Thực trạng và giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay

17:00 10/08/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

TS. VŨ TUẤN HƯNG

Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Sở hữu trí tuệ nói chung và tài sản trí tuệ là một trụ cột quan trọng trong các cam kết của hội nhập. Hoạt động quản lý tài sản trí tuệ ở Việt Nam cũng như ở Tây Nguyên trong thời gian vừa qua có một số kết quả ghi nhận, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều điều cần nghiên cứu để có giải pháp thúc đẩy tốt nhất. Vì quản lý tài sản trí tuệ hiệu quả sẽ kích thích sự đổi mới sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên nền tảng trí tuệ một cách vững bền.

Từ khóa: quản lý tài sản trí tuệ, tài sản trí tuệ, tài sản trí tuệ Tây Nguyên, quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ Tây Nguyên.

 

SITUATION AND SOLUTION OF STATE MANAGEMENT OF INTELLECTUAL ASSETS IN TAY NGUYEN REGION IN CURRENT INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION

Abstract: Vietnam is facing great opportunities and challenges. Intellectual property in general and intellectual assets are an important pillar in the commitments of integration. Intellectual assets management activities in Vietnam and Tay Nguyen in recent years have some recorded results, but besides that there are still many things to research to have the best solution. Because effective intellectual assets management will stimulate innovation and promote sustainable intellectual-based economic development.

Key words: Intellectual property management; Intellectual property; Intellectual Property in Tay Nguyen, administration of intellectual property in  Tay Nguyen...

 

1. Một số khái niệm

1.1. Tài sản trí tuệ

Có nhiều quan niệm khác nhau về thuật ngữ này. Có thể hiểu tài sản trí tuệ là loại tài sản đặc biệt được thừa nhận trong cả thực tiễn lẫn pháp luật của các quốc gia. Thế kỷ XIX, thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” hay “tài sản trí tuệ” (Intellectual Property – IP hay Intellectual Assets - IA) mới bắt đầu được sử dụng và cuối thế kỷ XX thuật ngữ này mới trở nên phổ biến trên thế giới.

Xét về bản chất hay cách thức hình thành tài sản, có thể hiểu tài sản trí tuệ là một loại tài sản gồm những sáng tạo vô hình của trí tuệ con người[1], hay nói cách khác, tài sản trí tuệ là các sản phẩm do trí tuệ con người tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Kết quả sáng tạo này phải đạt một trình độ nhất định để căn cứ vào đó có thể khai thác tạo ra lợi ích và giá trị cho chủ thể sở hữu.

1.2. Quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ

Quản lý nhà nước nói chung là một hoạt động lao động gián tiếp, là sự tác động của chủ thể tới đối tượng gắn với quyền lực nhà nước. Các chủ thể tác động thông hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, bằng các công cụ chính sách, những quy định có tính quy chuẩn và bắt buộc để tổ chức và điều hành mọi hoạt động xã hội theo kế hoạch, mục tiêu của hệ thống được xác định. Như vậy, có thể thấy quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ chính là hoạt động xây dựng, tổ chức thực thi chính sách về tài sản trí tuệ của hệ thống cơ quan nhà nước một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương.

2. Tổng quan nghiên cứu

Có một số nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam về quản lý sở tài sản trí tuệ. Có thể xem xét một số công trình nghiên cứu tiêu biểu sau:

 Trên thế giới, “Tổng quan về sở hữu trí tuệ và các nước đang phát triển" của Hiệp hội Nathan (2003) đã chỉ ra sở hữu trí tuệ là gì, vai trò của sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế xã hội, và hệ quả của việc không có các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ, hiện nay các nước đang phát triển phải đối mặt với một số vấn đề gì về sở hữu trí tuệ, bên cạnh đó nghiên cứu cũng chỉ ra khung pháp lý để bảo vệ sở hữu trí tuệ, cách thức hỗ trợ kỹ thuật để bảo vệ tài sản trí tuệ dựa trên nhu cầu và lợi ích của địa phương. Bài viết “Khía cạnh kinh tế của sở hữu trí tuệ: một định hướng cho nghiên cứu tương lai” của Padraig Dixon và Christine Greenhalgh (2002) đều có những phân tích về vai trò của tài sản trí tuệ trong đổi mới hệ thống cũng như vai trò của tài sản trí tuệ trong nền kinh tế nói chung; quyền cũng như giá trị của quyền sở hữu trí tuệ dưới góc độ kinh tế. Đồng thời đã đưa ra các xem xét về hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ nói chung trong đó có vai trò của nhà nước.

