Thực trạng kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ

17:00 31/12/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

Đặng Thái Bình1

 

Tóm tắt: Quan hệ thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian qua đã tăng trưởng ổn định và không ngừng phát triển. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7, nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên toàn cầu. Tuy nhiên hoạt động thương mại giữa hai quốc gia vẫn còn gặp nhiều rào cản và thách thức. Bài viết tập trung phân tích thực trạng kết nối kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường kết nối kinh tế giữa hai quốc gia.

Từ khóa: Kết nối kinh tế, Việt Nam, Ấn Độ, thương mại song phương

The Situation of Vietnam – India Economic Connections

Bilateral trade relationship between India and Vietnam has developed steadily and continuously in recent years. For India, Vietnam is the 18th largest trading partner globally and the 4th largest trading partner within ASEAN after Singapore, Indonesia and Malaysia. For Vietnam, India is the 7th largest trading partner, the 7th largest source of imports and the 9th largest export market globally. However, trade activities between the two countries face many barriers and challenges. The article focuses on analyzing the situation of economic connection between India and Vietnam in the past period and offering solutions to strengthen the economic connection between the two countries.

 

1. Giới thiệu

Thời gian gần đây, mối quan về hệ chính trị, ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được tăng cường, được thể hiện trong một số chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo từ cả hai[1]bên. Đồng thời liên kết thương mại và kinh tế giữa hai quốc gia tiếp tục phát triển. Với việc theo đuổi chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ cùng với đó là sự tham gia và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực và thế giới, Việt Nam đã trở thành một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á của Ấn Độ. Ấn Độ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ trên nhiều diễn đàn khu vực như ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Hợp tác Ganga Mê Kông, Hội nghị Á-Âu, ngoài ra là Liên Hợp Quốc và WTO.

Mặc dù giữa Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng lớn và nhiều cơ hội hợp tác về thương mại và kinh tế, tuy nhiên mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Các khó khăn và thách thức này có nguyên nhân từ khoảng cách xa về địa lý và những khó khăn trong vận chuyển, sự khác biệt trong phong tục, tập quán, thị hiếu và môi trường kinh doanh, sự tương đồng về cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nền kinh tế, ý chí chính trị và quyết tâm của các nhà lãnh đạo hai quốc gia chưa được hiện thực hóa... Do đó để hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam trở nên hiệu quả thì cần tăng cường các giải pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia, đặc biệt các giải pháp về kết nối kinh tế giữa hai quốc gia là hết sức cần thiết.

2. Kết nối kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam

2.1. Kết nối đầu tư

Các khoản đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam ước tính vào khoảng 1,9 tỷ đô la Mỹ, bao gồm các khoản đầu tư được chuyển qua các nước thứ ba. Theo Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam, tính đến tháng 6 năm 2020, Ấn Độ có 278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 887,27 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư chính của Ấn Độ vào Việt Nam là năng lượng, thăm dò khoáng sản, chế biến nông sản, sản xuất đường, chè, cà phê, nông dược, công nghệ thông tin và linh kiện ô tô.

Về phía đầu tư từ Việt Nam sang Ấn Độ, tính đến năm 2019, Việt Nam có 6 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn đầu tư ước tính 28,55 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng.

Trong lĩnh vực dầu khí, việc kết nối đầu tư được thực hiện thông qua các doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực này. Công ty ONGC Videsh (OVL) và Essar Oil đã và đang cung cấp dịch vụ thăm dò dầu khí tại Việt Nam cùng với PetroVietnam. Năm 2013, Tata Power, một phần của Tập đoàn Tata, đã được nhận thầu dự án nhiệt điện trị giá 2,1 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng, đây là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam cho đến nay. Một công ty khác thuộc cùng tập đoàn, Tata Coffee, đã thông báo thành lập một cơ sở cà phê hòa tan greenfield tại Việt Nam với chi phí 50 triệu đô la Mỹ vào tháng 12 năm 2016. Các doanh nghiệp khác của Ấn Độ bao gồm Reliance Industries, Gimpex, J K Tires, và Glenmark Pharmaceuticals Ltd đang tích cực đầu tư ở Việt Nam.

Song song với hoạt động kết nối đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân thì Chính phủ Ấn Độ cũng đang thúc đẩy tăng cường kết nối thương mại và đầu tư với Việt Nam. Minh chứng cho việc này là việc Chính phủ Ấn Độ gần đây đã phê duyệt Quỹ Phát triển dự án trị 77 triệu USD để hỗ trợ các công ty Ấn Độ xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Việc tích cực kết nối trong hoạt động đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp của Ấn Độ về việc mở rộng kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng cạnh tranh về chi phí, cùng với việc tăng cường hội nhập với mạng lưới sản xuất toàn cầu[2].

