khép kín để đón thêm khách gia đình, nhưng do đông khách nên không thể thực hiện được trong thời gian trước thì bây giờ là lúc làm việc đó. Bên cạnh đó, tôi cũng nâng cấp lại cơ sở của mình để có thể đón khách với chất lượng tốt hơn sau khi dịch bệnh kết thúc”. Chị Lý Mẩy D cũng cho biết: “Nhân dịp khách vắng, vợ chồng em đang tranh thủ đầu tư mở rộng thêm mấy phòng tắm lá, chứ như mọi năm khách phải ngồi đợi cả tiếng đồng hồ trước sân mà không đủ phòng”.
Thứ hai, chuyển đổi mô hình sinh kế. Các cuộc thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu cho thấy chuyển đổi mô hình sinh kế từ lĩnh vực du lịch sang các mô hình khác là khá phổ biến tại Mường Hoa và Tả Phìn. Tuy nhiên, tùy từng điều kiện hoàn cảnh mà mức độ chuyển đổi cơ bản là khác nhau. Có người nghỉ hoàn toàn từ du lịch sang lĩnh vực khác, có người chỉ chuyển đổi một phần trong khi tiếp tục làm du lịch kết hợp với lĩnh vực khác theo mô hình đa dạng sinh kế.
Anh Vàng A F, một chủ cơ sở lưu trú tại gia tại xã Mường Hoa đã quyết định bỏ luôn dịch vụ lưu trú của mình quay trở lại với nghề nông. Anh Lý Láo T, một chủ có sở lưu trú tại gia xã Tả Phìn quyết định giao lại cơ sở cho vợ, còn mình chuyển về Yên Bái làm lái xe liên tỉnh. Vợ của T cho biết: “Trước khi có Covid, cả gia đình gồm: 2 vợ chồng và hai con sống cùng nhau, hai vợ chồng cùng nhau quản cơ sở homestay, nhưng từ khi Covid đến kể cả khi giãn cách xã hội gỡ bỏ, vẫn không có khách đến nghỉ. Để có thêm thu nhập cho gia đình, chồng tôi phải đi chạy xe liên tỉnh, 1 tháng về 1 lần. Còn tôi, vừa trông nhà vừa tranh thủ lấy thêm lá thuốc về bán, việc mà trước đây tôi không phải làm”. Chị Lý Mẩy D, chủ cơ sở tắm nước Dao Đỏ cho biết, từ khi có dịch chị làm thêm mảng bán hàng online, hàng của chị chủ yếu là các loại thuốc gia truyền của người Dao Đỏ và một phần thời gian phát triển vườn địa lan, một sản phẩm thế mạnh khác của xã.
Chuyển đổi mô hình sinh kế là điều hiển nhiên đối với đội ngũ những người làm việc chặt chẽ với các cơ sở dịch vụ du lịch như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng khách sạn, những người chạy xe ôm chuyên đưa khách du lịch. Khi không còn khách nữa, họ phải tìm kiếm những công việc mới, hoặc tham gia những khóa đào tạo nghề khác tìm kiếm cơ hội khác ở địa phương khác.
Kết quả thảo luận nhóm ở xã Tả Phìn cho thấy, một lực lượng lao động trẻ làm việc tại các nhà hàng, khách sạn đã đi tham gia khóa đào tạo nghề may tại Hải Dương, một số đi tìm những công việc lao động phổ thông dù phải nhận mức thù lao rẻ hơn thông thường.
Quay trở lại với hoạt động sản xuất nông nghiệp là một trong những hướng chuyển đổi tương đối phổ biến của các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xã Mường Hoa và Tả Phìn. Kết quả thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia trên địa bàn xã đều tận dụng cơ sở vật chất và lao động gia đình cùng với lao động địa phương được sử dụng bán thời gian và vẫn dành một thời gian cùng nguồn lực nhất định cho các hoạt động nộng nghiệp của gia đình. Khi lượng khách du lịch đông, nguồn lực được ưu tiên cho du lịch, nhưng khi lượng du khách giảm, nguồn lực được dành cho sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân lại chuyển về sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là lý do chính những người tham gia nghiên cứu ở thị xã và 2 xã đều cho rằng, Covid-19 có ảnh hưởng đến lớn đến thu nhập, nhưng không hoàn toàn đe dọa cuộc sống của người dân làm du lịch nhất là những chủ cơ sở lưu trú tại gia, trừ khi họ phải vay mượn lớn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú.