Ở Việt Nam, cuốn sách “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn” (2005) (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội) của Lê Hồng Hạnh và Đinh Thị Mai  đã đề cập về vai trò và vị trí của pháp luật sở hữu trí tuệ trong hệ thống luật Việt Nam; từ đó đưa ra những nghiên cứu so sánh về sở hữu trí tuệ trong pháp luật giữa Việt Nam và Quốc tế. Bên cạnh đó, tác giả đã khắc họa rõ nét về thực trạng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ nói riêng cũng như đề cập về những triển vọng và thách thức trong tương lại. Lê Văn Tiến (2007) với “Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước địa phương trong xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm đặc sản” đã thể hiện rất rõ vai trò của chủ thể nhà nước, chính quyền địa phương trong việc xây dựng và điều hành, quản lý tài sản trí tuệ là chỉ dẫn địa lý đối với các nông sản đặc sản.

Các nghiên cứu trên đã có góc độ xem xét khá hệ thống, khoa học ở các cấp độ vĩ mô hoặc mô hình tại các nước, khu vực khác nhau trên thế giới và Việt Nam. Vấn đề cụ thể khi xem xét từ góc độ quản lý nhà nước tài sản trí tuệ trong phạm vi vùng và địa phương còn chưa được đề cập. Như vậy, một khoảng trống nghiên cứu đối với việc xem xét thực trạng từ đó đưa ra các giải pháp cho vùng Tây Nguyên của Việt Nam đối với hoạt động quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

3. Thực trạng quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ ở Tây Nguyên hiện nay

3.1. Những kết quả tích cực đạt được

Như đã đề cập, hoạt động quản lý nhà nước đối với tài sản trí tuệ nỏi riêng và sở hữu trí tuệ nói chung ở Tây Nguyên so sánh với nội tại của vùng trong những năm vừa qua đã có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và tổ chức về bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ đã được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện ngày càng nhiều và hiệu quả. Những chuyển biến tích cực được thể hiện trên nhiều mặt khác nhau của hoạt động quản lý tài sản trí tuệ cũng như sở hữu trí tuệ nói chung.

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cũng như vai tró của tài sản trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội đã được Sở Khoa học công nghệ triển khai, duy trì hàng năm. Công tác phổ biến Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản hướng dẫn thi hành cũng được thực hiện đồng bộ tại các địa phương với nhiều biện pháp, như phối hợp với cơ quan lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở Trung ương (Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra chuyên ngành...) trong việc tổ chức phổ biến kiến thức về Luật Sở hữu trí tuệ, vị trí, vai trò của tài sản trí tuệ trong xã hội cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp dưới các hình thức[2]. Hoạt động nêu trên tại các địa phương đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho cán bộ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, thông qua các hoạt động này nhằm tư vấn, giải đáp, hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, biết cách xác lập, bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Qua đó rà soát và kiến nghị với các cấp, cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tế, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu, cam kết về sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã và đang ký kết hoặc gia nhập.

Qua nghiên cứu thực tiễn tại các tỉnh Tây Nguyên, hầu hết các Sở Khoa học và công nghệ và đơn vị liên quan đều tích cực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ hoạt động sáng tạo tại địa phương. Đa số các Sở Khoa học và công nghệ trả lời đã triển khai các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại địa phương[3]. Điều này rất quan trọng, nó sẽ làm tiền đề cho hoạt động bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên hiện nay một cách hiệu quả và có định hướng.

Song song với tuyên truyền, công tác hướng dẫn, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cũng được chú trọng. Về cơ bản, hoạt động đăng ký xác lập quyền đã được Sở Khoa học và công nghệ và các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan tại địa phương quan tâm triển khai với nhiều cố gắng, nỗ lực; các vướng mắc về quy trình, thủ tục đăng ký xác lập quyền được hướng dẫn, giải đáp và tháo gỡ một cách công khai, minh bạch, đảm bảo yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ. 

Thứ hai, về số lượng đơn đăng kí xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ: trong 3 năm 2016 đến 2018 số lượng đơn đăng kí xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ  đã được tăng lên tỷ lệ thuận với việc tăng cường tuyền tryền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong những nâm vừa qua.

BẢNG 1: Thống kê số lượng đơn đăng kí xác lập quyền sở hữu trí tuệ các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2016-2018

Tỉnh

2016

2017

2018

Kon Tum

21

45

42

Gia Lai

81

98

102

Đắk Lắk

179

189

228

Đắk Nông

31

39

41

Lâm Đồng

244

276

299

Tổng cộng của vùng

556

647

712

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ năm 2019.

Theo số liệu thống kê trên, rõ ràng số lượng đơn đăng kí xác lập quyền ở tất cả 5 tỉnh ở Tây Nguyên đều tăng dần trong 3 năm 2016-2018. Dẫn đầu danh sách tỉnh có số lượng đơn đăng kí nhiều nhất là Lâm Đồng và ĐăkLak. Tỉnh có số lượng đơn tăng gấp 2 lần trong 3 năm là KonTum tăng từ 21 lên 42 đơn. Với số liệu trên cho thấy rõ ràng đã có sự thay đổi về nhận thức về vai  trò của sở hữu trí tuệ nói chung và tài sản trí tuệ nói riêng khi doanh nghiệp và người dân đã quan tâm hơn đến việc đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Cùng với đó, số lượng đơn đăng kí xác lập quyền, số lượng văn bằng chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ được cấp tăng lên hằng năm cũng cho thấy những nỗ lực của các cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ tại địa phương, cũng như nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khu vực Tây Nguyên.