Đối với kết nối đầu tư trong lĩnh vực dệt may, năm 2014, Chính phủ Ấn Độ cũng đã cung cấp hạn mức tín dụng 300 triệu USD cho Việt Nam như một động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư dệt may giữa hai nước. Khoản tín dụng được giải ngân thông qua Ngân hàng Eximbank Việt Nam, được sử dụng chủ yếu để thành lập một khu công nghiệp dệt may gần Thành phố Hồ Chí Minh cũng như giúp thúc đẩy hoạt động kết nối giữa các công ty Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực này thông qua việc thành lập một công ty liên doanh.                              

Đặc biệt gần đây, việc kết nối trong lĩnh vực dệt may còn được thúc đẩy thông qua hội thảo giữa Đại sứ quán Việt Nam và Phòng Thương mại, Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam. Hội thảo này tập trung phân tích những cơ hội cho các nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ngành dệt may sẽ là một trong 5 ngành có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang EU trong đó Ấn Độ được cho là một đối tác mạnh trong lĩnh vực may mặc và dệt may. Với nền công nghiệp sợi và dệt rất phát triển, Ấn Độ có thể sản xuất hầu hết các loại nguyên phụ liệu dệt may và hiện đang nằm trong nhóm 3 nước cung cấp hàng dệt may nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam muốn đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, Ấn Độ sẽ là nguồn cung cấp vải và sợi chất lượng cho Việt Nam, giúp thu hẹp khoảng cách, thậm chí nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong hội thảo kết nối và xúc tiến này cả hai bên Ấn Độ và Việt Nam đều nhấn mạnh, dệt may là thị trường rộng mở tại Việt Nam, do đó cần tăng cường kết giữa các doanh nghiệp của hai quốc gia để khai thác và tận dụng lợi thế Việt Nam trong việc ký kết EVFTA[3].

2.2. Kết nối trong ngành nông nghiệp

Đối với Ấn Độ, nông nghiệp Việt Nam có thể mang lại một số cơ hội, đặc biệt là trong sản xuất gạo, cà phê và chè, là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Với lợi thế về khoa học công nghệ nếu Ấn Độ thúc đẩy đầu tư vào trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đặc biệt là các công nghệ mới, công nghệ tưới tiêu, công nghệ và cơ sở bảo quản và phát triển chuỗi giá trị sẽ mang lại một thị trường rộng lớn cho các nhà đầu tư Ấn Độ. Ngoài ra, với những lợi thế tự nhiên về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng lớn nếu các doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ biết khai thác và phát triển lĩnh vực này[4].

Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình để thúc đẩy việc kết nối, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, việc kết nối trong nông nghiệp được đẩy mạnh thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị, các chương trình xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp… Các chương trình hội thảo là cách thức phổ biến được hai quốc gia thực hiện để kết nối về mặt kinh tế và đẩy mạnh thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu của Ấn Độ đã tổ chức hội thảo để kết nối và xúc tiến thương mại đặc biệt chú ý đến cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự kiện này giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm có thế mạnh như cà phê, chè, thanh long hay thủy sản, đồng thời giúp cho doanh nghiệp Việt có cơ hội kết nối đối với các nhà phân phối và doanh nghiệp nhập khẩu của Ấn Độ. Trong thời gian này, việc kết nối trong lĩnh vực nông nghiệp còn được thực hiện thông qua việc Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi và một số lĩnh vực khác[5].

Để thúc đẩy việc kết nối trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đã cố gắng kết nối doanh nghiệp trong nước với thị trường Ấn Độ. Minh chứng cho nỗ lực kết nối này là tổ chức một đoàn gồm 16 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi hoạt động xúc tiến trong lĩnh vực này vào năm 2018. Thông qua việc tham dự Hội chợ Công nghệ và Thương mại Nông nghiệp quốc tế Ấn Độ (AgroWorld), các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ và tìm kiếm đối tác Ấn Độ cũng như có cơ hội tham quan, tìm hiểu, trao đổi về công nghệ cao, sản xuất hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp của các đối tác Ấn Độ[6].