Anh Vàng A G, một cán bộ xã Mường Hoa cho biết, về cơ bản ngoài việc vắng bóng khách du lịch trên địa bàn, cuộc sống của người dân xã không ảnh hưởng lớn. Ý kiến của anh cũng nhận được sự đồng tình từ đánh giá tổng quát về tác động của dịch Covid-19 trong cuộc thảo luận nhóm tại Tả Phìn.
Có thế nói, bên cạnh việc sụt giảm thu nhập, dịch Covid-19 đã làm thay đổi cơ bản chiến lược sinh kế của người dân tộc thiểu số làm du lịch tại thị xã Sa Pa. Những chiến lược đó bao gồm việc tạm dừng đầu tư hoặc cắt giảm chi phí trong hoạt động dịch vụ du lịch; điều chỉnh cơ sở dịch vụ, từng bước nâng cấp để phù hợp với bối cảnh mới của đại dịch; hoặc điều chỉnh mô hình, lĩnh vực kinh doanh mới dựa trên nguồn lực sẵn có của các hộ gia đình và các cá nhân; hoặc quay trở lại với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
4.4. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến việc thay đổi đời sống sinh hoạt của người dân làm du lịch
Bên cạnh việc giảm thu nhập và những điều chỉnh về sinh kế, dịch Covid-19 cũng đã thay đổi ít nhiều đời sống của người dân làm du lịch. Người dân ở cả xã Mường Hoa và Tả Phìn đều cho biết cuộc sống của họ đã thay đổi nhiều từ khi có Covid. Cụ thể là, thói quen sinh hoạt thay đổi, lối sống cũng thay đổi.
Hầu hết các ý kiến thảo luận nhóm tại Tả Phìn đều cho rằng sau một thời gian dài có sinh kế thuận lợi, tạo được thu nhập. Khi có dịch Covid-19, các khoản thu không con được như trước nữa, nên mọi người đều có ý thức chi tiêu tiết kiệm hơn, có những suy nghĩ và tính toán để sử dụng chi phí một cách hiệu quả hơn.
Tóm lại, mặc dù có thể không phải là nhóm bị ảnh hưởng lớn nhất, người dân tộc thiểu số tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch đã phải thay đổi, điều chỉnh hành vi tiêu dùng, sinh hoạt của mình theo hướng cắt giảm và hiệu quả chi tiêu để đối phó với cú sốc về kinh tế do Covid-19.
5. Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch bền vững của người dân tộc thiểu số trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Sa Pa
Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phát triển du lịch của người dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Sa Pa khẳng định rằng, các mô hình sinh kế dựa trên các nguồn nội lực có thể đương đầu và phục hồi sau các cú sốc kinh tế. Vì vậy, định hướng giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số - nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương cần được dựa trên việc đánh giá và xác định rõ các tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn, và trên tinh thần phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ để có thể chủ động thực hiện các hoạt động phục hồi và phát triển các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Để từng bước phục hồi và phát triển sinh kế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số tại thị xã Sa Pa, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Trong ngắn hạn, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách kích cầu về du lịch một cách có hiệu quả. Bên cạnh việc tiếp tục vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu du lịch bằng việc giảm giá dịch vụ, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch và giảm hoặc tạm dừng các khoản phí thăm quan các điểm du lịch do thị xã Sa Pa quản lý.
Thứ hai, đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số tham gia trong lĩnh vực du lịch (homestay, hướng dẫn viên, bán hàng lưu niệm, cung cấp dịch vụ ăn uống). Coi thời điểm vắng khách là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận năng lực của đội ngũ làm du lịch của người dân tộc thiểu số. Nâng cao năng lực cho họ để có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng du lịch ngày một cao.
Thứ ba, cùng với các hoạt động nâng cao năng lực, những hỗ trợ kỹ thuật và liên kết thị trường trong việc chuyển hướng/mở rộng khai thác khách nội địa là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thực tế cho thấy, các mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa, các cơ sở lưu trú tại gia chủ yếu bị động trọng việc đón dòng khách quốc tế và manh mún trong việc thu hút khách nội địa.
Thứ tư, hỗ trợ phát triển đa dạng hoá các sản phẩm du lịch để có thể thu hút thêm lượng du khách, đặc biệt là khách nội địa trong bối cảnh khách quốc tế quay trở lại sẽ cần thêm thời gian và nhiều sản phẩm du lịch hiện tại của người dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung vào lượng khách nước ngoài.