BẢNG 2: Thống kê số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ được cấp của các tỉnh

 Tây Nguyên, giai đoạn 2016-2018

Tỉnh

2016

2017

2018

Kon Tum

5

6

31

Gia Lai

19

24

34

Đắk Lắk

68

82

40

Đắk Nông

13

11

14

Lâm Đồng

96

118

128

Tổng cộng vùng

201

241

247

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ năm 2019.

Nhìn vào bảng số liệu thống kê trên, Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu về số văn bằng chứng nhận sở hữu tài sản trí tuệ với 201 văn bằng năm 2016, 241 văn bằng năm 2017 và 247 văn bằng năm 2018. Tỉnh có tốc độ tăng nhanh nhất trong 3 năm là Kon Tum, nếu như năm 2016 chỉ có 5 văn bằng thì đến năm 2018 tăng gấp 6 lần là 31 văn bằng được bảo hộ.

Thứ ba, về năng lực chuyên môn của cán bộ các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các Sở Khoa học và công nghệ nhìn chung đảm bảo theo quy định. Các cán bộ đảm nhiệm nhiệm vụ về sở hữu trí tuệ đều có trình độ đại học trở lên, đã được tham gia các chương trình tập huấn về sở hữu trí tuệ, chủ động trong việc đánh giá, xem xét và xử lý các hành vi xâm phạm quyền. Tuy nhiên, ngoài cán bộ phụ trách chung về vấn đề sở hữu trí tuệ (thường là các Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ), số lượng cán bộ trong phòng chuyên môn (Phòng Quản lý chuyên ngành) vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế, thường từ 3-4 người, trong đó đa phần là kiêm nhiệm. Chỉ có tỉnh Lâm Đồng là có 1 cán bộ chuyên trách về vấn đề sở hữu trí tuệ, còn lại các cán bộ khác và ở các tỉnh khác đều là cán bộ kiêm nhiệm. Điều này cho thấy, với một đội ngũ cán bộ phụ trách mảng sở hữu trí tuệ nói chung và quản lý tài sản trí tuệ nói riêng còn mỏng, năng lực và trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm còn hạn chế. Mặc dù, với số lượng cán bộ không nhiều lại kiêm nhiệm nhiều việc, nhưng thực tế căn cứ vào số lượng các hoạt động hội thảo, tập huấn, tuyền truyền nâng cao nhận thức và nhìn vào các tài sản trí tuệ được cấp văn bằng và nhận thức của doanh nghiệp và người dân tăng lên là cơ sở đánh giá đội ngũ cán bộ làm công tác về sở hữu trí tuệ ở Tây Nguyên đã có đổi thay và đáng nghi nhận.

BẢNG 3: Thống kê nhân sự tại Phòng quản lý chuyên ngành tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2016-2018

Tỉnh

2016

2017

2018

Tổng số

Chuyên trách

Tổng số

Chuyên trách

Tổng số

Chuyên trách

Đắk  Lắk

3

0

3

0

3

0

Đắk Nông

3

0

3

0

4

0

Gia Lai

2

0

3

0

2

0

Kon Tum

2

0

2

0

1

0

Lâm Đồng

4

1

3

1

3

1

Nguồn: Báo cáo quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ các tỉnh Tây Nguyên năm 2016, 2017, 2018.

           

Thứ tư, trong công tác xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: thực tiễn cho thấy số vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp còn rất thấp so với thực tế, và hầu hết các vụ việc đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt cảnh cáo, phạt tiền và tịch thu hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu hoặc kiểu dáng.

BẢNG 4: Số vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2016-2018

Tỉnh

2016

2017

2018

Tổng số vụ

Giá trị

(triệu đồng)

Tổng số vụ

Giá trị

(triệu đồng)

Tổng số vụ

Giá trị

(triệu đồng)

Đắk  Lắk

17

395,1

22

437,3

01

-

Đắk Nông

0

0

0

0

0

0

Gia Lai

05

133,5

0

0

01

70,0

Kon Tum

03

33,0

3

33

14

49,250

Lâm Đồng

02

17,0

01

0

05

38,0

Nguồn: Báo cáo quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ các tỉnh Tây Nguyên năm 2016, 2017, 2018

             Việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp (1 vụ về xâm phạm quyền sở hữu về sáng chế tại Đăk Lắk năm 2016, với số tiền phạt 272.587.500 đồng) so với tổng số lượng các vụ xâm phạm quyền bị xử lý bằng biện pháp hành chính. Không có các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nào bị xử lý về hình sự trong giai đoạn 2016-2018.