Tại hội thảo trực tuyến vào tháng 10/2020, cố vấn thương mại tại Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ, cho biết Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng để tạo điều kiện hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây. Hội thảo này cũng nhấn mạnh, Ấn Độ hoàn toàn có khả năng cung cấp nhiều loại trái cây và nông sản mà Việt Nam đang nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới như lựu, nho, lúa mì và bông, đây cũng là những sản phẩm thế mạnh của Ấn Độ. Bên cạnh đó, phía Ấn Độ cũng đánh giá cao các loại trái cây và nông sản của Việt Nam như thanh long, cà phê, ca cao và hạt điều… Việt Nam đang phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản vào năm 2030, mục tiêu này có thể giúp hai quốc gia có nhiều cơ hội hợp tác và kết nối mạnh mẽ để tạo ra một quá trình thương mại hai chiều có lợi cho cả hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp.

2.3. Kết nối cơ sở hạ tầng

- Kết nối hàng không Việt Nam - Ấn Độ

Trong giai đoạn vừa qua, để đẩy mạnh hợp tác song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam chính phủ hai nước đã tăng cường hợp tác, kết nối trên nhiều phương diện khác nhau. Một trong những thành công trong việc kết nối kinh tế giữa hai quốc gia là kết nối hàng không. Kết quả của việc kết nối hàng không đó là cuối năm 2019, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập được đường bay trực tiếp thông qua việc khai thác hai đường bay từ  Hồ Chí Minh - New Delhi và Hà Nội - New Delhi. Việc kết nối được đường bay trực tiếp sẽ thúc đẩy thương mại song phương, cơ hội hợp tác đầu tư, du lịch giữa hai quốc gia. Đặc biệt, việc kết nối trực tiếp về hàng không sẽ giúp cho việc lưu chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam dễ dàng, nhanh chóng cũng như giảm chi phí vận chuyển giữa hai quốc gia. Điều này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hai nước tích cực đầu tư để khai thác thị trường lẫn nhau. Bên cạnh đó, việc kết nối trực tiếp hàng không giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ là cầu nối về hành khách đến các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Việc có đường bay trực tiếp còn tạo ra cơ hội lớn trong việc đẩy mạnh hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ, tăng lượng khách du lịch giữa hai nước trong thời gian tới. Trong vòng vài năm trở lại đây, lượng khách trao đổi giữa hai quốc gia có xu hướng tăng nhanh (hơn 20%/năm)[7]. Năm 2018, khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 132.371 lượt, tăng 21%; khách Việt Nam đến Ấn Độ đạt 31.408 lượt, tăng 32% so với năm 2017. Trong bảy tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón 88.565 lượt khách Ấn Độ, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2018. Kết nối thuận lợi về hàng không với Ấn Độ sẽ là cơ hội cho Việt Nam thu hút khách du lịch Ấn Độ - một trong những quốc gia có lượng khách du lịch nước ngoài cao (khoảng 25 triệu khách du lịch ra nước ngoài mỗi năm). Ngoài ra khách du lịch Ấn Độ thường là những tầng lớp thượng lưu, khá giả (khoảng 200 đến 300 triệu người), nên nhu cầu mua sắm và chi tiêu rất cao. Bên cạnh đó, hiện rất nhiều khách Ấn Độ ngày càng thích du lịch Việt Nam bởi nhiều lý do như môi trường du lịch an toàn, phong cảnh đẹp, du lịch Việt Nam rất đa dạng, hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú ở các vùng miền, con người thân thiện, món ăn hấp dẫn, là đất nước có tôn giáo Phật giáo lâu đời… Hiện nay, để thúc đẩy mạnh hơn nữa về kết nối hàng không Ấn Độ đã áp dụng việc cấp thị thực điện tử, tạo điều kiện cho du khách nước ngoài trong đó có Việt Nam. Do đó, nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách Việt Nam tới Ấn Độ với mục đích du lịch, kinh doanh, khám chữa bệnh…

- Kết nối vận tải đường biển Việt Nam- Ấn Độ

Vận tải bằng đường biển là phương thức vận tải lâu đời trong thương mại quốc tế. Hình thức này có ưu điểm là có thể vận chuyển với khối lượng lớn, tương đối an toàn, chi phí thấp, phù hợp với những hàng hóa không đòi hỏi về mặt thời gian. Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng ổn định và cao trong thời gian vừa qua, thương mại song phương ngày càng gia tăng, do đó hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai quốc gia ngày càng lớn. Điều này cũng đòi hỏi việc kết nối và sử dụng nhiều phương thức vận tải khác nhau giữa hai quốc gia. Giữa Ấn Độ và Việt Nam mặc dù đã có kết nối về đường không, tuy nhiên phương thức này mới đi vào hoạt động cũng như chi phí của phương thức này khá cao không phải hàng hóa nào cũng có thể chịu được chi phí này. Đặc biệt, trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 thì việc kết nối và vận tải bằng đường hàng không sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó vận tải và kết nối bằng đường biển vẫn là phương thức vận tải tối ưu để vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam.  