Thứ năm, hỗ trợ liên kết và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm đặc hữu hiện có tại địa phương. Kết quả việc phân tích nguồn lực tại xã Mường Hoa và Tả Phìn cho thấy, do những sức hút từ du lịch, những sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương có thể chưa được quan tâm phát triển một cách phù hợp, như trồng rau hữu cơ, thảo dược, địa lan tại xã Tả Phìn. Vì vậy, trong khi du lịch trầm lắng, việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm đặc sản đã có tại địa phương không chỉ giúp cho người dân có thêm thu nhập mà còn có thêm các phương cách để thực hiện đa dạng sinh kế bên cạnh sản phẩm du lịch đã có.
Trong dài hạn, chính quyền thị địa phương cần thực hiện việc đánh giá, ra soát và hiệu chỉnh chiến lược/quy hoạch du lịch hiện có để đảm bảo các hoạt động du lịch và dịch vụ ở từng địa phương được đa dạng hoá, nhất quán theo các tiêu chí phát triển Khu du lich quốc gia đã được phê duyệt, đồng thời phát huy được tối đa tiềm năng và nội lực của địa phương. Căn cứ trên đánh giá tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực sẵn có, đưa ra những kế hoạch phát triển thêm những sinh kế mới.
6. Kết luận
Dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch bệnh cùng với những chính sách phòng chống sự lây lan nó ở các cấp độ khác nhau đã làm giảm sút nghiêm trọng lượng du khách quốc tế và nội địa. Qua đó, làm giảm thu nhập của người dân làm việc trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, trong đó có người dân tộc thiểu số, những người mới bắt đầu tìm thấy cơ hội sinh kế trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu tại thị xã Sa Pa chỉ ra rằng, trong khi ảnh hưởng của dịch đến sinh kế của người dân tộc thiểu số, người H’Mông và Dao là rõ ràng. Những điều chỉnh trong chiến lược sinh kế và hành vi tiêu dùng của người dân tộc thiểu số là một kết quả tất yếu nhằm từng bước điều chỉnh mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững hơn. Bài học này cho thấy những cơ sở cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch dựa trên việc phát huy nội lực đã phát huy thế mạnh trong việc chống chịu cú sốc kinh tế do Covid-19. Trong khi, những cơ sở kinh doanh dựa vào những khoản đầu tư thuần túy, đặc biệt từ bên ngoài cộng đồng, bị tổn thương nghiêm trọng.
Trong bối cảnh những cú sốc kinh tế diễn ra khó lường, nghiên cứu cho thấy, để bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số, chiến lược sinh kế cần được dựa trên những nguồn lực sẵn có trong cộng đồng dân tộc thiểu số và chính họ phải thực sự làm chủ sinh kế đó trên cơ sở hướng tới đáp ứng nhu cầu thị trường ngày một tốt hơn. Điều đó đòi hỏi Nhà nước thực hiện tốt vai trò tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, cùng với các tổ chức ngoài nhà nước (ví dụ như doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ) hỗ trợ, kết nối các nguồn lực và thị trường để có thể phát huy tối đa tiềm năng của người dân tộc thiểu số. Đây cũng chính là điều kiện bảo đảm đế người dân tộc thiểu số phát triển các mô hình du lịch bền vững.
* TS., Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
** Ths, Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn và Đào tạo về phát triển địa phương STG.
*** ThS., Phòng Văn hóa & Thông tin thị xã Sa Pa.
**** Chuyên gia tự do.
Tài liệu tham khảo
1. Department For International Development [DFID]. (1999). Sustainable livelihoods guidance sheets. London: DFID, 445.
2. Thanh Giang. (2020). Khách du lịch nội địa giảm gần 50% trong 6 tháng đầu năm. Đầu Tư Online. Retrieved from https://baodautu.vn/khach-du-lich-noi-dia-giam-gan-50-trong-6-thang-dau-nam-d125478.html
3. Lã Thị Bích Quang. (2018). Sự bền vững trong phát triển du lịch tại Sa Pa. Tạp chí Khoa học: Trường Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 15(2), 99-110.
4. Mathie, A., & Cunningham, G. (2003). From clients to citizens: Asset-based community development as a strategy for community-driven development. Development in practice, 13(5), 474-486.
5. Phạm, T. H., Trần, H. Đ., & Ngô, Đ. A. (2020). Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch Việt Nam và những giải pháp ứng phó. Kinh tế & Phát triển, 274.
6. Phòng Văn hoá và Thông tin. (2020). Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ trên địa bàn thị xã Sa Pa.
7. UNDP. (2017). Guidance Note: Application of the Sustainable Livelihoods Framwork in Development Projects.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”,
tại Hà Nội, ngày 30/11/2020.