 BẢNG 5: Số lượt hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về sở hữu công nghiệp tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2016-2018

Tỉnh

2016

2017

2018

Xác lập quyền

Bảo vệ quyền

Xác lập quyền

Bảo vệ quyền

Xác lập quyền

Bảo vệ quyền

Đắc  Lắc

43

43

45

45

45

84

Đắc Nông

-

-

10

10

06

10

Gia Lai

68

0

60

60

210

0

Kon Tum

07

07

07

06

13

12

Lâm Đồng

68

0

50

01

45

01

Nguồn: Báo cáo quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ các tỉnh Tây Nguyên năm 2016, 2017, 2018

            

Thứ năm, các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ địa phương Tây Nguyên

 Việc đưa vào sử dụng thư viện số trực tuyến về sở hữu công nghiệp trên trang web của Cục Sở hữu trí tuệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên viên Sở Khoa học công nghệ tại các địa phương có thể tư vấn chính xác hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh. Các Sở Khoa học công nghệ tại Tây Nguyên cũng đã chủ động phối hợp với Sở Công thương về quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Văn hóa thể thao và du lịch trong việc bảo hộ các tài sản trí tuệ trong các lĩnh vực về giống cây trồng và quyền tác giả.​

Với mục đích hỗ trợ nghiên cứu các đề tài, dự án về sản xuất liên quan đến giống, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ việc xây dựng và rà soát quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu, những năm qua, Sở Khoa học và công nghệ các tỉnh Tây Nguyên đã hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài (Hồ tiêu Chư Sê, Trà B’lao, Rau Đà Lạt) nhằm tránh tình trạng bị các đối tác nước ngoài xâm phạm. Hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các đối tượng sở hữu trí tuệ nhằm xác lập quyền cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh nhưng chưa được đăng ký bảo hộ như: mật nhân Gia Lai, cà phê Gia Lai, bò một nắng Krông Pa, mật ong rừng Gia Lai, gạo Phú Thiện, gạo đỏ Kbang… Đây được xác định là những sản phẩm tiêu biểu, điển hình để xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ, từ đó xây dựng các điểm trình diễn, nhân rộng mô hình.

3.2. Một số bất cập, hạn chế

Mặc dù sự phát triển trong hoạt động quản lý nhà nước đối với sở hữu trí tuệ nói chung và với tài sản trí tuệ nói riêng đã đề cập ở trên còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của Tây Nguyên. Hoạt động quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ còn một số bất cập hạn chế cần khắc phục.

Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp xây dựng và phát triển khai thác phương thức gắn với tài sản trí tuệ còn hạn chế.

Điều này thể hiện ở số lượng đơn đăng ký còn ít so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Một phần nguyên nhân là do nhận thức và quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn chưa cao, còn nhiều doanh nghiệp chỉ tiến hành đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ khi có dấu hiệu bị vi phạm, khi được kiểm tra, nhắc nhở. Kinh phí hỗ trợ nhằm thúc đẩy tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được phổ biến và hướng dẫn, nhưng do kinh phí hỗ trợ còn thấp và thời gian để được cấp văn bằng dài, nên số lượng tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ không nhiều. Đây là một thiệt thòi lớn của các doanh nghiệp và người dân khi tham gia sản xuất, thương mại sản phẩm chưa biết cách tận dụng tối đa các kênh xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trên địa bàn.

Thứ hai, có sự thiên lệch về đối tượng của tài sản trí tuệ được quan tâm và đăng kí

 Số lượng đơn và giấy chứng nhận đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và tập trung ở một số nhóm sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, trà, rượu, dịch vụ ăn uống, du lịch, khách sạn… Việc quản lý, sử dụng và phát triển các tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệu  sau đăng ký bảo hộ của một số mặt hàng đặc thù gặp khó khăn do việc tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, thị trường đầu ra sản phẩm không ổn định, hoạt động sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ chưa đúng quy định, chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu[4]. Khi phân tích về đối tượng của tài sản trí tuệ, dường như có một sự thiên lệch khá lớn. Hầu hết các đơn đăng kí xác lập quyền cũng như văn bằng đều tập trung vào đối tượng tài sản trí tuệ là nhãn hiệu.

Xét về số lượng đơn đăng kí xác lập quyền qua các năm như sau: năm 2016: Gia Lai 80/81; KonTum: 21/21; Đắc Nông: 28/31; Đắk Lăk:175/179; Lâm Đồng: 243/244. Năm 2017: Gia Lai 96/98; Kon Tum: 43/45; Đắc Nông: 39/39; Đắk Lăk:185/189; Lâm Đồng: 271/282. Năm 2018: Gia Lai 100/102; Kon Tum: 34/42; Đắc Nông: 37/41; Đắk Lăk:223/228; Lâm Đồng: 292/299.