Đối với vận tải đường biển, hầu hết hàng hóa được vận chuyển giữa Ấn Độ và Việt Nam đều phải quá cảnh tại Singapore điều này làm cho thời gian vận chuyển thường  kéo dài từ 2-3 tuần cũng như phát sinh thêm chi phí vận tải. Để tháo gỡ tình trạng này cũng như thiết lập việc kết nối trực tiếp về hạ tầng đường biển giữa Việt Nam và Ấn Độ, từ năm 2015 hai quốc gia đã thành lập các nhóm công tác chung về hàng hải để giải quyết vấn đề trên. Kết quả của nỗ lực kết nối này là một số tuyến vận tải trực tiếp bằng đường biển giữa hai quốc gia đã được thiết lập như tuyến Hồ Chí Minh – Chennai (12 ngày), Hồ Chí Minh -  Nhava Sheva (14 ngày), Hồ Chí Minh - Bangalore (17 ngày). Đây mới chỉ là các tuyến vận chuyển hàng lẻ còn đối với vận chuyển nguyên container giữa hai quốc gia vẫn phải kéo dài 2-3 tuần do vẫn phải quá cảnh tại Singapore. Tuy nhiên, từ năm 2019 với sự hình thành các cảng nước sâu cũng như quá trình ký kết các FTA của Việt Nam đã thúc đẩy việc kết nối vận tải biển giữa Ấn Độ và Việt Nam được thuận lợi hơn, giúp cho hình thành các tuyến tàu trung bình từ Ấn Độ đến Việt Nam và hình thành các tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam - Ấn Độ. Các hãng tàu lớn như Hapag-Lloyd, Hyundai, ZIM, Yang Ming đều đã đưa các tuyến dịch vụ kết nối Việt Nam – Ấn Độ vào các cảng nước sâu ở Việt Nam (cảng Cái Mép – Thị Vải, Lạch Huyện, Cái Lân).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia Dự án mạng lưới vận tải biển ASEAN - Ấn Độ. Tuy nhiên, trong ASEAN có sự khác biệt rõ rệt về cơ sở hạ tầng hàng hải và vận tải trong đó các quốc gia phát triển có lợi thế về các cảng trung chuyển còn các quốc gia có tiểu vùng Mekong như Việt Nam không nhiều ưu thế về cơ sở hạ tầng hàng hải, logistic, các cảng nước sâu. Cũng như có sự khác biệt về cơ sở hạ tầng hàng hải và vận chuyển giữa ASEAN và Ấn Độ. Vì thế, để phát triển mạng lưới vận chuyển Ấn Độ và ASEAN đã thỏa thuận thiết lập nhóm vận tải biển ASEAN- Ấn Độ liên quan trực tiếp đến một số quốc gia Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Việc thiết lập mạng lưới vận chuyển này để tận dụng ưu thế của Myanmar khi có bờ biển dài sẽ là điểm kết nối hàng hải gần nhất và trực tiếp giữa Ấn Độ và ASEAN thông qua Vịnh Bengal. Việc thiết lập mạng lưới này tạo ra cơ hội lớn để kết nối Ấn Độ với các quốc gia còn lại của Đông Nam Á.

Ngoài ra để thúc đẩy kết nối hàng hải giữa Ấn Độ và ASEAN, cả hai bên đang trong quá trình ký kết Hiệp định hợp tác vận tải hàng hải ASEAN-Ấn Độ (ASEAN-India Maritime Transport Agreement). Việc ký kết và thông qua hiệp định này sẽ tạo ra một hệ thống khung giao thông hàng hải cũng như loại bỏ các rào cản trong giao thông hàng hải giữa Ấn Độ và ASEAN[8]. Việc sớm thông qua hiệp định này sẽ thúc đẩy việc kết nối vận tải hàng hải giữa Ấn Độ và ASEAN tuy nhiên nó đòi hỏi nỗ lực của cả hai bên trong việc sớm kết thúc đàm phán. Cũng như đòi hỏi cả hai bên cần mạnh mẽ phát triển cơ sở hạ tầng vận tải biển ở cả hạ tầng cứng (hệ thống cảng, hệ thống logistics…) và hạ tầng mềm (hệ thống chính sách, quy định, luật lệ…)

  • Kết nối đường bộ Việt Nam - Ấn Độ

+ Đường cao tốc kết nối Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan

Đường cao tốc kết nối Ấn Độ - Myanmar- Thái Lan nằm trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác Mekong - Ganga bắt đầu từ năm 2005 và là một nỗ lực nhằm thúc đẩy kết nối đường bộ giữa ba quốc gia nhằm mở rộng thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân. Đường cao tốc trên dài 1360 km, được xây dựng với chi phí 700 triệu USD, chạy từ Moreh ở Ấn Độ đến Maw Sot ở Thái Lan qua Bagan ở Myanmar. Việc hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống đường cao tốc trên đã đảm bảo kết nối của Moreh, với tuyến đường sắt Diphu – Karong -ImphalMoreh. Dự án đường cao tốc này còn đảm nhận nhiệm vụ xây dựng một con đường từ Kanchanburi ở Thái Lan đến Dawei ở Myanmar, và phát triển cảng biển nước sâu tại Dawei. Đây là một số nỗ lực rõ ràng mà Chính phủ Ấn Độ thực hiện nhằm thúc đẩy kết nối và liên kết của nước này với khu vực ASEAN. Do đó, dự án đường cao tốc ba bên là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ trong việc tiếp cận ASEAN.

Tại Hội nghị thượng định ASEAN - Ấn Độ vào năm 2018, Ấn Độ đã thể hiện sự ưu tiên cho dự án tuyến đường cao tốc ba bên Ấn Độ - Thái Lan - Myamar và tiếp tục thể hiện tham vọng sẽ mở rộng kết nối sang Campuchia, Lào và Việt Nam. Việt Nam, Lào, Thái Lan đang phối hợp để sớm triển khai mở rộng hành lang Đông-Tây (EWC) tới các trung tâm kinh tế của cả ba nước. Điều này cũng có thể góp phần kết nối đường bộ với Ấn Độ thông qua Myanmar và khu vực Đông Bắc.

+ Đường sắt kết nối Delhi – Hà Nội (DHRL)

Năm 2003, Ấn Độ và Việt Nam đã cùng thống nhất sáng kiến xây dựng tuyến đường sắt kết nối Delhi – Hà Nội. Sáng kiến này được đưa ra với mục tiêu chính là liên kết Manipur của Ấn Độ với hành lang đường sắt chính của Ấn Độ và thiết lập lại và cải tạo mạng lưới đường sắt ở Myanmar. Để việc kết nối về đường sắt giữa Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực ASEAN được dễ dàng và thuận lợi thì sự phù hợp giữa hệ thống đường sắt của Ấn Độ và các quốc gia ASEAN là rất cần thiết. Vì Myanmar là cửa ngõ để Ấn Độ kết nối với ASEAN nên để sáng kiến này trở thành hiện thực nó đòi hỏi sự tương thích trong hệ thống đường sắt của Myanmar với Ấn Độ. Do đó, năm 2006 Ấn Độ đã hoàn thành một nghiên cứu sơ bộ để thiết lập liên kết đường sắt Delhi - Hà Nội. Để xúc tiến nhanh quá trình này, Ấn Độ đã đầu tư 56 triệu USD cho Myanmar để cải tạo và nâng cấp hệ thống đường sắt dài 640 kết nối Mandalay - Yangon. Để thực hiện sáng kiến kết nối đường sắt Delhi - Hà Nội, Ấn Độ đã đưa ra hai phương án kết nối: (1) kết nối Delhi - Hà Nội qua Myanmar, Thái Lan và Campuchia, (2) kết nối Delhi-Hà Nội qua Myanmar đến Bangkok qua Ye và một phần đường mới được xây dựng của Ye và Dawei ở Myanmar, và sau đó đến Hà Nội thông qua Thái Lan và Lào[9].

Mặc dù đã nỗ lực trong việc thực hiện và triển khai dự án này song tính tới thời điểm hiện tại thì tuyến đường sắt sắt kết nối Delhi – Hà Nội vẫn ở giai đoạn đầu và chưa có nhiều tiến triển. Đặc biệt là việc kết nối hệ thống đường sắt giữa Ấn Độ và Myanmar vẫn chưa được hoàn thiện với nhiều nguyên nhân khác nhau như địa hình khắc nghiệt khó thi công, việc vận chuyển vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn,…