Xét về số lượng văn bằng được cấp cũng có sự thiên lệch tương tự: năm 2016: Gia Lai 18/ 19; Kon Tum: 5/5; ĐắcNông: 12/13; Đắk Lăk:67/68; Lâm Đồng: 95/96. Năm 2017: Gia Lai 24/24; Kon Tum: 6/6; Đắc Nông: 7/11; Đắk Lăk:81/82; Lâm Đồng: 115/118. Năm 2018: Gia Lai: 31/34; Kon Tum: 31/31; Đắc Nông: 11/14; Đắk Lăk:38/40; Lâm Đồng: 121/128.

Như vậy, nhìn vào phân tích trên cả 2 góc độ đơn xác lập quyền và văn bản bảo hộ đối với tài sản trí tuệ thì đối tượng mà các địa phương hướng đến chiếm đa số chỉ là nhãn hiệu. Trong khi đó, có thể nói rằng, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên có rất nhiều điều kiện để phát triển các tài sản trí tuệ đa dạng như: (i) có thể khai thác chỉ dẫn địa lý với sản phẩm đặc thù của các tỉnh rất tiềm năng; (ii) phát triển đăng kí sáng chế, giải pháp hữu ích, hay tri thức truyền thống đối với các bài thuốc cổ truyền của đồng bào.  Tây Nguyên, nơi có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú; nơi mà phần lớn nhân dân sinh sống ở đây là người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, họ đã sử dụng các bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh theo cách truyền thống trong cộng đồng… Nghiên cứu mới đây của TS Nguyễn Văn Dư, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã sưu tầm, thống kê được 362 bài thuốc của các dân tộc Ba Na, Cil, Cho Ro, Chu Ru, Dẻ, Ja Rai, K’Ho, Lào, M’Nông, Mạ, Tày. Các nhóm bài thuốc có số lượng cao nhất là nhóm bài thuốc trị bệnh đường ruột (16,02%), nhóm bài thuốc sức khỏe sinh sản của phụ nữ (11,88%), nhóm bài thuốc điều trị bệnh ngoài da và bệnh về đường tiết niệu (8,84%). Trong tổng số 362 bài thuốc thu thập có tới 315 bài thuốc độc vị, 32 bài sử dụng 2 loài cây thuốc, 9 bài sử dụng 3 loài cây thuốc và 6 bài sử dụng từ 4 loài cây thuốc trở lên. Như vậy, nếu biết cách khai  thác, các tỉnh Tây Nguyên sẽ có cơ hội phát triển rất đa dạng các đối tượng tài sản trí tuệ khác nhau khả thi.

Thứ ba, việc sự quan tâm và phát triển tài sản trí tuệ ở các địa phương Tây Nguyên là không cân bằng.

 Việc đăng ký và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp trên địa bàn các địa phương của Tây Nguyên không đồng đều, nguyên nhân quan trọng là do sự chênh lệch về điều kiện kinh tế giữa các địa phương. Lâm Đồng và Đắk Lăk vẫn là hai địa phương tập trung chủ yếu số lượng đơn đăng kí xác lập quyền và văn bằng được cấp hằng năm. Tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Nông là 3 tỉnh còn khiêm tốn hơn cả về số lượng đơn đăng kí lẫn văn bằng được cấp.

Thứ tư, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ người dân tiếp cận khai thác thông tin về sở hữu trí tuệ còn hạn chế

 Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ quá trình đăng ký xác lập quyền còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc xây dựng các công cụ tra cứu thông tin, việc tổ chức khai thác thông tin về sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ năm, công tác tuyên truyền, hướng dẫn

 Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tại các tỉnh Tây Nguyên về cơ bản mới đáp ứng được một phần yêu cầu của thực tế, chưa đáp ứng được thực tế và thách thức trong điều kiện mở rộng liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ sáu, các tình trạng vi phạm vẫn diễn ra nhưng việc xử lý và thực thi còn chưa được thực hiện hiệu quả

Tuy đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp, mặc dù số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn ít và tính chất vụ việc không nghiêm trọng, nhưng thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp, có những sản phẩm được sản xuất ở địa phương khác hoặc ở nước ngoài rồi đưa vào các tỉnh Tây Nguyên theo nhiều đường, bằng nhiều cách để tiêu thụ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, làm nản lòng các nhà đầu tư, gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội. Một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất của hệ thống sở hữu công nghiệp của nước ta hiện nay là chính là hiệu quả của hoạt động thực thi quyền còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp tư pháp. Thực trạng chủ yếu xử lý bằng biện pháp hành chính trên dẫn tới hậu quả là quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền chưa được bảo vệ thỏa đáng, hiệu quả của công tác thực thi quyền còn thấp. Do đó cũng phần nào chưa thúc đẩy các chủ doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức và tập trung phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, địa phương mình.