  • Hành lang kinh tế Mê Kông - Ấn Độ

Tiểu vùng sông Mekong thường được gọi là các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) là một phần không thể tách rời của Đông Nam Á và nối vịnh Bengal với Biển Đông bằng đường bộ. Đối với Ấn Độ, Tiểu vùng sông Mekong đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại vì Ấn Độ chia sẻ ranh giới đất liền với một trong các nước CLMV, đó là Myanmar ở Vịnh Bengal và Việt Nam là đối tác chiến lược của Ấn Độ. Điều này khiến Ấn Độ đặc biệt hướng tới mối quan hệ chặt chẽ về mặt kinh tế và chính trị với các quốc gia này. Mặc khác, với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, các quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong đang dần bị thu hút về phía gã khổng lồ thương mại mới nổi. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang lợi dụng vị trí của các nước CLMV để tiếp cận Ấn Độ Dương. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực đã khiến Ấn Độ tăng cường quan hệ với các nước này. Vì mục tiêu này, New Delhi đã thực hiện một số biện pháp kết nối để thúc đẩy hội nhập Ấn Độ - Đông Nam Á. Một trong những dự án kết nối quan trọng là Hành lang kinh tế Mekong - Ấn Độ, đây là một hành lang kinh tế đa phương thức kết nối Ấn Độ với các nước tiểu vùng Mekong. Hàng lang Kinh tế Mekong - Ấn Độ đề xuất kết nối Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) với Dawei (Myanmar) qua Bangkok (Thái Lan) và Phnom Penh (Campuchia), kết nối với Chennai (Ấn Độ). Hành lang kinh tế này sẽ tăng cường thương mại giữa các nước CLMV và phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Ấn Độ. Nó cũng sẽ làm giảm khoảng cách đi lại giữa Ấn Độ và khu vực tiểu vùng Mekong. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề và thách thức đặt ra cần phải được giải quyết để MIEC được thực hiện thành công như thiếu cảng biển nước sâu ở Myanmar hoặc đường cao tốc giữa Dawei và biên giới Thái Lan. Liên kết phía Tây của MIEC là một trong những các tuyến đường quan trọng nối Ấn Độ với Đông Nam Á. Hành lang này sẽ tạo ra một tuyến đường biển giữa Bangkok và Chennai qua Dawei, giúp các nền kinh tế này hội nhập và trở thành một khối kinh tế cạnh tranh toàn cầu. MIEC sẽ có tác động lớn hơn đến các quốc gia có thu nhập thấp hơn như Myanmar và Campuchia, do đó thu hẹp khoảng cách phát triển của tiểu vùng Mekong[10].

Theo đánh giá của ERIA (2010), tác động lớn nhất của MIEC đối với tiểu vùng Mekong là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển của các quốc gia trong vùng (dự kiến GDP thực tế tăng 1,19%). Hành lang kinh tế Ấn Độ - Mekong còn tạo cơ hội cho các quốc gia trong vùng xây dựng cơ sở kinh tế và công nghiệp mạnh mẽ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Hành lang kinh tế Ấn Độ - Mekong sẽ cho phép các quốc gia tiểu vùng Mekong trong đó có Việt Nam  hội nhập tốt hơn và nền kinh tế có tính cạnh tranh toàn cầu.

2.4. Các kết nối khác

Để thúc đẩy kết nối kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN trong đó có Việt Nam thì Ấn Độ và ASEAN đã tích cực kết nối về mặt thể chế. Hai bên đã đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN bao gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa (AITIG) và Hiệp định thương mại dịch vụ và đầu tư. Trong đó, AITIG có hiệu lực đối với Việt Nam năm 2010. Còn hiệp định đầu tư và thương mại dịch vụ ASEAN-Ấn Độ đã được ký kết vào ngày 13 tháng 11 năm 2014 và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2015.

- Hiệp định thương mại hàng hóa (AITIG)

AITIG có nội dung chính là thiết lập lộ trình giảm thuế giữa khu vực ASEAN và Ấn Độ. Bên cạnh đó, AITIG cũng bao gồm các quy tắc xuất xứ, cơ chế giải quyết tranh chấp, các biện pháp phi thuế quan, minh bạch chính sách, xem xét và sửa đổi các cam kết, các công cụ phòng vệ thương mại và ngoại lệ. Theo AITIG, các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ đã đồng ý mở cửa thị trường tương ứng bằng cách giảm dần và loại bỏ 80% các dòng thuế, chiếm 75% giao dịch. Các dòng thuế được phân loại thành Danh mục giảm thuế thông thường (1), Danh mục giảm thuế thông thường (2), Danh mục nhạy cảm (SL), Danh mục nhạy cảm cao (HSL), Danh mục các sản phẩm đặc biệt và Danh mục giảm thuế loại trừ (EL).