Mức xử phạt hành chính do các cơ quan thực thi áp dụng hiện nay chưa đủ mạnh để đảm bảo tính nghiêm minh, không đủ sức răn đe, ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Tình trạng tái phạm xảy ra phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh, làm nản lòng các nhà đầu tư và chủ thể quyền, ảnh hướng đến đời sống kinh tế, xã hội tại địa phương. Tuy biện pháp xử phạt hành chính bộc lộ những hạn chế nhất định, nhất là trong các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền mang tính chất phức tạp, nhưng các chủ thể quyền đều có xu hướng chọn biện pháp hành chính khi yêu cầu xử lý xâm phạm, ngại khởi kiện ra tòa án, do thủ tục tại tòa thường phức tạp, kéo dài, tốn kém, chủ thể quyền chưa thực sự tin tưởng vào kinh nghiệm của tòa án trong việc xử lý các tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, biện pháp tư pháp - một biện pháp được coi là bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp một cách hữu hiệu nhất, hầu như không phát huy được tác dụng. Hệ thống tòa án chưa đủ năng lực để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vụ việc phức tạp về sở hữu trí tuệ, kinh nghiệm xét xử cũng như kiến thức chuyên môn về lĩnh vực sở hữu công nghiệp của thẩm phán còn hạn chế.

Khi giải quyết các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền, các cơ quan thực thi tại một số địa phương chưa chủ động, mà còn lệ thuộc vào ý kiến giám định, ý kiến của cơ quan chuyên môn. Điều này khiến cho nhiều vụ việc bị kéo dài thời gian xử lý, chất lượng giải quyết chưa cao (Kon Tum, 3/3 vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của cơ quan Quản lý thị trường năm 2016 cần trưng cầu giám định/xin ý kiến chuyên môn). Chưa có vụ tranh chấp nào được xử lý bằng biện pháp hình sự. Một điểm hạn chế đó là việc phân định ranh giới giữa áp dụng biện pháp hình sự và áp dụng biện pháp hành chính trong các quy định của Việt Nam chưa được xác định rõ ràng[5].

Thứ bảy, về năng lực của chủ thể nhà nước trong thực thi và quản lý tài sản trí tuệ còn hạn chế

Năng lực của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu và yếu (hạ tầng kỹ thuật, kết nối dữ liệu và thông tin); số lượng cán bộ đảm nhiệm công việc về sở hữu trí tuệ còn thiếu so với nhu cầu thực tế, lực lượng chuyên trách về sở hữu trí tuệ còn rất ít và thực tế họ cũng phải triển khai các lĩnh vực khác của phòng chuyên môn. Việc phối hợp giữa các ngành có liên quan để giải quyết vấn đề về sở hữu trí tuệ còn đang lúng túng, dẫn đến còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và hỗ trợ bảo hộ cũng như phối hợp thực thi giải quyết khiếu nại về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ[6].

4. Một số giải pháp

Nhìn một cách tổng thể, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ nói chung tài sản trí tuệ nói riêng ở Tây Nguyên đã có những kết quả nghi nhận và bên cạnh đó, cũng còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều yếu tố khác nhau, cả chủ quan, khách quan. Để thực hiện tốt việc quản lý nhà nước và phát triển tài sản trí tuệ các tỉnh vùng Tây Nguyên, cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp để thu hút sự  quan tâm, tham gia của các chủ thể. Chúng ta có thể cân nhắc các nhóm giải pháp sau đây.

Thứ nhất, về phía các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tại điạ phương. Tăng cường hơn nữa tuyên truyền về tác dụng và hiệu quả của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như vai trò của tài sản trí tuệ đối với cả doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp trong phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nâng cao trình độ nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ thông qua đổi mới và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chuyên nghiệp và chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại Sở Khoa học công nghệ và các cơ quan nhà nước tại địa phương. Tổ chức định kỳ chương trình bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ đầu mối theo hướng chuyên sâu từng bước. Chú trọng công tác đào tạo kiến thức chuyên môn về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt chú trọng cải thiện khả năng tự quyết của các cơ quan thực thi hành chính, giảm thiểu sự lệ thuộc vào ý kiến chuyên môn về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ cơ quan quản lý chuyên ngành thông qua hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ các cơ quan thực thi quyền. Tăng cường năng lực của tòa án trong việc xét xử, giải quyết các tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (tăng cường đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các thẩm phán, xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên trách về sở hữu trí tuệ).

- Việc áp dụng mức xử phạt hành chính phải đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa hành vi tái phạm. Đối với biện pháp dân sự, cần đảm bảo nguyên tắc bồi thường thỏa đáng thiệt hại cho chủ thể quyền; bổ sung các quy định pháp luật nhằm hướng dẫn việc định giá tài sản trí tuệ, cách xác định mức bồi thường thiệt hại trong các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp làm cơ cở pháp lý cho việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền;

- Để phát triển bền vững, nhà nước cần tạo và nhân rộng mô hình vườn ươm công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực  Tây Nguyên để giúp các doanh nghiệp, người dân có một không gian khởi nghiệp sáng tạo và sẽ là tiền đề để tạo ra các tài sản trí tuệ trên cơ sở khai thác các giá trị, tiềm năng của địa phương trong hội nhập và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, qua cách thức như vậy, sẽ tạo sự  cân bằng giữa các địa phương, giữa các đối tượng quyền tài  sản trí tuệ, tránh hiện tượng thiên lệch trong phát triển như hiện nay giữa các tỉnh và giữa các đối tượng của tài sản trí tuệ.

- Cần ban hành và hoàn thiện chương trình chiến lược phát triển tài sản trí tuệ địa phương một cách bài bản, có nghiên cứu một cách khoa học và phù hợp, khả thi. Cần xem xét các thể mạnh của  địa phương một cách tổng thể và cụ thể từng địa phương để đưa ra chương trình, chiến lược của từng tỉnh để đảm bảo khai thác tối đa các thể mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương các tỉnh Tây Nguyên. Ví dụ, cần có chương trình chú trọng đến bảo tồn và phát triển các tài sản trí tuệ từ dạng các bài thuốc cổ truyền thành chỉ dẫn địa lý, sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu... hay các nhãn hiệu tập thể, tri thức truyền thống đối với văn hóa bản địa, cồng  chiêng, các sản vật như cà phê, hồ tiêu... các giống cây trồng mới qua việc bảo tồn và nghiên cứu các nguồn gien động thực vật…

Thứ hai, đối với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội

- Cần tạo ra các cơ chế để khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên. Ưu tiên và có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đặc biệt vào các lĩnh vực khai thác dựa trên sự phát triển bền vững và gắn với tài sản trí tuệ địa phương. Chính sách thu hút đầu tư trên cần tổng thể với các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thủ tục hành chính thông thoáng, ưu đãi vốn, đất đai,..cho doanh nghiệp trước tiên tại bản địa, và sau đó là lựa chọn các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư tạo cú hích cho phát triển các ngành nghề thế mạnh của Tây Nguyên.

- Doanh nghiệp cần có đồng tư bài bản và chú trọng đến việc nghiên cứu  triển khai, phát triển sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với  các sản phẩm uy tín, tin cậy. Trong quá trình xây dựng và phát triển cần gắn với khai  thác tối đa các giá trị của địa phương về tri thức truyền thống, nguồn nguyên liệu đặc thù, giá trị văn hóa truyền thống, các đặc sản bản địa... Định hướng và chủ động trong việc khai thác các phương thức khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển doanh nghiệp để đảm bảo sự phát triển nhanh đồng thời bền vững dài lâu.

- Người dân cần trang  bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tay nghề, thông tin để chủ động nắm bắt các cơ hội trong việc tận dụng các chính sách của nhà nước, của địa phương phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm gắn với tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu và nâng cao ý thức bảo hộ các tài sản trí tuệ trong quá trình sản xuất kinh doanh một cách chủ động, sáng tạo. Bên cạnh đó, cần nhận thức gắn sản phẩm với đầu ra của sản xuất, nên khi lập kế hoạch xây dựng khởi nghiệp cần chú trọng đến khâu đầu ra sản phẩm bền vững ngoài các khâu quan trọng khác của quá trình sản xuất.

- Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội sản xuất cần phát huy tinh thần chủ động và chú trọng định hướng thị trường, tạo thành các tổ chuyên môn kết nối các cá nhân sản xuất kinh doanh các sản phẩm gắn với tài sản trí tuệ với đầu ra của sản phẩm. Cần nâng cao nhận thức cho các hội viên trong việc ý thức về hợp tác phát triển theo mô hình chuỗi giá trị gắn với thị trường. Các tỉnh cần có chính sách khuyến khích hình thành các tổ hội theo lĩnh vực sản phẩm, ngành nghề để khai thác tối đa sức mạnh và trí tuệ  cộng đồng trong sản xuất và phát triển sản phẩm gắn với tài sản trí tuệ. Triển khai nhân rộng các mô hình hiệp hội nghề nghiệp sản phẩm như hồ tiêu Chư Sê, Cà phê Buôn Ma Thuột... Ngoài ra, đối với các tổ chức xã hội, hội quần chúng không chính thức cần tham gia tích cực vào việc tuyên truyền về các định hướng, chính sách phát triển tài sản trí tuệ, gắn sản xuất sản phẩm địa phương, hỗ trợ các thành viên và gia đình họ có nhận thức thức thời và nắm bắt thông tin, cơ hội và khời nghiệp sáng tạo khi phù hợp giúp phát triển kinh tế gia đình và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Kết luận