- Cam kết giảm thuế của Việt Nam cho Ấn Độ

Là thành viên của ASEAN do đó Việt Nam có lịch trình giảm thuế với thời gian dài hơn 5 năm so với các nước ASEAN khác và Ấn Độ. Mặc dù lịch trình giảm thuế dài hơn 5 năm, Việt Nam vẫn được hưởng đầy đủ lợi ích từ các cam kết cắt giảm thuế quan của Ấn Độ và các nước ASEAN khác. Với lịch trình này Việt Nam phải loại bỏ 80% số dòng thuế tính đến năm 2021 trong Danh mục giảm thuế thông thường và 10% số dòng thuế vào năm 2024 ở Danh mục nhạy cảm và loại trừ 468 dòng thuế (mức chữ số HS6) chiếm khoảng 10% số dòng thuế trong Danh sách loại trừ (EL). Đến năm 2024, Việt Nam sẽ hoàn thành lịch trình cam kết giảm thuế tập trung vào các nhóm hàng như trà, cà phê, cao su, rau, giày dép, hải sản, hóa chất, kim loại, thép, khoáng sản, máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng. Các mặt hàng Việt Nam không cam kết bao gồm trứng, đường, muối, xăng dầu, phân bón, nhựa, cao su, kim loại quý, thép, máy móc, thiết bị điện, máy móc ô tô, phụ tùng và các mặt hàng an ninh.

- Cam kết giảm thuế của Ấn Độ cho Việt Nam

Về phía Ấn Độ, Ấn Độ cam kết loại bỏ 80% số dòng thuế tính đến năm 2016 và 10% số dòng thuế sẽ được cắt giảm một phần vào năm 2019. Danh sách loại trừ chiếm khoảng 10% số dòng thuế. Các hàng hóa mà Ấn Độ cam kết bãi bỏ thuế quan bao gồm động vật sống, thịt, cá, sữa, rau, dầu mỡ, bánh kẹo, nước ép trái cây, hóa chất, mỹ phẩm, dệt may, kim loại, thép, máy móc, thiết bị điện, đồng hồ… Với cam kết cắt giảm thuế từ phía Ấn Độ thì nhiều danh mục hàng hóa mà Việt Nam sẽ được hưởng lợi như hàng may mặc, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hải sản, than, cao su, thép,... Ngoài ra, năm 2018 Ấn Độ đã đồng ý giảm thuế xuống 45% đối với cà phê và trà đen, và 50% đối với hồ tiêu. Đây là những sản phẩm nhạy cảm của Ấn Độ nhưng là lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Danh sách loại trừ của Ấn Độ bao gồm 489 dòng thuế, chiếm 5% tổng giá trị thương mại.

- Hiệp định đầu tư và thương mại dịch vụ ASEAN-Ấn Độ

Sau quá trình đám phán 2 nămẤn Độ đã chính thức ký kết hiệp định thương mại tự do về dịch vụ và đầu tư với ASEAN. Việc ký kết thỏa thuận này đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Ấn Độ trong việc thực hiện và đưa ra một kiến ​​trúc thể chế mạnh mẽ cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và kết nối kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN. Hiệp định này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Hiệp định này sẽ giúp cho Ấn Độ phát huy được các lợi thế cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, y tế, viễn thông… trong quá trình đầu tư vào ASEAN.

Ngoài kết nối mềm và thể chế, Ấn Độ và Việt Nam còn thực hiện nhiều kết nối khác như kết nối số, kết nối du lịch… Các kết nối này cũng đang được hai quốc gia tích cực đẩy mạnh trong thời gian vừa qua.

3. Kết luận

Nhu cầu về hợp tác và kết nối kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn tới là rất  lớn, với chính sách hành động hướng Đông thì Việt Nam vẫn là quốc gia trọng tâm trong chính sách hợp tác và kết nối về mặt kinh tế của Ấn Độ. Vấn đề kết nối kinh tế thông qua kết nối về cơ sở hạ tầng, kết nối trong lĩnh vực nông nghiệp, kết nối về thể chế, kết nối số…. luôn được thúc đẩy bởi chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp hai nước. Tuy nhiên quá trình này bị cản trở bởi nhiều nguyên nhân khác nhau chủ quan và khách quan khác nhau như rào cản về thể chế, chính sách; các quy định về hải quan, xuất nhập khẩu; cơ chế bảo hộ; rào cản từ cơ sở hạ tầng; văn hóa kinh doanh… Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình kết nối kinh tế giữa hai quốc gia hai bên cần có những giải pháp thiết thực và cụ thể như nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thể chế và quy định, tích cực tài trợ cho các dự án kết nối…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Anand, R. et al (2014), “Potential Growth in Emerging Asia”, IMF Working Paper 14/2, January 13, 2014.