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới hiện nay, tài sản trí tuệ đã và đang trở thành một tài sản hiện hữu và có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của bất cứ doanh nghiệp, quốc gia nào muốn tồn tại, vươn lên phát triển nhanh, bền vững. Một nhân tố quan trọng để định hướng chiến lược, tạo ra một cơ chế thuận lợi và khuyến khích sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ  đem lại thành công cho doanh nghiệp và người dân đó chính là hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí  tuệ nói chung và tài sản trí tuệ nói riêng. Qua nghiên cứu phân tích thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ cá tỉnh Tây Nguyên cho thấy trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều tín hiệu tích cực đã thể hiện, nhận thức và hành động của các địa phương đã cụ thể,  thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được triển khai cơ bản. Song bên cạnh đó, so sánh với tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên với nhiều giá trị bản địa đặc thù gắn với tri thức truyền thống đa dạng và nhiều sức hấp dẫn thì hoạt động này còn chưa thực sự có  hiệu quả tương xứng. Các giải pháp được đưa ra trên cơ sở xem xét các khía cạnh khác nhau trong cả hai phía chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Hy vọng, với việc thực hiện tổng thể các phương án khác nhau cho cả hai  phía chủ thể trong hoạt động quản lý tài sản trí tuệ này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt, hiệu  quả, bền vững sự phát triển tài sản trí  tuệ địa vùng Tây Nguyên. Từ đó, là tiền đề đưa Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững và xứng tầm với những tiềm năng của vùng đất và người gắn với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc nơi đây.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Khoa học và công nghệ (2017), “Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ”.

2. Báo cáo Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2016, 2017, 2018 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

3. Báo cáo Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2016, 2017, 2018 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

4. Báo cáo Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2016, 2017, 2018 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

5. Báo cáo Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2016, 2017, 2018 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

6. Báo cáo Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2016, 2017, 2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

7. Jeanne Holden (2012), Cách tiếp cận của Hoa Kỳ: nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian,

8. Đảng cộng sản Việt nam (2016), Văn kiện đại hội lần thứ XII Đảng cộng sản Việt nam lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia.

9. Phạm Văn Hóa (2015), Sử thi Tây Nguyên và văn hoá ẩm thực, https://mientrung.vanhien.vn/su-thi-tay-nguyen-va-van-hoa-thuc.html

10. Mạc Đường (chủ biên) (1986), Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng, Nxb Sở Văn hóa thông tin Lâm Đồng.

11. Vũ Trường Giang (2010), Bảo tồn tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học, số 111, tháng 3 (tr 28-30)

12. Vũ Tuấn Hưng (2017), Bảo tồn và phát triển thi thức bản địa các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên trong hội nhập quốc tế, Tạp chí Khoa học xã hội, số 1, 1/2017.

 


[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Intellectual_property

[2] Các hình thức gồm hội thảo, hội nghị, tọa đàm, cuộc thi và  tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ thực thi, cán bộ quản lý của các Sở, ban, ngành; Thực hiện nhiều biện pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo (công nhận, phổ biến và áp dụng các sáng kiến, tổ chức các cuộc thi, triển lãm về kết quả sáng tạo, khen thưởng, vinh danh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động sáng tạo); Biên soạn, phát hành các tài liệu, Sổ tay hướng dẫn về thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; Tuyên truyền về sở hữu trí tuệ  qua các chương trình Phát thanh, truyền hình của địa phương; Cập nhật thông tin lên website và các bản tin (tập san) thông tin khoa học và công nghệ của Sở Khoa học công nghệ địa phương.

[3] Các hoạt động hỗ trợ gồm: - Tổ chức các Hội thi sáng tạo kỹ thuật; Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh; Tổ chức xét công nhận sáng kiến cho cán bộ công chức viên chức các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước; Hỗ trợ tra cứu thông tin về giải pháp kỹ thuật liên quan, hướng dẫn các nhà sáng tạo “không chuyên” làm đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Hỗ trợ kinh phí nộp đơn đăng ký xác lập quyền; Hỗ trợ tác giả tham gia các hội chợ triển lãm công nghệ giới thiệu sản phẩm để tìm đầu ra cho sản phẩm hoặc tìm đối tác kinh doanh….

[4] Gia Lai 2017

[5] Thực tế, có những vụ xâm phạm quyền ở mức độ rất nghiêm trọng, giá trị hàng hóa xâm phạm lên tới trên 500 triệu đồng, ảnh hướng xấu đến trật tự xã hội, môi trường kinh doanh, nhưng vẫn xử phạt hành chính , trong khi đó, đối với biện pháp hình sự, giá trị hàng hóa vi phạm chỉ từ 50 triệu đồng cũng có thể bị xử lý về hình sự

[6] Báo cáo hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2018 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 3 năm 2020

In trang Chia sẻ

Tin khác