2. Bhattacharyay, B. N (2010a), “Infrastructure for ASEAN connectivity and integration”, ASEAN Economic Bulletin, 27(2), 200–220.

3. Business Standard (2019), How India and Vietnam can increase bilateral trade, https://www.business-standard.com/article/ news-ani/how-india-and-vietnam-can-increase-bilateral-trade-119022500121_1.html

4. Customs News (2018), “Vietnam, India boost cooperation in agriculture”, https://custom snews.vn/vietnam-india-boost-cooperation-in-agriculture-8820.html.

5. Embassy of India (2020), “India – Vietnam Relations”, https://www.indembassy hanoi.gov.in /page/india-vietnam-relations/.

6. Khuong Vu, Mukul G. Asher (2009), “India-Vietnam: A Comparative Analysis of Economic Performance”, Lee Kuan Yew School of Public Policy, Working Paper No.: SPP09-03.

7. Mero, M. K (2005), “Indo-Myanmar border trade in the light of India’s look East policy”, In G. Das et al. (Eds.), Indo-Myanmar border trade, status, problems and potential (pp. 64–73). Delhi: Akansha Publishing House op. cit.

8. Ministry of External Affairs (2017), “India –Vietnam Relations”, https://www.mea. gov.in/Portal/ForeignRelation/Bilateral_Relations_Website__Sept_17_.pdf.

9. Nguyễn Hường (2020), “Tăng cơ hội hợp tác đầu tư thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ”, https://congthuong.vn/tang-co-hoi-hop-tac-dau-tu-thuong-mai-giua-viet-nam-an-do-131260.html.

10. Prabir De (2014), “India’s Emerging Connectivity with Southeast Asia:  Progress and Prospects”, Asian Development Bank Institute.

11. Rajeshwari Dutta (2018), “Mekong-India Connectivity”, https://indianfolk.com/mekong-india-connectivity-edited/.

12. Suyash Desai (2017), “ASEAN and India Converge on Connectivity”, https://thediplomat. com/2017/12/asean-and-india-converge-on-connectivity/.

13. Tarah Nguyen (2020), “EVFTA creating good opportunity for Indian investors”, https://vietnamtimes.org.vn/evfta-creating-good-opportunity-for-indian-investors-21404.html.

14. Vietnam Briefing (2017), “Indian Investment in Vietnam – How to Structure Operations for Success”, https://www.vietnam-briefing.com/news/indian-investments-vietnam.html/.

15. Yash Gandhi (2019), “Promoting Economic Connectivity between India and ASEAN”, https://www.investindia.gov.in/team-india-blogs/promoting-economic-connectivity-between-india-and-asean.

 


[1] TS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á

[2] Vietnam Briefing (2017), “Indian Investment in  Vietnam- How to Structure Operations for Success”, https://www.vietnam-briefing.com/news/indian-investm ents-vietnam. html/.

[3] Tarah Nguyen (2020), “EVFTA creating good opportunity for Indian investors”, https://vietnamtimes .org.vn/evfta-creating-good-opportunity-for-indian-investors-21404.html.

[4] Vietnam Briefing (2017), “Indian Investment in Vietnam- How to Structure Operations for Success”, https://www.vietnam-briefing.com/news/indian-investme nts-vietnam.html/.

[5] Báo Quân đội nhân dân (2015), “Việt Nam tìm kiếm thương mại nông sản với Ấn Độ”,  https://en.qdnd. vn/ovs/news/vietnam-seeks-agricultural-trade-with-india-462900.

[6] Customs News (2018), “Vietnam, India boost cooperation in agriculture”, https://customsnews.vn/ vietnam-india-boost-cooperation-in-agriculture-8820.html

[7] Báo Công Thương (2019), “Thương mại Việt Nam - Ấn Độ vẫn giữ được đà tăng trưởng”, https://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thuong-mai-viet-nam-an-%C4%91o-van-giu-%C4%91uoc-%C4%91a-tang-truong-17113-401.html.

[8] Suyash Desai (2017), “ASEAN and India Converge on Connectivity”, https://thediplomat.com/2017/12/asean-and-india-converge-on-connectivity/.

[9] Prabir De (2014), “India’s Emerging Connectivity with Southeast Asia:  Progress and Prospects”, Asian Develo pment Bank Institute.

[10] Rajeshwari Dutta (2018), “Mekong-India Connectivity”, https://indianfolk.com/mekong-india-connectivity-edited/

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12 (238) 12-2020

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác